Nhà văn Nguyễn Bình Phương: Lòng tốt bật lên từ trong mỗi người

minh hải (thực hiện) 14/08/2021 09:00

“Lòng tốt một lần nữa được phát lộ ra. Lòng tốt ai cũng sẵn, nhưng không phải lúc nào cũng có điều kiện bộc lộ. Đôi khi lòng tốt rụt rè, ngượng ngập, bởi thường ngày, có thể con người chúng ta quên mất lòng tốt, hoặc lòng tốt bị khuất lấp đi bởi những mưu cầu cá nhân. Nhưng đến khi có điều kiện, đẩy vào tình thế, hoàn cảnh nào đó, lòng tốt bật lên, từ trong mỗi người… Dịch Covid-19 đã cho mỗi chúng ta cơ hội để làm việc thiện, cho mọi người tận hưởng lại cái nhiệt độ ấm áp và sự se thắt của hai chữ đồng bào”, nhà văn Nguyễn Bình Phương chia sẻ.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương. Ảnh: Quang Vinh.

PV:Thưa ông, chúng ta bắt đầu cuộc trò chuyện bằng sự kiện đang chi phối tất cả mọi người, đó là dịch Covid-19. Theo ông, dịch bệnh ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hiện nay?

Nhà văn Nguyễn Bình Phương: Ảnh hưởng nhiều chứ. Mọi thứ đang quen thuộc bỗng chốc đổi thay, cả từ hình thức đến cách thức thực hiện. Trước đó chúng ta mải mê cuốn đi, thậm chí không có thời gian nhìn lại, đánh giá lại, cứ như chạy nước rút trong các cuộc thi. Đột nhiên Covid-19 làm tất cả dừng lại, dân nước nào ở tại nước ấy. Tốc độ chẳng còn mấy ý nghĩa. Trong sự bất động ấy, thân thể con người ta hiện diện trở lại. Trước đó, nó chỉ là một cỗ máy, một phương tiện để chúng ta vận động, giờ thân thể đòi lại quyền và giá trị của chính nó. Nó đòi được chăm sóc. Có nghĩa là nó đòi tái nhận thức về nó. Muốn yêu người khác, trước hết cần yêu thân thể mình. Khi yêu thân thể mình, ta nhìn thấy độ sâu của thế giới, độ sâu ấy không phải tính bằng km mà tính bằng cảm giác. Tôi cho rằng, chừng mực nào đó, Covid-19 đang dàn xếp nền hòa bình giữa con người với con người.

Cụ thể hơn thì sao, thưa ông?

- Lòng tốt một lần nữa được phát lộ ra. Lòng tốt ai cũng sẵn, nhưng không phải lúc nào cũng có điều kiện bộc lộ. Đôi khi lòng tốt rụt rè, ngượng ngập, bởi thường ngày, con người chúng ta có thể quên mất lòng tốt, hoặc lòng tốt bị khuất lấp đi bởi những mưu cầu cá nhân. Nhưng đến khi có điều kiện, đẩy vào tình thế, hoàn cảnh nào đó, lòng tốt bật lên, từ trong mỗi người. Tôi vẫn nghĩ dân mình thật tình nghĩa. Hãy nhìn những cây ATM gạo của dân, hãy nhìn những cửa hàng không đồng của dân, hãy nhìn những đoàn người xung phong đi vào vùng dịch, rồi còn biết bao hành động, cử chỉ tốt đẹp nhân nghĩa khác từ những cá nhân vô danh, mà hằng ngày họ bị khuất lấp đi. Đơn cử như cái quán bia của đôi vợ chồng trẻ ở gần cơ quan tôi chẳng hạn. Bình thường cứ nghĩ họ chẳng quan tâm gì ngoài lợi nhuận như bao người kinh doanh khác. Thế mà khi có dịch xuất hiện, quán phải đóng cửa thì vợ chồng chủ quán nhiệt tình bày ra một cái thùng khẩu trang miễn phí cho mọi người cùng nhiều thứ đồ miễn phí khác nữa.

Những hành động ấy dù gì cũng khiến chúng ta ngỡ ngàng nhìn nhận lại xung quanh. Dịch Covid-19 đã cho mỗi chúng ta cơ hội để làm việc thiện, cho mọi người tận hưởng lại cái nhiệt độ ấm áp và sự se thắt của hai chữ đồng bào. Đấy mới chính là “vàng trong dân”.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương là tác giả của các tiểu thuyết như “Vào cõi” (1991), “Những đứa trẻ chết già” (1994), “Người đi vắng” (1999), “Trí nhớ suy tàn” (2000), “Thoạt kỳ thủy” (2004), “Mình và họ” (2014), “Kể xong rồi đi” (2017) và “Một ví dụ xoàng” (2021)…

Thơ cũng là thể loại có ý nghĩa lớn với Nguyễn Bình Phương, với các tập như “Lam chướng”, “Từ chết sang trời biếc”, “Buổi câu hờ hững”, “Xa xăm gõ cửa”… Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Bình Phương được dịch ra một số ngôn ngữ như Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Hiện nhà văn Nguyễn Bình Phương là Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Dịch thì tác động vậy, nhưng xem ra những tác phẩm viết về đề tài này lại rất ít. Phải chăng đại dịch Covid-19 đang làm đảo lộn cả thế giới nhưng lại không phải là mối bận tâm của các nhà văn, thưa ông?

- Cái này thì còn tuỳ quan điểm mỗi người. Tôi có đọc cuốn “Dịch hạch” của Camuy, cuốn đó viết về dịch, nhưng nhớ là ông ấy viết khi chả có dịch gì hết, chính xác thì viết về trận dịch xảy ra cách đó rất lâu, thậm chí là trận dịch chỉ có trong tưởng tượng. Nói vậy để thấy văn học cần phải có khoảng cách nhất định với hiện tại, nó không dễ hồ đồ nhào theo hiện tại, bởi vì nói như các nhà phê bình, nó còn phải qua quá trình nghiền ngẫm chứ không sốt dẻo kiểu báo chí.

Tuy nhiên, tôi nghĩ phần lớn các nhà văn đều quan tâm tới dịch, họ có những hành động trực tiếp tham gia cùng xã hội chống dịch. Không đâu xa, gần đây, đã có cuộc giao lưu tọa đàm trực tuyến do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chủ trì giữa một số nhà văn Việt Nam với các nhà văn Hàn Quốc về chủ đề liên quan tới đại dịch Covid-19 và tôi thấy nhà văn của cả hai nước nói rất hay, rất sâu sắc. Đó là thái độ, là sự quan tâm tức thì của các nhà văn. Còn việc sáng tác về đề tài này, theo cách hiểu là những tác phẩm ra tấm ra món, thì như trên tôi vừa nói, cần có độ lùi nhất định, cho nên có khi vài năm, có khi cả chục năm hoặc hơn.

Nghĩa là ông tin sẽ có những tác phẩm viết về quãng thời gian này?

- Nhất định rồi. Khó mà quên được biến cố này. Chỉ cần hình dung thôi, đã thấy nó ghê gớm thế nào. Thoạt tiên nó đến nhẹ và bâng quơ, sau thì nó làm mọi thứ hoảng cả lên. Tất cả diễn ra thật nhanh, lúc đầu còn hy vọng vào nắng, có nắng thì đỡ, sau thì nắng cũng không ăn thua gì. Làm sao quên được những đoàn người ùn ùn thoát ra khỏi TPHCM khi lệnh giãn cách được đưa ra? Làm sao mà quên được những con phố Hà Nội vắng lặng đến giật thót. Đó là không khí của một cuộc chiến thực sự, một cuộc chiến mà mỗi người đều phải tham gia. Tôi nghĩ sau đại dịch này, mọi đề tài khác sẽ nhạt đi rất nhiều, vì thế mà tôi tin các nhà văn sẽ cày xới nó.

Còn cá nhân ông, ông có dự định viết về đề tài này không?

- Tôi mong muốn, tôi tin là sẽ có những nhà văn viết về đề tài này. Nhưng bản thân tôi thì lại khá lúng túng. Đơn giản vì tôi không mấy khi tin vào chính mình.

Đó chỉ là một cách nói khiêm tốn. Dịch Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến công việc của ông, nhất là việc sáng tác?

- Nhiều việc phải thay đổi, thậm chí phải hủy bỏ, nhẹ hơn thì chuyển sang hình thức khác. Thực ra tôi cũng chỉ như bao người khác thôi, làm việc để có lương. Nhưng tôi vẫn nói với anh em trong tòa soạn rằng tôi và họ là những người hạnh phúc vì được làm đúng nghề mình yêu thích, còn ở ngoài xã hội, rất nhiều người phải làm những công việc mà họ không hề thích. Ngoài công việc của tòa soạn ra thì phải tự thu xếp khéo léo thời gian để sáng tác. Ví dụ như dành các buổi trưa, buổi tối và các ngày nghỉ để viết. Hoặc như đi công tác thì có thể khéo léo biến đó thành chuyến đi thực tế, vừa làm báo, vừa lấy tư liệu để phục vụ cho việc viết lách. Đại khái thì tôi thấy mọi thứ cũng ổn, dù thú thực là khá bận. Dịch Covid-19 hình như còn làm dôi dư thời gian hơn. Thời gian dôi dư ấy là từ các cuộc họp giảm đi, các cuộc nhậu nhẹt, giao tiếp bù khú với nhau ít đi. Con người mình thu lại thành một mối, không có nhiều cơ hội tán loạn như trước nữa.

Có thể hiểu là trước đó, trước đại dịch này, trong một ngày, ông luôn phải thu xếp cho các vai của mình?

- Vâng. Nhiều vai trong một con người là điều bình thường ở thời bây giờ, tôi nghĩ vậy. Ví như ở ngay cơ quan tôi thôi, ai cũng phải đóng một lúc ba, bốn vai: biên tập viên, nhà báo, nhà văn, và quân nhân. Ấy là còn chưa nói tới những vai khác thuộc về đời sống gia đình như vai chồng, vai cha... Tôi đọc được ở đâu đó, có viết rằng các nhà khoa học tính rằng bình quân một ngày con người ta có khoảng mấy chục nghìn ý nghĩ, vấn đề là điều phối các ý nghĩ cho hợp lí ở từng vai. Điều quan trọng là biết chọn lựa.

Được biết, cuốn sách mới nhất của ông có cái tên nghe khá lạ tai:“Một ví dụ xoàng”. Ông có thể hé lộ đôi chút về cuốn sách? Ông thường lựa chọn tên các cuốn sách dựa trên ý tưởng như thế nào? Bởi chỉ riêng cái tên mỗi cuốn sách của ông đã cho độc giả thấy được sự khác biệt?

- Riêng với việc hé lộ nội dung sách thì khó, vì tôi không giỏi tóm tắt về tác phẩm của mình. Vì thế những ai muốn biết nội dung sách thì tìm đọc. Còn tên tác phẩm thì cũng chỉ là tôi thấy đặt như thế nó hợp với tác phẩm, hoặc nó thể hiện được một phần tinh thần của tác phẩm, thế là tôi chọn.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà phê bình Ngô Thảo, dịch giả Dương Tường khi nhận giải của Hội Nhà văn Hà Nội.

Nhất định rồi. Khó mà quên được biến cố này. Chỉ cần hình dung thôi, đã thấy nó ghê gớm thế nào. Thoạt tiên nó đến nhẹ và bâng quơ, sau thì nó làm mọi thứ hoảng cả lên. Tất cả diễn ra thật nhanh, lúc đầu còn hy vọng vào nắng, có nắng thì đỡ, sau thì nắng cũng không ăn thua gì. Làm sao quên được những đoàn người ùn ùn thoát ra khỏi TP HCM khi lệnh giãn cách được đưa ra? Làm sao mà quên được những con phố Hà Nội vắng lặng đến mức giật thót. Đó là không khí của một cuộc chiến thực sự, một cuộc chiến mà mỗi người đều phải tham gia. Tôi nghĩ sau đại dịch này, mọi đề tài khác sẽ nhạt đi rất nhiều, vì thế mà tôi tin các nhà văn sẽ cày xới nó.

Việc đặt tên tác phẩm có ý nghĩa như thế nào, trong hành trình viết, của nhà văn Nguyễn Bình Phương?

- Đại khái thì việc đặt tên tác phẩm cũng chỉ là một thao tác trong mọi thao tác xoay quanh hình hài tác phẩm, vậy thôi. Nhưng đây là cuốn sách mà tôi đã nghĩ về nó rất lâu, trước cả một số cuốn khác.

Dù đã xuất bản nhiều nhưng tại sao chưa lần nào ông tổ chức ra mắt tác phẩm mới? Như vậy sẽ là một hạn chế trong việc quảng bá tác phẩm mới đến với độc giả - ông có nghĩ vậy không? Dù giới văn chương ai cũng biết Nguyễn Bình Phương là nhân vật không ưa ồn ào?

- Tôi ít tiếp xúc với độc giả. Có lẽ đó là kiểu lạc hậu. Các nhà văn nên tiếp xúc, chủ động tiếp xúc với độc giả của mình. Bản thân cá nhân tôi thì lười, thiếu tự tin. Dĩ nhiên, tôi thích nhiều người đọc sách của mình, nhưng tiếp xúc với họ, tôi ngại. Tôi không biết nói với họ thế nào. Tôi không thể trả lời rành mạch câu hỏi rằng tác phẩm này định nói gì, chi tiết này ám chỉ gì, rằng tại sao lại chết mà không phải là sống, tại sao lại bí hiểm… Tôi quan niệm, tác phẩm đã in thì không còn thuộc về tác giả, nó thuộc về độc giả. Tôi không vô can nhưng tôi không thể làm gì thêm, nếu có làm gì thì có lẽ sẽ gây ra rối rắm hơn, và điều này chưa chắc đã tốt. Tôi nghĩ vui một cách rất “Chí Phèo” rằng: thật may là mình lường trước được cái đại dịch Covid-19 này nên đã chủ động tập làm quen với sự lẳng lặng.

Tôi có cảm giác, văn chương của ông cũng kén độc giả. Vậy ông có phân loại độc giả không?

- Tôi thường chia độc giả làm ba loại. Loại thứ nhất, đọc chuyện, loại này gồm số đông. Loại thứ hai, đọc văn, loại này thì không nhiều, chủ yếu là những người thuộc tầng lớp trí thức. Loại thứ ba, đọc kỹ thuật, đó là những người làm nghề, là nhà văn, họ đọc kỹ thuật viết của nhau. Tôi cần phải lưu ý một chút, là việc phân chia độc giả như trên không có bất cứ một hàm ý phân định trình độ hay đẳng cấp cao thấp, hơn kém nào cả. Đơn thuần chỉ là chia vùng vậy thôi.

Có thể đó là nguyên nhân khiến nhiều nhà văn hay than rằng viết văn là nghề vừa khổ ải, vừa nghèo. Với ông thì sao?

- Tôi thấy viết văn thú vị, nó cho con người ta những cuộc thám hiểm đầy kỳ ảo, tự do đi đến nhiều thế giới, nhiều không gian theo nhu cầu. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu chỉ là viết văn thôi, duy một việc ấy thì đúng là có những lúc nó khổ sở, vì không phải lúc nào cũng viết được. Có những lúc tự nhiên cạn kiệt đi mà chẳng hiểu vì sao, ngồi xuống mà đầu óc cứ rỗng tuyếch cả. Nếu không làm việc khác thì cũng thật đáng sợ, cảm thấy mình là vật thừa. Tôi vẫn khoái cái mô hình thực dụng là vừa làm việc gì đó vừa sáng tác hơn là sống để nhăm nhăm viết văn. Sống chỉ để viết văn thì tôi sợ là sẽ rất nhạt.

Còn chuyện giàu nghèo thì cũng tuỳ, thời này, cái nghèo nó phụ thuộc vào quan niệm. Về vật chất, nếu so nhà văn với doanh nhân thì có thể nghèo, nhưng nếu đừng so với ai cả thì chắc gì đã nghèo, vì con người cần cũng không nhiều lắm. Mà những thời điểm dịch giã thế này, ngẫm ra thì nhà văn là kẻ giàu có, yên ổn về nhiều nghĩa.

Cũng có ý kiến cho rằng, nền văn học Việt Nam đương đại đang âm thầm trong hiệu sách, nhiều năm qua ít có tác phẩm nào gây chú ý. Vậy nguyên nhân từ đâu và phải làm gì để khuấy động một thị trường văn chương vốn yên tĩnh bấy lâu nay, ông có thể trả lời với vai trò của vị Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam?

- Ở đây tôi chỉ xin trả lời với tư cách cá nhân tôi, một nhà văn. Cỏ cây là sự thể hiện của thiên nhiên, chỗ nào đất tốt, thời tiết thuận tiện, khí hậu ổn thì mọc. Trong cây thì có lim, có sến, cũng có cả cây to mà vô tích sự, trong cỏ có cỏ làm thuốc, cũng có cỏ hại đất…

Văn học cũng y thế. Văn học là nhu cầu biểu hiện của đời sống xã hội. Có điều muốn thưởng thức nó theo cách chủ động của mình thì cần phải biết quy hoạch, biết bón chăm, đầu tư cho nó. Còn nếu để tự thân nó thì nó sẽ vẫn phát triển, theo quy luật của đời sống như đã từng thế bao lâu nay. Nghĩa là nó được mùa hay mất mùa là do chính khả năng của nó ở từng giai đoạn, từng chu kỳ. Nghệ thuật không thể cố vì thế đừng sốt ruột. Thời điểm xuất hiện và đường đi của các tác phẩm lớn thường là đầy bất ngờ, chúng ta chỉ biết kiên nhẫn chờ đợi thôi.

Một câu hỏi cuối. Thưa ông, nhiều ý kiến trong giới chuyên môn cũng như bạn đọc cho rằng Văn nghệ quân đội là tạp chí văn học duy nhất giữ vững được uy tín chất lượng của mình, vì thế nó có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn học nước ta hiện nay. Với tư cách Tổng biên tập, ông có thể nói gì về nhận định đó?

- Câu hỏi cuối này thì tôi xin phép giữ lại, có thể nó sẽ là câu đầu tiên cho lần trả lời khác.

Trân trọng cảm ơn ông!

Văn học là nhu cầu biểu hiện của đời sống xã hội. Có điều muốn thưởng thức nó theo cách chủ động của mình thì cần phải biết quy hoạch, biết bón chăm, đầu tư cho nó. Còn nếu để tự thân nó thì nó sẽ vẫn phát triển, theo quy luật của đời sống như đã từng thế bao lâu nay. Nghĩa là nó được mùa hay mất mùa là do chính khả năng của nó ở từng giai đoạn, từng chu kỳ. Nghệ thuật không thể cố vì thế đừng sốt ruột. Thời điểm xuất hiện và đường đi của các tác phẩm lớn thường là đầy bất ngờ, chúng ta chỉ biết kiên nhẫn chờ đợi thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Nguyễn Bình Phương: Lòng tốt bật lên từ trong mỗi người