Nhà thơ Lữ Mai (sinh năm 1988 tại Thanh Hóa) là tác giả của những tập thơ “Giấc” (2010), “Mở mắt rồi mơ” (2015), Thời cách ngăn trống rỗng” (2019) – đều in ở NXB Hội Nhà văn; tập tản văn “Hà Nội không vội được đâu” (2014, 2019) và truyện ngắn “Linh hồ” 2019 - NXB Văn học. Mới đây, Lữ Mai lên tàu KN 490, đến với Trường Sa và chúng tôi trò chuyện cùng chị khi đang lênh đênh giữa biển xa và ngoài hải đảo.
Nhà thơ Lữ Mai.
Đọc thơ Mai từ khi là cô sinh viên Trường Viết văn Nguyễn Du, cho đến hơn 10 năm sau, thì dường như bút pháp vẫn giữ độ trong và ngây thơ như thế?
- Cảm ơn chị vì lời nhận xét này gợi nhớ cho tôi nhiều kỷ niệm với thơ ca từ tập thơ đầu tay mang tên “Giấc”. Khi viết lời tựa cho tập thơ này của tôi, nhà phê bình Chu Văn Sơn cũng nói về độ trong của chữ nghĩa, của hình ảnh mùi hương những cánh hoa cho tới những giấc mơ chồng chất trong thơ tôi. Bản thân tôi là người viết, tôi thấy có những điều mình giữ được, cũng có sự đổi thay. Ví như ở tập thơ đầu tay tôi viết về nỗi cô đơn: “Em chỉ là hạt mầm cô đơn/ Khóc trước sự thành tâm của cỏ”. Sau này, tôi viết: “Có những buổi bình minh cô đơn/ Khiến ta bỗng lòa đi vì ánh sáng/ Mọi lối mòn bắt đầu thanh tẩy/ Để lại đôi dòng của úa râm ran”. Có thể, độ trong vẫn còn nhưng đã sang một dạng thức khác. Cả nỗi ngây thơ cũng vậy.
Từ thơ, có thể thấy tuổi thơ của Mai từng đẹp đẽ và bình yên?
- Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo. Bố tôi là thương binh trở về từ chiến trường Campuchia. Nhà tôi chủ yếu sống bằng nghề nông và rất vất vả. Tuổi thơ của chị em tôi thiếu thốn, phải lao động sản xuất từ sớm và chúng tôi tự lập khi học hành xa nhà. Quê hương tôi là mảnh đất nhiều gian khó mà cũng rất nên thơ nên hình như những điều đó ngấm vào tôi rất sâu nặng. Bây giờ bố mẹ tôi vẫn ở đó, trong ngôi nhà ven sườn đồi toàn sim mua và rất nhiều ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên, chưa ai về nhận vẫn được những người nông dân như bố mẹ và dân làng tôi hương khói.
Chị có nhắc về “Giấc”. Quá trình hình thành tập thơ đầu tiên ấy của chị đã diễn ra như thế nào?
- Khi đó tôi đang là sinh viên Khoa Viết văn - Báo chí, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du). Thầy cô giáo có phần giục giã tôi in tập đầu tay để năm cuối bảo vệ tốt nghiệp bằng chính tập thơ ấy. Tôi hăm hở sắp xếp bản thảo và gửi một số nhà thơ, nhà phê bình đọc. Thầy giáo của tôi là nhà phê bình Chu Văn Sơn đã đọc, nhận lời viết tựa cho tập sách ấy nhưng tôi chờ mãi không thấy thầy gửi. Đúng ngày giờ, sách phải đưa in, rồi tôi gửi tặng sách ông. Thầy Sơn viết thư điện tử rất dài, sau đó vẫn viết lời tựa. Lý do vì quá bận và không thể sắp xếp hài hòa được thời gian. Tôi rất mến thương, day dứt mãi với kỷ niệm ấy.
Nhìn lại cả chặng đường đời sống trong thơ, nghĩ đến ngày chị không còn gắn với thơ nữa, sẽ ra sao?
- Tôi cũng không biết nữa. Song tôi nghĩ điều gì đã là duyên nợ rồi thì mình khó dứt bỏ. Và ngược lại, hết duyên thì không thể nào níu kéo được nổi. Tôi yêu văn chương bằng sự hồn nhiên, tự nguyện và thiết tha.
Qua thơ, Mai có sự chú tâm đến kết cấu giai điệu và tìm cách thể hiện mới?
- Đó là điều mà dường như người sáng tạo nào cũng muốn hướng đến. Khát khao sống và viết một cách thành thực, tươi trong, mới mẻ.
Tuy nhiên, Mai lại rất tiết chế cảm xúc, mọi thứ Mai nhắc đến, thường dừng trong việc miêu tả bản tính khách quan của sự việc…
- Đã là văn chương, lại thơ ca, thì tôi không bao giờ hướng đến miêu tả khách quan. Sự ẩn dụ, chiều sâu, cách nhìn riêng biệt về mọi điều theo tôi mới làm nên giá trị.
Nếu nói thơ là tiếng nói nội tâm của Mai, thì qua thơ, có thể thấy Mai là một người ưa sự giản dị, tránh nhìn cuộc sống một cách phức tạp, luôn luôn giữ cân bằng cho tinh thần mình?
- Tôi quen sống giản dị và coi trọng cuộc sống tinh thần. Tôi nói riêng và gia đình tôi nói chung đều hướng đến điều đó. Chúng tôi làm việc hết mình và cũng giành thời gian tận hưởng, không tạo ra quá nhiều áp lực, không đợi chờ một lúc nào đó đời sống đỡ vất vả hơn thì mới cho phép mình nghỉ ngơi.
Hai tác phẩm vừa ra mắt của Lữ Mai.
Với Mai, một cánh hoa, một khúc gió, một con đò, một khoảng sông… cũng đủ để cho rung động?
- Trước cái đẹp của cuộc sống, tôi tin rằng mọi con người hướng thiện, hướng đẹp đều có những rung động riêng. Vấn đề là mọi người chuyển hóa, tiếp nhận điều đó theo từng cách khác nhau.
Chị không bị đời sống vật chất ràng buộc?
- ”Cơm áo không đùa với khách thơ”, nên nếu nói không bị ràng buộc hoàn toàn thì cũng chưa đúng lắm. Có những giai đoạn lương của vợ chồng tôi không đủ trả tiền thuê nhà. Chúng tôi nhận làm thêm nhiều công việc để trang trải cuộc sống và nâng cao chất lượng sống mỗi ngày. Tôi hết mình trong lao động và cũng tận hưởng thành quả song song chứ không vắt kiệt sức lực một cách hối hả và mù quáng.
Trong thời gian qua, Mai đã ra đồng loạt 3 tác phẩm?
- Trong năm 2019, NXB Văn học tái bản lại cuốn “Hà Nội không vội được đâu” của tôi. Tôi cũng in tập thơ “Thời cách ngăn trống rỗng” và tập truyện ngắn “Linh hồ”. Đây là tập thơ thứ 3 của tôi. Cứ khoảng 4 năm thì tôi ra mắt 1 tập thơ, còn riêng truyện ngắn - đó là thành quả hơn 10 năm của tôi.
Làm báo cũng liên quan đến văn hóa văn nghệ, Mai có dùng trực giác một người thơ để tìm nhân vật phù hợp với mình để viết?
- Đôi khi tôi không có sự lựa chọn. Còn nếu có thì tôi thích dùng trực giác của người làm văn chương. Các nhân vật của tôi khá phong phú. Từ các văn nghệ sĩ đến nhà toán học, các kỹ sư, bác sĩ, trẻ em... mỗi người là một chân dung khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là yêu cái đẹp, hi sinh cho cái đẹp.
Ngay sau khi ra mắt sách, vì sao Mai quyết định đi Trường Sa? Một hành trình đầy nắng gió với người thơ mong manh như Mai?
- Tôi cũng không mong manh lắm đâu, tôi là con nhà nông mà, từ bé đã dãi dầu nắng mưa, đồng đất. Khi làm báo, tôi đi biên giới nhiều, từng đi xe máy lên Bắc Kạn, vượt hàng trăm km đường rừng giữa đêm để vào bản Phiêng Lằm. Chuyến đi Trường Sa là một may mắn với tôi, tôi ước mơ được đi từ lâu lắm rồi.
Lúc này đang trên tàu đến với Trường Sa, chị nghĩ gì? Và cảm nhận như thế nào trên đảo xa, giữa mênh mông trời biển?
- Tôi nghĩ con người thật nhỏ bé. Biển trời thì bao la. Cảm xúc đầu tiên là choáng ngợp, chông chênh và rất nhiều nỗi xúc động. Những người lính, trẻ em ở biển đảo, đến cả tiếng chuông chùa hay từng viên đá, mầm cây... tất cả đều neo vào lòng người nỗi xúc động.
Đến giờ tôi đã có hành trình thăm được một số đảo như: Song Tử Tây, Nam Yết, Đá Nam, Sơn Ca... ngoài những người lính lúc nào cũng để thương để nhớ với mọi người thì tôi còn gặp được các nhân vật thật đặc biệt. Đó là thầy giáo Nguyễn Hữu Phú ở đảo Song Tử Tây, người làm đơn tình nguyện và chờ đợi 7 năm để ra đảo dạy các công dân nhỏ. Việc dạy học trên đảo không giống với đất liền. Các thầy tự làm đồ chơi cho trẻ, dạy lớp ghép từ tuổi mẫu giáo đến cấp 1 nên chẳng khác nào bảo mẫu nam.
Trò chuyện với họ, tôi thấy xúc động và trách nhiệm hơn với cuộc sống này.
Tôi gọi chuyến đi Trường Sa trên tàu KN 490 là chuyến đi kỷ niệm của đời mình. Thật khó để có được chuyến đi như thế. Có đi mới biết người lính của chúng ta đã nỗ lực, hi sinh âm thầm đến thế nào. Họ vun vào khát khao của chúng ta, mơ mộng của chúng ta mà quên đi rất nhiều cảm xúc riêng tư và những mong mỏi của cá nhân mình. Như thầy giáo Phú mà tôi kể, anh đã qua tuổi ba mươi nhiều năm mà không yêu đương, không gia đình, cha mẹ trong đất liền cũng đã mất. Anh ấy có một mong ước ở mãi ngoài đảo, coi học trò như con và nhìn chúng lớn khôn, trưởng thành mỗi ngày. Đôi khi, tôi đã tin những điều bản thân làm được là đáng kể. Thế mà trước biển bao la, trước những người lính và thân nhân của họ, tôi chỉ biết cúi đầu biết ơn trong im lặng.
Sau chuyến đi, chị có dự định mới về thơ không?
- Tôi muốn căng mở mình ra để cảm nhận về biển đảo, nhân dân, người lính. Còn thì mình viết gì phụ thuộc vào cảm xúc, ý thức sáng tạo. Tất nhiên ai cũng mong để viết được điều gì đó. Mong lắm vì lòng mình đang chất ngất cảm xúc, niềm tin, sự trắc ẩn cơ mà...
Cảm ơn chị và chúc chuyến đi này mang tới chị nhiều trải nghiệm sâu lắng.