Johann Wolfgang Goethe (Gớt) được coi là một “người Đức vĩ đại nhất”. Ở Việt Nam thường biết ông là đại thi hào, nhưng con người chính trị, khoa học của ông ít người nói tới, nhất là phẩm chất ghét xa hoa, lãng phí, tham nhũng khi ông làm Bộ trưởng Tài chính.
1.Johann Wolfgang Goethe sinh ngày 28/8/1749 ở Frankfurt, mất ở Weimar ngày 22/3/1832. Năm 1768, sau khi tốt nghiệp khoa Luật ở Đại học Leipzig, Goethe hành nghề ở quê hương. Theo lời mời của Carl August - ông Hoàng xứ Weimar, năm 1775 Goethe từ Frankfurt về Weimar sống và làm cố vấn cho Carl August.
Khi ông tới Waimar, công quốc ngày còn nghèo. Ở nông thôn, nhiều nơi nhà còn lợp rơm rạ, đời sống người dân rất cực khổ. Trong khi đó quan chức của vương triều Waimar đua nhau lao vào cuộc sống hưởng thụ. Thợ thủ công, những người săn bắn, những đội vũ công, võ sĩ, những kẻ đấu gươm và các loại tôi tớ khác, hầu như suốt năm chỉ lo phục vụ cho cuộc sống của đám quan lại vương triều.
Nhưng những ngày đầu tới Waimar, Goethe cảm thấy hạnh phúc vì thoát được cảnh tù túng ở Frankfurt, Goethe muốn biến Carl August thành “ông hoàng mẫu mực”, một ông vua biết sống vì dân. Với tinh thần bầu bạn, anh em thân thiết, Goethe tìm cách “dắt” ông Hoàng Waimar đi theo định hướng của mình, cải cách kiểu trị vì lạc hậu ở công quốc này. Goethe đã được Carl August cho tham gia vào nhiều công việc quan trọng. Trong bức thư đề ngày 22/1/1776, Goethe viết cho Mecoz, một người bạn gái thân thiết ở Frankfurt: “Giờ đây tôi hoàn toàn ngập đầu trong công việc chính trị của công quốc và khó lòng thoát ra được nữa. Địa vị của tôi hiện nay rất thuận lợi. Công quốc Waimar thực sự trở thành đấu trường để tôi thử sức”.
2.Người ta kể lại rằng, suốt những năm làm quan ở Weimar, Goethe đã trải qua rất nhiều công việc. Khu mỏ có tên là Inmenaoz hầu như không hoạt động, đến khi Goethe có chân trong Nghị viện Waimar, được giao nhiệm vụ giám sát mỏ thì khu mỏ hoạt động sôi nổi và trở thành khu kinh tế thịnh vượng. Có thời gian Goethe được bổ nhiệm làm thanh tra các xưởng len, may mặc, ông đã vạch ra những trò gian dối, lãng phí ở lĩnh vực này.
Hồi mới vào làm ở Nghị viện Waimar người ta chỉ nghĩ ông như là một diễn giả, người làm thơ, không biết gì đến chuyện quản lý, nhưng khi được giao mấy việc ông đều làm tốt, nên sau đó được thăng chức Bộ trưởng Tài chính của công quốc Waimar. Khi giữ chức này ông đã có những cuộc kiểm tra tài chính trong chi tiêu công và thiết lập lại mức lương, thưởng cho quan chức dưới quyền cho công bằng. Bạn bè của Goethe, rất thán phục ông, một nhà thơ, người thích tự do, nay lại ngồi dưới núi giấy tờ của một ông quan đầu ngành, nắm ngân khố của công quốc mà làm vẫn tốt. Những người dưới quyền rất lo sợ mỗi khi Goethe đi kiểm tra một vấn đề gì đó.
Có câu chuyện ghi lại: Một hôm Goethe đi vi hành, ông mặc áo bông, đội mũ lông trùm kín, chỉ còn hở hai mắt, tới quán có tên Gold Crown (Vương miện vàng) ở vùng ngoại ô Waimar.
Người chủ quán đón khách nhiệt tình và nói, “đồ ăn còn, nhưng phòng ngủ thì hết”, vì các quan khách ở Waimar đến họp đông quá. Họ họp để đưa ra những quyết định, thống nhất các quyền lợi khác nhau, sau đó liên hoan. Goethe nói, đi đường dài, mệt rồi, cần chỗ nghỉ, mong chủ quán xếp cho chỗ nào cũng được. Người chủ quán sau một hồi lưỡng lự, gật đầu đồng ý và ngăn phòng tiệc, dành một chỗ để người khách này ngủ tạm và bản thân chủ quán cũng nghỉ ở nơi vừa ngăn đó bằng mấy tấm gỗ đơn sơ.
Goethe nằm không ngủ được vì tiếng reo hò, cười đùa, chúc rượu nhau. Ông ghé mắt nhìn phòng tiệc qua một lỗ hở, thấy ngồi ghế đầu là quan Trưởng nghị viện, rồi nghị viên, rồi thư ký, hộ vệ... Cảnh rượu chè, chén tạc chén thù, bia rượu tràn trề, hầu bàn tíu tít chạy...
Thế rồi câu chuyện Goethe giả lữ khách vi hành kiểm tra các quan chức ăn chơi, lộ ra, từ đó những quan chức hay đi chè chén rất dè chừng chỉ sợ đụng phải Goethe. Trong một số truyện, kịch ông có viết tới những cảnh ăn chơi của quan chức đương thời và coi đó là xã hội thu nhỏ của công cuốc Waimar. Ông luôn đặt câu hỏi, sao quan chức lãng phí, tiền lấy ở đâu? Phải chăng họ lấy từ công quỹ, làm sao ngăn chặn được?
Goethe thương những người nông dân Waimar, khi thấy họ vẫn còn nghèo khó, nhọc nhằn. Trong bức thư ghi ngày 4/12/1777 gửi cho Saloter, bạn gái của ông, với những dòng: “Anh thấy yêu mến làm sao những người bị coi là thấp hèn, nhưng có lẽ với Thượng đế họ là những người cao cả nhất. Ở họ quy tụ mọi phẩm chất - nghèo khó nhưng thanh đạm, ngay thẳng, thủy chung, vui với mọi điều thiện giản dị nhất”.
Anh chàng hầu cận của Goethe tên là Philip Zaidence, theo ông từ Frankfurt được ông coi như người bạn, bình đẳng với người đầy tớ của mình, luôn bàn bạc với ông những điều lớn nhỏ, như tình hình làm ăn, sinh sống của dân vùng Kuocer. Có những lúc ông tranh luận với người hầu cận mình cả những vấn đề trọng đại như: Liệu nhân dân có hạnh phúc hơn không, nếu như họ được tự do, và không chịu theo lời phán quyết của một ông hoàng nào.
Thời gian này Goethe thỉnh thoảng mới tới lâu đài của Carl Agust. Goethe đã nhận thấy sự nan giải giữa xung đột ngoài xã hội với sự thỏa hiệp mà mình phải tuân theo. Goethe vẫn phải chứng kiến những cảnh khốn cùng diễn ra hàng ngày - đoàn săn của ông hoàng cứ xéo nát những thửa rộng của dân. Goethe nhìn những vị thượng thư trong triều không phải với con mắt thù địch cá nhân mà thấy họ bị tù túng, bám chặt lấy chế độ phong kiến. Còn nhân dân những con người chất phác, tốt bụng, cần cù thì bị kìm hãm trong dốt nát.
Ở giai đoạn này chưa có một lực lượng chính trị nào có đủ sức mạnh để đương đầu với giai cấp thống trị, cho dù giai cấp ấy đã suy đồi một cách thảm hại.
Trong một vài tác phẩm Goethe viết trong giai đoạn đó đều toát lên ý: Mỗi người phải kiên trì đi trên con đường mình đã mở ra, không bị quyền uy dọa ngã, không bị quan điểm đương thời khống chế, cũng không bị thời thượng cám dỗ.
3.Mơ ước của Goethe đến Waimar là để cải tạo xã hội, ông đã thành công trong một số cải cách nhằm hoàn thiện nền hành chính của công quốc này. Nhưng ông đành bỏ lại một số dự định táo bạo như việc phân chia lại tài sản, cải thiện đời sống nông dân, người lao động nghèo, qua việc giảm nhẹ thuế. Nói chuyện với những người công nhân khi đi thăm cơ sở sản xuất của họ, hoặc với những người nông dân hay đến nhà ông, ông vẫn thường nói ra những mong muốn dự định ấy. Nhưng những gì Goethe làm được cho họ còn rất ít ỏi. Càng ngày ông càng cảm thấy bất lực trước những gì ông có thể thay đổi được ông Hoàng sứ Waimar và bộ máy này. Trên cương vị của mình lúc đó, Goethe không đủ khả năng để liên kết nông dân với công nhân. Hoàn cảnh Đức lúc đó chưa chín muồi để một cuộc cách mạng xã hội có thể nổ ra. Và cái bi kịch của Goethe lúc này là, khát khao đổi thay xã hội nhưng không đủ sức nên đã trở thành bi kịch lớn trong ông và Goethe sống trầm tư, trở thành người lập dị. Nhất là từ khi Carl August tỏ ra thèm khát các cuộc chiến tranh, thành lập một liên minh các tiểu vương quốc dưới trướng của đế quốc Phổ để đi chinh phạt công quốc khác.
Goethe thấy mình không thể cam chịu phục vụ một cách mù quáng cho quyền lợi của chế độ phong kiến này, ông xin nghỉ phép và du ngoạn, trở về với thiên nhiên rồi sang Ý để tìm cuộc sống khác. Ngày 3/9/1786, lúc 3 giờ sáng, Goethe lặng lẽ ra đi chỉ khoác chiếc áo măngtô, và một vuông vải bạt để gặp đâu ngủ đó.
Trong thời gian ở Ý, ông đã hoàn thành một số tác phẩm, trong đó có vở kịch Ecmon-vở kịch Goethe có ý định viết từ khi bắt đầu đến Waimar. Nhân vật chính là Ecmom, gắn bó với quần chúng, đứng lên đấu tranh cho quyền sống của nông dân, chống lại các thế lực hoàng đế, quý tộc vương triều. Nhưng dẫu sao, Ý cũng chỉ là đất khách, quê người. Ý chỉ là nơi làm trỗi dậy những ước mơ xưa và mở ra những chân trời mới. Và ông lại trở về Waimar ngày 18/6/1788.
Carl August không muốn công quốc của mình mất đi một văn hào nổi tiếng nên vẫn để Goethe trong Nghị viện, nhưng không làm Bộ trưởng Tài chính nữa mà phụ trách Nhà hát kịch, Viện Hàn lâm hội họa Waimar và Trường Đại học Giema.
Carl August, bạn ông, ông Hoàng sứ Waimar, mất năm 1828, vợ ông ta là Luise mất năm 1830. Còn Goethe vẫn khỏe mạnh, vui vẻ dù bước sang tuổi 81. Ông vui, vì lúc này hoàn thành tác phẩm để đời Faust. Phần thứ nhất được ông viết vào những năm 1806, công bố vào năm 1808. Phần thứ hai được viết từ giữa những năm 1820 trở đi và kết thúc vào năm 1831, và ông yêu cầu chỉ được công bố sau khi ông mất.
Lời nói đầu của tác phẩm, được xuất bản lần đầu tiên năm 1816, có đoạn: “Faust là một cuốn sách giáo khoa toàn diện. Nếu một người trẻ tuổi mới vào đời và muốn lưu ý anh ta đến những khó khăn, thác ghềnh phải vượt qua thì chúng ta chỉ cần đưa cho anh cuốn Faust và nói: anh bạn hãy đọc đi và suy ngẫm!”
Faust được coi như là một trong ba thành tựu tiêu biểu nhất của nền văn hóa cổ điển Đức. Tác phẩm có giá trị vĩnh cửu và thời sự bởi triết lý hành động của nó - thôi thúc và nhắc nhở con người không ngừng ước mơ, không ngừng hành động, không né tránh sai lầm mà đứng lên từ sai lầm. Chỉ có vậy mới nên sự nghiệp.