Câu chuyện Trường THCS Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An yêu cầu học sinh viết giấy báo nợ vì các khoản phí chưa hoàn thành trong năm học dù nhìn ở bất cứ góc độ nào cũng khó nhận được sự đồng tình.
Giải thích của hiệu trưởng nhà trường, đây là việc làm “cực chẳng đã vì không còn cách nào khác”. Phụ huynh của một học sinh có ghi giấy báo nợ sau đó đã mang tiền lên nộp và xin lại tờ giấy đó. Hình ảnh về tờ giấy báo nợ này sau đó đã lan truyền trên mạng.
Diễn biến tóm tắt lại là như vậy. Song thời gian thực tế xảy ra câu chuyện là từ năm học… trước, cụ thể là năm học 2018-2019 và đã kéo dài sang đến tận cuối năm sau nhưng giữa nhà trường và gia đình không thể tìm được tiếng nói chung.
Nhà trường cho rằng mình thu tiền trông giữ xe của học sinh theo hướng dẫn của Sở GDĐT Nghệ An, nằm trong danh mục những khoản thu bắt buộc. Số tiền này để trả cho bảo vệ trông giữ xe và sửa sang lại nhà giữ xe cho học sinh. Còn gia đình học sinh cho biết, từ đầu năm học đã có băn khoăn về tiền trông giữ xe do tiền xây dựng trường học, tiền học phí đều đóng đầy đủ nhưng không thấy nhà trường sửa chữa nhà để xe.
Ai cũng có “cái lý” của mình để rồi con trẻ là người cuối cùng đặt bút viết giấy báo nợ với tất cả những ấm ức đến nỗi, trong phần cam kết, em viết: “Em và gia đình sẽ không nạp”.
Hành xử của người lớn ảnh hưởng không nhỏ đến con trẻ . Bóng dáng câu chuyện này chúng ta đã thấy ở một số vụ việc khác như Trường Quốc tế Việt Úc từ chối nhập học tiếp đối với một số học sinh vì không đồng tình với phản ứng của phụ huynh các em trong các việc làm của trường trước đó.
Tại sao, giữa gia đình và nhà trường không thể cùng ngồi lại trong một buổi họp để thông tin, trao đổi với nhau, hỏi rõ những khó khăn hay khúc mắc họ gặp phải. Hoặc chí ít, thời đại 4.0 rồi, nhà trường có thể áp dụng nhiều cách khác như gọi điện, nhắn tin, gửi thông báo nhắc nợ tới phụ huynh để học sinh cầm về. Một lưu ý là nhà trường không thể nhắn miệng với học sinh là về nhắc phụ huynh nộp tiền rồi khi phụ huynh không nộp thì cho rằng, đã thông báo nhiều lần!
Trên thực tế, thầy cô công tác trong ngành giáo dục nhiều năm chắc đều gặp phải trường hợp học sinh này, học sinh kia nợ tiền học phí, tiền quỹ lớp, tiền ủng hộ... Lý do thì muôn ngàn.
Cách các thầy cô đã làm là có thầy ứng tiền lương ra đóng và chẳng bao giờ thu lại được của học sinh. Cũng có trường hợp, 6-7 năm sau học sinh tìm đến nhà thầy cô để trả món nợ vài trăm nghìn mà mình đã “nhây” không đóng từ ngày còn đi học. Cũng có học sinh được mời lên phòng hiệu trưởng “uống nước” liên tục vì thiếu khoản tiền nào đó chưa đóng…
Tình huống ấy không mới nhưng cách giải quyết như ở Trường THCS Hưng Tây hẳn là mới như chính thừa nhận của thầy hiệu trưởng: Lần đầu tiên trong nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, ông phải mời các em lên phòng viết giấy báo nợ! Phải chăng, nhà sư phạm này này quên mất một việc, khoản phí nợ là vấn đề giữa phụ huynh và nhà trường, học sinh không có vai trò tham gia giải quyết?
Rõ ràng, vấn đề hành xử trong môi trường giáo dục cần được xem xét lại một cách thấu đáo. Trong đó, vai trò của nhà trường, của ngành giáo dục là dạy học sinh học cách làm người nhưng cách cư xử với học sinh lại thiếu tế nhị, thậm chí có phần giống như “xã hội đen” thì làm sao gieo vào đầu con trẻ những suy nghĩ tích cực?
Người lớn thế nào, trẻ em thế ấy. Cư xử nhân văn thì sẽ nhận về nhân văn. Gieo giống tốt sẽ nhận về quả ngọt. Thầy cô nói muốn trò nghe thì trong ứng xử hàng ngày cũng cần chuẩn mực, gương mẫu. Soi chiếu vào đó, mỗi cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên, nhân viên, người học và cha mẹ người học, khách đến cơ sở giáo dục cần có những hành vi, ngôn ngữ chuẩn mực. Ứng xử kiểu chợ búa không thể được khuyến khích ở bất cứ nơi đâu, nhất là ở nơi “trồng người”.
Trong phạm vi môi trường học đường, hành xử của cha mẹ người học cũng cần được nhấn mạnh để giáo dục gia đình thực sự là một cái gốc tốt. Góc nhìn và cư xử của cha mẹ học sinh với giáo viên chắc chắn có ảnh hưởng tới suy nghĩ, hành động của các em. Thật khó để dạy học sinh về sự tôn trọng, hợp tác, chia sẻ nếu như chính bố mẹ các em không tôn trọng, hợp tác, chia sẻ. Đơn cử, như trong câu chuyện này, chuyện nhà trường không sửa chữa nhà để xe như băn khoăn của phụ huynh không liên quan đến việc gửi xe đạp điện mà không trả tiền. Cần phân biệt rõ và hành xử cho đúng với trách nhiệm của mình, thay vì để câu chuyện kéo dài dai dẳng dẫn đến những ảnh hưởng và áp lực tâm lý lên con trẻ.
Trong tâm trạng ấy, hẳn học sinh khó lòng tập trung học tốt được!