Nhà thơ Phan Huyền Thư: Sự vô ý thức và cái giá phải trả

Việt Quỳnh (thực hiện) 25/12/2020 11:00

“Ý thức cộng đồng luôn là ẩn số của một bài toán đa phương trình đa nghiệm. Cá nhân tôi, có thể là cực đoan và bi quan, nhưng ý thức cộng đồng là sự vô nghĩa đến bẽ bàng sau khi những hậu quả tồi tệ nhất đã đến, thậm chí càn quét qua xã hội loài người, để lại những cay đắng tàn khốc”.

Nhà thơ Phan Huyền Thư.

Nhà thơ Phan Huyền Thư chia sẻ về việc sống có ý thức. Khi một cá nhân thiếu ý thức, sẽ dẫn tới những ảnh hưởng tai hại cho cộng đồng. Với chị: “Ý thức là nhận thức mang tính cá thể. Cộng đồng luôn bị phụ thuộc vào từng cá thể”.

Nhà thơ Phan Huyền Thư từng viết dòng chữ mà chị từng đưa lên trang cá nhân vào ngày 21/6: “Viết có ý thức”. Đó chính là thái độ của chị với một giới, một hoạt động nghề nghiệp.

“Sự khác biệt giữ các cá thể là tự thân. Không cần thêm tác động nào để tạo ra nó. Quan điểm của tôi là ý thức mang tính nguyên thủy của loài người cho chúng ta một sự ưu việt đặc tính loài với các động vật khác: “Ý thức” phải nên được nhìn nhận cả ở khía cạnh kép là “Nhận thức”. Từ nhận thức mà vận động, phát triển thành ý thức. Đã nhắc đến khái niệm “Ý thức” là ở đó đã có sự chủ động hoàn toàn rồi. Vấn đề “nhận thức chưa tới” hay “nhận thức sai lệch” sẽ dẫn đến một hệ quả khó lường, tai hại”.

“Sự khác biệt trong ý thức của con người, theo tôi nằm ở những chiếc rễ cắm sâu xuống lòng đất của giáo dục: Gia đình - nhà trường và xã hội. Có vẻ như chúng ta đang mắc kẹt trong cái bẫy tam giác này. Một cái kiềng chấp chới với ba chân khập khiễng”.

Nguyên tắc của nhà thơ Phan Huyền Thư là không nghĩ. “Nghĩa là không toan tính, không tưởng tượng để dàn dựng, bịa đặt. Không rắp tâm bi kịch hóa hoặc thi vị hóa hiện thực cuộc sống mà mình trải nghiệm, mình đang tham dự trong dòng chảy ấy. Ý thức cá nhân của tôi là dám đặt mình trung thực trước hiện thực cuộc sống. Nếu cuộc sống làm tôi đau, mọi người xem phim, đọc thơ của tôi sẽ thấy đau. Nếu con người tôi thấy đẹp đẽ, tha thiết với cuộc đời này tôi tin rằng tác phẩm của tôi sẽ để lại thông điệp đó. Bản năng trong sáng tác của tôi chính là sự chân thành”.

Theo nhà thơ Phan Huyền Thư, khi bản năng điều khiển hành động của con người, sẽ có những hậu quả xảy ra: “Khi bản năng của con người ta là muốn tạo được dấu ấn, muốn gây chú ý bằng những điều gì đó lớn lao, to tát với cộng đồng người mà họ đang tồn tại. Tuy nhiên, bản năng tốt đẹp ấy rất dễ trở thành sự ngu xuẩn, hủy diệt nếu kiến văn của họ không đủ lớn. Các cụ ngày xưa hay nói “Chốn đông người ai chẳng muốn nói to”. Nhưng tất cả đều có cái “muốn” bản năng ấy thì tạo thành một đám đông ồn ào, hỗn loạn ngay. Vì thế, chỉ trong một thời khắc bất ngờ, bao nhiêu sự ngu dốt, hẹp hòi và tham vọng của cá thể ấy lập tức điều khiển các ý thức tối thiểu của con người trước đám đông. Càng ngày càng nhiều nhà này, nhà kia, tên tuổi nọ, chức danh kia phát ngôn đến “độc ác vì ngu dốt” khiến xã hội nổi sóng. Những đám cháy không thể dập tắt nổi về tư tưởng và hành vi”.

Trong một năm qua, bệnh dịch diễn ra dường như đã làm thay đổi không chỉ đời sống, mà còn cả ý thức của con người. Tuy nhiên với nhà thơ Phan Huyền Thư: “Chắc nhân loại và mỗi chúng ta mới chỉ bắt đầu phải trả giá cho những sự vô ý thức của mình với môi trường sống, với thiên nhiên và với cả xã hội loài người vì những toan tính thiển cận của mình”.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sự vô ý thức trong đời sống thường nhật mà chúng ta có thể chứng kiến. Và việc từ sự vô ý thức dẫn tới bốn ca bị dương tính với Covid-19 vừa qua, hàng chục ngàn học sinh, sinh viên phải nghỉ học để phòng chống Covid-19 do một ca nhiễm là thầy giáo.

Theo nhà thơ Phan Huyền Thư: “Phải biết chấp nhận một tỉ lệ mặc định nào đó tối thiểu cho sự vô ý thức của con người. Chúng ta vẫn là loài đang tiến hóa, chưa hoàn thiện mình. Vì vậy, khi xảy ra biến cố, nên tìm giải pháp và thực hiện bằng hành động”.

“Tất cả những ai mang mầm bệnh, vô ý làm lây lan dịch bệnh đều bình đẳng trước nhau như những nạn nhân bị động. Mỗi người tự nhắc mình đừng vội chủ quan khi chưa chính thức có vacine và lệnh công bố phong tỏa dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa được tháo bỏ. Đối với tôi đó mới là điều quan trọng, một thông điệp cần luôn luôn nhắc nhở trên truyền thông. Đừng bao giờ quên “Hôm nay là họ, mai biết đâu lại là mình”.

“Tôi nghĩ, im lặng suy nghĩ và sống theo cách riêng của mình là tốt nhất. Chắc con người đạt đến độ cao siêu nhất thì cũng chỉ đến mức"Được là chính mình chân thật". Bởi vì, với tôi, cuộc sống tốt đẹp là khi ta nhận ra chính mình trong sự vận động không ngừng của đời sống”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà thơ Phan Huyền Thư: Sự vô ý thức và cái giá phải trả