Khi chừng hai, ba tuổi, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu đã được người cha là CĐV của Đội bóng Thể Công công kênh trên vai đi xem tất cả các trận đấu của Thể Công ở sân Hàng Đẫy. Từ tình yêu bóng đá thời thơ bé ấy, chị chia sẻ, cực kỳ dị ứng với việc các CĐV (chủ yếu là trên mạng xã hội) lên tiếng chê bai các cầu thủ khi họ mắc lỗi.
PV: Bóng đá đã mang lại cho chị những gì?
Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu: Cảm xúc. Chỉ có cảm xúc là vĩnh viễn. Những cung bậc của cảm xúc mà không có gì thay thế được. Bởi từng giây phút đã có, đã đến ở một trận cầu không bao giờ giống nhau, không bao giờ lặp lại cho dù nó vẫn chỉ là niềm vui, nỗi buồn, sự hồi hộp, nuối tiếc, niềm sung sướng và bực bội, nụ cười và cả nước mắt… Trái bóng lăn trên sân cỏ cũng như là cuộc đời đang trôi vậy…
Đã từng viết nhiều bài báo bình luận về bóng đá, chị có thể chia sẻ về điều này?
- Tôi viết nhiều về bóng đá, giữ mục riêng cho Thể thao & Văn hóa và nhiều báo khác trong nhiều kỳ World Cup, Euro, nhưng vì không phải chuyên gia, cũng không phải là nhà báo thể thao nên tôi không đề cập chuyện chuyên môn. Tôi chỉ nhìn bóng đá dưới con mắt của một phụ nữ, một nhà thơ và một người hâm mộ. Tôi quy chiếu bóng đá, những cầu thủ, những trận đấu ở một khía cạnh khác, đời thường và thi ca, để gửi gắm những điều khác của cuộc đời, của những vấn đề thời sự đất nước và thế giới…
Với Đội Tuyển thân yêu của mình, chị luôn theo sát các em với tinh thần cổ vũ nhiệt thành? Làm thế nào khi đang rất bận rộn với vai trò lãnh đạo một tờ báo quan trọng như Vietnam Plus, chị vẫn đi được đến sân bóng để cổ vũ Đội Tuyển?
- Về vụ này thì quả thật là tôi được ưu ái, từ gia đình đến các sếp và các đồng nghiệp. Mỗi khi có trận đấu của tuyển Việt Nam, tôi đều được họ cho quota để đi cổ vũ và vì thế là mình cứ lên đường thôi. Tôi đến không phải chỉ để cổ vũ, chỉ mong có chiến thắng, đôi khi, biết bại (vì thực lực, vì nhiều lý do mà khả năng thắng chỉ là 1-2%) tôi vẫn lặn lội đến cổ vũ, vì tôi muốn bên các bạn ấy, cả khi chiến thắng, lẫn chiến bại. Tôi đã được hưởng những niềm vui vô bờ bến thì tôi cũng cần phải đưa bàn tay mình nắm lấy tay các bạn ý san sẻ nỗi buồn khi thất bại… Giải U23 ở Thường Châu, tôi cứ bay đi bay về, vì không thể ở lại dù chỉ 2 ngày, công việc cuối năm quá nhiều. Khi chưa có chuyến bay Chater, tôi cùng một số fan transit qua đêm ở sân bay Thâm Quyến, rồi đến sân bóng từ sớm, tìm mua vé chợ đen (hì). Đêm ấy U23 chiến thắng, niềm vui như tan đi hết tất cả nỗi mệt nhọc. Rồi bay về Quảng Châu, đợi 5-6 tiếng để về Hà Nội kịp giờ làm, trong thời gian đó đã xem vé để quay lại trận chung kết. May mắn là chung kết có chuyến bay riêng thẳng Hà Nội - Thường Châu cho đoàn cổ vũ do VietnamAirlines và Vietravel tổ chức, chúng tôi đã lên máy bay lúc 8h sáng, 19 giờ cổ vũ dưới trời mưa tuyết mù mịt trắng… và trở về vào quá nửa đêm đến Hà Nội là 5 giờ sáng và đi thẳng đi làm. Trận đó, U23 thất bại, giữa trời tuyết trắng tơi tả, những chiến binh sao vàng quả cảm đã thắp lên ngọn lửa đỏ của tình yêu Tổ quốc trong tim bao người Việt Nam trên sân cũng như ở quê nhà.
Nếu một cầu thủ không may phạm lỗi, chị vẫn không vì thế mà giảm đi tình yêu thương ấm áp và thấu hiểu?
- Tôi từng tự nhận ở là người yêu bóng đá Việt Nam kỳ dị. Tôi theo dõi từng trận cầu, từng lứa cầu thủ… Tôi coi họ như anh, như bạn, như em, như cháu, như con… Tôi đau mỗi khi họ bị phạm lỗi, chấn thương, tôi vui buồn với cả những chuyện cỏn con của họ ở cuộc đời thường nhật. Nhưng tất cả đều khá lặng lẽ. Tôi không thích phô trương mình quen danh thủ này, ngôi sao kia… Có đến với họ, tôi cũng chọn một cách ít người biết nhất. Và thường là tôi thân lứa cầu thủ đã giải nghệ (hoặc ít nhất là mọi người đều thấy như vậy).
Thẳng thắn đưa ra những vấn đề tồn đọng làm giảm sút khả năng chiến đấu của các cầu thủ cũng là cách chị lựa chọn để bảo vệ tinh thần cầu thủ của mình?
- Về khoản này tôi như một con gà mái xù lông khá dữ tợn. Nhân U22 đang đá SEA Games 30, thú thật là tôi hoàn toàn không muốn các ngôi sao của chúng ta phải cày ải 2 ngày một trận đấu dưới cái nóng toàn trên 30 độ C và trên mặt sân cỏ nhân tạo cứng ngoắc - thứ sân cỏ của một sân chơi nghiệp dư. Chúng ta hiện tại đang có một lứa cầu thủ rất tiềm năng, có tố chất bẩm sinh, được đào tạo bài bản… Chúng ta cần trân trọng những tài năng đó, cần chắt chiu đặt họ ở những sân chơi xứng tầm, chứ không nên vắt kiệt họ ở tất cả các giải đấu, nhất là những giải đấu như ở SEA Games 30. Tấm huy chương Vàng mong mỏi 60 năm còn là một nỗi niềm canh cánh, nhưng thời thế đã thay đổi. Tôi hình dung: những giải đấu trước là cuộc thi của mầm non, chúng ta kém so với các bạn mầm non khác nên không được giải Nhất. Giờ thì chúng ta đã thi đấu cấp tiểu học và thậm chí cao hơn. Ngang ngửa rồi... Nếu vì tranh đua tầm đó, mà bị chấn thương, lỡ hẹn với giải đấu lớn hơn sắp tới thì có phải là lợi bất cập hại không?
Theo chị, làm thế nào để cổ vũ cầu thủ khi trên sân và sau khi đã rời sân đúng với tinh thần tích cực của thể thao?
- Phải Vô địch, phải chiến thắng ư? Tôi rất ghét cụm từ này. Chả có gì mà PHẢI. Vô địch thì quá tốt, mà không Vô địch thì cũng vẫn tốt như thường. Tôi cực kỳ dị ứng với việc các CĐV (chủ yếu là trên mạng xã hội) lên tiếng chê bai các cầu thủ khi họ mắc lỗi. Tôi rất phục ông Park, khi mà ông nhận định rằng người hâm mộ Việt Nam chỉ yêu thứ bóng đá chiến thắng. Mà họ thường là vừa mới đây đã không tiếc lời tung hô tụng ca, rồi có thể chỉ trích, trách cứ, thậm chí chửi rủa. Đừng có tạo cho cầu thủ áp lực, đừng vì sự sung sướng hiếu thắng của đám đông mà đè lên vai những đứa trẻ trách nhiệm quá nặng nề. Hãy để chúng đá như đang đá, đá khiến người xem yêu bóng đá, yêu cầu thủ... như vậy là đã đủ cơ sở niềm tin cho tương lai.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!