có những người người ta không có thiên hướng viết thì người ta nói, nhưng mình thì mình lại có thiên hướng viết thì mình cho nó vào trang giấy. Thế còn ngoài đời thì thế nào thì thế, cũng cho nó xong đi…
I
Hồng Thanh Quang: Lâu lắm rồi thấy anh cứ lặng lẽ, ít in thơ ngay cả trên báo. Vậy mà bất ngờ được anh tặng tập thơ mới “Những dấu ấn chưa qua”, dày dặn, đằm thắm, nhiều ngẫm ngợi...
Trần Ninh Hồ: Ngoài bốn vở kịch dài, tôi gọi là “Truyện dài Sân khấu”, mà tôi lặng lẽ viết, sửa từ 1976 đến 1996 và sẽ in chừng 400 trang, hai thể loại văn học mà tôi chuyên tâm nhất là truyện ngắn và thơ. Với hai thể loại này chia đều trong hơn 40 năm cầm bút thì cứ khoảng hơn 3 năm tôi xuất bản một tập. Nghĩ, đi, viết, sửa, xuất bản, rồi lắng nghe, với qui trình ấy tôi thấy cũng đã hơi…nhiều! Còn tập thơ này tới gần 200 trang với hơn một trăm bài “Những dấu ấn chưa qua” in vào đầu năm 2017, tôi đã phải lặng lẽ tới gần mười năm! Nghĩa là sau tập thơ thứ tám “Nhớ và quên” ra đời năm 2008.
Có lý do gì lớn để tập thơ này xuất hiện chăng?
- Hồng Thanh Quang hỏi: “Có lý do gì lớn để tập thơ này xuất hiện không?”. Tôi rất cảm động trước câu hỏi trân trọng với văn chương này của anh. Nhưng thật ra thì nó khá giản dị. Đúng như bài thơ mở đầu cho tập thơ này khi tình cờ tôi có việc phải đi lại nhiều lần qua một thư viện lớn và cổ (Viện Tàng thư) vào mấy buổi chiều liền, tôi có nghe (không rõ từ trong gió hay từ trong lòng) lời thì thầm của mấy vị văn gia xưa nào đó: “Ta viết mười trang chữ/Mong được một trang in/ khắc thạch ngàn trang sách/ Hồ dễ mấy ai tìm”… “Đừng trách người lơ đãng/Đời biết bao nỗi niềm/Ta nghĩ, người đã nghĩ/Ta yêu, người đâu yêu”. Thế rồi “Thánh thần mấy nghìn năm nhỉ/Triết gia, chính khách khản lời/ Khát những mặt người ấm áp/Thơ ơi lặn lội bao đời?”… Đấy là khi ngoái lại. Là hiện hữu? Sao mà lắm cái phải giật mình. Ví dụ nhỏ: “Tôi ghi dưới bản thảo bài thơ chưa ráo mực/Hà Nội 2013/ Cô nàng vi tính xinh tươi/ Không có lẽ gì vội vã/ In thành/ Hà Nội 1913…/ Tôi hy vọng/ Một lầm lẫn vô tình?.../ Nhưng biết đâu/ Rất có thể cô nàng cố ý/ Trước sự quá cũ càng…thơ tôi!”
Giật mình nên chững lại. Gần mười năm mới dám in. In rồi. Lại bắt đầu lo!
Tôi từng nghe nhà thơ Nga Xôviết Konstantin Simonov, tác giả của khúc tuyệt tình ca “Đợi anh về” nổi tiếng khắp thế giới, nói rằng, ông ấy chỉ coi mình là nhà thơ trẻ, tức là lúc còn yêu được và viết được về tình yêu. Ở tuổi anh bây giờ, anh cảm thấy mình vẫn là nhà thơ chứ?
- Về Simonov thì tôi xin kể thêm chuyện, năm 1971 trước khi vào chiến trường Đông Nam Bộ, tình cờ tôi có được gặp ông đêm đầu tới Hà Nội. Sau khi đi thị sát một số trận địa pháo, Simonov trở về trụ sở Hội Nhà văn, lúc đó còn nằm ở nhà số 65 Nguyễn Du, ông nói rất to với Tố Hữu trước tất cả các nhà thơ trong thành phần đón ông (trừ tôi và mấy chàng nhà thơ trẻ đến…hóng). Đúng ra là ông đọc thơ: “Người ta bảo Kostantin Simonov viết được bài thơ rất tuyệt vời “Đợi anh về”/ Nhà thơ Tố Hữu đã dịch bài thơ ấy bằng một bản dịch chữ Việt rất tuyệt vời/ Nhưng chúng ta cần chiến đấu sao cho bài thơ ấy được chết/ Trong lời thơ tuyệt vời của tôi/ Và bản dịch tuyệt vời của anh!” Vậy là chúng ta vẫn chiến đấu để chấm dứt chiến tranh. Để những cặp tình nhân, những cặp vợ chồng không còn phải mỏi mòn chờ đợi nữa!
Tôi biết bài thơ đó. Simonov đã viết tặng cho nhà thơ Tố Hữu. Và đã có lần tôi thử chuyển ngữ ra tiếng Việt.
- Hồng Thanh Quang thử đọc mình nghe xem nào.
Dạ vâng, bản dịch của tôi là thế này:
“Tôi biết, ở đây thơ tôi
Sống trong bản dịch tuyệt vời của anh,
Sống bên người vợ trung thành
Đợi chồng cách trở đường hành quân xa…
Nhiều năm pháo bắn sơn hà,
Bao nhiêu góa phụ trồng hoa mộ chồng…
Đợi người cách núi ngăn sông,
Thơ tôi sống lại trong dòng thơ anh…
Mong sao ngày tháng qua nhanh,
Qua nhanh chinh chiến, tựu thành yêu thương,
Như ai về tự chiến trường,
Thơ tôi dừng bước
trong dòng thơ anh…
Đúng ngày vui của hòa bình
Thiên nhiên im súng, quê mình đoàn viên,
Thơ tôi trút bỏ ưu phiền,
Chết đi tuyệt diệu trong miền thơ anh…”
- Nghe cũng được đấy chứ! Bây giờ trở lại điều mà Simonov đã nói về cảm nhận thi nhân của mình. Theo tôi hiểu, ông đã nói những điều này khi ông đã qua tuổi lục tuần. Ông đâu có còn trẻ như hồi ông viết khúc tuyệt tình ca dưới chiến hào diệt phát xít Đức kia. Nó chỉ có thể là sản phẩm của một tâm tư vĩnh viễn trẻ! Và chúng ta đã không lấy gì làm lạ khi ta thấy Simonov lại “làm thơ” bằng những kịch bản phim, những lời bình phim, những tuyệt tình ca hay vào hạng nhất của thế kỷ XX cho cả người tình trong quá vãng và Tổ quốc vô cùng thương yêu của ông. Vô cùng! Tôi xin được nhấn mạnh hai chữ này. Thơ tình yêu của những người trẻ tuổi đang được yêu (hay còn yêu được) thật tuyệt vời! Nhưng thơ tình yêu của những người chỉ còn có thể nhớ về người yêu và những cuộc tình được, mất đâu phải ít tuyệt vời hơn!...
Vâng, càng lớn tuổi thì các nhà thơ càng nghĩ như anh…
- Không chỉ riêng tôi nghĩ thế đâu nhé. Tôi đọc Hồng Thanh Quang nghe bài này nhé:
“Hè tươi đang nung lửa
Trên má hồng của em
Nhưng đông buồn tuyết phủ
Đang nằm trong tim em!
Người đẹp mến yêu ơi
Ngày mai rồi trỗi cả
Đông sẽ về trên má
Nhưng hè nằm trong tim!”
Ai viết bài thơ này ấy nhỉ?
Heinrich Haine!
Đúng, thi hào Đức Heinrich Haine… Còn ở nước ta? Nhà nho nào viết nhiều thơ tình nhất? Ai là người viết “Tương tư là cái sự làm sao…” khi đã vào cái tuổi “Ngũ thập niên tiền nhị thập tam”. Rồi ai viết thiên tình sử tới 3254 câu vào cái tuổi ngoại tứ tuần? Ôi nếu tôi là cụ Henrich Haine, cụ Nguyễn Du, cụ Nguyễn Công Trứ nhỉ! Ôi, giá lịch sử mà chấp nhận chữ nếu thì đâu có phải vì tuổi tác! Ờ, mà các anh chị trẻ bây giờ đang được yêu và yêu được, thì sao lại không cho tôi được…nhớ một ai đó để có những khoảng khắc dẫu mọn tài nhưng vẫn dám song hành với các anh chị ở một miền đắm say nào đó như Đà Lạt 2015: “Cả trái đất chừng trổ hoa mọi nẻo/ Giữa đông mà ta ngợp giữa rừng xuân/ Sương vương vấn tóc khăn ai mờ tỏ/ Em bỗng thành một ánh thanh vân/ Không dừng được, ta trôi cùng âu yếm/ Em hay hoa đằm thắm ngả tay chào/ Ta trôi giữa nồng nàn vô bờ bến/ Chợt đôi tà áo ấy đỉnh non cao!...”…”Cho người-ta nhớ nhớ ta/ Như người nhớ mảnh-đời-xa của người!”… Chao ơi, cũng may mà ngoài chữ yêu đến đắm say, giời còn dành cho những “đấng” lỗi thời như chúng tôi một chữ nhớ đến khôn nguôi về “Những dấu ấn chưa qua” nào đó cho bớt… tủi thân!
Vâng, xem ra anh vẫn chưa “tắt lửa lòng” của một thi sĩ. Xin chuyển sang chủ đề khác. Công việc thường ngày của anh bây giờ là gì?
- Là nghe các thầy thuốc nhắc: “Phải chịu khó uống những loại thuốc nào đó để phòng…gần!”, “Nên nghe, xem, đọc, ăn những gì phù hợp với…quỹ thời gian! Mà cái quỹ này bây giờ rất khó…đếm, rất dễ thụt quỹ rất bất thường, kiểm toán cũng không biết đường nào mà lần đâu…”
Đúng là cách thày thuốc trẻ này nó tốt thật, nhưng chúng thường hay có vẻ coi thường cái sự kiên cường, bất khuất trước tuổi tác, bệnh tật của cánh tôi. Này, cái chuyện thơ phú văn chương hay, dở là vô cùng, nhưng trong cái tập tôi mới in đây, tôi còn ước được làm mặt sông để “Nông sâu cùng đất gập ghềnh/ Sau những đầy vơi bão tố/ Lặng tờ. Thoắt lại lênh đênh”. Được viết thành “Những trang văn dồn nước xiết/ Những trang thơ lọc ánh trời/Đến cả những dòng sông chết/Đóng bùn vân sóng còn còn trôi”. Rồi, các cậu trẻ, các cậu mê tóc huyền, tóc xanh, tóc vàng, tóc tía thì tớ mê tóc bạc thật đấy. Tóc bạc mà không có thơ tình à? Liệu có thể bỏ tóc bạc ra khỏi cuộc đời, ra khỏi thơ được không? Nó chính là “nguồn gốc loài mây trắng” đang bay đầy trời kia kìa! “Thủa ấy tóc ta như mun vậy/ Và mắt em thăm thẳm như trời/ Bây giờ mun… trắng như mây trắng/ Bay mãi lên trời. Thăm thẳm ơi!”. Nó là mặt trăng, nhưng không phải chỉ soi cho các cậu ngắm người tình đâu. Nó còn là: “Có vầng trăng vàng thắm/ Rụng mãi vào đêm sâu/ Hình như nó chạm đất/ Tan thành sương trắng đầu”. Còn cái bà bán quầy hoa bên Thủy tạ Bờ Hồ, hồi các cậu còn đi mẫu giáo ấy, năm 2014 còn cho tôi mấy câu: “Mai vàng xen mai trắng/ Quán hoa em ven hồ/ Bao xuân rồi đâu vắng/ Hồ rơi đầy nắng -hoa”. Có bà lại hay sai hẹn đến nỗi hơn ba mươi năm sau vẫn khiến mình nhớ cái “dấu chân mình”: “Cứ nhìn dấu chân tôi thì biết/ Đời còn nhiều lưu luyến bao nhiêu/ Có lẽ bước cuối cùng giã biệt/ Nào khác chi bước sớm bước chiều/ Và lưu luyến quá chừng là bước chân trưa ấy/ Đứng chờ em không đến quá lâu/ Lâu đến nỗi những nhà Địa-Vật-Lý/ Lẫn dấu chân tôi với vết rạn địa cầu”…
Điên quá, định đọc nữa, nhưng chợt nhớ đây là những thày thuốc. Nhỡ nó bí mật bắt mạch rồi lập bệnh án đưa đi Thường Tín hay Trâu Quì thì…thôi!
Chúng ta cùng quay trở lại từ khung trời thơ xuống mặt đất nhé. Anh bây giờ có còn quan tâm tới hoạt động của Hội Nhà văn không?
- Quan tâm chứ. Đời tôi khi là thanh niên xung phong đi xây dựng văn hóa miền núi, khi là lính chiến trường Đông Nam Bộ, khi đi học…Nhưng không khi nào tôi không sinh hoạt Hội Nhà văn ta hơn bốn mươi năm qua. Ở đấy tôi có những thày, những người bạn khi to tiếng tranh cãi, khi lặng lẽ thì thầm cho từng trang viết… Ở nước nào mà không có những Hội hay những Trung tâm tương tự. Đây là chưa nói đến những trường phái… Ai mà không phải làm nghĩa vụ công dân trước cộng đồng dân tộc, đất nước và làm thiên chức nhà văn, nghệ sĩ, khoa học gia … để đến được cái lõi của con người là cái “Một con người có thể…” rất “cá nhân” mà cũng rất thiêng liêng. Mất cái đó thì dù có khi vào, khi ra, khi ở trong, khi ở ngoài một Hội, Đoàn, một Trung tâm nào đó thì vẫn là “cái quay búng sẵn…” Mọi hoạt động, mọi tổ chức, thậm chí đến cả mọi triết thiết, mọi thể chế, ngẫm cho cùng, cũng chỉ là phương tiện cho từng giai đoạn trong tiến trình sống của con người mà thôi. Tôi chưa thấy một nhà văn, một nghệ sĩ, một khoa học gia nào bẻ bút nếu không có cái Hội này, cái Trung tâm nọ, cái Viện, Vụ kia…
- Có ý tưởng cho rằng, đã là nhà văn có tài thì đừng nên quan tâm tới những giải thưởng. Vì tài năng thiên phú đã là một phần thưởng quá lớn rồi mà chỉ những ai được ông giời biệt nhãn lắm mới được có. Còn giải thưởng trần gian chỉ là những cái bù trì cho những cây bút không tài năng lắm. Anh nghĩ thế nào về lập luận có phần chua chát này?
- Nếu chỉ nói hai chữ “giải thưởng” thì một trò vui nhỏ nhoi nào đó cũng sẽ có giải thưởng. Nhưng với những giải thưởng có liên quan đến việc đánh giá tài năng, khơi nguồn cho nguyên khí quốc gia, việc “tiến hiền”, “cử hiền” cho một triều đại, một thể chế như với khoa học, kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật, quản lý nhà nước kinh tế, pháp chế… thì không thể không qua các công đoạn thi cử, chọn lọc, xếp hạng, biệt đãi, sử dụng…
Thiếu công bằng, minh bạch trong công việc trọng đại này đã khiến không ít các bậc đại khoa, đại quan khi được mời tham gia những Ban Giám khảo đã từng bị hạ gục. Theo Lê Quý Đôn thì khi để sự nhũng nhiễu xâm hại đến việc khoa cử thì đấy là một trong bốn điều chứng tỏ sự suy sụp khó cứu vãn của một triều đại nào đó trong lịch sử. Rèn luyện, học hành rồi lại được trời ban cho thiên tài bẩm sinh với lẽ đó thì cái quan trọng nhất vẫn là để thành người (thành nhân), chứ đâu phải chỉ để thi thố, giành giật cho thỏa mãn cái bệnh hiếu danh, hiếu thắng nhất thời nào đó. Và với tinh thần nghiêm cẩn, công bằng, minh bạch ấy, lịch sử khoa cử đã chứng minh không ít khoa thi, giải thưởng, đã mời rước được nhiều bậc thiên tài cho các lĩnh vực, khiến nguyên khí quốc gia ngày càng sáng láng, phong phú, phồn thịnh. Những sự đỗ đạt, tưởng thưởng đến với những người thực tài, thực tâm ấy, không chỉ dành riêng cho những người đạt được này, mà với tên tuổi họ, chính họ đã đem đến những vinh danh lớn lao cho các giải thưởng, các khoa thi và cho cả thể chế, triều đại! Câu hỏi của Hồng Thanh Quang là một phác thảo về tâm lý gần đây của một số tài năng, khá chân thực. Không hiểu sao gần đây có một số “khảo quan” thường hay khoe vừa “cho” ai đó một học vị, hay một giải thưởng, mà họ quên rằng họ đã hạ thấp chính họ, “hạ nhục” danh dự họ!
Nhà thơ Trần Ninh Hồ (bên trái) thăm nhà văn Nguyên Hồng tại ấp Cầu Đen, Bắc Giang (năm1982). (Ảnh: Trần Quyển).
II
Anh có cảm nhận rằng đất Kinh Bắc có một truyền thồng nào đấy tạo ra tính cách riêng của văn nghệ sĩ trong vùng? Và nét chung của văn nghệ sĩ đất Kinh Bắc là gì? Anh có thấy anh giống anh Đỗ Chu ở điểm nào không?
- Chuyện này các học giả người ta nghiên cứu tâm lý vùng đất xã hội đã nói rồi. Có cái chung đấy. Có lần tôi đã nói vui trong một hội thảo của Viện Văn học như thế này: nếu bây giờ mà cứ nghiên cứu, lý luận văn học qua “Truyện Kiều” thì Viện Văn học có thể giải lao một năm cũng được. Vì sao? Vì “ông” Nguyễn Du đã tổng kết hết cả sự đời, mà ông tổng kết rất ghê. Toàn những câu mà người viết phải nát ruột nát gan mới nghĩ ra được, như “Giải cấu là duyên, Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”, rồi “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”… Nhưng có một câu rất là ghê gớm của Nguyễn Du: “Văn chương nết đất, thông minh tính trời.” Tôi cho là câu đấy là câu hết sức quan trọng. Cho nên mới có chuyện những nhà văn đoạt giải Nobel toàn là những người nêu ra được các vấn đề có tính chất toàn nhân loại, nhưng đồng thời nhà văn bao giờ cũng biểu hiện được đầy đủ nhất tính cách dân tộc mình, vùng đất mình. Tôi cho rằng, ai đã thông minh thì ở Pháp cũng có thể trở thành tiến sỹ toán, ở Hà Nội cũng là tiến sỹ toán, ở Viêng Chăn cũng có thể là tiến sỹ toán. Nhưng riêng với văn chương thì hình như không phải thế, muốn làm văn chương thì phải có “nết đất”.
Tôi đã từng đọc các tác phẩm của những nhà văn được giải Nobel, họ là người ở Trung Đông, ở Nam Phi, hay ở Pháp... Đọc thì thấy các tác giả đều nêu lên những vấn đề mang tính nhân loại giống nhau. Nhưng nếu văn học mà chỉ là các vấn đề triết học giống nhau thì hà cớ gì phải trao giải Nobel cho từng ấy người ở từng ấy vùng đất trong một khoảng thời gian ngắn? Vấn đề là thế này, ở mỗi một vùng đất người ta quan niệm về những vấn đề mang tính nhân loại ấy theo một cách của riêng họ, với tất cả các phong tục, tập quán, văn hóa, truyền thống của riêng họ, với cái “nết đất” của riêng họ… Trở lại với chuyện nho nhỏ của anh em viết nước mình, các cụ ngày xưa đã tổng kết về chất của kẻ sĩ mỗi miền, chất của kẻ sĩ Kinh Bắc, kẻ sĩ xứ Nghệ, kẻ sĩ xứ Thanh, chất của kẻ sĩ xứ Lạng, kẻ sĩ xứ Quảng…. Theo các cụ thì chất của kẻ sĩ Kinh Bắc là hào hoa và ngạnh trực. Ngạnh trực là gì? Đó là cái thẳng mà có ngạnh làm người ta khó chịu. Kẻ sĩ ở đâu cũng thẳng, cũng trực nhưng không phải ở đâu kẻ sĩ cũng “ngạnh” như ở Kinh Bắc. Ngạnh ở đây còn có cái gì đó sắc sói, ngỗ nghịch, ngông ngạo… Đúng thế đấy!
Anh có nhận ra mình có nét tính cách đấy không? Tôi thấy trong mắt rất nhiều người, nhà thơ Trần Ninh Hồ hào hoa là có rồi nhưng rất quảng giao và dễ chịu. Mà đôi khi với tư cách một nhà thơ, ai đó khen mình dễ chịu thì thực ra người ta đánh giá mình thấp. Có bao giờ anh cảm thấy thế không?
- Tôi thì vẫn quen thế này: có những vấn đề gai góc nhất nhưng cố gắng để nói ra ở dạng mềm mại nhất. Nhưng trong tôi cũng có chất ngạnh trực đấy. Cái tính ngạnh trực thể hiện rất rõ ở những “ông lớn” trong các kẻ sĩ Kinh Bắc, như Cao Bá Quát chẳng hạn. Cao Bá Quát không chỉ tài hoa, không chỉ ngạnh trực mà thậm chí còn dám cả gan “làm loạn”. Tất nhiên, nói “làm loạn” là theo cách nhìn của triều đình phong kiến nhà Nguyễn…
Tôi thấy nhà thơ Trần Ninh Hồ không có phẩm chất của một người dám “làm loạn”…
- Không có thật! (cười)
Đôi khi, thỉnh thoảng, anh cũng gây sự một tí cho vui thôi nhỉ?
Nhà thơ Trần Ninh Hồ và nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
- Mà nói thật, tôi cho rằng chất ngạch trực của tôi mà các bạn cho ra dễ chịu cũng quyết liệt lắm đấy. Trong văn chương, nhiều vấn đề tôi cũng đi tới cùng, nhưng có đi được thật hay không thì lại là chuyện khác. Thí dụ như khi viết về cái chết và cái sống của loài người, mình cũng đã đi đến cùng. Viết về cái chết của nhà thơ thì tôi cũng thế. Và phải nói rằng, bài thơ đó tôi có vinh dự được chép vào sổ tay của nhà thơ Tố Hữu. Hôm ấy, nhà thơ Tố Hữu xuống với anh em làm báo Văn Nghệ. Trò chuyện, nhà thơ Tố Hữu nói, các đồng chí còn trẻ, các đồng chí phải phấn đấu, chứ còn chúng tôi thì già rồi, sắp “xuống lỗ” rồi. Rồi nhà thơ Huy Cận có mặt ở đó cũng nói điều tương tự… Đến cuối chương trình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (hôm đó là MC) có nói với tôi, anh phụ trách Ban Nhà văn trẻ, anh “tổng kết” đi. Thế là tôi đứng lên và đọc một bài thơ, trong đó có câu về cái chết của các nhà thơ. Sau đó, “cụ” Tố Hữu bảo, Trần Ninh Hồ chép cho mình cái bài thơ ấy nhé. Thế là tôi chép lại vào sổ tay cho nhà thơ Tố Hữu.
Đó có phải là bài tứ tuyệt “Tiễn biệt nhà thơ” không?
- Đúng: “Riêng cái chết của nhà thơ không phải lúc nào cũng quá buồn đâu nhé/ Ấy là khi nhà thơ đã tự né mình đi cho ánh sáng tràn vào/ Đầy trang sách. Không một dòng khuất lấp/ Bởi cái bóng nhà - thơ - thế - tục đã che đi!” Tôi cũng đi đến tận cùng đấy chứ! Nói một cách nôm na, nếu đương thời hai nhà thơ tồn tại thì nhà thơ tổng thống thường được đề cao hơn. Ở một quốc gia nào cũng vậy thôi, nhà thơ hàn sĩ thì ít được quan tâm lắm. Nhưng nếu cả hai nhà thơ ấy ra đi thì cuối cùng câu chữ của nhà thơ nào tạo nên giá trị thực của nhà thơ ấy, không bị những sự thế tục che lấp đi…
Vậy là theo anh, cái ngạnh trực của nhà thơ Trần Ninh Hồ trong đời sống không được thể thể hiện rõ lắm. Nhưng đó chỉ là trong giao đãi thôi. Nhưng trên trang giấy thì Trần Ninh Hồ cũng hay riết róng… Tôi hiểu như vậy có đúng không?
- Tôi còn từng viết những câu thơ này nữa: “Cả thế gian bao la có thể/ Vào sống nhờ trong một câu thơ/ Vậy mà khi câu thơ lâm nạn/ Cả thế gian bao la không chốn nương nhờ…” Bi kịch của nhà thơ cũng như bi kịch của một triết gia, đều xuất phát từ những nguyên nhân giống nhau. Nếu tư tưởng của nhà thơ hay triết gia nó bảo thủ, lạc hậu quá thì mình không bàn, nhưng nếu nó có tính chất tiên phong, nó có tính dự báo thì nhiều khi sẽ là bi kịch đối với nhà thơ hay triết gia đó. Có thể bị lên giàn thiêu như Bruno hay bị xử ở toà án Giáo hội như Galilê…
Tôi hiểu, nói đúng mà sớm quá thì lắm khi cũng liên luỵ tới thân mình.Tất nhiên, con người ta sống ai cũng muốn lúc sinh thời, lúc còn sống đã được hưởng phúc lộc nhờ lao động, tài năng của mình. Nhưng thực ra, thiên chức lớn hơn cả của nhà thơ, hay của những trí giả, của những trí thức là phải sống với thế hệ sắp tới. Điều đó bắt buộc các nhà thơ, bắt buộc các trí giả là phải đi trước thời đại của mình. Và trong tình huống ấy thì nảy sinh ra những chuyện mà tai nạn thì âu cũng là chuyện bình thường. Anh có thấy thế không?
- Đúng vậy. Thế nên tôi mới nói, ở vùng đất quê tôi, luôn có cách nói thẳng, gai gai về sự tồn tại hay không tồn tại, về số phận của văn chương này…
Thực ra mỗi người sinh ra có một chức năng của mình, có một thiên chức của mình. Có những người rất trực ngạnh trong đời sống nhưng mà khi vào sáng tạo của mình thì lại không trực ngạnh. Có những người trong đời sống rất dễ dãi, xuê xoa, rất hiền hòa nhưng lại rất trực ngạch trong công việc chính của mình, trong câu chữ của mình. Tôi thích tạng nhà thơ thứ hai hơn. Trong cuộc sống đời thường, nhà thơ đôi khi có thể cầu bơ cầu bất, lơ phơ lơ phao, nhưng khi vào công việc chính của mình thì mình phải rất nghiêm túc! Và rất trực ngạnh! Thưa anh Trần Ninh Hồ, anh có cảm giác anh là người như thế không?
- Tôi cho rằng, thật ra, đó cũng là một cách tồn tại. Tức là có những người người ta không có thiên hướng viết thì người ta nói, nhưng mình thì mình lại có thiên hướng viết thì mình cho nó vào trang giấy. Thế còn ngoài đời thì thế nào thì thế, cũng cho nó xong đi…