Nhà thơ Từ Hồng Sơn: 'Cuồng sĩ Hà thành'

Việt Quỳnh 18/12/2018 09:05

Từ Hồng Sơn, sinh năm 1981 tại Hà Nội, hiện sống và làm việc tại Sài Gòn. Với hắn, được sống, là lúc trở về con phố xưa, đắm mình trong rong rêu kí ức. Là cựu sinh viên Đại học Mỹ thuật TP HCM, nhưng Sơn không theo vẽ, mà vùi đầu vào đam mê thơ phú. Hắn làm nhiều thơ, chỉ để ngợi ca Hà Nội, vì thế  hai tập thơ “Hà Nội mùa thổ phách” đến “Hà Nội mùa mộc phách” lần lượt ra đời.

Nhà thơ Từ Hồng Sơn: 'Cuồng sĩ Hà thành'

Nhà thơ Từ Hồng Sơn.

Nhìn cuộc đời Từ Hồng Sơn, sẽ thấy trải dài những chuyến rong chơi. Tôi tự hỏi, hắn lấy đâu ra tiền để đi, để bao bạn ăn uống hàng quán triền miên, để mua quà tặng người quen, và để tự in ấn những cuốn sách mà hắn thấy thích. Luôn thấy sự nhiệt tình chân thành của Sơn với những người hắn gặp. Đâu có thi phú thì ở đó có mặt Sơn. Hắn chơi với những người thơ, tỏ ra ngưỡng mộ người làm thơ, và đi đâu cũng thích nói chuyện thơ. Sơn cứ chênh vênh sống giữa người thực và kẻ mơ. Cứ nửa khôn, nửa dại.

“Heo may gửi mình
trong hòm thư gỗ
Sơn phôi màu như Hà Nội
đã từng xanh
Mộc miên uống sương
căng nhụy nứt guốc đen
Đốt gió cháy, đỏ tro gieo gốc dốc”

(T46. Muộn đông. Hà Nội mùa mộc phách. NXB Trẻ 2016)

Tôi gặp và nói chuyện với Sơn nhiều lần, cũng có khi từng được hắn đi qua vài chục km để đón tôi đến chơi với Nhà thơ Phan Vũ, cũng cách nhà tôi vài chục km nữa. Cứ có gì dính dáng đến Hà Nội, thì Sơn như phát cuồng.

Nói chuyện với Sơn không dễ, dù hắn rất hay chuyện. Đơn giản là sau tai nạn thủa nhỏ, hắn mất khả năng nghe, và cũng từ đó, nói với hắn cũng là điều cần cố gắng. Muốn thông tin, thì tốt nhất là gửi tin nhắn qua điện thoại hoặc qua Facebook. Muốn phỏng vấn hỏi han, thì viết ra giấy toàn bộ điều cần khai thác, còn hắn, cũng lại ngồi cần mẫn viết trả lời lại trên giấy. Cách “nói chuyện” này, im lặng mà xôn xao lời một cách thú vị.

Trong cái bảng lảng nóng sực của một chiều không gió, Sơn chia sẻ với tôi câu chuyện về bản thân hắn và về thơ:

“Tôi sinh ra ở Hà Nội, 13 năm tuổi thơ tôi gắn bó với khu phố nhà binh, phố Lý Nam Đế, ngay góc cửa Đông, một trong những cửa dẫn vào khu phố cổ.

Trước tuổi vào lớp 1, tôi là đứa trẻ con khá thích đọc sách nhưng phần ham chơi, hiếu động, dại dột…… cũng không hề ít. Buổi đeo cặp đến trường đầu tiên, tôi được vào học trường tiểu học Thăng Long bên phố Ngõ Trạm. Sau 5 năm tốt nghiệp cấp 1 thì tôi sang học trường PTCS Thanh Quan bên phố Hàng Cót. Xong nửa niên khóa là theo gia đình vào Nam cho đến tận bây giờ.

Tai nạn thuở nhỏ đã khiến tôi gặp vấn đề nghiêm trọng về khả năng nghe, cho nên cũng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống.

Cũng không biết từ bao giờ, thay vì tập nghe thì lại thành tập đọc khẩu hình, mà cũng chẳng rõ tôi dần dà hiểu được người đối diện đang nói gì mà không cần phải nghe. Nhưng theo thời gian nhiều mối quan hệ hơn, nhiều việc phải làm hơn, nhiều vấn đề phải nắm bắt hơn,…. Nên tôi cũng phải tập trung hơn để kịp thích nghi với hoàn cảnh, với sự kiện, với lĩnh vực mà mình có trách nhiệm. Lúc này có thể nói là tạm ổn khi mắt phải kèm thêm khả năng của tai. Nhiều khi tôi nghĩ mình cũng như mọi người bình thường thôi.

Tôi luôn ước ao một lúc nào đó kể lại trọn vẹn từng kỉ niệm của mình mà tuổi thơ đã ưu ái trao tặng. Nhưng làm sao để có phương tiện cụ thể để tôi truyền tải thông điệp của mình, xoay sở mãi rồi tình cờ cũng đến khoảnh khắc này :

“Loay hoay suốt
như một con gà mắc tóc
Viết vu vơ bỗng lồ lộ ý thơ” .
(Ngày thứ nhất)

Nhà thơ Từ Hồng Sơn: 'Cuồng sĩ Hà thành' - 1

Hai tập thơ của Nhà thơ Từ Hồng Sơn.

Và thế là tôi đã biết mình phải mang từng kỉ niệm chiu chắt bấy lâu ra dàn trải vào miền thi ca. Lúc đó chỉ nghĩ viết riêng cho mình thôi, cho Hà Nội thôi, đọc cho đỡ nhớ thôi, chứ tuyệt nhiên chẳng mưu cầu một chỗ nơi “trường văn trận bút”. Càng viết mỗi kỉ niệm lại hiện về long lanh, lung linh, sống động … lắm lúc ngừng bút vì cảm xúc ngập tràn đến nghẹt thở, phát khóc, đến tưởng chừng mình thấy lại chính mình hồn nhiên trước mặt.

Trước khi đến với văn học, tôi có khoảng thời gian thử sức bên hội họa từ năm 2001 - 2006. Theo gợi ý của gia đình, tôi vào học mỹ thuật. 5 năm thời sinh viên có vô số kỉ niệm để mỗi lần nhắc lại thấy đó là khoảng thời gian tuổi thanh xuân bùng nổ nhất.

Tôi đến với thơ từ lúc học lớp 10, qua những lá thơ tình giấu ngăn bàn, của thời tình yêu học trò vẫn còn cuốn lưu bút trao tay lúc hè về phượng nở. Bạn bè nhờ tôi viết thơ này thơ nọ để tán tỉnh, cưa cẩm nàng tóc dài, em tóc ngắn và dĩ nhiên bọn nó kí tên dưới mỗi bài thơ tôi bị ép phải làm. Phần vì học kì nào, giáo viên dạy môn nào cũng vài lần phát hiện tôi thi phú linh tinh lang tang ghi cuối vở trong giờ học. May mà chỉ bị chép phạt chứ không phải mời phụ huynh.

Vô tình hay hữu ý, khoảng thời gian đó manh nha dần dần gợi mở cho tôi một dạng thơ thô, theo luôn sang chương trình đại học, tôi tiếp tục mài gọt trong cảm xúc bồng bột tuổi mới lớn. Sau này khi đã tiết chế hơn, bớt bắt chước lối viết trước hơn, hiểu rõ Hà Nội hơn, tôi mới bắt đầu nghiêm túc tiến hành bộ 5 cuốn thơ của mình với sự tự tin là chưa ai viết giống như vậy.

Phía sau mỗi câu thơ, tôi muốn là tôi dạo ấy. Cảm xúc của đứa trẻ không âm thanh nhưng đôi mắt của nó như chưa bỏ sót mọi ngóc ngách Hà Nội, nơi nó sinh ra, nơi nó quay về sục sạo tàn tích tuổi thơ.

Tâm trạng của tôi khi cầm bút viết luôn hồi hộp vì không biết đứa trẻ trong tôi đã chiếm lĩnh trọn kí ức, tâm trí, ước mơ của chính nó chưa. Đã chịu chấp nhận chia sẻ vào bài thơ đang dần hình thành một cách nhiệt tình chưa.

Giành nhau kể về điều muốn viết như ngày xưa giành kẹo. Nên xong một câu thơ và chuẩn bị xuống dòng, câu thơ ấy một nửa do tôi ngày trước vuốt ve vỗ về giữ nguyên bản, một nửa do tôi bây giờ đặt nó ngay ngắn gọn gàng sao cho người đọc hiểu được nhiều nhất có thể cái không gian, lát cắt, hình ảnh … mà Hà Nội đau đáu tìm lại mỗi ngày.

Mỗi lần nhớ Hà Nội thì tôi lại viết thôi. Hà Nội cho tôi nhiều quá, nên khi viết thì cảm xúc ùa về rối cả tay cầm bút nên thành ra là bài nào cũng khá là dài. Phần vì tôi viết đến khi cạn nỗi nhớ mới thôi, tôi lại là người hoài cổ, đa cảm ...

Thói quen khi sáng tác thơ của tôi chỉ là có một vài cây bút và một xấp giấy trắng kẻ ô. Viết thơ ra như thế có cảm giác gần gũi ngày xưa hơn. Cho tôi tìm lại được ít nhiều hình bóng mà tuổi thơ tôi đã trải qua nhưng chưa kịp nhớ ra, chỉ loáng thoáng ẩn hiện chờ tôi tình cờ gặp gỡ lại trên trang giấy, lúc ấy thực sự là cuộc hạnh ngộ bất ngờ giữa ba phía tôi - tôi thơ ấu - cổ tích.

Thử thách của tôi khi lựa chọn cách biểu đạt cho những hình ảnh thân quen cũ là cố gắng viết sao cho có cảm giác bài nào cũng liên quan mật thiết với nhau, có sự kết nối dây mơ rễ má với nhau, bổ khuyết cho nhau để nếu chỗ này thiếu một dư ảnh, một vệt màu, một giọt âm hay mảnh ghép, mảnh vá, miếng đệm … thì bài sau sẽ bù đắp lại dù có cùng chủ đề hay không, cũng không lo lạc nhịp vì tất cả đều lấy Hà Nội thân quen làm chủ đạo xuyên suốt mạch thơ.

Ảo giác trong thơ của tôi từng là những hình ảnh có thật. Pha lẫn thần thoại, thần tích, truyền thuyết … nơi mảnh đất nghìn năm văn vật mà tôi cất công tìm hiểu mỗi khi có dịp quay trở về. Tôi cứ để mặc cho ý niệm tuổi thơ dẫn dắt mình xếp đặt chữ này, từ nọ, câu kia, … Dưới lăng kính của kẻ tha hương hay tự vấn mình đã bỏ sót gì tốt đẹp nhất của Hà Nội. Nên tôi chẳng khó khăn mấy hiện thực chúng, tái hiện lại chúng, trình diễn lại chúng … một phần vì tiếng Việt rất phong phú, mượt mà, mang tính ca dao. Tôi có cảm giác nó ngọt hơn khi chúng ta đặt nó lên đỉnh cảm xúc bằng tất cả trái tim về điều đang viết, viết tự nhiên, viết thành thật với mình, không tính toán vần này trắc nọ.

Tôi yêu Hà Nội từng hơi thở của tôi, nhưng tôi phải vào Sài Gòn để mẹ tôi có điều kiện gần bên tôi, quan tâm và chăm sóc tôi. 25 năm rồi, tôi vẫn có cảm giác hụt hẫng, mất mát, xót xa khi con tàu kéo còi, chuyển bánh, rời ga đưa tôi dần xa Hà Nội. Lúc đó, mắt tôi ầng ậng nước, môi mím chặt, cố ngoái nhìn lại hình hài phố ngõ thân thương. Lòng tự nhủ sẽ có ngày quay về, quay về hẳn, chẳng đi đâu, chỉ ở mãi Hà Nội thôi. Khi chưa thực hiện được mong muốn đó của mình, tôi vẫn cố gắng về thăm Hà Nội ngay khi có dịp, bất kể là vì công việc hay đơn giản là nhớ quá, chịu không nổi, thôi, về. Tôi như được hồi sinh lại là chính tôi, thật sự thoải mái, tràn đầy hạnh phúc mỗi lần ở trong Hà Nội.

Tôi luôn coi mình là kẻ tha hương vì nếp sống, lề thói, phong tục tập quán của Hà Nội đã ăn sâu vào xương máu, óc não, tâm hồn tôi. Tôi không tài nào tìm ra không khí bốn mùa, ẩm thực thời trân, kiểu ăn cách nói của Hà Nội nơi Sài gòn. Nên tôi luôn ám ảnh cách giữ cho mình không bị mất gốc Bắc. Cùng với nỗi tha hương, khắc khoải mong ngày tái hợp cùng quê nhà mà tôi mới có thể viết được tuyên ngôn cho riêng mình, cho cả cách viết của mình:

“Ai kéo chuông xe đạp
giả tiếng còi tàu
La bàn trái tim chỉ tâm về Hà Nội.
Dù xoay hướng nào
cũng chẳng hề thay đổi
Cột móc lòng sơn
mỗi số 0 thôi…”


Một người bạn tâm giao gọi tôi là “Hà thành cuồng sĩ”. Một nhóm anh em nghệ thuật thân ái tặng tôi biệt hiệu “Hà Nội hành kinh kê”. Quý lắm, tình cảm người Thăng Long gửi gắm theo kẻ tha hương.”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà thơ Từ Hồng Sơn: 'Cuồng sĩ Hà thành'