Nhà văn Hoàng Anh Tú: Sự biết ơn giúp chúng ta sống bớt ích kỷ

Việt Quỳnh (thực hiện) 22/04/2020 11:30

Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, gia đình chính là cội rễ gốc gác của tất thảy sự trưởng thành của mình. Gia đình là nơi đi để trở về. Gia đình là nơi tiếp nạp năng lượng cho mình. Mà biết ơn chính là cách ta đang tưới tắm cho gốc rễ đó vững mạnh hơn.

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Sự biết ơn giúp chúng ta sống bớt ích kỷ

PV:Phải chăng từ lòng biết ơn ấy, anh đang có một gia đình ấm êm và một cuộc sống dễ chịu?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Vâng! Ấm êm và dễ chịu. An toàn và viên mãn. Gia đình khiến tôi tự hào và tự tin hơn rất nhiều. Tôi biết ơn điều đó.

Nhưng ngược lại, tôi thấy rất nhiều lời oán trách, dĩ nhiên không công khai về người bạn đời của mình, thậm chí là với bố mẹ, và sự vô ơn của con cái?

- Có chứ! Nhiều là đằng khác. Và đó cũng là điều tôi hằng trăn trở khi ở tư cách người viết văn. Tôi có một gia đình quá tuyệt vời nên thực sự cảm thấy rất đau đớn khi nhìn thấy những điều đó trong cuộc sống, qua những inbox nhiều phụ nữ gửi tôi. Đau đớn vì mình không thể đem câu chuyện hạnh phúc của mình ra để khuyên bảo được cho những bất hạnh ngoài kia. Đau đớn vì trong những lời oán trách hay cả những sự vô ơn, người ta vẫn nghĩ về thứ họ mất hơn là thứ họ đang có. Nhiều người, họ khát sự biết ơn của người khác cho những thứ họ làm hơn cả việc họ cũng cần bày tỏ lòng biết ơn của họ.

Liệu chúng ta có thể tự mình đạt được những thành công trong sự nghiệp cá nhân, hoặc đơn giản như giữ ghìn sức khỏe bản thân, mà không cần dựa vào sự giúp đỡ của người khác không?

- Nhiều người nghĩ rằng họ đã làm được điều đó đấy chứ! Họ nghĩ rằng họ đạt được tất cả mọi thứ hiện tại là do chính họ tự tay làm. Đó cũng là một biểu hiện của sự vô ơn, tôi nghĩ vậy. Chỉ là họ không nghĩ thế. Họ tự hào, hãnh diện với “tài năng” của mình khiến họ không muốn thừa nhận sự giúp đỡ thầm lặng của gia đình họ.

Vậy cần có thái độ ra sao với những người đã giúp đỡ, hỗ trợ để chúng ta có được như ngày hôm nay?

- Tôi luôn cho rằng thứ quan trọng nhất trong việc đánh giá một ai đó chính là đo từ sự biết ơn của họ với những người xung quanh họ. Chúng ta không thể có một nhân viên tốt nếu như anh ta nói xấu công ty cũ của anh ta. Chúng ta không thể trông mong vào một cộng sự tốt nếu như họ coi gia đình, cha mẹ của họ là gánh nặng đời họ. Tôi không tin vào những người kiểu đó. Mỗi chúng ta khi được sinh ra trên cuộc đời này đã mắc nợ một ai đó, lớn lên, phát triển cũng cần nguồn tưới tắm nuôi dưỡng từ khắp mọi nơi. Chúng ta không phải Tôn Ngộ Không nứt ra từ viên đá. Chúng ta không thể lớn khôn nếu như không có sự giúp đỡ của nhiều người. Chẳng có một thành công nào mà không có sự giúp đỡ, đôi khi chỉ là vô tình, bất chợt. Thì vẫn cứ phải sẵn một lòng biết ơn như một đoạn gen bắt buộc cài đặt sẵn trong mỗi người vậy.

Thưa anh, khi đọc thông tin từ báo chí, qua câu chuyện về Bệnh viện Bạch Mai, sau khi xét nghiệm tất cả các y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đều âm tính với Covid-19, xác định đó không phải là nguồn lây, đồng thời, bệnh viện bị cách ly, trong khi đó các y bác sĩ vẫn làm việc không ngừng nghỉ trong nhiều giờ liên tiếp trong điều kiện sinh hoạt khó khăn, nhưng lại gặp phải những oán trách, phán xét tiêu cực, thậm chí nhiều người còn bị đối xử như những “bệnh nhân dương tính”, anh chia sẻ sao về điều này?

- Tôi không trách những người đó, những kẻ đang ném đá các bác sỹ, dù có giận. Bởi tôi biết, họ cũng bị nỗi sợ lấn át lý trí. Họ bị nỗi sợ dắt mũi họ, xúi bẩy họ. Kiểu như bản năng sinh tồn, họ cần phải trút giận vào một ai đó cho bớt sợ vậy. Rồi mấy hôm nữa, họ sẽ lại tươi như hoa tụng ca các bác sỹ thôi, thật đấy! Là bởi tri thức có hạn mà hoảng loạn có thừa. Những điều đó giống như họ đôi khi trách mắng cả cha mẹ mình vì đã nghèo túng không cho họ quyền thừa kế nào ra hồn. Họ trách con họ vì học hành dốt nát khiến họ xấu hổ với mọi người xung quanh. Họ là vậy, những người bị khuyết đoạn mã gen biết ơn. Họ là vậy, những người chỉ quan tâm đến bản thân mình và lấy bản thân mình ra soi chiếu tất cả.

Lúc này, nhiều người được ở trong nhà để giữ an toàn cho sức khỏe bản thân và gia đình, nhưng cũng nhiều người phải rời nhà, nhất là những người phải thực thi nhiệm vụ chung, như tuyến đầu chống dịch là các bác sĩ, công an, quân đội, nhà báo… theo anh, chúng ta có nên biết ơn họ?

- Có chứ! Trên trang cá nhân của mình, tôi luôn tha thiết mong mọi người nhớ điều đó. Tôi còn mong trong các buổi học trực tuyến, thầy cô sẽ lấy những câu chuyện đó để dạy lũ trẻ lòng biết ơn và cả sự tự hào khi chúng là người Việt nữa. Tôi luôn cho rằng mỗi người sẽ có nhiều hơn nữa sức mạnh từ việc họ biết ơn bao nhiêu. Chúng ta sẽ trở nên ham sống nhiều hơn nữa, thấy đáng sống nhiều hơn nữa khi chúng ta có nhiều sự biết ơn trong lòng mình.

Trên các diễn đàn, mạng xã hội, tôi thấy thay vì những lời động viện, nhiều người lại phán xét, trách móc những người đang nỗ lực chống dịch tại tuyến đầu?

- Họ vốn ích kỷ là vậy. Có một thực trạng là như thế, người ích kỷ ngày càng đông. Ích kỷ và ngu dốt thường đi cùng nhau. Chẳng phải nói đâu xa, chỉ ngồi quán café nghe những người nói chuyện oang oang mặc kệ người xung quanh là biết ngay họ thuộc thành phần nào. Hay những kẻ vẫn xuống đường mặc kệ lệnh cấm, không đeo khẩu trang. Họ là những người luôn cho mình là nhất. Ngu dốt khiến họ ích kỷ và ích kỷ càng khiến họ có những hành động ngu dốt. Đến mức thấy người khác chửi là đồng thanh chửi theo vì sợ mình không lên tiếng mình sẽ kém cỏi hơn.

Thậm chí từ một số khu cách ly còn chê bai những người đang chăm sóc bữa cơm hàng ngày, bảo vệ sức khỏe của họ?

- Vì bao năm qua, giáo dục của chúng ta thiên lệch quá vào kiến thức với điểm số. Giáo dục công dân bị coi rẻ thậm chí có thời giáo viên dạy giáo dục công dân còn không được phụ huynh tặng hoa ngày 20/11. Đến bây giờ, nhiều giáo viên còn kiêm nhiệm bộ môn giáo dục công dân. Chúng ta đã chỉ quan tâm đến việc con chúng ta lên lớp, có bằng khen cho thành tích học tập Toán- Văn- Anh. Chúng ta quên dạy lũ trẻ lòng biết ơn và trách nhiệm với cộng đồng. Trách nhiệm với cộng đồng cũng chính là hành động xuất phát từ sự biết ơn. Không có đứa trẻ nào có trách nhiệm với cộng đồng nếu như chúng không có lòng biết ơn. Cái gọi là “Tiên học lễ, hậu học văn” chỉ là thứ biển bảng. Và nhiều cha mẹ sẽ “ôm hận” mai này nếu như con cái họ coi việc học thật giỏi là đáp đền cha mẹ, là xong trách nhiệm với cha mẹ. Rồi sẽ nhiều cha mẹ chỉ đấm ngực nói: “Nước mắt chảy xuôi” trong khi chính họ dạy con mình hiếu thảo là học cho giỏi vào, học hơn con nhà người ta cho bố mẹ đỡ mất mặt… Khi với cha mẹ mà lũ trẻ học sự biết ơn như thế thì mong gì chúng có trách nhiệm với cộng đồng? Trong số những người bị cách ly kia, hẳn đã có rất nhiều người đã trải qua cách giáo dục cũ kỹ ấy.

Với anh, lòng biết ơn có những ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống, và để làm sao con người có được lòng biết ơn để tình người ngày càng gắn kết ấm áp hơn?

- Tôi đã hơn chục lần mong ngày 20/11 phải trở thành TẾT BIẾT ƠN của người Việt. Là khi tất cả người Việt cần phải biết ơn người đã dạy dỗ mình dù cho đó không phải là giáo viên của mình. Tôi cũng mong ngày 8/3 hay 20/10 không phải là ngày tôn vinh chị em mà là ngày biết ơn phụ nữ, trân trọng phụ nữ. Tôi cũng mong Lịch sử không phải là môn học thi thố sự ghi nhớ mốc lịch sử nước nhà mà là học cách biết ơn các tiền nhân. Tôi cũng mong những bài tập làm văn người ta đừng cố công đi tìm ý nghĩa của bài văn hay phân tích tâm lý nhân vật, hoàn cảnh sáng tác… mà hãy giúp trẻ nói ra tiếng lòng của chúng, viết ra tiếng lòng của chúng. Và tôi cũng mong mỗi đứa trẻ đều có những cuốn sổ tay ghi lại những điều chúng nhận được từ mỗi ngày. Giống như đạo Thiên chúa với nghi thức trước bữa ăn, nếu mỗi đứa trẻ đều học được cách biết ơn tôi tin chắc chúng sẽ trở thành những đứa trẻ hạnh phúc. Và sức mạnh của lòng biết ơn sẽ giúp người được nhận lòng biết ơn sẽ muốn làm nhiều điều tử tế hơn nữa, muốn trở thành người như họ muốn trở thành chứ không phải là người họ bị trở thành. Còn nhiều, nhiều lắm những điều tuyệt vời khác chúng ta sẽ nhận được khi ai cũng có sự biết ơn. Sự biết ơn sẽ giúp người Việt chúng ta sống bớt ích kỷ đi rất nhiều.

Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Hoàng Anh Tú: Sự biết ơn giúp chúng ta sống bớt ích kỷ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO