Là thành viên Ban giám khảo cuộc thi UPU hơn 20 năm nay, nhà văn Lê Phương Liên cho rằng, cuộc thi UPU đã hấp dẫn các em học sinh tham gia đông đảo chính là nhờ chủ đề cuộc thi hàng năm. Những chủ đề này không nhàm chán mà thực sự đã kích thích trí tuệ của trẻ em.
Dẫn chứng ngay với chủ đề cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 51 (năm 2022): “Em hãy viết thư gửi một người có tầm ảnh hưởng để trình bày lý do và cách thức họ cần hành động trước khủng hoảng khí hậu”, nhà văn Lê Phương Liên cho rằng:
Viết thư gửi “một người có tầm ảnh hưởng”, sẽ có người lo lắng rằng đây là một việc khó với trẻ em. Thực tế không phải như vậy! Bây giờ là thời trẻ em tiếp cận với thông tin toàn cầu qua internet.
Tôi đã bị bất ngờ khi đọc những bức thư của các em gửi các nhân vật nổi tiếng thế giới như tỷ phú Elon Musk; hoa hậu thế giới Destiny Wagner; nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển Greta Thunberg (sinh năm 2003); David Attenborough - nhà tự nhiên học người Anh tác giả bộ phim“ Nature’s Greats Events” (Những sự kiện thiên nhiên vĩ đại)...
Hóa ra đi tìm nhân vật gửi thư có lẽ đã là một việc lý thú với các em đấy! Với người Việt Nam các em gửi đến các nhà chính trị: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo...; các nhà khoa học Nguyễn Lân Dũng, Võ Tòng Xuân...; nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn, ca sĩ Hà Anh Tuấn, hoa hậu H’hen Niê... và cả nhân vật rất gần: “Bác trưởng thôn”...
Về nội dung bức thư: “trình bày lý do và cách thức họ cần phải hành động trước khủng hoảng khí hậu” lại còn phong phú hơn nữa. Các em hóa thân thành gấu trắng Bắc Cực, cá voi xanh... để kể tình hình khốn khổ của các loài động vật và sự biến đổi khí hậu bất thường hiện nay...
Các em phê phán “thời trang Gucci” đang làm tăng lượng rác thải! Các em kiến nghị chuỗi cửa hàng Highlands Coffee cần có hành động cụ thể để giảm việc sử dụng đồ dùng một lần… Các em mô tả sự thay đổi của Sa Pa, của Đồng bằng sông Cửu Long rất chân thực... Tôi thấy rằng người lớn không nên “sợ” chủ đề “mở” hoặc “rộng” quá mà phải xem xét lại mình đã suy nghĩ theo cách “đóng” và “hẹp” lâu quá rồi chăng?”.
Tôi bắt đầu tham gia Ban giám khảo cuộc thi viết thư UPU từ năm 1997 đến nay đã hơn 20 năm. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thấy cuộc thi viết thư quốc tế UPU chính là một hành trình hội nhập tư duy quốc tế của trẻ em Việt Nam. Từ sự nỗ lực của hàng vạn học sinh, giáo viên, phụ huynh tới việc chấm chọn của Ban giám khảo quốc gia để có được một bài thi tiêu biểu gửi đi quốc tế là một thử thách không hề nhỏ.
Chúng tôi hiểu rõ rằng: việc đi tới các giải quốc tế để khẳng định khả năng viết văn của thiếu nhi Việt Nam trên diễn đàn UPU là quan trọng. Tuy vậy, việc động viên hàng vạn các em tham gia viết thư nhằm “làm phong phú thêm sự tinh tế trong tư duy và góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc” là một ý nghĩa lớn hơn của cuộc thi UPU. Đó chính là hoạt động góp phần bồi dưỡng tình cảm nhân văn cho trẻ em.
Song, vẫn có những ý kiến phản ánh, ở nhiều trường vì thành tích mà bắt ép học sinh “phải viết thư” và kéo theo lại có chuyện “thư mẫu”. Có lẽ “bệnh thành tích”, “bệnh hình thức” đã trở thành căn bệnh kinh niên khó chữa trong tâm lý của nhiều người. “Bệnh” của người lớn mà trẻ em là nạn nhân. Ban sơ khảo đã mất rất nhiều thời gian để đọc loại những bài chép theo “thư mẫu”. Khi chấm bài những “sao chép tinh vi” đều được Ban giám khảo phát hiện ra ngay.
Thật là một sự lãng phí lớn về thời gian, công sức và cả áp lực tâm lý với những em “bị” viết thư UPU. Tôi cho rằng việc “chế tạo ra thư mẫu” và lan truyền sao chép “thư mẫu” là những hành động phản cảm với UPU chứ không phải “hưởng ứng” UPU! Tinh thần của cuộc thi là mời gọi trẻ em dự thi thoải mái vô tư. Hãy coi đây là một “sân chơi”.
Viết thư UPU là tập “viết chơi” một bức thư theo chủ đề có ý nghĩa toàn cầu. Nếu “được giải” sẽ là một kỷ niệm đẹp của tuổi thơ, sẽ là hành trang theo suốt cuộc đời. Việc “được giải” giúp cho các em một kinh nghiệm vượt qua thử thách để đến thành công. Giống như việc tập bơi là để biết bơi thực sự, để xuống nước mà không bị chết đuối! Nếu không sáng tạo mà sao chép của người khác thì chắc chắn thất bại trên “sân chơi” UPU. Đó là sự khác biệt căn bản giữa cuộc thi viết thư UPU với các kỳ thi phổ thông ở nước ta.
Mỗi khi nhận được lời đề nghị giám khảo gợi ý cách viết thư UPU, tôi thường nói: “Tôi có thể trình bày một vài suy nghĩ về chủ đề năm nay với các em. Tuy vậy, bài được chọn giải Nhất bao giờ cũng ở ngoài tất cả sự tưởng tượng và suy nghĩ của tôi”. Quả thực như vậy! Với đề cuộc thi UPU lần thứ 49: “Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống”. Đây là cuộc thi năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu gây tai họa khắp thế giới.
Ban tổ chức cuộc thi vẫn nhận được gần 1 triệu bức thư từ mọi miền đất nước. Giữa một “rừng thư” mà nhiều em viết thư gửi tới các nhân vật tầm cỡ như: Tổng thư ký Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ... bàn luận về nhiều chuyện to lớn như: “Cháy rừng Amazon”, “nạn đói ở châu Phi”, “băng tan ở hai cực” bỗng xuất hiện bức thư “Gửi mệ Sương bán xôi” của em Phan Hoàng Phương Nhi học sinh Trường THCS Duy Tân, thành phố Huế. Bức thư này đã được 60% các giám khảo cho điểm cao nhất (trong đó có tôi). Ban giám khảo tranh luận khá căng thẳng về bức thư này.
Có ý kiến cho rằng chuyện “gói xôi bằng lá chuối” là chi tiết mang đặc điểm riêng của Việt Nam, không có tầm cỡ toàn cầu. Ban giám khảo quốc tế sẽ không hiểu? Thế rồi trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng, bức thư đã đạt Giải Nhất quốc gia và được dịch gửi đi quốc tế. Khi công bố trên truyền thông, bức thư đã nhận được tình cảm yêu mến của đông đảo người đọc trong nước và đã nhận được Giải Ba quốc tế.
Vì sao câu chuyện về “lá chuối gói xôi” đã được các bạn quốc tế đồng cảm và đánh giá cao? Bởi bức thư viết tay của một em học sinh Huế đã “chạm đến trái tim” người đọc, đã thức tỉnh người lớn đừng vì lợi ích trước mắt mà làm hại tới môi trường, ảnh hưởng đến tương lai.
Thư UPU là thư văn học. Hiện thực trong bức thư là “cái đinh” để treo bức tranh tình cảm của người viết thư lan tỏa tình yêu nhân loại được thấm thía trong từng chủ đề UPU cụ thể. Bức thư hay là bức thư có những rung động rất cá biệt mà lại có sức lay động tâm hồn người đọc... Khả năng truyền cảm của “tình nhân văn” sẽ vượt qua cách ngăn ngôn ngữ giữa tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp...
Những bức thư của em Hồ Thị Hiếu Hiền (học sinh Đà Nẵng) - Giải Nhất quốc tế UPU 39 (2010), em Nguyễn Thị Thu Trang (học sinh Hải Dương) - Giải Nhất cuộc thi UPU 45 (2016) và nhiều em học sinh Việt Nam đã đạt giải Nhì, giải Ba và giải Khuyến khích UPU quốc tế đã minh chứng rõ ràng cho tính truyền cảm của những bức thư văn học.
Cuộc thi UPU 51 (2022) cũng đã có một “rừng thư”. Giữa “trùng điệp” những bức thư gửi đến các nhân vật lẫy lừng có bức thư của một em học sinh hóa thân thành “một làn gió” viết thư gửi nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn. Là một người có trí tưởng tượng để viết sách, tôi vẫn bị bất ngờ trước việc “một làn gió” viết thư gửi danh cầm Đặng Thái Sơn. Tôi đã bị chinh phục từ câu đầu tiên:
“Gửi danh cầm Đặng Thái Sơn với đôi tay kỳ diệu!
Ông có bất ngờ khi nhận lá thư được tạo nên từ những tiếng xào xạc?Là cháu đây ngọn gió lành gửi đến ông những lời khẩn thiết…”
Bức thư được 70% thành viên Ban giám khảo chọn chấm điểm cao nhất. Cuộc thảo luận trong Ban giám khảo đã so sánh bài này với 5 bài điểm cao suýt soát trước khi đi đến quyết định giải Nhất. Có ý kiến băn khoăn: “Đặng Thái Sơn có phải là người có tầm ảnh hưởng trên thế giới?”.
Cuộc thảo luận đã đi đến thống nhất rằng không phải chỉ có các nhà chính trị hay các nhà kinh tế mới là người có tầm ảnh hưởng, một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như Đặng Thái Sơn cũng là người có tầm ảnh hưởng lớn. Điều quan trọng chính là nội dung và cách viết thư của em học sinh này. Đến phút cuối cùng chúng tôi mới được biết bức thư “làn gió” gửi nghệ sĩ Đặng Thái Sơn” đạt giải Nhất là của em Nguyễn Bình Nguyên, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Nguyễn Tri Phương - Hà Nội.
Để cuộc thi viết thư UPU hấp dẫn học sinh hơn, nhà văn Lê Phương Liên cho rằng, điều cần thay đổi chính là việc tổ chức thi ở Việt Nam. Bên cạnh những phần thưởng hấp dẫn, chúng ta rất nên tạo dựng tâm lý tham gia dự thi thoải mái cho học sinh. Cần chấm dứt hoàn toàn hiện tượng “thư mẫu” và để các em học sinh tự do thảo luận đưa ra những ý tưởng độc đáo. Tôi nghĩ rằng ở khắp nơi sẽ có nhiều sáng kiến hay vượt ra ngoài trí tưởng tượng của người lớn.