Mặc dầu rất bận rộn với vai trò là Phó Ban thư ký Biên tập Đài Truyền Hình Việt Nam, đồng thời vẫn đảm đang chăm lo việc gia đình, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ vẫn dành thời gian hàng ngày lên mạng xã hội.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.
Với chị, mạng xã hội đang phát huy tốt vai trò truyền tải thông tin rất nhanh chóng, nhiều vấn nạn tiêu cực nhờ mạng xã hội đã được nêu ra và các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết, nhưng đồng thời, mỗi cá nhân đều phải tự chịu trách nhiệm với mọi phát ngôn trên mạng, trong đó có việc lợi dụng mạng xã hội để đặt điều hay tố cáo cá nhân/ tập thể không chứng cớ.
PV: Mạng xã hội có tác động như thế nào đến tinh thần và cảm xúc của chị?
Chị Nguyễn Thị Thu Huệ: Với tôi, mạng xã hội là một kênh thông tin phong phú, đa dạng, đôi khi bất ngờ vì những thông tin, hình ảnh chân thực. Trước đây, mỗi ngày, tôi thường đọc báo vào lúc rảnh. Từ ngày có mạng xã hội, tôi đọc mạng xã hội trước, đọc báo sau. Tất nhiên là đã dành sự quan tâm cho mạng xã hội là cảm xúc bị chi phối rồi. Vui, buồn, phẫn nộ... mỗi khi mình nhấn like các biểu tượng bày tỏ cảm xúc.
Khi tham gia mạng xã hội, những thông tin nào làm chị quan tâm? Vì sao ạ?
- Tôi quan tâm nhiều đến những chuyện liên quan đến số phận con người. Người xấu khiến mình phẫn nộ, muốn đấu tranh loại bỏ, người tốt lan truyền cảm hứng tích cực, tin vào cuộc sống.
Chị nghĩ sao về tình trạng người lao động công khai trên mạng xã hội về các vấn đề mang tính chất tiêu cực về đồng nghiệp và nội bộ cơ quan mà họ đang làm việc?
- Theo tôi biết thì các cơ quan đã có quy định về việc này. Nếu ai đấy đã dùng mạng xã hội để lên tiếng về bức xúc của họ, một là người đấy đã đề đạt ở cơ quan mà không được giải quyết, bế tắc quá nên tung lên mạng xã hội. Hai là khi va phải vấn đề nào đó, tức lên và đưa lên Facebook như một nơi giải toả ức chế tức thì. Và họ sẽ chịu trách nhiệm trước những ý kiến đấy.
Chị sẽ giải quyết vấn đề này ra sao với tư cách là nhà quản lý?
- Là một người quản lý, nếu tôi gặp phải chuyện đó, chắc tôi gặp người đó nói chuyện với họ, để hai bên hiểu nhau hơn.
Còn nếu là thông tin bịa đặt vu khống cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân mình thì chuyển vụ việc sang bộ phận chuyên môn chuyên xử lý những việc này.
Với một nhà văn nhiều người biết đến, mỗi lời nói đều có ảnh hưởng đến những ai theo dõi, chị có cân nhắc trước khi đưa ra các suy nghĩ của mình trên mạng không?
- Tôi có cân nhắc khi viết, nhất là đưa về những vụ việc tiêu cực với những con người tiêu cực được kiểm chứng qua các báo chí, kênh thông tin chính thống để tránh phản ứng nhầm về ai đó.
Khi theo dõi Facebook của chị, sẽ luôn thấy đối tượng chia sẻ, nhiều status được để chế độ “công khai”, và nhiều status chỉ dành riêng cho “bạn bè”?
- Ôi cái này tôi không biết đâu. Facebook này do một cậu đồng nghiệp lập cho, ban đầu chỉ để đọc cho vui, sau thì tôi thấy nhiều thông tin hữu ích và đặc biệt là gặp lại nhiều bạn bè người quen thất lạc nhau có khi vài chục năm không thể nào tìm được. Chuyện công khai hay dành cho bạn bè chắc bạn đấy cài đặt từ đầu chứ tôi rất kém công nghệ.
Điều gì với chị nên để công khai và điều gì chỉ nên dành cho bạn bè?
- Tôi quan niệm, đã đưa lên mạng xã hội thì khó mà giữ riêng tư. Bởi vì ai đã muốn đọc mình, dù không kết bạn cũng có thể đọc qua kênh của người khác.
Mỗi ngày, qua Facebook, chị luôn truyền tải thông điệp, và nhìn một cách chủ quan, thì đó là nêu rõ những vấn đề tiêu cực đang tồn tại trong cuộc sống hàng ngày, và để hướng tới cách sống tích cực?
- Tôi muốn nói lên chính kiến của mình, dù chỉ là góp thêm một tiếng nói về những vấn đề chung của xã hội. Có quá nhiều điều xấu xa của những cá nhân xấu xa trên khắp đất nước này, chúng ta, mỗi người góp một tiếng nói biết đâu sẽ loại bỏ được kẻ xấu đó ra khỏi nơi họ đang làm, để môi trường bớt độc hại. Ở cách Thành phố lớn, người dân có điều kiện đấu tranh hơn, chứ các tỉnh thành khác, người dân khổ lắm. Gần nhất là vụ cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau nhiều tháng trời. Vừa là giáo viên, lại con một lãnh đạo giáo dục mà hành vi tàn độc man rợ như vậy, nếu chúng ta không lên tiếng và theo đến cùng, số phận các cháu học sinh sẽ thế nào?
Chị là người nêu ra ý kiến, và phần lớn là thể hiện sự quan tâm đến các vấn đề đang tồn đọng trong xã hội, cũng như cả những suy hại tinh thần của ai đó chị tình cờ bắt gặp… nhưng chị cũng hết sức tránh các cuộc tranh luận trên mạng?
- Tôi luôn tôn trọng các ý kiến cá nhân. Mỗi người có một quan niệm riêng về một sự việc nên tôi hiếm khi tranh luận. Trừ khi thấy bạn nào đó hiểu thông tin từ một nguồn không chính xác thì tôi đính chính lại thôi.
Với nhiều người comment phản bác lại ý kiến, thường thấy chị im lặng?
- Vì tôi tôi trọng người comment.
Chị là người sử dụng Facebook rất có ý thức, và chị cũng chỉ dành cho mạng xã hội một lượng thời gian rất nhỏ?
- Cũng tùy thôi. Ví dụ như có thời gian thì vào nhiều, bận thì vào ít. Nhưng ngày nào cũng ngó một lúc vào giờ nghỉ hoặc trên ô tô đi đâu đấy...
Theo chị, nên sử dụng mạng xã hội như thế nào cho hiệu quả nhất và những phát ngôn của mỗi người có những hiệu ứng tích cực đến cộng đồng nhất?
- Tôi nghĩ chúng ta nhìn mạng xã hội theo hướng tích cực, nó sẽ là kênh thông tin hữu ích, phù hợp cho từng nhu cầu riêng. Ở mạng xã hội, ngoài thông tin nóng, cập nhật nhanh một vấn đề gì đó của xã hội, là những câu chuyện đẹp về tình người, phong cảnh đẹp của thế giới và Việt Nam, cách làm đẹp cho phụ nữ hay cách nấu món ăn ngon...Chưa kể, có những quảng cáo bán sản phẩm hữu ích...
Nói chung, tôi ủng hộ mạng xã hội và thấy đấy là một kênh thông tin hữu ích. Nhất là khi mình được quyền chọn lựa đọc rồi like cái gì, và ngược lại.
Xin cảm ơn chị!