“Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, “Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ”, “Cha và con và tàu bay”, “Chuyện tào lao (về kẻ quấy rối và chồng cô ta)”, “Sinh ra là thế”, “Cơ bản là buồn”, “Về cô gái này”… là những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Ngọc Thuần - một nhà văn dù quen thân nhiều năm rồi, mà với muôn vàn lý do, tôi vẫn không thể nào phỏng vấn anh được. Có lẽ, những gì cần nói, anh đã đưa hết vào trang viết.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần.
“Với Thuần, mọi thứ qua tay đều trở nên nhẹ nhàng. Giả dụ Thuần có ôm tảng đá to, thì cũng tìm cách cho tảng đá tự nhiên lăn, rồi Thuần... lăn theo. Có biệt tài đặt những từ nghĩa “thô” ở vị trí đắc địa bất ngờ tạo nên âm hưởng thanh thoát, Thuần luôn mang lại cảm giác tươi mới” - họa sĩ Trần Ngọc Sinh, người biên tập cuốn “Sinh ra là thế” (NXB Trẻ, quý 2, 2013) đã viết như vậy về nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, không chỉ nói về văn chương, mà còn cả nhân cách sống của anh giữa đời.
Có thể nói, nhà văn tôi gặp nhiều nhất trên thành phố phương Nam này, là Nguyễn Ngọc Thuần. Nghe thật kỳ lạ, vì chưa từng gặp anh trong đám đông văn chương nào, cả hai anh em đều ít gọi điện cho nhau, hạn chế giao du, thường xuyên bận rộn, lại sống hai đầu phía Bắc, phía Nam của thành phố rộng mênh mông mà không nhắn trước thì khó mà tìm gặp được nhau. Thế mà toàn những tình cờ, như thể nhân duyên, tôi gặp Nguyễn Ngọc Thuần, có lúc ở một quán nước quen nơi anh ngồi hàng tối, vài lần giữa đường hay trong hội chợ sách, hoặc đôi khi anh đến dự buổi ra mắt sách của tôi một cách bất ngờ dù có khi trời đang mưa tầm tã. Lần nào gặp, tôi cũng vỡ òa lên như trẻ nhỏ, hai anh em cứ ríu rít trò chuyện. Thể nào anh cũng hỏi tôi đã có cuốn sách mới xuất bản của anh chưa, mặc cho tôi kinh ngạc không hiểu cuốn sách đó anh viết từ lúc nào, mà bao giờ cũng thế, chẳng có buổi chính thức ra mắt sách. Thế rồi nếu là trên đường sách hay trong hội chợ sách, anh sẽ chạy nhanh đi đâu đó, dặn tôi chờ, và quay trở lại với cuốn sách mới trên tay, ngồi ký tặng cho tôi. Có lần, dù tôi có phân trần là tôi đã mua sách của anh, khỏi chạy đi nữa. Anh cười xòa, nói: “nhưng chưa có chữ ký”, rồi lại biến mất. Có lẽ với mỗi người viết, việc được tặng sách cho người bạn quý mến luôn mang lại niềm vui ấm áp, thế nên có một số cuốn sách của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, tôi sở hữu hai bản, một bản tôi tự mua và một bản anh ký tặng.
Tôi biết nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần lâu lắm rồi, lâu đến độ tôi chẳng còn nhớ quen anh khi nào nữa. Chúng tôi gặp nhau ngoài đời một lần, sau thì kẻ Bắc người Nam, có thời gian dài theo dõi nhau qua Facebook. Trên Facebook, Nguyễn Ngọc Thuần viết rất hay và thường là hài hước về những vấn đề giản dị xảy ra xung quanh anh hoặc post những tấm hình anh chụp ngộ nghĩnh và buồn cười khi có ý tưởng nào đó về bố cục kì quặc, còn màu sắc thường là đen trắng hoặc bị làm mờ. Có lúc anh thể hiện ý muốn làm phim theo kiểu rất sáng tạo mơ hồ hơi mang mang quái dị… Những lúc rảnh việc, anh thường “chơi” Facebook theo kiểu như thế, về sau, vì lý do sức khỏe, và cũng như anh nói với tôi “thế giới Facebook nhiều thứ u ám quá”, nên anh dừng lại. Không được theo dõi anh hàng ngày cũng là tổn thất lớn với tôi vì việc đọc những gì anh viết đã thành thói quen.
Tôi và Nguyễn Ngọc Thuần có lẽ thân với nhau hơn là bắt đầu từ sự “ráp nối” của họa sĩ Trần Ngọc Sinh. Anh Trần Ngọc Sinh là biên tập viên của Nhà xuất bản Trẻ, người phụ trách bản thảo trực tiếp thường xuyên của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đồng thời cũng là biên tập viên của tôi từ những ngày đầu chập chững vào làng văn. Anh Trần Ngọc Sinh đã lựa chọn truyện của tôi, in trong hai tập truyện, trong đó có “Vũ điệu thân gầy”, tuyển chọn 12 cây bút nữ Việt Nam đương đại. Việc gọi điện trao đổi bản thảo thường xuyên và cẩn trọng đã giúp tôi và anh Sinh thân thiết. Về sau, mỗi lần vào công tác Sài Gòn là anh Sinh sẽ đón chở đi chơi. Trong một lần đưa tôi đi lang thang trên chiếc Vespa cũ mèm, biết tôi và anh Thuần có quen nhau, anh Sinh hẹn gọi anh Thuần, nhờ thế, tôi được gặp lại anh Thuần trong không gian riêng với thời gian dài để biết lần đầu tiên thế nào là một phòng trà, vừa uống cà phê giữa sân vườn, nhẹ nhàng mấy giọt mưa bay qua trên đầu, vừa nghe những bài hát rất thanh lịch từ các ca sĩ duyên dáng của Sài Gòn.
Gặp anh Thuần dịp đó, tôi vẫn không hết ngạc nhiên. Ngồi trước tôi là một nhà văn đạt rất nhiều giải thưởng văn chương quan trọng trong nước cũng như quốc tế, sách được dịch ra nhiều thứ tiếng, người viết chăm chỉ không ngừng mà cuốn sách nào cũng bán chạy, lại rất hiền hòa, nói chuyện nhỏ nhẹ, khiêm tốn. Hôm đó, tôi nhớ, anh Nguyễn Ngọc Thuần mặc áo sơ mi màu sáng, quần âu chỉn chu, đi đôi xăng-đan rất giản dị. Ngồi bên cạnh anh là cô con gái, khi ấy còn bé bỏng, mặc bộ đồng phục xinh xinh cấp tiểu học, tóc hơi ướt mồ hôi trộn nước mưa. Anh vừa đón con gái đi học về, sợ muộn nên không qua nhà thay đồ, mà ghé luôn vào quán chờ anh Sinh và tôi. Có anh Sinh nên câu chuyện càng trở nên dễ gần cùng sự thân thiết. Tôi không nhớ ba anh em hôm đó nói những gì, chỉ biết chuyện trò rôm rả, cười vui ấm áp. Ngồi trong quán khá lâu, cho đến khi kết thúc chương trình ca nhạc, chúng tôi chia tay nhau. Lần sau tôi vào Sài Gòn làm việc, anh Sinh gọi điện hẹn anh Thuần. Nguyễn Ngọc Thuần hẹn tới một quán cà phê khác trên đường Đồng Khởi, trung tâm quận 1 để tôi có dịp biết thêm một chốn mới. “Quán cà phê này đồ uống ngon”, anh Thuần cười nói. Dáng cao gầy lênh khênh đi phía trước, cẩn thận chỉ đường, cùng tôi và anh Sinh đi dọc phố, rẽ vào một cái ngõ rộng bày la liệt đồ lưu niệm, tranh ảnh, lên tầng hai. Lần này, chúng tôi lại ôm bụng cười lăn lộn vì anh Sinh rất hài hước. Tôi nhớ hôm đó ba anh em có trò chuyện về viễn cảnh cho một triển lãm thị giác “trong mơ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, “trộn” giữa thú vui làm phim ngắn, chụp ảnh, văn chương và mỹ thuật của anh. Mỗi lần ở bên cạnh Nguyễn Ngọc Thuần, tôi thấy cuộc đời này thật đáng sống, nó mở rộng với màu sắc hồn hậu lấp lánh chân tình từ tâm hồn người. Vậy mà không hiểu cớ làm sao, truyện của anh Thuần viết, thường mang sự mênh mang buồn lẫn mong manh kiếp người trong cô đơn. Ví như cuốn truyện dài “Cơ bản là buồn” ra mắt vào quý 2, năm 2014 hay tiểu thuyết “Vì tình yêu phù phiếm” in vào quý 1, năm 2018 mang phong cách như vậy.
“Những lúc không có nàng,
tôi nhặt chúng lên,
chạm vào và cảm nhận
luồng lạnh lẽo. Có lẽ
chẳng ai đọc cả,
những văn bản chỉ để trang trí.
Cầm chúng lên, luồng rung cảm
lan tỏa giữa các
ngón tay. Và điều đó
buộc người ta dừng lại.
Và như thế, một cuốn sách đẹp,
đã chấp nhận
trong thân thể chúng
một phần hoang đường.”
(tr.41. Vì tình yêu phù phiếm)
Tác phẩm nào của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, dù là anh có từng nói, viết về một nơi chốn cụ thể trong không gian cụ thể, một nhân vật nào đó tưởng như cụ thể… nhưng bao giờ cũng thế, chúng đều trở nên mơ hồ không thể nắm bắt khi đi qua thế giới tư tưởng của anh. Đọc văn Nguyễn Ngọc Thuần là sự tương tác cảm xúc trực tiếp, gợi nên bao ý tưởng “huyền hoặc và hài hước điên khùng sâu lắng” (như dòng chữ đã in trên bìa sách).
Văn Nguyễn Ngọc Thuần khó thể kể lại theo một cốt truyện cụ thể, chúng thực sự là những gợi ý sáng tạo, như dòng điện sáng bất chợt xẹt qua não, khi đọc một dòng nào đó. Văn Nguyễn Ngọc Thuần thúc đẩy độc giả nảy sinh tư duy, làm nối liền mạch cảm hứng đang bị ngủ quên trong tiềm thức. Chúng là những kết nối tâm hồn, để từ đó một nghệ sĩ có thể tạo nên không gian nghệ thuật mới. Rất nhiều thử nghiệm ngôn ngữ được đưa vào tác phẩm của anh.
Mà thật kỳ lạ, khi nhiều nhà văn xuất thân từ giới mỹ thuật, lại tiên phong về những tìm tòi mới mẻ về nội dung, tư tưởng, nghệ thuật, kỹ thuật biểu đạt. Trong dòng văn học đang dịch chuyển ngày một chậm chạp, bởi nhiều nhà văn - họa sĩ đã buông bút, thì nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần vẫn cần mẫn chăm chỉ không ngừng nghỉ sáng tác, giữa bao khoảng đêm im lặng, sau công việc báo chí hàng ngày.