Trong nhiều thập niên, vị thế của Hà Nội khác biệt với những vùng miền khác, nên bản thân người Hà Nội cũng có ý thức tạo ra sự khác biệt...
PV:Tôi biết anh vừa xem triển lãm của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt. Một cuộc triển lãm rất thú vị, tôi nghĩ thế, vì nó đưa người xem về Hà Nội thời kỳ 1967-1975. Chưa phải quá xưa quá xa nhưng nhờ thế, chúng ta có dịp nhìn lại, hiểu hơn về nhiều con đường, nhiều di tích của Hà Nội, đặc biệt hơn là nếp sinh hoạt và trang phục, phương tiện đi lại của người Hà Nội 60-70 năm trước. Từ quan sát của một người nghiên cứu về Hà Nội, những bức ảnh ấy đã kể, hoặc giúp anh minh định rõ hơn về một câu chuyện gì của Hà Nội vào thời điểm trước khi anh sinh ra?
Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Vâng, tôi đã đến xem triển lãm đúng hôm khai mạc. Có những bức ảnh đã từng được thấy rải rác trên mạng, song khi nhìn trực tiếp một khối lượng hơn 130 bức cùng lúc thì ấn tượng mạnh. Chúng khiến tôi cảm động, không bất ngờ song vẫn bồi hồi nhận ra những dấu tích nay đã đổi khác.
Chẳng hạn bức ảnh chụp khu vực quanh cây đa cạnh đền Bà Kiệu vào năm 1975. Bức ảnh xác nhận thời điểm đó vẫn còn nhà bia tưởng niệm Alexandre de Rhodes tuy không còn tấm bia. Nhà bia xây theo lối phương đình giống các kiến trúc truyền thống, phù hợp với kiến trúc đền Bà Kiệu phía sau và cả đền Ngọc Sơn bên kia đường. Sau này như chúng ta đã biết, thay thế cho nhà bia là tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Nó cũng cho thấy hình ảnh các trang trí mặt tiền phố xá chưa bị lấp sau các biển hiệu và cơi nới của thời bung ra thập niên 1980. Tôi nhìn thấy những cửa hiệu đồ chơi bán những cái xe đạp tự chế bằng sắt sơn xanh đỏ hay xe gỗ, mà bài hát thiếu nhi một thời vẫn nhớ có câu “Mẹ mua xe gỗ, cho bé ngồi trong/ Bao giờ chiến thắng cho bé về phố đông”…
Trong cuốn sách mới nhất của anh, “Hà Nội bảo thế là thường”, người đọc cũng gặp lại những không gian sống gắn bó của người Hà Nội, hoặc tìm thấy nếp sống của người Hà Nội qua cái ăn, cái mặc. Qua cuốn sách này, anh cũng đưa người đọc ngược xuôi trong các câu chuyện cũ của Hà Nội, thông qua những bức tranh, bức ảnh, những thước phim, và qua ca từ của nhiều bài hát. Ở đó hiện ra một Hà Nội rất khác hôm nay. Và hình như có cài đặt ngụ ý về những tiếc nhớ của anh?
- Đương nhiên khi bàn nhiều về hình dung ngày cũ của Hà Nội, mình đã sẵn những hoài niệm. Sự nhẩn nha, thong thả hay sự cuống quýt cũng là nhờ trí tưởng tượng phục dựng từ những dấu vết còn lại qua văn bản, thơ ca, âm nhạc hay các hình ảnh tư liệu. Vì thế, màu thời gian thường phủ lên các thao tác viết một cảm xúc hoài niệm, tuy không phải lúc nào cũng coi cái cũ là hơn. Tôi thích chồng các điều tương đồng song đôi giữa cũ và mới, giữa các niên đại để rút ra một quy luật phát triển nào đó, mà thiên về cái vui vẻ, hóm hỉnh, thú vị, chứ tôi ít khi khơi lại những mất mát, thương tổn. Tất nhiên cái được và cái mất thường nhiều khi xoắn vào nhau khó tách rời. Ưu thế của ngày hôm nay là chúng ta có thể bình tâm ngoái lại quá khứ và rút ra phép ứng xử phù hợp trước mỗi hiện tượng văn hóa.
“Huyền thoại về sự khó tính của người Hà Nội đồng nghĩa với thanh lịch có lẽ một phần nhờ Nguyễn Tuân”. Anh viết thế trong bài “Các cụ Hà Nội bảo thế là được”. “Khó tính” và “thanh lịch” có phải là một phẩm cách quan trọng tạo nên sự khác biệt của người Hà Nội?
- Thật ra Nguyễn Tuân chỉ là một ví dụ dễ thấy của câu chuyện lối sống được đẩy lên thành thú chơi, thành thứ tinh tế đến mực khó tính của người đã quen sống với tiêu chuẩn cao ở Hà Nội. Người Hà Nội trong đời sống bình thường không đến mức cầu kỳ như vậy, song các dấu vết của sự đòi hỏi tiêu chuẩn cao có thể dễ kiểm chứng trong hành vi, lời ăn tiếng nói cũng như cụ thể món ăn, thức uống hay lối thưởng ngoạn.
Khó tính, thanh lịch hay tiêu chuẩn cao là những định nghĩa khác nhau của cùng một thứ ta gọi là nhu cầu đạt tới sự văn minh trong một cộng đồng. Dĩ nhiên trong nhiều thập niên, vị thế của Hà Nội khác biệt với những vùng miền khác, nên bản thân người Hà Nội cũng có ý thức tạo ra sự khác biệt, mà tôi nghĩ cũng có khi là một sự đánh dấu lãnh thổ văn hóa. Nếu cắt nghĩa ở khía cạnh phổ quát, thao tác này lại là tiêu cực. Nhiều điều như khó tính, kỹ lưỡng thực ra cũng lại là sự khắt khe, bảo thủ, khó thay đổi và tiến bộ. Thanh lịch thực ra lại là kết quả của một nền nếp gia phong kìm hãm nhiều khát vọng của con người. Đó là điều hay khi giúp bảo tồn được bản sắc song cũng ngay lập tức tạo ra những rào cản.
Chúng ta đang sống ở Hà Nội, và ngày hôm qua đã là quá khứ. Nhưng cái hiện tại ngổn ngang thậm chí có những rối lẫn của một đô thị như Hà Nội hôm nay, liệu có trở thành một “quá khứ vang vọng” không?
- Có những khoảng trống trong quá khứ đã không được ghi lại đầy đủ. Việc để những thứ diễn ra có khả năng vang vọng về sau, cần nhiều điều kiện. Một trong những điều có thể làm được là chúng ta sống kỹ càng được với hiện tại. Mỗi điều vui buồn của chúng ta với thực tại Hà Nội được tái hiện bằng nghệ thuật, bằng chia sẻ văn hóa trong cộng đồng đều có khả năng ngân vang.
Vậy theo anh, trong văn hóa sống của người Hà Nội hôm nay có điều gì đang được tiếp nối, đang bị đứt gãy?
- Có những điều tôi thấy chẳng thay đổi mấy suốt 30 năm qua. Chẳng hạn thói quen ngồi vặt ở quán nước chè. Tôi từng có một người cha bán nước chè nên rất nhớ những khung cảnh và chi tiết của một nơi chốn như vậy mà đến hôm nay, vẫn hiện diện. Nó có thể không đẹp đẽ hay tiện nghi kiểu “hiện đại” nhưng nó lại là một không gian cộng đồng quan trọng của đông đảo người bình dân. Như nhiều thứ khác, những nơi chốn ấy bộc lộ những gì thuộc về một nhu cầu giao tiếp, chia sẻ và quan sát thế giới của con người đô thị. Điều đứt gãy cũng sinh ra từ chính sức ép của sự phát triển, những lớp người sau vừa sinh trưởng trên tầng văn hóa lớp cũ song cũng dễ dàng mau chóng phủ một tầng văn hóa khác lên đó.
Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Trương Quý!