Với khoảng 20 tác phẩm văn học đã xuất bản, từng đạt nhiều giải thưởng văn học uy tín trong nước, đã tham dự Chương trình Viết văn Quốc tế tại Iowa, Mỹ, cũng như giới thiệu các sáng tác tại Pháp,… nhà văn Phan Hồn Nhiên dù nhận được nhiều hâm mộ của độc giả nhưng chị lại hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Vào sáng thứ Bảy (30-1), bạn đọc mới có dịp gặp chị trong toạ đàm “Ngoài tình yêu viết gì cho giới trẻ” được tổ chức tại TP.HCM.
Nhà văn Phan Hồn Nhiên.
PV: Nếu không là “Yêu”, thì viết gì cho giới trẻ, để họ muốn tìm đọc, thưa chị?
Nhà văn PHAN HỒN NHIÊN: Với nhiều bạn trẻ của ngày hôm nay, cuộc sống cho phép mỗi bạn có thể trở thành một người kể chuyện tình yêu lôi cuốn và bất ngờ. Chính vì vậy, họ nên có thêm các lựa chọn khác nữa, để hiểu cuộc sống chung quanh cũng như thấu hiểu chính mình.
Trên thực tế, những cuốn truyện về “yêu” thường bán chạy?
-Đã và sẽ luôn là như vậy, ở bất kỳ đâu, trong bất kỳ nền văn hóa nào. Tình yêu là một trong các đề tài hấp dẫn của văn chương. Nhưng người đọc không tìm đến văn chương chỉ để tìm biết về tình yêu.
Vậy không là tình yêu, thì khi viết, chị thường quan tâm đến đề tài nào?
-Có lẽ bạn cũng biết, tôi có hai dòng viết riêng biệt, một dành cho độc giả trưởng thành và một dành cho độc giả trẻ. Với nhóm đầu tiên, tôi chọn đề tài liên quan mật thiết đến bản thân mình vào thời điểm viết. Với nhóm thứ hai, tôi ưu tiên một số đề tài về sự thay đổi cái nhìn, chuyển biến trong đời sống tinh thần của người trẻ trong quá trình lựa chọn sống và trưởng thành. Tôi vẫn tin ở mọi việc, điều gì mình thấu đáo thì có khả năng làm ổn. Việc viết cũng không ngoại lệ.
Văn học kỳ ảo không dễ viết, tại sao chị đi sâu vào thể loại này?
-Từ khi bắt đầu cho đến nay, tôi vẫn xem viết là một quá trình rèn luyện nghệ thuật. Trong quá trình đó, mỗi giai đoạn phải hoàn thiện một kỹ năng cần thiết cho nghề. Văn học kỳ ảo giúp tôi nắm được một kỹ thuật rất quan trọng là tạo ra các lớp không gian cũng như nắm bắt các lớp tâm lý. Bên cạnh đó, văn học fantasy cho phép người viết thử nghiệm một số phương pháp làm việc mới lạ, như kết hợp với một loại hình nghệ thuật khác để hình thành tác phẩm. Họa sĩ Phan Vũ Linh và tôi làm việc cùng nhau trong 3 năm để có bộ ba fantasy kết hợp giữa văn học và hội họa digital. Sau khi hoàn tất dự án vào năm 2011, tôi tạm dừng không viết fantasy nữa để chuyển sang tìm kiếm các kỹ thuật khác.
Văn học và Hội hoạ, sự kết hợp hài hoà. Có thể thấy, từ nội dung đến trang bìa minh hoạ của một tác phẩm do chị sáng tác, chị đã dành rất nhiều ưu ái và quan tâm tới bạn đọc trẻ?
- Tôi học mỹ thuật nên hiếm khi bỏ qua khía cạnh hình ảnh của một quyển sách. Với độc giả trưởng thành, phần minh họa có thể không quan trọng. Nhưng với độc giả trẻ, bìa và các minh họa đẹp là một cộng hưởng giúp các bạn hứng thú hơn khi tiếp nhận tác phẩm.
Chị viết cho các độc giả - vì sự phát triển tâm hồn họ, hay qua tác phẩm để gửi gắm chính tư tưởng tinh thần mình?
- Sẽ không trung thực nếu nói rằng khi bắt đầu một tác phẩm, tôi nghĩ đến độc giả. Viết, trước tiên là để thỏa mãn chính mình, tiến hành sự lựa chọn, thiết kế, tạo dựng và loại bỏ mà bản thân người viết được toàn quyền. Thông qua quá trình đó, tôi bày tỏ những vấn đề mà tôi quan tâm, phát hiện và mong muốn được chia sẻ. Và khi độc giả chia sẻ, đấy chính là một quà tặng mà công việc viết mang đến.
Để tạo ra một thế giới vừa mang tính giả tưởng, lại vừa có sự gần gũi để bạn đọc có thể cảm nhận được, ngoài tranh minh hoạ, điều chính yếu vẫn nằm trong nội dung tác phẩm, chị làm thế nào để dung hoà điều này?
- Văn học kỳ ảo thực chất là thế giới thực được khúc xạ. Chọn góc nhìn càng độc đáo thì thế giới người viết tạo dựng nên càng bất ngờ và thu hút. Tuy nhiên, cốt lõi, vẫn là vấn đề tác phẩm đặt ra. Vấn đề chân thực thì người đọc sẽ chấp nhận và chia sẻ, bất kể “vỏ bọc” của nó là hiện thực hay kỳ ảo.
Chọn sự lặng lẽ, dù giữa đám đông chị vẫn sống trọn vẹn trong thế giới riêng mình, đọc văn chị, cảm giác về một người luôn biết dùng lý trí điều khiển cảm xúc, phải chăng vì thế mà chị duy trì được nhịp viết và ra sách đều đặn?
- Như trên tôi đã chia sẻ, một khi đã xem văn chương là nghệ thuật (chứ không là cuộc chơi hay điều gì khác) thì người viết phải chấp nhận rèn luyện cho nghệ thuật đó. Kỷ luật làm việc là cụm từ không mấy dễ chịu, nhưng tôi buộc phải tuân thủ nếu không muốn thất vọng về chính mình.
Trân trọng cảm ơn chị.