Là tác giả của những cuốn sách về hôn nhân và nuôi dạy con “Con cái chúng ta khổ thật, và chúng ta cũng thế”, “Làm thế nào để ngoại tình với chồng”, “Anh sẽ cưới em thêm nhiều lần nữa”, “Em muốn có một cuộc tình già với anh”, “30 ngày học hiểu cùng con phòng chống xâm hại”, “30 ngày học hiểu cùng con phòng chống bạo hành”, “Học nói lời Cảm ơn”, “Học nói lời Xin lỗi”… nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ về việc làm thế nào để giải quyết vấn đề ly hôn một cách nhẹ nhàng có thể.
PV:Thưa anh, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc ly hôn, theo anh nguyên nhân nào là phổ biến và gây tổn thương nặng nề nhất?
Nhà văn Hoàng Anh Tú: Vẫn cứ là ngoại tình, tôi thấy thế! Thường thì những cuộc ly hôn liên quan đến ngoại tình, lừa dối luôn là nhiều đau thương nhất. Bởi bên lừa dối và tưởng như không bị trừng phạt đến thế và bên bị lừa dối vì đã lỡ quá tin tưởng đối phương. Việc ngoại tình khi bắt đầu chẳng ai nghĩ nó có thể khiến mình đánh mất gia đình, buồn cười thay là người ngoại tình luôn nghĩ như thế. Ai cũng chỉ nghĩ đó “chỉ là một chút say nắng thôi mà”, “ai chả có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ”. Mọi thứ lại được che lấp bởi những lấp lánh kỳ thú đầy phấn khích của mối quan hệ mới. Ban đầu, nhiều khi chỉ là những cái ôm chia sẻ, cùng lắm là thêm nụ hôn khi không cưỡng lại nổi cảm xúc của mình. Nhưng rồi mọi thứ như nước tràn bờ, họ đi xa hơn họ nghĩ. Và đó là khi dối trá xuất hiện. Sự tin tưởng bị bội phản, đó mới là thứ đớn đau nhất mà người vợ, người chồng phải nhận khi “nửa kia” của họ ngoại tình. Sau đó thì những cú đánh ngay giữa tim, liên tiếp. Họ sẽ đớn đau với chính những gì họ nghĩ chứ không phải vì những gì “nửa kia” đã làm.
Khi đời sống hôn nhân không thể tiếp tục, nghĩa là những mâu thuẫn đã rất trầm trọng, vợ chồng thường rất khó có thể nói chuyện bình thường với nhau?
- Chính xác! Là khi mà mỗi người đều chạy theo cái lý của mình và không còn chấp nhận được cái lý của đối phương. Nó như một cục nghẹn ngăn đường hô hấp của hôn nhân, làm cho cuộc hôn nhân đó thiếu dưỡng khí, bí thở và ngột ngạt.
Cần giữ bình tĩnh và tránh bị lôi kéo bởi cảm xúc tiêu cực để tỉnh táo giải quyết từng vấn đề cho trọn vẹn luôn là điều cần thiết. Theo anh, cần làm những gì để được như vậy?
- Thật khó để giữ bình tĩnh được trong thời điểm này. Khi trái tim đã bị tổn thương thì dù chỉ một cơn gió nhẹ thôi cũng đã đủ để núi lửa phun trào. Để giữ được bình tĩnh, tôi cho rằng cả hai cần phải rõ ràng rành mạch với nhau về lộ trình cũng như quan điểm của mỗi người. Nó thật giống như cuộc đàm phán. Nhưng là cuộc đàm phán giữa hai người đã từng là một. Thế nên, lúc này thứ cả hai cần phải minh bạch ra, đó là hai người không còn là một nữa. Giờ là lúc cần là những người dưng, ngoài cuộc chứ không thể để cảm xúc chi phối. Nói lý thuyết thì là vậy nhưng thực tế thậm khó. Nên tôi vẫn luôn trả lời những người vợ đang trong tình huống này rằng cần có người thứ ba mỗi khi hai người ngồi với nhau. Có người thứ ba sẽ giúp cuộc trao đổi, đàm phán được tỉnh táo hơn.
Trong ly hôn, hai vấn đề cần xử lý và dễ dẫn tới căng thẳng nhất, đó là tài sản và con cái? Theo anh cần làm thế nào để việc ly hôn diễn ra nhẹ nhàng êm đẹp cho cả ba phía: vợ, chồng và con cái?
- Vốn chẳng có gì được xem là êm đẹp trong một cuộc đổ vỡ cả. Tôi thì chỉ cho rằng làm sao để ít gây ra hậu quả nặng nề thôi. Bởi nhiều khi, giá trị đồ chia thì nhỏ nhưng hơn thua của hai bên lại quá lớn. Đôi khi cả hai đều cho rằng mình yêu con nhưng thực tế lại là ai cũng muốn tranh phần thắng. Ai cũng đem cái Tôi của mình ra che khuất lấp hết mọi thứ. Đó là nguồn cơn cho mọi cuộc tranh chấp.
Vậy làm thế nào để giữ được sự văn minh lịch thiệp với nhau khi ly hôn thưa anh?
- Trước tôi còn nghĩ rằng tri thức sẽ giúp người ta đối xử với nhau văn minh hơn khi chia tay. Nhưng khi chứng kiến nhiều cặp đôi trí thức chia tay thì tôi hết tin vào điều đó. Sự văn minh, lịch thiệp chỉ có khi cả hai còn tôn trọng nhau. Mà ly hôn nếu vì những lý do như ngoại tình, lừa dối thì sự tôn trọng vì thế cũng không còn.
Trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng sau ly hôn đã cư xử tệ với nhau đến mức không thể nào nhìn mặt nhau được, dẫn tới việc con chỉ có cha hoặc mẹ chăm sóc, hoặc sự phân chia tài sản chiếm rất nhiều thời gian và gây căng thẳng. Anh nghĩ sao về điều này?
- Là vì sự hơn thua trong họ quá lớn. Họ coi chính họ là nạn nhân chứ họ không bao giờ nghĩ mình là thủ phạm. Họ sẽ chỉ thấy thứ họ bị mất, bị đối xử bất công chứ không nhìn ra nỗi khổ của đối phương. Thậm chí, trong vài trường hợp tôi đã từng chứng kiến thì sự sĩ diện của một trong hai, hoặc cả hai, mới là thứ huỷ hoại nhau khủng khiếp nhất. Vì sự sĩ diện ấy của họ mà con cái cũng trở thành vũ khí để huỷ hoại đối phương. Hoặc tài sản, có người thu nhập hàng tháng lên đến tiền tỷ nhưng ly dị thì đến cái dây diện cũng gỡ ra bằng sạch nếu phán quyết của toà giao nhà lại cho đối phương. Họ lấy không phải vì giá trị của đống dây điện đó mà là sĩ diện của họ, lòng hận thù của họ. Tôi cũng chứng kiến một người vợ tranh con trai chỉ vì bố nó yêu thằng bé nhất nhà, bắt bố nó phải nuôi bé gái đỏ hỏn mới sinh chưa được 1 tuổi. Rồi ở vụ khác, người mẹ bắt người cha phải nuôi cả ba đứa con vì “sao để nó rảnh đi với con quái thai kia”. Những trường hợp như thế, thực sự, rất đau lòng.
Sau ly hôn, chọn cách cư xử với nhau đàng hoàng sẽ đảm bảo cho việc chăm sóc giữa hai bên đối với con chung được trọn vẹn cũng như đảm bảo được cuộc sống riêng tư của mỗi bên như thế nào thưa anh?
- Tôi cho rằng ly hôn là kết thúc một cuộc hôn nhân, một cuộc sống chung và cả tình yêu của hai người dành cho nhau. Nhưng ly hôn không có nghĩa là con mất bố, con mất mẹ, con không được nhận tình thương của một trong hai người. Ly hôn là chuyện của người lớn với nhau, trẻ con thì vẫn thế thôi. Chúng vẫn có đầy đủ cả bố lẫn mẹ, chỉ là bố mẹ ở hai nơi. Đứa trẻ sẽ phải chấp nhận hoàn cảnh đó Tôi thấy nhiều khi đứa trẻ đã chấp thuận nhưng cha mẹ lại suy diễn quá thôi. Chính cha mẹ và những người xung quanh khiến mọi thứ trở nên phức tạp. Kiểu nhiều cặp đôi ly dị rồi vẫn duy trì việc cuối tuần đi với nhau đi chơi cho con vui, tôi thấy đó là thứ hình thức. Nó ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của 2 người sau này. Nhưng dù bố mẹ có ly hôn rồi, tôi vẫn thấy rằng đứa trẻ phải được nhận đầy đủ sự quan tâm của bố và mẹ. Tức là trước đây bố quan tâm thế nào, mẹ quan tâm ra sao thì vẫn phải duy trì như thế. Đừng bớt đi. Đừng để đứa trẻ khó xử và phải sống với mâu thuẫn “làm mẹ vui lòng bằng việc chê bai bố” hay ngược lại. Đừng để đứa trẻ đi với bố thì nói mẹ, hay đi với mẹ thì trách bố. Ông ấy vẫn là bố của con. Cô ấy vẫn là mẹ của con. Phải nhớ điều đó!
Xin cảm ơn những chia sẻ thực tế và sâu sắc của anh. Chúc anh có thêm những tác phẩm được công chúng đông đảo đón nhận!