Đi trọn cả hai cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc và có được một khối lượng tác phẩm đồ sộ bậc nhất về đề tài chiến tranh cách mạng. Người đó là nhà văn Nam Hà, sinh năm 1935. Đầu năm 1964 Nam Hà đi B. Trung tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (sau này có thời gian dài là Chủ tịch UBTƯMTTQVN) dặn dò: “Hoàn cảnh chiến tranh không viết dài ngay được, nhớ tích lũy để sau này viết dài”, ông thực hiện đúng như thế…
Đại tá, nhà văn Nam Hà.
Cũng có lần ông “viết ngắn” ngay tại chiến trường đạt hiệu quả ngoài mong đợi, thuộc về lĩnh vực thơ. Năm 1966 đang ở Khu 6, ông viết bài thơ “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!” Đây không phải lần đầu ông làm thơ. Năm Nam Hà 18 tuổi đang là lính chiến thuộc Tiểu đoàn 195, Nghệ An, đau đớn trước mất mát quá lớn, một đại đội thuộc tiểu đoàn hy sinh gần hết, ông viết tại trận 150 câu thơ khóc đồng đội. Đến lễ truy điệu, chính trị viên tiểu đoàn bảo ông lên đọc thay điếu văn bằng bài thơ đó. Và lần này, khi đã là người lính dạn dày trận mạc, “Đường dài đi giữa Trường Sơn/nghe vọng bài ca đất nước”, cảm hứng sử thi hùng tráng đến với ông, những câu thơ xuất thần: “Đất nước/Của những người con gái, con trai/Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép/Xa nhau không hề rơi nước mắt/Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt...” Rồi ông nhờ người bạn ở Thông tấn xã Việt Nam đánh “mooc” gửi ra miền Bắc. Sau chừng nửa năm, ông cũng quên lần gửi bài hú họa như thế, một đêm trong rừng Bình Thuận, mở đài nghe buổi tiếng thơ, thì đúng lúc nghệ sĩ Linh Nhâm đang ngâm bài thơ đó. Sau này ra Bắc ông mới biết, “Chúng con chiến đấu…” đã sớm được đăng trên báo Nhân Dân và bài thơ ra đời trong khung cảnh “Tất cả cho tiền tuyến!” đã được nhân lên, đi vào lòng quần chúng. Năm 1973, ông được phân công đón tiếp các tù binh chiến tranh trở về ở sân bay Lộc Ninh. Khi người chỉ huy giới thiệu tên ông với những người lính vừa bị địch bắt tù đầy, thì họ ùa đến vây quanh ông. Họ nói rằng, trong nhà tù đảo Phú Quốc, nhờ cái radio bé xíu giấu được, họ đã lén nghe buổi tiếng thơ, bài thơ đó đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho họ vượt qua được những đòn tra tấn hiểm độc của kẻ thù. Lần khác, về thăm quê Đô Lương, Nghệ An. Khi ông đưa thẻ thương binh mua vé (ông là thương binh chống Pháp hạng 4/4), thì bất ngờ những người đang xếp hàng dài, mà phần đông từng mặc áo lính, nhận ra ông là tác giả bài thơ đã động viên, khích lệ họ rất nhiều trong cuộc chiến gian khổ, khốc liệt vừa qua. Và theo yêu cầu của họ, một góc bến xe Vinh biến thành “sân khấu”, ông trong bộ quân phục bạc mầu, ba lô con cóc sau lưng, đứng đọc “Chúng con chiến đấu…” giọng trầm hùng xúc cảm trước hàng trăm khách vãng lai…
Có thể nói, văn học Việt Nam hiện đại có hai nhà văn rất ít làm thơ nhưng lại có bài thơ để đời, đó là trường hợp Nguyên Hồng với “Cửu Long Giang ta ơi!” và Nam Hà với “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!”
Nhà văn Nam Hà (giữa) trong một lần lấy tài liệu ở đơn vị Quân giải phóng.
Nhưng văn mới thực sự là tạng của ông. Nam Hà tâm sự, thời mới cầm bút trước khi vào chiến trường, ông đã say mê đọc các bộ tiểu thuyết sử thi nước ngoài, như: Chiến tranh và hòa bình, của L.Tôlstôi; Sông Đông êm đềm của M.Sôlôkhôv; Cơn bão táp của I.Erenbua; Một người chân chính của B.Pôlevôi; Những cuộc chiến đấu trên đường Vôlôlamscơ của Xenkievic…Và dạo đó ở ta rất ít tiểu thuyết sử thi về đề tài chiến tranh.
Buổi đầu chập chững vào nghề, ông từng gặp thất bại. Năm 1957 dự trại viết văn trẻ, ông đã thử sức viết dài, thế rồi trong khi các bạn Hoàng Văn Bổn có Mùa mưa, Phù Thăng có Phá vây… thì tiểu thuyết đầu tay Cuộc chiến đấu mới của ông “phải sửa chữa lại”. Thời chống Mỹ giai đoạn ác liệt, các nhà văn mặc áo lính ở ngôi nhà Văn nghệ quân đội số 4 Lý Nam Đế (Hà Nội) lần lượt vào chiến trường, đợt đầu có Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyên Ngọc… Rồi Nam Hà, Nguyễn Trọng Oánh. Suốt 10 năm, Nam Hà có mặt ở các chiến trường gian khổ, ác liệt nhất là Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Ông và Nguyễn Trọng Oánh đi B quá lâu, bị “bỏ quên quân hàm”, Nguyễn Trọng Oánh thì phong đại úy…2 lần. Đất nước thống nhất, ông cùng một số bạn văn nghệ đi ra từ cuộc chiến, da xanh tái vì sốt rét rừng, trong người còn mảnh đạn. Họ đã hoàn thành sứ mệnh của người lính cầm súng, trong đầu đầy ắp ký ức chiến tranh. Thời kỳ nước nhà mới thống nhất, Tổng cục Chính trị có dự án tổng kết hai cuộc chiến tranh giữ nước bằng bộ ký sự lịch sử “Trận đánh 30 năm”. Nhiều nhà báo kỳ cựu được triệu tập, Nam Hà là nhà văn duy nhất được tham gia Ban Ký sự lịch sử. Thời gian này ông được đọc nhiều tập hồi ký của tướng tá ngụy, chính khách Mỹ viết về cuộc chiến, đã bổ sung nhiều vốn sống khi viết nhân vật phía bên kia. Trước khi bắt tay vào viết “Đất miền Đông” ông chuẩn bị, hệ thống tư liệu trong 5 năm trời. Khi sách in ra, bạn văn Nguyễn Khải bảo: Nam Hà khéo thật, cái không đưa được vào “Trận đánh 30 năm” thì đưa vào “Đất miền Đông”, trở nên phong phú, đa chiều. Tướng Chín Vinh từng là phó chính ủy Quân giải phóng miền Nam thì có nhận xét riêng về các nhân vật chỉ huy: Tác giả đã nêu được trăn trở, diễn biến tư tưởng của các chỉ huy chiến trường chúng tôi một cách cụ thể, sâu sắc. Ở chiến trường lâu, ông “nhiễm” tác phong của người chỉ huy quân sự, mỗi khi đi chiến dịch ông cũng có phương án tác chiến của riêng mình, có bản đồ, la bàn trong túi dết khi vào trận. Không ít lần ông tranh luận với người chỉ huy cao nhất về việc bày binh bố trận sao cho ít tốn xương máu người lính. Có lần gặp tướng Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn 4, người chỉ huy trận đánh cuối cùng ngày 9- 4- 1975, ông chất vấn: “Tại sao Quân đoàn lại đánh theo cách đó, trong khi có cách đánh khác sẽ ít bị tổn thất hơn?”. Tướng Hoàng Cầm có phần bất ngờ, hỏi lại: “Nếu làm tư lệnh đồng chí đánh thế nào?” Nhà văn liền giở sổ tay, có bản đồ chiến dịch trình bày cách đánh. Tư lệnh chăm chú nghe, rồi vỗ vai nhà văn bảo: “Này, Nam Hà. Nên nhớ trong chiến tranh không phải lúc nào lý trí cũng thắng được tình cảm. Tôi cũng từng đề xuất cách đánh như đồng chí, nhưng không được chấp nhận…”
Có thể trời không cho ông nhiều năng khiếu, ông viết văn khó nhọc như người nông dân cày trên đất ruộng khô cằn. Nhưng bù lại sự cần cù, nhẫn nại, tỉ mỉ trong tích lũy tư liệu cùng với sự dũng cảm, trung thực của người lính trước trang giấy trắng, đã đưa ông trở thành nhà văn quân đội hàng đầu ở nước ta bởi khối lượng tác phẩm đồ sộ, nội dung hoành tráng về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là: Ngày rất dài (2 tập, 1100 trang) phản ánh cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ giai đoạn 1965-1968; Trong vùng tam giác sắt (2 tập, 850 trang) về chiến tranh đặc biệt 1969-1971; Đất miền Đông (3 tập, 2200 trang) giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh giải phóng.
“Đất miền Đông” là bộ tiểu thuyết dầy dặn nhất, cũng được tác giả để nhiều tâm huyết, dàn dựng công phu. Tập 1 chủ đề bao quát là phòng ngự và tấn công; tập 2 nội bộ chính quyền Sài Gòn phân hóa; tập 3 trận đánh cuối cùng của các binh đoàn chủ lực, từ Buôn Ma Thuột đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đó là một hệ thống nhân vật chính diện, phản diện với nhiều cảnh huống, số phận trong nghiệt ngã chiến tranh. Các nhân vật được dày công xây dựng từ nhiều nguyên mẫu để lại ấn tượng trong lòng người đọc, như tư lệnh Hoàng Việt, sư trưởng Đoàn Lê, trung đoàn trưởng Lê Nhu, chính ủy Phan Nguyên; các chị, các mẹ Ba Hương, Sáu Vân của nội ô Sài Gòn… Có cả những kẻ hèn nhát, phản bội như Hậu, Biên; hoặc dao động như chính ủy trung đoàn Nguyễn Tính, tham mưu phó sư đoàn Hữu Tư… Phía bên kia, tác giả cũng dàn dựng tuyến nhân vật Mỹ ngụy khá công phu, hầu hết là nguyên mẫu, như đại sứ Martin, tướng Xmit, tướng Von Macbot, tướng Lê Minh Đảo, tướng Nguyễn Văn Toàn, chánh xứ Thiết Cương...
Có thể trời không cho ông nhiều năng khiếu, ông viết văn khó nhọc như người nông dân cày trên đất ruộng khô cằn. Nhưng bù lại sự cần cù, nhẫn nại, tỉ mỉ trong tích lũy tư liệu cùng với sự dũng cảm, trung thực của người lính trước trang giấy trắng, đã đưa ông trở thành nhà văn quân đội hàng đầu ở nước ta bởi khối lượng tác phẩm đồ sộ, nội dung hoành tráng về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Năm 2007, Nam Hà được trao Giải thưởng Nhà nước cho hai tác phẩm “Đất miền Đông” và “Trong vùng Tam giác sắt”. Trước đấy ông đã được nhận nhiều giải thưởng khác của Bộ Quốc phòng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ông cũng trong số ít những nhà văn khoác áo lính được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập.
Trước sau Nam Hà vẫn là người ghi trung thành “biên bản chiến tranh”. Bên cạnh sự thành công nổi trội như đã nêu trên, trong các tác phẩm của ông, tiếc rằng vẫn còn những trang đậm chất thông tấn, chú trọng chiều rộng mà ít đi bề sâu, nhất là việc dụng công khắc họa tính cách, tâm lý nhân vật với chất văn mềm mại, tinh tế.
Giờ ở tuổi 80, nhà văn Nam Hà vẫn cần mẫn, tỉnh táo trên bàn viết. Sau những bộ tiểu thuyết sử thi, ông còn cho ra mắt bạn đọc: Dưới những cánh rừng ô rô (năm 2005); Thời hậu chiến (năm 2007)… Trận đánh 30 năm dẫu đã lùi xa, nhưng hệ lụy của thời hậu chiến vẫn còn dai dẳng, nặng nề. Và lúc nào, một người thiết tha yêu tổ quốc, từng cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng đất nước như ông, vẫn đau đáu khôn nguôi về những vấn đề tiêu cực, gay cấn đang hàng ngày diễn ra trong xã hội hiện đại hôm nay.