GS Tôn Thất Dương Kỵ sinh ngày 19/1/1914, trong một gia đình dòng dõi hoàng tộc. Thân sinh của giáo sư qua đời lúc giáo sư mới 9 tuổi. Do kiên trì và chịu học, mà tự học là chính: học trong sách vở, học qua cuộc đời, GS sớm trở thành một học giả uyên thâm cả Tây học lẫn Nho học.
GS Tôn Thất Dương Kỵ (ngoài cùng, bên trái) cùng một số trí thức yêu nước.
Nhiều người, nhất là anh chị em trí thức Thủ đô ở độ tuổi “cổ lai hy” như tôi chắc còn nhớ một sự kiện rất quan trọng diễn ra vào tháng 3 năm 1965 mà báo chí miền Bắc đã dành cả tháng đưa tin, bình luận, lên án và sinh viên, trí thức liên tiếp xuống đường biểu tình phản đối: Đó là chính quyền Sài Gòn giao cho Nguyễn Chánh Thi- Tướng chỉ huy vùng I chiến thuật tổ chức “tống xuất” 3 thành viên cao cấp của phong trào Hòa bình và Tự quyết ra miền Bắc với ý đồ để 3 vị đó “run sợ” cầu xin trở lại miền Nam. Đó là nhà báo Phi Bằng, bác sĩ Phạm Văn Huyên và giáo sư (GS) Tôn Thất Dương Kỵ. Nếu đúng như kịch bản mà chúng định ra thì các nhân sĩ, trí thức “cứng đầu” khác không dám “ho he” chống lại chính quyền của chúng.
Song chúng đã nhầm to. 3 dũng sĩ trên Mặt trận chống Mỹ - Ngụy đã bước lên cầu Hiền Lương với dáng vẻ hiên ngang, đầy kiêu hãnh, hướng về miền Bắc thân thương và khi bước qua vạch ngăn cách Nam - Bắc trên cầu đã quay lại với nụ cười chiến thắng, vẫy chào bà con và cùng hô vang khẩu hiệu “Đả đảo Mỹ - Ngụy”, “Đả đảo Thủ tướng bù nhìn Phan Huy Quát”.
Hình ảnh 3 dũng sĩ trí thức đó in đậm trong tâm trí tôi. Và tôi biết danh của GS từ ngày đó.
Lần đầu tiên tôi hân hạnh được tiếp xúc với GS Tôn Thất Dương Kỵ là ngày 9/9/1975 - ngày mà đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam ra thăm miền Bắc, thăm MTTQ Việt Nam và dự Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập MTTQ Việt Nam (10/9/1955 – 10/9/1975). Lúc đó, GS là Phó đoàn đại biểu Liên Minh, còn tôi là Thư ký của ông Hoàng Quốc Việt- Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Theo chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, sau khi thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, sẽ thống nhất các đoàn thể nhân dân và các tổ chức Mặt trận trong phạm vi cả nước. Và việc thống nhất Mặt trận hai miền sẽ tiến hành bằng cách mỗi tổ chức cử đại diện của mình tham gia vào Ban Trù bị Đại hội thống nhất, soạn thảo Cương lĩnh, Điều lệ mới của Mặt trận và các vấn đề về tổ chức, nhân sự để trình Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận xem xét quyết định.
Thực hiện chủ trương trên, Ban Trù bị Đại hội thống nhất được thành lập gồm 38 thành viên do ông Hoàng Quốc Việt- Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam được cử làm Trưởng ban. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ- Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Luật sư Trịnh Đình Thảo- Chủ tịch Liên minh Các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, được cử làm Phó trưởng ban. Đại biểu Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội, đại biểu các tổ chức thành viên của 3 Mặt trận là thành viên của Ban Trù bị. GS Tôn Thất Dương Kỵ vừa là thành viên của Ban Trù bị, vừa được cử vào Tiểu ban Văn kiện Đại hội. Với tư cách là thư ký của Chủ tịch Hoàng Quốc Việt - Trưởng ban Trù bị, tôi được Ban Trù bị đưa vào Tiểu ban Văn kiện.
Ban Trù bị và Tiểu ban Văn kiện bắt đầu làm việc từ ngày 15/6/1976 cho đến ngày bế mạc Đại hội, tức ngày 4/2/1977.
Đây là thời gian tôi có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với GS Tôn Thất Dương Kỵ và cũng qua đó, ít nhiều hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Sau Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận, GS Tôn Thất Dương Kỵ được cử vào Ban Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, được phân công phụ trách nhân sĩ, trí thức các tỉnh phía Nam. Còn tôi lúc đầu với tư cách thư ký của Chủ tịch Hoàng Quốc Việt, sau là Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (1978) rồi Vụ trưởng Vụ Phong trào (1983) chúng tôi có nhiều thời gian cùng cộng tác vì công việc chung.
GS Tôn Thất Dương Kỵ sinh ngày 19/1/1914, trong một gia đình dòng dõi hoàng tộc. Thân sinh của giáo sư qua đời lúc giáo sư mới 9 tuổi. Do kiên trì và chịu học, mà tự học là chính: học trong sách vở, học qua cuộc đời, GS sớm trở thành một học giả uyên thâm cả Tây học lẫn Nho học. Từ trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, với bút danh Mãn Khánh, GS đã viết nhiều bài khảo luận về văn, sử, địa đăng trong Tạp chí Tri Tân - tờ tạp chí có khuynh hướng độc lập và dân tộc. GS đã nhận được giải nhất trong cuộc thi văn chương tại miền Trung năm 1936 với đề tài “Vấn đề di dân lập làng ở miền Trung”.
Cách mạng tháng Tám thành công, GS được cử làm Thư ký Hội Trí thức cứu quốc Thừa Thiên-Huế (1945 – 1946) và trực tiếp quản lý Tuần san Đại Chúng của Hội. Từ năm 1947 đến năm 1955, GS là cán bộ trí vận Huế hoạt động bí mật nội thành với vỏ bọc GS trường Khải Định tức trường Quốc hội Huế sau này. Với cương vị người thầy, ông đã truyền bá tư tưởng cách mạng cho các lớp học sinh, sinh viên, trong đó nhiều người đã trở thành những nhà cách mạng nổi tiếng. GS đã cùng một nhóm nhà giáo và các văn nghệ sĩ tiến bộ sáng lập Tạp chí Tiến Hóa - Cơ quan tranh đấu văn hóa-chính trị của trí thức miền Trung (1949). Tiến Hóa bị đóng cửa, GS cho xuất bản Tập văn Ngày nay- Cơ quan tranh đấu của phong trào đòi hòa bình, hiệp thương, Tổng tuyển cử ở miền Trung (1954), Mỹ - Diệm đóng cửa, GS lại cho xuất bản Tập văn Ngày mai, Mỹ - Diệm lại đóng cửa Ngày mai, sai bọn côn đồ vây nhà, hành hung và bắt giam GS.
Sau khi ra tù (1955), GS chuyển vào Sài Gòn dạy ở trường Marie - Curie, Đại học Văn khoa và Đại học Vạn Hạnh. Năm 1962, GS lại bị bắt vì những hoạt động chống chế độ. Mãi đến khi Diệm bị lật đổ (tháng 11 năm 1963), GS mới được trả tự do.
Năm 1964, GS tham dự Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ II với bí danh Dương Kỳ Nam, và được cử vào Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. GS hoạt động công khai ở Sài Gòn và cùng chi bộ Đảng lãnh đạo phong trào Dân tộc Tự quyết với cương vị Tổng thư ký Ủy ban vận động. Tháng 1 năm 1965, GS lại bị địch bắt giam và tháng 3 cùng năm đó bị “tổng xuất” qua sông Bến Hải ra Bắc. Cuối năm Trung ương Đảng và Bác Hồ lại điều động GS bí mật trở lại miền Nam để chuẩn bị cho việc thành lập Liên Minh.
Sau thắng lợi của cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy Xuân 1968, nhiều nhân sĩ, trí thức, thương gia tiêu biểu rời các đô thị ra vùng giải phóng trực tiếp tham gia cùng nhân dân chiến đấu trên các Mặt trận.
Ngày 20/4/1968, nhóm nhân sĩ, trí thức, tư sản, thương gia, chức sắc tôn giáo, đồng bào các giới mở Đại hội thành lập Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam nhằm mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất. GS được cử làm Bí thư Đảng đoàn và Tổng Thư ký của Liên Minh. Để đối phó với Liên Minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, chính quyền Sài Gòn mở Tòa án quân sự Mặt trận vùng III chiến thuật của quân đội tuyên án tử hình vắng mặt và tịch biên tài sản 10 thành viên của Ủy ban Trung ương Liên Minh, trong đó có GS Tôn Thất Dương Kỵ.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận diễn ra từ ngày 28/1 đến ngày 4/2/1977, GS được bầu làm Ủy viên Ban Thư ký và được phân công phụ trách nhân sĩ, trí thức các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, khi xảy ra chiến tranh Biên giới ở phía Bắc và phía Tây Nam, cũng như vấn đề chủ quyền biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa, với cương vị là thành viên của Ban Nghiên cứu biên giới, bằng sự hiểu biết uyên thâm của một nhà sử học bậc thầy và nguồn tài liệu phong phú của bản thân và bạn bè cung cấp, GS đã góp phần quan trọng vào việc khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của dân tộc ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
GS Tôn Thất Dương Kỵ - một trí thức hoàng tộc giác ngộ cách mạng, một học giả uyên thâm, người cộng sản kiên trung đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xét công lao to lớn của GS đối với dân tộc và đất nước, Đảng, Chính phủ và Mặt trận đã trao tặng GS Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Đại đoàn kết, Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương Quyết thắng hạng nhất.