Những trang văn chắt lọc từ đời như phù sa đọng lại sau mùa lũ, những trang báo nóng hổi lại luôn cuồn cuộn theo dòng chảy nhân sinh. Chất văn, chất báo, tưởng chừng như đối nghịch mà lại hòa quyện vào nhau trong một con người - nhà văn Sương Nguyệt Minh.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh
Thưa nhà văn, nhà báo - đại tá Sương Nguyệt Minh. Được biết, tác phẩm mới nhất của ông, cuốn tiểu thuyết “Miền hoang” viết về cuộc chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Campuchia những năm 1980 đã được dư luận đánh giá cao. Ông có theo dõi đứa con tinh thần của mình đã đi vào đời sống thế nào không?
- Đúng như chị nói, tôi cũng mừng vì tác phẩm của mình đã được bạn đọc đón nhận rộn ràng. Tiểu thuyết Miền hoang cũng được mạng tiki.vn đưa cả lên các báo điện tử rao bán cùng với các tập truyện ngắn “Dị hương”, “Đêm thánh vô cùng” và tập tản văn “Đàn ông chọn khe ngực sâu”? Trong giới bạn nghề thì cũng có người khen tiểu thuyết “Miền hoang” ngất trời, nhưng cũng có người chê dập vùi xuống vực thẳm. Tôi vẫn theo dõi và bình thản trước hiện tượng ấy. Vì tôi cũng đủ bản lĩnh để “chịu nhiệt” khen chê.
Bên cạnh những tác phẩm văn chương, độc giả còn nhớ đến một Sương Nguyệt Minh nhà báo. Đó là những những bút ký, phóng sự, phỏng vấn…
- Vâng! Tôi là nhà văn nhưng cũng là người làm báo, viết báo. Có những tác phẩm tôi viết bằng sự yêu mến, thích thú, có tác phẩm viết theo yêu cầu tòa soạn. Theo yêu cầu hay tự nguyện thì tôi cũng viết bằng cái đầu tỉnh táo và trái tim nóng ấm. Các thiên bút kí, phóng sự như dài kì như: “Những nẻo đường phương Bắc”, “Bể dâu Quan Lạn”, “Miền gốm cổ Gò Sành”, “Tây Nguyên ký sự”, “Người Việt trước biển”... in ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội đều được viết trong tâm thế của một nhà văn, nhà báo trước các vấn đề xã hội đang được mọi người quan tâm và lắng nghe.
Đó là những tác phẩm báo chí đậm chất văn học. Nhưng gần đây, độc giả mến mộ ông lại có phần ngạc nhiên và thú vị khi thường xuyên được gặp một nhà báo Sương Nguyệt Minh gần gũi với đời sống của họ hơn. Sự chuyển “tông” ấy có phải là một cách làm mới mình, hoặc một lối rẽ thú vị của nhà báo Sương Nguyệt Minh?
- Không phải gần đây, mà tôi đã từng được các giải thưởng báo chí, và viết nhiều phóng sự in ở An ninh thế giới, Đại Đoàn Kết, Nhân dân, Quân đội nhân dân, Giáo dục & Thời đại, Đài Tiếng nói VN... rất gần gũi với đời thường.
Vì sao khi viết báo có vẻ ông hướng tới độc giả thị trường nhiều hơn?
- Thứ nhất, là do yêu cầu tính thời sự nóng bỏng của đề tài mà tờ báo đang rất cần. Gọi là viết theo yêu cầu... đặt bài của báo. Tôi cảm thấy lý thú và chấp nhận là tôi viết. Viết rất nhanh! Còn không thì... từ chối. Nhưng, thường là bạn bè quen đặt, họ biết tạng viết báo của tôi, biết tôi dung nạp và phát tiết được cái gì nên họ cũng đặt bài trong khả năng của tôi, hầu như không bị... “đổ”. Thứ hai, tôi là nhà báo, nhà văn nhưng tôi cũng là một con người bình thường của gia đình, của xã hội, “hít thở” bầu không khí thị trường. Thị trường cũng chẳng quá xa lạ đối với một người viết báo là tôi. Bài báo có ích thì độc giả nào cũng tìm đọc, chứ không riêng độc giả thị trường.
Theo ông, công việc viết văn, viết báo có ảnh hưởng gì tới nhau hay không?
- Không! Riêng tôi lại thấy tốt hơn khi tôi vừa viết văn vừa viết báo. Nhà văn cần vốn sống, cần cảm xúc, cần kiến thức văn hóa, kinh tế, chính trị,... Khi tôi làm báo, viết báo, phải đi nhiều, gặp gỡ nhiều nhân vật..., những gì tôi thu nhận được trong nghề báo hàng ngày lại đáp ứng, bổ sung cho nhu cầu nhà văn. Các ông nhà văn nổi tiếng Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng, Thạch Lam... đều là những nhà báo lão luyện, có đẳng cấp cả đấy.
Tuy nhiên, nếu không biết điều chỉnh, phân bổ thì công việc và áp lực làm báo sẽ lấy mất thời gian, cảm xúc viết văn. Phải hết sức tỉnh táo, đề phòng.
Trước khi trở thành một nhà văn ông đã một người lính? Ông có nhớ được bài báo đầu tiên của ông ra đời trong hoàn cảnh nào không? Cảm xúc của ông lúc đó ra sao?
- Tôi được in lần đầu trên báo Tiền phong khi đang là người lính bảo vệ Biên giới Tây Nam, đóng quân bên sông Vàm Cỏ Đông - Tây Ninh. Thực ra, chưa gọi là bài báo. Dạo ấy, có phong trào các em học sinh viết thư cho các anh bộ đội. Báo Tiền phong đăng 1 bức thư của cô gái ở Huế, ghi tên viết tắt là D.V... gửi các anh bộ đội ở Biên giới Tây Nam. Đại khái nội dung là thương các anh chiến đấu, vất vả, hi sinh; chúng em cố gắng học tập tốt thi đua cùng... lập công. Cái dạo ấy, còn quá trẻ, lính chiến trường gian khổ, ác liệt, nhưng lãng mạn lắm. Tôi đọc thư của cô gái D.V mà lòng cứ xốn xang, rạo rực; rồi ngồi trong hầm dã chiến... viết thư, nhờ báo Tiền phong chuyển giùm. Đại khái là kể chuyện chiến đấu ở biên giới, rồi cũng hứa hẹn thi đua..., còn ghi cả hòm thư của mình là 4R433... nữa. Thế rồi báo phát hành, về đến tận chiến hào. Rồi ùn ùn hàng trăm thư của các bạn trẻ (hầu như là con gái) từ mọi miền đất nước gửi đến. Lúc ngưng tiếng đại bác, tôi lại bò ra viết thư hồi âm. Dạo ấy, mỗi người lính được 2 con tem, cả đơn vị gom lại cho tôi để... viết thư về hậu phương. Cái thời lãng mạn, trẻ trung đó đã qua lâu rồi, mà không quên được. Bây giờ, muốn kể chuyện ấy cho con cái..., chẳng biết chúng có nghe không ? (Cười)
Nhiều tác giả trẻ có năng khiếu văn chương hiện nay khi ra nghề đa phần đều phải chọn con đường viết báo để kiếm sống, “lấy ngắn nuôi dài” và không ít trường hợp “rơi rụng” mất ước mơ văn chương. Vậy ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ ấy?
- Trước đây, đã có hiện tượng “rơi rụng” ấy, bây giờ đang “rơi rụng”, sau này cũng sẽ “rơi rụng”. Không thể tránh khỏi. Xưa nay, có phải tất cả người trẻ có năng khiếu văn chương đều đi tận cùng với văn chương đâu. Đó cũng là chuyện bình thường.
Khuyên các bạn trẻ thì không, vì “văn mình vợ người”, và mỗi người có 1 cách lao động sáng tạo khác nhau. Nhưng, tôi và 1 số nhà văn trẻ ngồi nói chuyện nghề, tôi tâm sự: “Nhà văn trẻ cũng là con người, hãy sống đã, rồi mới viết.” Cái gọi là “sống” này hàm nghĩa rộng lớn lắm. Có chút vốn ban đầu, viết hết sạch rồi thì còn gì để viết nữa, nên quá trình sống là quá trình tích lũy tri thức, tư liệu sáng tác, chứ cứ ngồi tưởng tượng xa vời sẽ dẫn đến trang văn nhạt. Phải vào đời, phải sống như một người lao động mưu sinh, nếu trải qua được nhiều công việc, nhiều không gian, nhiều mối quan hệ thì càng tốt. Cái vốn sống vật vã ấy cộng với sự đọc tích dần lại, cộng với tố chất hư cấu, tưởng tượng và cảm xúc luôn được nuôi dưỡng, đến một lúc nào đó... không viết ra là không chịu nổi.
Xin cảm ơn ông!
“Miền hoang” – tiểu thuyết mới nhất của Sương Nguyệt Minh Nhà văn Sương Nguyệt Minh tên thật là Nguyễn Ngọc Sơn, sinh năm 1958 tại Ninh Bình, hiện đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông đã đoạt các giải thưởng: giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 1996 với tác phẩm “Bản kháng án bằng văn”; giải thưởng truyện ngắn cuộc thi Cây bút vàng của tạp chí Văn hóa – văn nghệ Công an 1998 -2001 với tác phẩm “Lửa cháy trong rừng hoang”; giải thưởng cuộc thi bút ký báo Giáo dục & Thời đại 2004 với tác phẩm “Nhọc nhằn gieo chữ vùng cao”; giải thưởng cuộc thi tập truyện ngắn của NXB Thanh niên 2004 với tập truyện ngắn “Đi qua đồng chiều”; giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2003-2004 với tác phẩm “Mười ba bến nước”; giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2010 với tập truyện ngắn “Dị hương” và một số giải thưởng văn chương, báo chí khác. |