“Trước tôi lên chùa nhiều vì quan tâm đến Phật giáo và tôi có tiếp cận giao lưu với các nhà tu hành”.
1. “Vào lúc giao thừa, thời điểm hoan giao của đất trời, gia đình tôi hay đi du xuân, xuất hành năm mới để lấy may mắn. Đây cũng là thời điểm đi du lịch ngắn đầu năm. Hai vợ chồng tôi thường tìm đến ngôi chùa như một địa điểm linh thiêng và cũng gặp nhiều người đến chùa. Chùa là nơi thiện, là nơi lưu giữ những nét văn hóa của người Việt như xuất hành đầu năm, mua diêm muối lấy may, cầu chúc nhau những lời tốt đẹp, làm những việc thiện.
Ít năm trở lại đây thói quen này của tôi dần hết, một phần do tuổi tác, một phần do niềm tin vào tinh thần Phật giáo trong tôi giảm sút. Những bậc chân tu đức cao vọng trọng thì vẫn còn, nhưng ít, phần lớn các tăng ni thì bị biến dạng cả hình thể lẫn tinh thần như dùng xe sang, điện thoại, đồng hồ đắt tiền. Họ dùng tiền công quỹ của nhà chùa thay vì để chấn hưng đạo Phật, thậm chí có nhà sư trụ trì lôi kéo họ hàng vào chùa để thành một nghề kiếm sống. Vậy thì tại sao họ biến tướng, biến chất, thoái hóa, biến cửa chùa thành nơi kiếm ăn? Đó là bắt nguồn từ nguyên nhân chung: sự xuống cấp, sa sút của đạo đức xã hội. Một xã hội mà toàn bộ giá trị bị đảo lộn thì sự phát triển của Phật giáo cũng bị ảnh hưởng. Việc đầu tư vào chùa hiện nay giống như đầu tư của một tập đoàn, tổ hợp kinh doanh bắt nguồn từ quyền lực. Người ta xây chùa lớn cùng hệ thống đường sá phục vụ cho du lịch tâm linh với diện tích cấp đất lớn, có khi lấy đất của cả một xã để xây chùa. Trong tâm tưởng của người Việt ta, thì tinh thần Phật giáo rất cao, đạo hạnh lớn, người dân Việt sùng bái đạo Phật. Xu hướng xây chùa to lại xảy ra ở nước không lấy Phật giáo làm quốc đạo. Tôi không tin ý thức Phật giáo lại lớn đến vậy, trong khi chùa Ba Vàng, chùa Tam Chúc, chùa Bái Đính lợi nhuận lớn thế. Tâm linh và tinh thần Phật giáo ở Việt Nam đang bị lạm dụng thì hỏi làm sao đạo đức những người tu hành không xuống cấp?
Trong nhà chùa, họ làm nhiều thứ mà Phật giáo không chấp nhận được. Rõ nhất gần đây sự việc về “Oan gia trái chủ” xảy ra tại chùa Ba Vàng đang chống lại tinh thần Phật giáo. Chùa Ba Vàng giống như một “vương quốc riêng” của một nhóm, trắng trợn kinh doanh với số lượng tiền lớn.
Một thời, dân cũng ồn ào lên về vấn đề “dâng sao giải hạn” ở chùa Phúc Khánh. Có người nói được, người nói không. Nhưng với tôi, đó là tập tục, một thói quen của người dân, sự thỏa mãn tâm linh, cầu mong may mắn một năm cho việc giải hạn, trong đó có nhiều tri thức. Gia đình tôi tháng Giêng vẫn lên chùa dâng sao giải hạn, khi ở chùa về thấy được sự nhẹ nhõm. Gia đình tôi tìm đến ngôi chùa nhỏ nhắn, linh thiêng, có sự gần gũi với các vị sư. Khi niềm tin giảm sút thì chùa là nơi có sự tựa nương, an ủi. Người Á Đông mình hay tin vào sao, vào mệnh, nên ở chùa, đền vẫn diễn ra việc dâng sao giải hạn âm thầm không ầm ĩ.
Trụ trì chùa thường là một đại đức, một sư ông, thường trụ trì liên thông nhiều chùa. Có chùa nghèo nơi nông thôn, vùng núi, sư vãi vẫn phải tăng gia cầy cấy và cuộc sống đạm bạc, còn có ngôi chùa được vị trí thuận tiện ở trong thành thị thì có thu nhập và phải gánh những ngôi chùa nghèo. Khi một số nhà tu hành mượn tôn giáo để có cuộc sống xa hoa, thì cần lên án vì họ đã làm giảm niềm tin của nhân dân vào bậc chân tu, vào cửa chùa, vào Phật giáo.
Trước đây và bây giờ tôi vẫn có mối quan hệ mật thiết với những nhà chân tu, họ có kiến thức uyên thâm sâu rộng về Phật, pháp. Tôi được giao lưu đàm đạo về Phật, pháp và chuyện đời với họ, nhờ vậy cũng được học hỏi nhiều”.
2. “Rằm tháng Bảy, các gia đình Việt đều trọng, ngoài lễ Vu lan báo hiếu còn là tháng xá tội vong nhân. Các gia đình từ thành phố đến nông thôn tùy tập tục từng vùng vẫn làm những nghi lễ truyền thống cúng rằm tháng Bảy, trong đó có cúng cô hồn. Sau này dần dần tri thức cao lên người ta chuộng thêm hình thức ngày Vu lan. Với tôi đó là sự phát triển. Nhưng rằm tháng Bảy không phải là để báo hiếu cha mẹ, vì báo hiếu cha mẹ là việc làm hàng ngày, mà gia đình tôi quan niệm đó là ngày cúng hoa quả, cháo, quần áo cho những oan hồn vất vưởng. Lòng thiện của người Việt cao và có khắp mọi chỗ mọi nơi, mọi người, mọi tầng lớp. Với tinh thần “xá tội vong nhân”, là việc làm phúc đức cho các oan hồn, thì người Việt chú trọng và làm rất cẩn thận, chăm chỉ và truyền từ đời cụ đến đời ông bà, đến con cái. Còn bảo tháng Bảy lên chùa lễ Phật bày tỏ sự hiếu thảo với cha mẹ thì cũng là hợp lẽ, tùy theo quan niệm của từng người. Cửa chùa thực sự thì luôn làm con người ta thanh tịnh thư thái khi tới”.