Cụm từ “chữa lành” hiện nay được dùng phổ biến, rộng khắp và đang trở thành trào lưu. Với nhà thơ Trần Lê Sơn Ý, là loạn chữa lành. Người người chữa lành, nhà nhà chữa lành. Sách chữa lành, du lịch chữa lành, thức ăn chữa lành… nhiều đến mức bội thực.
PV: Tuy nhiên từ những áp lực đến đời sống, nhất là sau đại dịch, việc hồi phục lại sức khỏe, tinh thần, thể chất là nhu cầu thiết thực hiện nay?
Nhà thơ TRẦN LÊ SƠN Ý: Không phải ngẫu nhiên mà rộ lên những dịch vụ chữa lành như ta đang thấy. Chỉ cần nhìn cung sẽ thấy cầu. Và đó là một nhu cầu chính đáng, ai cũng muốn được hạnh phúc, khỏe mạnh, không ai muốn đau khổ trầm uất tổn thương cả. Tôi tin ai trong cuộc đời cũng nhiều lần chứ không chỉ một cần đến sự trợ giúp tâm lý để vượt qua những giai đoạn khó khăn, tìm lại cân bằng trong cuộc sống.
Cụm từ “chữa lành” (healing) hiện nay được dùng phổ biến, rộng khắp và đang trở thành trào lưu. Từ nhu cầu thực tế của việc rối loạn, âu lo, trầm cảm từ bệnh dịch, tin tức tiêu cực, áp lực công việc, suy kiệt tinh thần bởi rạn nứt tình cảm từ gia đình, dẫn tới tổn thương về thể chất của nhiều người, các dịch vụ “chữa lành” cũng phát triển, mở rộng muôn hình vạn trạng. Cũng chính vì thiếu hiểu biết, nhiều người tốn số tiền lớn cho các hình thức chữa lành nhưng tinh thần, sức khỏe không phục hồi, mà càng thương tổn hơn...
Nhưng cũng nhiều dịch vụ “chữa lành” xuất hiện, và làm nhiều người hoang mang không biết cần lựa chọn ra sao để tốt cho mình?
- Thường trước khi quyết định mua một món hàng, ta vào đọc bình luận, coi món đó được mấy sao và dựa vào các đánh giá này để lựa chọn hàng cũng như lựa chọn nhà cung cấp. Và dù đã đọc các lời giới thiệu kỹ, ta cũng không ít lần… hỡi ơi trước món hàng nhận được.
Tất nhiên mọi so sánh đều khập khiễng, và “món chữa lành” này lại còn không được rõ ràng như vậy, nên làm gì có việc công khai đánh giá. Người tìm kiếm thì rõ là đang trong tâm trạng không ổn, không đủ tỉnh táo. Người thực sự có nhu cầu được chữa lành cũng không dễ gì sẵn sàng công bố tình trạng của mình.
Vì vậy “khách hàng” tạm gọi là đứng trước rất nhiều khó khăn: tìm kiếm đơn vị, cá nhân uy tín, có chứng chỉ hành nghề, được đào tạo chuyên môn, khoa học, có đạo đức nghề nghiệp, bảo mật thông tin… giá cả phù hợp, thời gian phù hợp, cam kết đi cuối liệu trình... Bạn thấy đấy rất nhiều vấn đề phải cân nhắc.
Thực ra, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, thể chất của mỗi người, là đi vào bên trong mình, hơn là hướng ra bên ngoài?
- Ở góc độ cá nhân thì từ trước tới giờ tôi luôn quan niệm, mình là người thân với mình nhất, hiểu mình nhất, thương mình nhất… Vì vậy nếu có một vấn đề gì đó nảy sinh, việc đầu tiên là ngồi lại làm việc với chính mình, trao đổi với chính mình. Có thể tôi cần hỗ trợ, thì người đó là ai. Tôi sẽ dành thời gian phán xét nhiều thứ liên quan. Đó là cách tôi tìm giải pháp. Đồng thời, tôi nghĩ mình vẫn cần hướng ra ngoài, ở đó có cha mẹ, anh em, bạn bè, thầy cô…
Tôi nghĩ nhiều người cần được lắng nghe và chia sẻ. Việc này đôi khi không giải quyết thiệt để được vấn đề, chắc chắn rồi, nhưng có thể trao cho người ta được niềm tin, sự can đảm, sự mạnh mẽ, an toàn… điều đó giúp rất nhiều, trên con đường tìm cách tháo gỡ vấn đề.
Theo chị, khi thấy trong mình có những tổn thương về tinh thần thì cần làm gì để hồi phục?
- Tôi mạo muội nghĩ rằng, khi biết mình đang có những tổn thương, nếu cái biết này đúng thì đó là dấu hiệu rất lành. Kiểu như xác định được bệnh đúng rồi thì vấn đề còn lại chỉ là đi tìm thuốc đúng thôi (nói cần người có chuyên môn là vì vậy). Theo quan điểm cá nhân, trong quá trình quan sát bản thân, tôi nhận ra cơ thể của ta thông minh hơn ta nghĩ, chúng luôn đưa ra những cảnh báo mà ta hay tảng lờ. Không chỉ thông minh mà cơ chế tự bảo vệ cũng rất tốt. Như khi ta ở trong trạng thái quá mức nào đó (quá sợ, quá giận, quá mệt…), sẽ tự động ngắt nguồn, ta có thể ngất đi, hoặc quên mất điều làm mình đau đớn.
Tôi nghĩ cần mình cộng tác với chính mình, dành thời gian tìm hiểu mình, yêu thương mình… như tìm hiểu một người mình thương vậy, tôi nghĩ sớm hay muộn ta sẽ có cách để hồi phục ngoạn mục, vấn đề là ta có đủ nhẫn nại để tìm kiếm không.
Tình yêu thương, lòng biết ơn chính là chìa khóa của việc phục hồi các thương tổn thể chất, tinh thần, chị có thể chia sẻ về điều này?
- “Tạ ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”.
Hai câu thơ quen thuộc của Kahlil Gibran mà nhiều người biết. Đọc lên ai cũng có thể cảm nhận được ngay không khí bình an thư thái hạnh phúc. Tại sao tình yêu thương và lòng biết ơn lại có khả năng diệu kỳ như vậy? Phần đông, khi đối đầu với nghịch cảnh, chúng ta thường có khuynh hướng oán trách, đổ lỗi… Tự cho mình là nạn nhân thì bao giờ cũng dễ dàng hơn là đương đầu, đứng ra nhận lãnh trách nhiệm phải không? Thói quen lựa chọn tiêu cực đã làm chúng ta mất khả năng nhìn thấy những điều tốt đẹp, dễ dàng đi qua chúng, đồng thời khó lòng ghi nhận cũng như tri ân những điều mình có được trong cuộc đời.
Ngược lại, người có khả năng biết ơn, biết yêu thương, luôn nhìn thấy những điều tích cực, kể cả những điều không mong muốn. Trái tim yêu thương và biết ơn sẽ giúp ta nhìn thấy cơ hội trong mọi vấn đề. Đến ngày khi ta thậm chí biết ơn nghịch cảnh vì đã trao cho ta những bài học quý, thì còn điều gì có thể làm tổn thương ta được nữa.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!