Nhà thờ gỗ nằm trên đường Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Công trình được làm hoàn toàn bằng gỗ cà chít (sến đỏ), theo phong cách Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na, được hoàn thành năm 1918.
Nhà thờ Chính tòa Kon Tum hay còn gọi là nhà thờ gỗ do một vị linh mục người Pháp thiết kế và khởi xướng, được xây dựng vào năm 1913, đến năm 1918 hoàn thành và tồn tại đến ngày nay. Giai đoạn 1994 - 1996, công trình được tu sửa nối thêm 2 hành lang 2 bên hiên. Tới năm 2013, nhân kỷ niệm 100 tuổi, nhà thờ được sơn sửa lại một chút bên ngoài.
Nét độc đáo nhất ở nhà thờ này chính là kiến trúc được thiết kế rất ấn tượng với sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc kiểu Roman của châu Âu và nhà sàn gỗ của người Ba Na ở Kon Tum. Chính sự giao thoa đặc biệt này đã tạo nên nét đẹp riêng có và duy nhất, không có một sự trùng lặp ở bất cứ nơi nào khác.
Nói tới kiến trúc của người Ba Na, không thể không nhắc tới giáo phận Kon Tum đặc biệt nhất vùng Tây Nguyên bởi giáo dân toàn người dân tộc. Ở đây có gần 12.000 giáo dân, sinh sống tại 10 làng, chủ yếu là người Ba Na. Hầu hết, bà con làm ruộng, nương rẫy.
Bên cạnh kiến trúc thì vật liệu xây dựng nên nhà thờ gỗ Kon Tum cũng rất đặc biệt. Không phải được làm bằng bê tông cốt thép, gạch, đá hay chất liệu gỗ thông thường mà nhà thờ được làm từ gỗ cà chít (sến đỏ), một loại gỗ đặc trưng ở Tây Nguyên. Qua bàn tay khéo léo và tài tình của các nghệ nhân đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... các hạng mục của công trình này được kết nối với nhau bằng mộng và không hề sử dụng bất kỳ một chiếc đinh nào. Nhà thờ gỗ ở Kon Tum được ví là một kiệt tác kiến trúc phong cách Basilica duy nhất còn lại trên thế giới.
Tham quan nhà thờ gỗ, nhiều kiến trúc sư đều khẳng định tính bền vững của kiến trúc và nể phục sự tài hoa của nghệ nhân trong việc thi công công trình này. Đặc biệt là sự pha trộn tôn vinh lẫn nhau của hai nét văn hóa kiến trúc vốn khác biệt làm nên một công trình có tính thẩm mỹ cao.
Với diện tích 700 m2, bố cục của nhà thờ rất hài hòa với các hạng mục là giáo đường, nhà trưng bày, nhà tiếp khách, nhà rông, cơ sở mộc, cơ sở may, dệt thổ cẩm, cô nhi viện. Khu hoa viên của nhà thờ có bức tượng Đức Mẹ hai tay nâng bế Chúa Hài Đồng được làm từ một thân gỗ nguyên sơ, tạc theo phong cách mộc mạc của các dân tộc Tây Nguyên. Ngoài ra, thánh giá và các tượng trang trí bên ngoài lẫn bên trong nhà thờ như các con chiên, tượng thánh được làm bằng gốc rễ cây rừng càng làm không gian mang đậm màu sắc Tây Nguyên.
Ở mặt chính của nhà thờ gỗ Kon Tum được chia thành 4 tầng với chiều cao 24 mét, càng lên cao càng nhọn. Tầng 2 của nhà thờ có các ô cửa sổ hình tròn được lắp kính tạo nên vẻ ngoài rất bắt mắt. Trên đỉnh là một cây thánh giá bằng gỗ, vốn là một biểu tượng đặc trưng của các nhà thờ.
Ngoài kiểu cách trang trí như các nhà thờ Thiên Chúa giáo khác, ở đây còn trang trí những đồ vật do người dân tộc ít người làm như những dây sôl, lòng treo... mang nhiều màu sắc rực rỡ. Các tấm màn và khăn trải bàn là những tấm vải thổ cẩm được dệt bởi những tín đồ người dân tộc. Có thể nói, đây là một điểm đột phá trong kiến trúc của nhà thờ. Để tạo ra một khung cảnh phù hợp với đời sống văn hóa của các dân tộc ít người, bên cạnh nhà thờ còn xây dựng một ngôi nhà rông và cây nêu rất lớn để bà con đến đây sinh hoạt vào những dịp lễ lớn của đạo Thiên Chúa.
Phía sau nhà thờ là một dãy nhà để nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi người dân tộc thiểu số, do các sơ trong nhà thờ thành lập. Cung thánh nhà thờ được trang trí hoa văn của các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, tạo ấn tượng trang nghiêm huyền bí, song cũng rất gần gũi. Thánh đường còn có rất nhiều khung cửa kính màu, vẽ các điển tích trong Kinh thánh, các khung cửa này vừa có tác dụng lấy ánh sáng vừa tạo thêm vẻ tráng lệ cho giáo đường.
Vào bên trong giáo đường, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một không gian rộng và thoáng có vòm cao và những hàng cột được kết với nhau bằng các vòng cung. Trên các cột gỗ là những biểu tượng, họa tiết độc đáo mang đậm nét văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc ở Kon Tum và vùng đất Tây Nguyên nắng gió.
Nhà thờ gỗ là công trình mang tính biểu tượng của tỉnh Kon Tum, là niềm tự hào không chỉ với người dân Công giáo nơi đây. Ghé thăm nhà thờ gỗ Kon Tum mỗi mùa người ta sẽ được cảm nhận vẻ đẹp của công trình kiến trúc này ở một sắc thái khác nhau. Nếu đến vào mùa khô, nhà thờ mang dáng vẻ mạnh mẽ, trầm mặc đầy lãng mạn với những tầng cây thay lá, còn nếu đến thăm vào mùa Giáng sinh, du khách sẽ được đắm chìm trong không khí tươi vui, rạng rỡ và đặc biệt là ngắm nhìn dáng vẻ lộng lẫy, nhiều màu sắc của nhà thờ.