Cuộc trò chuyện này với nhà văn Khuất Quang Thụy diễn ra ở báo Văn nghệ phố Trần Quốc Toản, Hà Nội – nơi hiện ông đang là Tổng Biên tập, nhưng câu chuyện lại nói nhiều về văn học đề tài chiến tranh, về những nhà văn quân đội, về nhà số 4 Lý Nam Đế, nơi ông từng là Phó Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hiền lành, nhỏ nhẹ, Khuất Quang Thụy là mẫu nhà văn không đao to búa lớn, nhưng luôn đưa ra những chiêm nghiệm sâu sắc về văn chương và cuộc sống.
Nhà văn Khuất Quang Thụy.
PV:Thưa ông, chiến tranh đã qua lâu, nhưng chúng ta vẫn không thể không nhắc đến một phần quan trọng trong đời sống văn học nghệ thuật là mảng đề tài chiến tranh, nhất là đối với thế hệ các nhà văn quân đội?
Nhà văn Khuất Quang Thụy: Chiến tranh đã qua hơn 40 năm nhưng đối với văn học đó vẫn là đề tài thời sự sâu sắc. Bởi vì rất nhiều vấn đề của chiến tranh vẫn hiện diện trong đời sống, nhất là vấn đề giải quyết các hậu quả của chiến tranh. Văn học trong những năm chiến tranh được các nhà văn thực hiện nhiệm vụ của mình, trách nhiệm công dân của nhà văn được đặt lên trước hết, tức là các nhà văn phải dành tâm sức của mình để sáng tác mang tính khích lệ động viên cuộc chiến đấu. Những thiên bút ký, phóng sự, tiểu thuyết tập trung chủ yếu miêu tả bề mặt của chiến tranh. Anh em Văn nghệ Quân đội nhiều khi vẫn gọi đùa đó là thứ văn chương tả trận, nó chiếm phần lớn trong các sáng tác của những năm tháng chiến tranh. Mà không chỉ có nhà văn quân đội, kể cả anh em bên ngoài quân đội thời đó khi viết về hậu phương cũng chủ yếu viết về bề mặt của hậu phương. Những vấn đề phía sau, những vấn đề xã hội, những vấn đề hậu quả của chiến tranh, những câu hỏi về chiến tranh và hòa bình, những câu hỏi về thân phận con người thì cũng đều còn gác lại cả. Sau cuộc chiến, các nhà văn mới có điều kiện đi sâu vào những vấn đề có tính xã hội của chiến tranh, thì mới xuất hiện những tác phẩm viết về chiến tranh đào sâu đến số phận con người, đến vấn đề hàn gắn vết thương chiến tranh giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, giữa các dân tộc… mới bắt đầu được đặt ra. Văn học chiến tranh sau chiến tranh nó thường là có độ lùi, do có độ lùi nên cách nhìn về chiến tranh trầm tĩnh lại hơn, người ta nhìn thấy không chỉ là cái tốt đẹp, oai hùng của chiến tranh mà còn nhìn thấy cả cái bi, cái xấu của chiến tranh, người ta cũng mới nhìn thấy sự phân hóa của con người trong chiến tranh. Hóa ra nó cũng không phải đơn giản, cũng có sự phân hóa như thời bình, mà trong chiến tranh người ta bỏ qua. Chiến tranh cũng có sự hèn nhát, cơ hội, tranh công đổ lỗi…
Đó là lý do đề tài này chưa bao giờ cạn và cũng không bao giờ là cũ, thưa ông?
- Văn học chiến tranh sở dĩ nó bền bỉ, nó kéo dài tới tận bây giờ là vì nó tiếp tục phải giải đáp những câu hỏi ấy, những câu hỏi về chiến tranh, về hòa bình, về thân phận con người, trong cái biến cố rất đặc biệt của đời sống con người. Chiến tranh là một biến cố rất đặc biệt của đời sống. Phải trả lời những câu hỏi về biến cố đó thì nó cần nhiều thời gian hơn. Tôi thì tôi nghĩ là trong những năm tới vẫn tiếp tục xuất hiện nhiều hơn nữa tác phẩm về chiến tranh không phải theo kiểu chiêm nghiệm của người trong cuộc nữa, mà là tác phẩm của các bạn trẻ với những suy ngẫm hơn thông qua việc nhìn lại cuộc chiến không phải bằng trực cảm mà thông qua trải nghiệm của cha ông, của người đi trước, đồng thời thông qua nguồn tư liệu hết sức khách quan được phơi bày sau chiến tranh của cả 2 bên. Tương lai của văn học chiến tranh vẫn còn. Như vậy chiến tranh với tư cách là đề tài vẫn còn, thậm chí không loại trừ còn xuất hiện những tác phẩm hay trong tương lai.
Về những người cầm bút sáng tác về đề tài chiến tranh thì sao, có thể phân ra thành nhiều thời kỳ với các tâm thế khác nhau không?
- Đội ngũ thì như tôi nói rồi, sau lớp nhà văn trực tiếp tham gia chiến tranh ngày càng ít dần đi, xuất hiện lớp nhà văn viết về chiến tranh sau chiến tranh. Đội ngũ ấy tôi cũng tin tưởng là họ sẽ trưởng thành.
Bây giờ nhớ lại các nhà văn cùng thế hệ, cùng sáng tác ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, ông nhớ gì về họ?
- Các nhà văn quân đội nói chung và các nhà văn Văn nghệ Quân đội đều là đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp thân thiết và đáng quý trọng của tôi. Vì cống hiến của họ không chỉ cho văn chương mà họ cống hiến cả cuộc đời mình cho cuộc chiến. Rất nhiều nhà văn trong thế hệ tôi trực tiếp cầm súng, có người đã hy sinh khi họ còn chưa phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Lớp đàn anh của chúng tôi là những nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, họ là những trí thức được đào tạo thời Pháp, có kiến thức vững vàng về văn hóa, văn học phương Tây. Họ trở thành nhà văn cách mạng viết về đề tài chiến tranh một cách sâu sắc. Đến thế hệ chúng tôi, các nhà văn chống Mỹ đa số là học sinh, sinh viên rời ghế nhà trường cầm súng, đặc trưng lớn nhất của thế hệ ấy là thế. Phần lớn đến với văn chương theo con đường là vòng qua mặt trận rồi trở thành nhà văn. Quá trình hoàn thiện nhân cách nhà văn cũng đồng thời với quá trình hoàn thiện nhân cách người chiến sĩ. Lớp anh em chúng tôi nếu nói về thành tựu văn chương thuần túy thì có người thế này người thế khác. Nhưng về mặt bằng chung nhìn nhận tài năng của nhau, cống hiến của nhau thì rất công bằng sòng phẳng.
Còn thế hệ sau này, những nhà văn quân đội chưa đi qua chiến tranh, ông nói gì về họ?
- Đến nay ở Văn nghệ Quân đội đã xuất hiện những thế hệ nhà văn chưa đi qua chiến tranh. Họ đã khiêm tốn học hỏi lớp nhà văn đi trước những gì họ cần học hỏi, ví dụ có những điều như là trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm chiến tranh, trải nghiệm đời sống quân ngũ thì họ không bằng chúng tôi nhưng kiến thức văn hóa, kiến thức đời sống đương đại thì họ khá hơn, nên nó bổ sung cho nhau. Ở Văn nghệ Quân đội vẫn có đội ngũ kế cận rất vững vàng. Họ vẫn là trụ cột của văn học đề tài người lính hiện nay. Họ không chỉ viết về chiến tranh, về cha ông, về thế hệ đi trước mà họ còn đang viết về những đồng đội của họ hôm nay.
Trong số các nhà văn bây giờ, ông nhận xét gì về tác phẩm của nhà văn Nguyễn Bình Phương, một thế hệ tiếp nối của các nhà văn quân đội?
- Nguyễn Bình Phương là một tác giả khá đặc sắc. Anh ấy có cái khác so với thế hệ chúng tôi là văn chương của anh ấy không chỉ kỹ càng về ngôn ngữ, hình tượng mà có những ý tưởng mới mẻ, cách nhìn mới mẻ khác thế hệ đi trước. Anh ấy là gạch nối giữa thế hệ nhà văn quân đội đi qua chiến tranh và thế hệ sau này. Cùng với Nguyễn Bình Phương còn có những nhà văn như Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú… Họ không chỉ có trách nhiệm với văn học quân đội, họ không chỉ đặc sắc với văn chương đề tài chiến tranh mà còn là những gương mặt đặc sắc của văn học nước nhà nói chung.
Cách ứng xử giữa các nhà văn với nhau của thế hệ các nhà văn quân đội trước kia có gì khác với bây giờ thưa ông?
- Do điều kiện sống trong cuộc chiến, thời gian để các nhà văn hàn huyên với nhau trong chiến tranh không nhiều. Nhưng có một đặc điểm là chúng tôi ở rất xa nhau nhưng đọc về nhau rất kỹ, hiểu về nhau rất kỹ. Thế hệ trẻ bây giờ hình như theo chủ quan của tôi họ không đọc nhau kỹ lắm, họ cũng ít hiểu về nhau mặc dù sống trong thời bình, điều kiện giao lưu nhiều nhưng lại ít có việc giao lưu một cách thẳng thắn, trung thực, hết lòng về tác phẩm của nhau. Thời trước nhờ đọc giúp nhau để góp ý là rất bình thường. Tất nhiên mỗi thế hệ có cách sống khác nhau. Chúng tôi cũng không cho đó là khuyết điểm của các nhà văn thế hệ bây giờ. Ở đây tôi chỉ nói đến sự khác biệt. Ngày xưa ở Văn nghệ Quân đội chúng tôi viết được cái gì là chuyền tay nhau đọc, khen chê rất là sòng phẳng. Tôi nhớ khi tôi viết xong bản thảo “Góc tăm tối cuối cùng”, nhờ nhà văn Nguyễn Minh Châu đọc, rất là rón rén, cứ nghĩ mình viết tay, chữ không đẹp sợ bác sẽ phải đọc nửa tháng trời mới xong, không ngờ chỉ mấy ngày sau ông đã xồng xộc tìm đến cơ quan, bảo là đã đọc xong rồi, ông khen chê rõ ràng, nói say sưa như đang nói về tác phẩm của mình. Ngay cả nhà văn Nguyễn Khải là người có phong cách ít can thiệp vào sáng tạo của người khác, nhưng vẫn đọc góp ý cho tác phẩm của chúng tôi. Còn chúng tôi làm biên tập thì cũng không ngại viết hết lá thư này đến lá thư khác bằng tay cho bạn viết của mình, bạn viết đồng lứa với mình, hoặc có thể trẻ hơn để cùng bàn bạc với họ sửa một đoạn, một chi tiết nào đó trong tác phẩm họ gửi đến, việc đó bây giờ hiếm vô cùng. Bây giờ nếu có biên tập thì sửa theo ý chí của tòa soạn, vì số chữ, số câu, chủ đề, chứ không có việc trao đổi với nhau về ý tưởng. Tất nhiên bây giờ các bạn trẻ có các phương tiện giao tiếp khác. Nhưng ngày xưa như thế, tất nhiên nó cũng có những phiền toái nhưng về cơ bản là nó ấm cúng tình đồng nghiệp.
Về những giai thoại vẫn được lưu truyền về các nhà văn ở nhà số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội, là người trong cuộc, ông thấy thế nào?
- Tôi chưa thấy giai thoại nào được mọi người vẫn kể ở về các nhà văn quân đội ở nhà số 4 quá xa sự thật. Nó bắt đầu từ những nét đời sống của các nhà văn. Tôi chưa thấy cái nào là bịa cả. Đặc điểm đều là bắt đầu từ sự thật. Nó cũng không phải để hài hước châm biếm mà chính là để rất trân trọng những nét đặc biệt trong đời sống, thậm chí là rất riêng tư của mỗi nhà văn. Và tôi nghĩ là giai thoại nhà số 4 mà tập hợp lại thì thành một sưu tập hết sức thú vị.
Ví dụ về nhà văn Khuất Quang Thụy, ông xác nhận giai thoại đó như thế nào?
- Tôi có nhiều cộng tác viên, khi tôi đang là Trưởng Ban Biên tập Văn xuôi, phòng tôi lúc nào cũng đông khách nữ đến. Trong khi ở phòng bên cạnh là anh Trần Đăng Khoa, hồi ấy rất ít khi tiếp khách nữ. Một hôm anh Vương Trọng buột miệng đọc thơ: “Trời sao trời ở không cân/ Kẻ Khuất Quang Thụy kẻ Trần Đăng Khoa”… (cười) Các anh ấy có ý bảo tôi “sát gái”.
Từ trái sang: Anh Ngọc, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Khuất Quang Thụy, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Tính.
Trong số các nhà văn lớp trước, ông nhớ nhất là kỷ niệm với nhà văn nào?
- Khi tôi ở nhà số 4, phòng tôi cạnh phòng nhà văn Duy Khán. Đặc điểm của anh Duy Khán là buổi chiều thường đi uống, đến đêm về thì chịu không mở được cửa để vào. Có hôm tối về không mở được cổng của nhà số 4, nên anh ấy dựa xe đạp vào cổng, nằm bên ngoài thò chân qua khung xe ngoắc vào bên trong cổng sắt. Buổi sáng dậy sớm tôi phát hiện ra, lặng lẽ mở khóa cổng, dắt xe đạp vào trước cửa phòng anh Duy Khán dựng ở đó rồi mới ra đánh thức nhà văn dậy. Ông vào nhìn thấy cái xe dựng trước cửa phòng ngay ngắn đã ngạc nhiên quay ra hỏi: Ơ này Thụy, tại sao đêm qua nó thì vào được mà mình không vào được nhỉ?
Nhắc đến nhà văn Duy Khán còn nhiều chuyện dễ thương khác như thường xuyên quên lối về nhà mình, vẫn vỗ vai những người gặp ngoài đường hỏi: Em ơi/cháu ơi/ bác ơi, nhà tôi ở đâu nhỉ? Có lần gặp công an, ông hỏi nhà, công an hỏi lại bác ở phố nào: Duy Khán thì ở phố Duy Khán chứ ở phố nào nữa. Cậu công an bảo không biết phố Duy Khán, hỏi ông làm nghề gì, ông bảo là nhà thơ, cậu ấy nghĩ nhà thơ mà gần đây chắc là ở Văn nghệ Quân đội, nhà văn nghe thế mừng quá reo lên: Đúng rồi, Văn nghệ Quân đội ở phố Duy Khán (cười).
Về mặt bằng chung của văn học hiện nay, là Tổng biên tập báo Văn nghệ, có điều kiện tiếp cận với các sáng tác mới, ông có nhận xét gì?
- Về mặt bằng văn chương hiện nay theo tôi tác phẩm xuất hiện trước công chúng rất nhiều nhưng sự quan tâm của công chúng thì ít. Việc in sách ra chỉ để đáp ứng nhu cầu của những nhóm độc giả. Ảnh hưởng của văn chương hay sự tác động của văn chương đến xã hội rất chậm và hiệu quả rất ít. Việc tham gia vào kích hoạt đời sống tâm thế xã hội của văn chương không được như ngày xưa nữa. Truyền thông đang làm việc đó tốt hơn. Văn chương phải lui lại thôi, thời đại thế, văn học và sáng tạo phải lùi lại phía sau một tí, truyền thông đang tiến lên phía trước, đó là điều đương nhiên, là vấn đề thời đại. Cho nên tôi không quá vui khi thấy nhiều người làm thơ xuất hiện nhưng cũng không quá buồn khi thấy ít tác phẩm hay. Nền càng rộng càng sâu thì hy vọng sự kết tinh của nó càng nhiều. Nên cứ viết đi, mọi người đều làm thơ thì thế nào đó sẽ có nhà thơ có tài xuất hiện. Cho nên không phải vì quá ít thành tựu mà buồn, cũng không phải vì quá nhiều người viết mà vui. Văn học thời kỳ này sẽ khác với các trào lưu trước, nó tiệm tiến, nó đang chuyển. Xã hội càng phát triển nhanh thì văn học nghệ thuật càng đi chậm. Thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 thì văn học còn chậm nữa. Mà cũng buộc phải chậm chứ nhanh thì sẽ không có gì. Đời sống xã hội càng nhanh thì văn học nghệ thuật càng phải chậm.
Thưa ông, nhưng có những vấn đề thuộc về thân phận con người là đối tượng của văn học, không quá phụ thuộc vào sự phát triển của công nghệ?
- Những vấn đề thuộc về con người trong xã hội phát triển rất nhanh hiện nay không thể lý giải được ngay. Giờ ngay cả những người trong cuộc, thế hệ trẻ bây giờ chính họ cũng đã hiểu họ đâu. Làm sao bây giờ viết về thế hệ trẻ mà hay luôn được. Bây giờ đọc tác phẩm của thế hệ trẻ, chị biết rồi đấy, có cảm giác chính họ cũng chưa hiểu hết thế hệ họ. Nên chính họ cũng phải chậm. Tất nhiên trừ tài năng. Tài năng thì bất chấp mọi quy luật, có thể cắt nghĩa được mọi hiện tượng xã hội và hình tượng hóa được rất nhanh.
Như vậy, thưa ông, chúng ta vẫn phải trở về vấn đề mấu chốt nhất là thiếu tài năng. Bây giờ mà chưa có tác phẩm hay thì không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, điều kiện sống được nữa, chưa kể phương tiện phổ biến tác phẩm đến công chúng đã rất dễ dàng?
- Khi mọi điều kiện đã đầy đủ thì đấy là cơ hội để bộc lộ sự bất tài nhiều nhất của nhà văn. Như thế hệ tôi chẳng hạn nhiều người vẫn nói đáng lẽ tôi ngày xưa phải viết thế này cơ nhưng do vướng chỗ này chỗ kia, định hướng thế nọ thế kia nên tôi mới viết chỉ được có vậy. Bây giờ thì viết đi, không ai cấm gì hết, thì lại thấy không có gì để biện minh cho sự bất lực của nhà văn nữa. Thiếu tài năng chứ không thiếu gì hết. Thời này làm cho tài năng rất dễ có điều kiện xuất hiện, nhưng nó cũng làm cho những gì tương tự tài năng bộc lộ nhanh ra bản chất của nó. Không có chuyện lăng-xê mà thành tài năng được.
Dù thế nào, ở góc độ của mình, ông đã nhìn thấy dấu hiệu của những xu hướng mới trong văn chương chưa?
- Nhìn thấy rồi chứ, những xu hướng của thế hệ trẻ. Ví dụ sáng tác không gian mở xuất hiện rất lâu rồi. Rồi những xu hướng lây lan ảnh hưởng của các trường phái Mỹ Latin xuất hiện lâu rồi. Nhưng để khẳng định tài năng ở những xu hướng nghệ thuật đó còn rất khó. Có người chỉ dừng ở việc phát ra tín hiệu mà không làm được cái gì khác. Có cây bút trẻ khi mới xuất hiện đã thấy dấu hiệu tài năng, đầy hy vọng, nhưng sau đấy đã chỉ dừng lại ở đó. Những cây bút đã định hình rồi thì đóng khung ở đó không thay đổi được. Như tôi thì bây giờ chịu, không thay đổi được nữa, không có hy vọng. Chỉ viết được gì về những năm tháng đã qua một cách kỹ càng để thế hệ sau này đọc tham khảo đã là tốt lắm rồi. Hy vọng tạo ra cái đột xuất đột biến thì không có.
Như vậy là chúng ta vẫn đang phải chờ đợi?
- Tôi vẫn đang hy vọng vào thế hệ trẻ. Họ khám phá cái mới, họ mở ra những cánh cửa, cứ mở lung tung ra rồi biết đâu mở đúng. Nghệ thuật là đi về phía trước và nuôi hy vọng!
Trân trọng cảm ơn ông!
Nhà văn Khuất Quang Thụy sinh năm 1950 tại huyện Phúc Thọ (nay thuộc Hà Nội). Năm 1967, ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, ông nhập ngũ, chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng) tại các mặt trận nổi tiếng ác liệt như: Quảng Trị, Tây Nguyên. Năm 1976, ông được điều về Trại sáng tác văn học của Tổng cục Chính trị và sau đó học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa I. Tốt nghiệp, nhà văn Khuất Quang Thụy về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, lần lượt trải qua các chức vụ: Biên tập viên, Trưởng ban Văn xuôi rồi Phó tổng biên tập. Hiện ông là Tổng biên tập báo Văn Nghệ.
Các tác phẩm chính của ông: “Trong cơn gió lốc” (1980), “Trước ngưỡng cửa bình minh” (1985), “Không phải trò đùa” (1985); “Giữa ba ngôi Chúa” (1989); “Góc tăm tối cuối cùng” (1990) và “Người ở bến Phù Vân” (tập truyện, 1985)...
Ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 cho cụm ba tiểu thuyết: “Trong cơn gió lốc”, “Không phải trò đùa” và “Góc tăm tối cuối cùng”; Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng năm 1984 với tiểu thuyết “Không phải trò đùa”; năm 2004 với tiểu thuyết “Những bức tường lửa”...