Việc đặt tên đường “tự phát” không còn câu chuyện mới, đặc biệt tại Hà Nội. Tuy nhiên, những sai phạm trên đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, thậm chí câu hỏi ai chịu trách nhiệm cho việc đặt biển tên này vẫn còn bỏ ngỏ? Xung quanh vấn đề này, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến - tác giả có nhiều bài viết, cuốn sách về Hà Nội đã có những trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến.
PV:Là người yêu và nghiên cứu về Hà Nội, theo ông nguyên nhân đặt tên đường “tự phát” đang gây bức xúc trong dư luận là do đâu?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Với bất cứ đô thị nào, lẽ ra khi hình thành 1 con đường mới là người ta phải đặt cho nó một cái tên. Đầu tiên là định danh 1 vị trí, 1 khu vực sau là để đáp ứng cho đi lại, giao dịch. Việc một số tên đường phố xuất hiện trong thời gian qua không phải do HĐND TP. Hà Nội thông qua rồi đặt tên và cắm biển mà lại do các cá nhân, tổ chức nào đó tự đặt, nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ việc chậm trễ, không kịp thời của cơ quan có trách nhiệm. Mặt khác còn còn do không có sự phối hợp giữa chủ đầu tư khi đầu tư khu đô thị mới và HĐND. Nếu trong quyết định cấp phép có điều khoản phải báo cáo cho cơ quan chức năng khi khu đô thị đó có con đường mới để họ có thời gian chuẩn bị, tìm tên phù hợp với lịch sử văn hóa khu vực đó thì sẽ không xảy ra tình trạng tự tiện đặt tên đường, tên phố.
Ông nói gì về những cái tên tự đặt? Và trách nhiệm thuộc về ai?
- Vì không có sự liên kết lại thiếu trách nhiệm của cán bộ quản lý địa phương nên mới xảy ra tình trạng hài hước đó.
Có ý kiến cho rằng Hà Nội đang thiếu một ngân hàng tên để phục vụ cho công tác này?
- Ở khu vực nội đô Hà Nội cũ (gồm 4 quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa), tuy còn những bất cập nhưng nói chung khá ổn, hầu hết là lấy tên các anh hùng dân tộc, danh nhân những người có công với nước với Thủ đô Hà Nội cộng với tên cũ của khu vực đó. Sự sắp xếp cũng khá thú vị khi lấy tên các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa của một giai đoạn lịch sử đặt cho các phố gần nhau. Ví dụ như phố Ngô Quyền gần với phố Lê Phụng Hiểu, Đinh Lễ. Xưa người ta cũng theo nguyên tắc bất thành văn, ai có công lớn với nước thì đặt tên cho các phố to, đường lớn. Còn ngày nay thì các khu đô thị mới mọc lên quá nhiều, đường dọc, đường ngang cũng lắm trong khi tên anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa đã sử dụng rồi nên phải đặt tên khác. Có thời, cơ quan có trách nhiệm đề xuất nên đặt tên đường, phố bằng số vì quỹ tên đã cạn. Câu hỏi đặt ra là họ đã khai thác hết người có công ở các quận huyện, xã phường chưa thì câu trả lời là chưa. Mặt khác lâu nay vì quan niệm của chúng ta chưa thoáng, có phần cổ hủ nên nhiều người có công lớn chưa được đưa vào quỹ tên. Chẳng hạn những nhà tư sản dân tộc yêu nước, đóng góp vật chất cho kháng chiến chống Pháp, những người đi tiên phong trong thương mại, sản xuất cuối thế kỷ 19 làm đổi thay kinh tế xã hội Hà Nội...
Sau khi Thủ đô mở rộng, việc nhiều đường phố ở Hà Đông, Sơn Tây trùng tên với Hà Nội (trước khi mở rộng địa giới). Theo ông, phải giải bài toán này như thế nào?
- Đây là bài toán khó vì tên phố tên đường đã được ghi trong sổ đỏ, hộ khẩu, bằng... những thứ vô cùng quan trọng đối với các cá nhân và gia đình. Việc đổi tên kéo theo nhiều phức tạp và tốn kém tiền bạc. Ở TP Hồ Chí Minh có những con đường chạy qua vài quận thì việc tên phố ở quận Hà Đông trùng với tên phố của khu vực nội đô Hà Nội cũ cũng không quá nghiêm trọng.
Theo ông, Hà Nội cần làm gì để việc đặt tên một đường phố đảm bảo tính đúng đắn, khoa học?
- HĐND TP Hà Nội đã ban hành một nghị quyết về đặt tên phố tên đường, tuy chưa chi tiết nhưng cũng là định hướng cho cơ quan có chức năng đề xuất đặt tên. Việc các khu đô thị mới, con đường mới hiện nay hình thành chủ yếu ở các huyện ngoại thành xưa thì nên ưu tiên sử dụng những tên địa danh cũ ở khu vực đó cùng những nhân vật có công lao. Mặt khác cũng không nên bó hẹp quan niệm, rất nên sử dụng tên các nhân vật trong các lĩnh vực khác nhau, ngành nghề khác nhau.
Trân trọng cảm ơn ông!