Năm 1929, Erich Maria Remarque in tác phẩm đầu tiên của mình thành sách “Phía Tây không có gì lạ”và lập tức trở thành tên tuổi hấp dẫn trong làng văn Đức và châu Âu thời đó. Trong vòng một thời gian ngắn, “Phía Tây không có gì lạ” bán được tới hơn 8 triệu bản. Nhiều thập niên liền, Remarque được coi là một nhà văn thành đạt. Không nhiều người biết rằng, đằng sau hào quang ấy là một số phận phải chịu nhiều bi kịch, trong đó lớn nhất là sự xa lạ với chính dân tộc Đức của mình.
Erich Maria Remarque (tên khai sinh là Erich Paul Remark) sinh ngày 22/6/1898, là con thứ hai trong gia đình người đóng sách có 5 con. Thời trẻ, ông đã say mê các tác phẩm của Stefan Zweig, Thomas Mann, Fiodor Dostoyevski, Marcel Proust và Wofgang von Goethe. Năm 1904, Erich đã vào học trường phổ thông của nhà thờ và năm 1915, vào học ở trường dòng sư phạm. Tháng 11/1916, nhà văn tương lai bị gọi vào quân đội và tới tháng 6/1917, bị điều chuyển sang mặt trận phía tây. Ngày 31/11/1917, ông đã bị thương ở chân trái, tay phải và cổ. Từ lúc đó cho đến hết chiến tranh thế giới thứ nhất, ông đã phải ở trong quân y viện. Sau khi thân mẫu (Anna Maria ) qua đời, nhà văn tương lai đã đổi cái tên thứ hai (Paul) sang tên mẹ (Maria). Trong giai đoạn từ năm 1919, ông đã làm nghề dạy học. Tới cuối năm 1920, Erich Maria Remark đã thay đổi khá nhiều công việc, có lúc làm người bán bia mộ và chơi đàn organ ngày chủ nhật trong nhà thờ dành cho người mất trí. Những sự việc này về sau đã được ông đưa vào thiểu thuyết “Bia mộ đen”. Năm 1921, ông vào làm biên tập viên của tạp chí Echo Continetal và chính từ đấy, đã bắt đầu sử dụng bút danh Erich Maria Remarque…
Từ tháng 11/1927 tới tháng 2/1928, tiểu thuyết “Nhà ga ở phía chân trời” của Remarque được in trên tạp chí Sport im Bild, nơi ông làm việc ở thời điểm đó. Năm 1929, ông xuất bản tiểu thuyết “Phía Tây không có gì lạ”. Sách thể hiện cái nhìn của một chàng trai 20 tuổi về những sự tàn nhẫn của chiến tranh thế giới thứ nhất, xót xa và đầy nhân văn . Năm 1930, cuốn sách rất ăn khách này đã được Holywood chuyển thành phim… Danh tiếng của Remarqua đã vượt qua đại dương và trở thành một thương hiệu tầm cỡ toàn cầu.
Tuy nhiên, ngay khi đã ở trên đỉnh vinh quang, Remarque vẫn phải gặp không ít rắc rối trong việc in ấn tác phẩm, không chỉ dưới chế độ Quốc xã mà ngày cả sau chiến tranh thế giới thứ hai. Ông đã phải đối mặt không chỉ với thái độ định kiến của các nhà phê bình văn học Đức, mà ngay cả sự kiểm duyệt của các ông chủ xuất bản. Chuyện xẩy ra với tiểu thuyết “Thời gian sống và thời gian chết” của ông.
Năm 1954, Remarque mang tới nhà xuất bản của Joseph Kaspar Vich tác phẩm mới của mình. Sau khi đọc nó, Vich đã viết cho nhà văn một bức thư dài dằng dặc, yêu cầu sửa đổi “một số chi tiết nhỏ”. Vốn là một nhà chiến thuật khôn khéo, Vich giải thích yêu cầu của mình là vì muốn gìn giữ cho Remarque khỏi bị các nhà phê bình tấn công vì những chỗ hở sườn trong tác phẩm. Hơn nữa, theo Vich, có biên tập viên của ông ta cho rằng, không thể chấp nhận được không chỉ một phần trong “Thời gian sống và thời gian chết”.
Có lẽ điều này gần với sự thực hơn cả. Theo yêu cầu của ông chủ NXB, cuốn tiểu thuyết đã bị đánh mất khá nhiều độ gay cấn về chính trị. Nhân vật chính diện chủ đạo vốn là một đảng viên cộng sản đã bị chuyển thành người dân chủ xã hội. Các cảnh miêu tả tội ác của bọn quốc xã ở Liên Xô cũ bị giảm tông. Chuyện một tên lính Đức phát xít gọi mình và đồng bọn là những kẻ sát nhân đã bị tước bỏ hoàn toàn ra khỏi tác phẩm. NXB cho rằng, người dân Đức trong thập niên 50 chắc chắn không thích những chuyện đó...
Nói chung, bản thân Remarque cũng không được đồng bào mình ưa chuộng. Cuốn tiểu thuyết “Phía Tây không có gì lạ” đã gây nên những cuộc tranh cãi gay gắt. Cánh hữu ở Đức lúc đó coi đấy như một mưu toan bôi nhọ người quân nhân Đức. Ngày 12/12/1930 tại Đức đã cấm chiếu bộ phim mà người Mỹ dựng theo cuốn sách này của Remarque. Chính vì tiểu thuyết đầu tay đó mà Remarque bị lực lượng quốc xã vô cùng thù hận. Tháng 5/1933, sách của ông cùng tác phẩm của những nhà văn Đức tiến bộ khác đã bị ném vào những đống lửa do bọn phát xít đốt lên…
Trong đời thường, Remarque đã rất cô đơn, mặc dầu bên ông luôn có các mỹ nhân sắc nước hương trời. Không có tình yêu thực sự thì những người đẹp chỉ làm lòng ta thêm trống rỗng. Người vợ đầu tiên của nhà văn là Jutta Zambona, nguyên là một vũ nữ. Hai người cưới nhau tháng 10-1925. Jutta trong nhiều năm liền đã mắc bệnh lao. Chị đã là nguyên mẫu cho một số nhân vật của Remarque, trong đó có nhân vật Pat trong tiểu thuyết “Ba người bạn”. Cuộc hôn nhân này kéo dài chỉ có 4 năm. Tuy nhiên, tới năm 1938, Remarque lại tái hôn với Jutta để giúp chị thoát ra khỏi nước Đức quốc xã tới Thuy Sĩ, nơi ông đang cư trú lúc đó. Sau này, hai người đã cùng nhau di cư sang Mỹ. Họ chỉ chính thức li dị nhau năm 1957. Remarque cho tới cuối đời đã luôn luôn trợ cấp tiền cho Jutta và khi qua đời đã để lại cho chị món tiền thừa kế là 50 nghìn USD...
Năm 1940, trong một dạ hội thượng lưu ở Los Angeles, Remqrque đã ngồi giữa hai siêu sao thời đó là Bette Davis và Marlenc Dietrich. Chơi cho họ nghe lúc ấy trên cây đàn piano của Chopin là Rubenshtein! Bốn giờ sáng, Remarque đã làm được một việc mà hàng triệu người đàn ông trên thế giới mơ ước là chở Dietrich về nhà nàng. Và nàng trút bỏ y phục... Thế nhưng, như ông viết trong nhật ký, “tôi đã quá mệt nên không muốn gì cả, không muốn cả làm lành hay cãi nhau, tôi chỉ hôn tay nàng rồi bỏ đi, cảm thấy sau lưng cả một luồng hơi lạnh”.
Với Dietrich, Remarque đã có một cuộc tình không kéo dài nhưng đầy say đắm. Nhiều người cho rằng chính nữ minh tinh này đã trở thành nguyên mẫu cho nhân vật Joan Madou trong tiểu thuyết “Khải hoàn môn” của Remarque…
Sau Dietrich, Remarque còn say mê vô số các diễn viên cả lớn lẫn nhỏ ở Hollywood. Nhưng ông đã vượt qua mọi trò mạo hiểm của cuộc đời mình như thể những chuyện đó xẩy ra với ai đó khác, chứ không phải với chính ông. Ông như thể một vị khách trong chính cuộc đời mình. Châu Âu lúc đó đang rực lửa chiến tranh, quân phát xít tràn tới cửa ngõ Moskva và điều này khiến Remarque cảm thấy bi quan. “Dù có cố gắng mấy để rũ bỏ mọi thứ này khỏi mình, thì bóng tối nơi chân trời vẫn dầy thêm và buộc đời thường phải trôi nhanh hơn: cần phải lấy mọi cái từ nó,một khi bóng tối chưa nuốt chửng ta”- ông viết trong nhật ký.
Mỗi tối ông ghé vào 5-6 quán bar với “khát vọng” nhấn chìm nỗi sợ hãi trong rượu...Remarque không ưa các tối tiếp tân rỗng tuếch ở Hollywood, nhưng ông lại luôn quẩn quanh với các minh tinh vì ông muốn dùng cách này chống lại khủng hoảng thần kinh. Ông xuất đầu lộ diện ở nơi đông người nhằm chứng tỏ rằng bọn quốc xã đã không thể bẻ gẫy nổi ông. Ông nói, chỉ khi con người tự đầu hàng thì bọn phát xít mới thắng được ta.
Cuộc sống của Remarque là khoảng thời gian xa hoa giữa các loại ghế. Đó là cuộc chơi làm ông rớm máu trong y phục của một nhân vật thượng lưu, một tình nhân đào hoa, một nhà văn thành đạt được Hollywood nuông chiều và chuyển tác phẩm thành phim. Và chỉ những trang nhật ký vừa được công bố mới cho thấy rõ mặt sau của sự việc: những đau khổ tình ái mà Marlenc đã khiến ông lâm vào, các cuộc nhậu tối ngày và sự đau đớn vật vã khi viết sách. Để có cuốn “Khải hoàn môn” (1946), ông đã phải mất tới 7 năm. May mà cũng chính nó lại mang tới cho ông dư vị thành công như thuở ban đầu, giải phóng cho ông khỏi xiềng xích của những mặc cảm mà ông mắc phải khi sống trong vinh quang nhung lụa của thành công đầu tiên…
Năm 1951, Remarque đã gặp nữ diễn viên Paulette Goddard (1910-1990), vợ của của vua hài Charles Chaplin. Chính Paulette đã giúp nhà văn thoát khỏi vực sâu buồn thảm sau khi chia tay với Dietrich. Remarque đã từng nói rằng, Paulette đã luôn luôn “tác động tới ông một cách rất tích cực”. Chính nhờ nữ diễn viên này mà Remarque đã rời khỏi được căn bệnh trầm cảm, sáng tác tiểu thuyết “Lửa sống” và tiếp tục sáng tạo được cho tới khi trút hơi thở cuối cùng. Sau khi chính thức li hôn lần thứ hai với Jutta năm 1957, Remarque đã làm lễ thành hôn với Paulette. Cũng trong năm đó, ông qua trở lại Thụy Sĩ và sống ở đấy cho tới cuối đời cùng Paulette..
Thế nhưng ở nước Đức, cả khi sau thế chiến, Remarque vẫn không được chuộng, vì ở nơi này người ta muốn khâm liệm hoàn toàn quá khứ. Remarque bị buộc tội tự phá tổ nhà mình. Có lẽ vì thế nên ông đã đồng ý sửa đổi “Thời gian sống, thời gian chết” theo yêu cầu của NXB. Ông qui thuận một cách lặng lẽ... Ngay cả Vich cũng viết : “Ông đã lặng lẽ chấp nhận cắt ngắn đi, đến nỗi, tôi sợ rằng, ông làm việc này không phải tự lòng”.
Với chính đồng bào mình, Remarque như bị cô độc và xa lạ. Có bi kịch nào lớn hơn không?