Các sáng tác của nhà thơ Nguyễn Phong Việt đều hướng đến người trẻ. Ở góc độ một người trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm, anh chia sẻ các giá trị sống qua những trang viết.
Cũng vì thế, Nguyễn Phong Việt là nhà thơ hiếm hoi có lượng bạn đọc lớn, mà chủ yếu là người trẻ. Đón Giáng sinh và năm mới sắp tới, nhà thơ Nguyễn Phong Việt vừa ra mắt tập tản văn: “Chúng ta sống, là vì...”. Nhà thơ Nguyễn Phong Việt chia sẻ:
- Tôi đã từng là một người trẻ với rất nhiều nét tính cách phổ biến của giai đoạn đó: bất cần, nghĩ mình là nhất, không biết cách trân trọng những mối quan hệ, chưa ý thức nhiều về năng lực bản thân và cách phát triển năng lực, tiêu tốn quá nhiều thời gian cho những thứ vô bổ… Dĩ nhiên, để nhận ra tất cả những điều ấy thì đều cần phải đi qua nó, như một thứ trải nghiệm quý giá, để rồi sau đó mới biết mình phải trưởng thành theo cách nào.
Những câu chuyện tình yêu trong thơ của tôi là như thế, đi từ dằn vặt, đớn đau, tuyệt vọng… rồi đến lúc mạnh mẽ đi tiếp, tìm thấy sự bình an trong tâm hồn, không mong cầu niềm vui đến từ bên ngoài. Còn với những bài tản văn ngắn là cách nhìn nhận cuộc đời này vốn dĩ như nó phải thế, chấp nhận mọi thứ và đi tiếp bất kể có khó khăn và thử thách ra sao. Tất cả những điều này, tôi tin là người trẻ nào cũng sẽ trải qua, từ đó mới tìm thấy bài học cho riêng mình.
Vì sao anh quan tâm đến lứa tuổi này?
- Ở giai đoạn bắt đầu trưởng thành của tôi, tôi thật sự không tìm thấy nhiều điểm tựa về mặt tinh thần, sự chia sẻ… để biết rằng mình nên có giải pháp nào cho những khó khăn mà mình gặp phải. Đó là lý do, đến một lúc, tôi tin là những trải nghiệm của mình có giá trị để viết. Và biết đâu, trong những người trẻ đọc tác phẩm của mình, họ tìm thấy được sự đồng cảm, thấu hiểu rồi từ đó biết cách vực dậy bản thân sau những vấp ngã. Đôi khi, nói chuyện trực tiếp với người trẻ hoặc gián tiếp thông qua những trang sách, cũng là một loại trách nhiệm với những người như tôi.
Anh có thể chia sẻ về bản thân khi ở tuổi dậy thì?
- Tôi nghĩ mình đã có rất nhiều ngày tháng hoang mang về bản thân, cũng như không tìm thấy được mục đích sống rõ ràng. Đặc biệt là khi bạn không biết bạn giỏi cái gì, dở cái gì, đâm ra cứ như một người đi trong làn sương mù mà không rõ đích đến nằm ở hướng nào. Tôi là một người trẻ đặc trưng của việc không nhận thức mình sẽ như thế nào trong tương lai, đâm đầu theo đám đông và lắm lúc bị mắc kẹt mà chẳng biết làm sao thoát ra được. Thú thật tôi đã mất nhiều thời gian cho sự loay hoay ấy.
Nhìn lại mình và thế hệ của con trai, anh thấy có gì giống nhau và khác nhau?
- Dĩ nhiên có quá nhiều điểm khác nhau. Thế hệ của tôi, sự khác biệt lớn nhất có lẽ nằm ở nỗ lực tự thân, biết là nếu mình không giỏi, không xuất sắc theo từng ngày thì mình không thể nào tồn tại được trong thế giới khắc nghiệt kia.
Trong khi thế hệ của con trai tôi, sự nỗ lực phần nào đó ít hơn vì có quá nhiều sự hỗ trợ từ phía công nghệ, những người lớn hiểu biết. Tuy nhiên, thế hệ con trai tôi cũng đối diện với rất nhiều áp lực về sự thành công, danh vọng… do tác động của mạng xã hội mang đến. Khó khăn ở thời nào cũng có, song tôi nghĩ thế hệ con trai tôi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì có quá nhiều cám dỗ của cuộc sống vây quanh.
Chúng ta cần quan tâm đến các con ra sao, thưa anh?
- Tôi không phải là bác sĩ tâm lý để có thể cho những gạch đầu dòng rõ ràng sẽ như thế nào. Song ở góc độ một người trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm với việc chia sẻ các giá trị sống qua những trang viết. Tôi nghĩ nếu chúng ta không tạo nên những điểm tựa vững chắc cho các bạn ấy, khả năng rất cao các bạn ấy sẽ bị mất niềm tin, mất định hướng và hoàn hoàn không nhận thức được mục tiêu sống của mình.
Anh có thể chia sẻ về cuốn sách vừa phát hành “Chúng ta sống, là vì...”?
- Đây là cuốn tản văn thứ hai của tôi sau cuốn “Chúng ta sống có vui không” (2020). Với “Chúng ta sống, là vì…”, tôi chỉ đơn giản muốn gửi gắm thông điệp về niềm vui tự thân của con người. Dĩ nhiên, chúng ta ai sinh ra cũng đều có một sứ mệnh nào đó, bất chấp nó lớn lao hay nhỏ bé. Chúng ta ai cũng có những trách nhiệm riêng, hoài bão riêng…
Song, tôi nghĩ dù lựa chọn sống như thế nào, tất cả đều phải bắt đầu bằng niềm vui của bản thân. Trong hình hài của một con người, chúng ta sẽ phải đối diện với rất nhiều bi kịch của cuộc đời, muốn mỗi ngày được bình an chỉ có cách chọn lấy niềm vui để sống, để đi tiếp.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!