Nhà văn Pháp Pierre – Augustin Beaumarchais: Cảm hứng giữa phiêu lưu

Hoàng Trung Phong 09/12/2015 11:00

Một người thợ đồng hồ tài ba, một nhà hùng biện, một triết gia lỗi lạc, một tác giả kịch bản hấp dẫn. Nhưng trên hết, là con người của những dục vọng lớn, ma đưa lối quỷ dẫn đường… Một cự phú từ trẻ cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Đó chính là Beaumarchais, tác giả của những tuyệt tác như “Thợ cạo thành Séville” và “Đám cưới của Figaro”, cho tới hôm nay vẫn rất được ưa chuộng trên sàn diễn của nhiều nhà hát lừng danh trên thế giới…

Nhà văn Pháp Pierre – Augustin Beaumarchais: Cảm hứng giữa phiêu lưu

Nhà văn Pháp Pierre-Augustin Beaumarchais.

Pierre – Augustin Beaumarchais sinh ngày 30-4-1732 trong một gia đình thợ làm đồng hồ bình thường ở Paris. Ông đã tự giúp mình trở thành bất tử nhờ sáng tác văn học, nhưng phần lớn thời gian trong đời không phải dành cho viết kịch mà cho những phiêu lưu tình ái, những trò ma mãnh, đấu súng, gây nên những chuyện tai tiếng và… cho hoạt động gián điệp. Không ngẫu nhiên mà người đời sau đã ví cuộc sống của ông như một cuốn tiểu thuyết ly kỳ vô cùng tận…

Beaumarchais sớm được người cha truyền nghề. Và nhà viết kịch tương lai đã mau chóng học được những bí quyết làm đồng hồ đầy hấp dẫn, nhưng đồng thời cũng đã dành nhiều công sức để nghiên cứu về âm nhạc cũng như nghệ thuật hùng biện.

Năm 25 tuổi (1757), với trí tuệ láu lỉnh siêu hạng và những kiến thức đáng nể về cơ khí được thừa hưởng từ người cha tài ba, Beaumarchais đã lọt được vào thế giới thượng lưu Paris. Chàng trai trẻ đã dễ dàng trở thành người thợ sửa đồng hồ riêng của vua Louis XV và sau đó, được dạy chơi đàn harpe cho các công chúa. Lăn lộn với giới quý tộc quẩn quanh chốn cung đình, lại “đẹp trai lồng lộng” và “chữ nghĩa đầy mình”, lãng tử Beaumarchais với dòng máu “Sở Khanh” nóng bỏng, đã cưới một góa phụ trong đám thị nữ của hoàng hậu. Quý bà này rất giàu và hơn Beaumarchais khá nhiều tuổi. Nhờ tiền bạc của vợ mà nhà viết kịch tương lai mới mua được tước quý tộc để xưng danh Pierre-Augustin Caron de Beaumarchais cùng với chức thủ kho hoàng gia!

Năm 1764, Beaumarchais sang Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, để lo chuyện làm ăn. Tại đó, trong một cuộc đấu súng, nhà viết kịch tương lai đã hạ thủ nhà văn Tây Ban Nha Jose Clavigo vì ông này đã hứa hôn với em gái Beaumarchais nhưng rồi lại bỏ của chạy lấy người. Vụ việc bi thương này đã trở thành cốt truyện cho đại thi hào Đức Goethe viết nên vở kịch “Clavigo”…

Dần dà, Beaumarchais trở nên gần gụi với vua Louis XV và được nhà vua giao cho những nhiệm vụ tế nhị nhất. Có thể nói, hai người là một cặp bài trùng, vì cả hai đều cho rằng những hoạt động bí mật là phần không thể thiếu được trong chính sách của nước Pháp nhằm chống lại Anh quốc.

Nhiệm vụ đầu tiên ở tầm quốc gia đại sự mà Beaumarchais thực hiện là chiến dịch nhằm cứu vãn danh tiếng của vua Louis XV. Khi đó ở London có một người Pháp tên là Teveno de Morand, danh chính ngôn thuận là làm nghề viết văn nhưng thực ra chỉ là một kẻ tống tiền bằng ngòi bút. Đây là một việc rất nguy hiểm (từng có nạn nhân đã hành hung dã man Morand ngoài phố) nhưng xem ra, một vốn bốn lời. Morand đã thu thập những thông tin xấu của mọi người, rồi buộc họ phải trả tiền cho y để y không làm toáng lên mọi sự. Chuyển sang sống ở thành London an toàn, y đã lợi dụng cơ chế tự do ngôn luận ở đó để đe dọa các nạn nhân của mình bằng những bài viết đã được in ra. Và thậm chí y còn định tống tiền cả vua Louis XV. Ở thời điểm này, nhà vua Pháp đang say mê người tình là Madame du Barry. Y tung tin là đang chuẩn bị mang về Pháp những bài viết tai tiếng châm biếm đã in thành sách trong tập “Nhật ký bí mật của một gái bán hoa”, trong đó bôi bác những trò yêu đương nhăng nhố của Madame du Barry.

Hay chuyện, Điện Versailles thoạt tiên định sử dụng biện pháp quen thuộc để bắt người diệt khẩu. Một nhóm mật vụ giả trang đã được phái sang London. Họ có nhiệm vụ lấy lý do rủ đi du hí hoặc dùng bạo lực để đưa Morand lên tàu biển về Pháp để tống giam vào một trong vô số những nhà tù thời đó. Tuy nhiên, Morand đã rất tinh quái, lừa được nhóm mật vụ này về nhà vì y bảo y không phải là người mà họ đang muốn tìm. Tại nhà mình, Morand sau khi đã thắng một khoản tiền công quỹ khá lớn của nhóm mật vụ Pháp đã hô hoán lên để cảnh sát Anh chạy vào can thiệp. Y bảo với cảnh sát rằng, đó chính là gián điệp của Điện Versailles. Thế là nhóm mật vụ Pháp đã bị người Anh tra tấn tàn bạo rồi ném xuống sông Thames. Câu chuyện này đã được lan truyền rộng rãi và rúng chuyển dư luận. Sau một sự cố như thế thì không thể nào nghĩ tới việc dùng vũ lực để đưa Morand về Pháp nữa. Các quan chức cảnh sát Pháp cảm thấy bất lực. Và thế là Điện Versailles đã phải nghĩ tới việc sử dụng con bài được sủng ái của mình.

Vua Louis XV đặt trước Beaumarchais một nhiệm vụ: bằng mọi cách tước bỏ của Morand lưỡi dao tẩm thuốc độc của y, những bài báo châm biếm.

Tới London, Beaumarchais đã mất khá nhiều công mới gặp được Morand vì y cứ sợ lại bị bắt cóc lần nữa. Tuy nhiên, khi gặp Beaumarchais thì Morand đã bị chinh phục ngay. Beaumarchais đã buộc được y phải từ bỏ ý định cũ của mình. Không những thế, Beaumarchais đã mua với giá cao ngất ngưởng tất cả các bản thảo cũng như những văn bản đã in các bài viết châm biếm đó. Hơn thế nữa, Beaumarchais còn chiêu mộ Morand làm thuộc hạ sau khi buộc y viết giấy cam kết về việc tự nguyện hành xử thích hợp với quyền lợi của nước Pháp.

Beaumarchais đã báo cáo với vua Louis XV về việc tuyển mộ tay chân ở London trong thư:

“Thần đã để tác giả những bài báo châm biếm mà hoàng thượng đã biết làm gián điệp chính trị của mình ở London. Ông ta sẵn sàng báo trước cho tôi biết mọi mưu đồ tương tự như thế nếu chúng được chuẩn bị ở London. Đó chỉ là một kẻ săn trộm láu lỉnh mà thần đã biến được thành một tay thợ săn cừ khôi. Với danh nghĩa thực hiện những tìm tòi văn học có thể che kín những động cơ đích thực, trả cho ông ta một mức thù lao nhất định để làm gián điệp và báo cáo mật. Ngoài ra, thần đã buộc con người này thu thập tất cả những thông tin về mọi người Pháp đặt chân tới London và báo cáo lại với thần tên họ cũng như công việc mà họ thực hiện. Thần cho rằng, những thông tin mật của ông ta sẽ đụng chạm tới vô số những sự vụ chính trị khác mà thần sẽ luôn luôn tâu lên hoàng thượng”.

Một người bạn của Morand về sau đã trách y một cách châm biếm rằng, y đã không biết tận dụng cơ hội trăm năm có một để buộc Điện Versailles cấp cả lương bổng cho đám con rơi con vãi của y cũng như để nuôi những chú chó mèo trong nhà y (!).

Trong bất luận trường hợp nào thì tất cả những bản in các bài viết châm biếm người tình của vua Louis XV đều đã được đốt với sự chứng kiến của Beaumarchais và các đại diện Pháp khác. Trở về Paris trong tâm trạng hào hứng, Beaumarchais bất ngờ bị cụt hứng vì lúc này vua Louis đã đột ngột qua đời và Madame du Barry không còn có ảnh hưởng gì đối với Điện Versailles. “Giờ thì giữa tôi với anh chẳng có gì khác nhau cả, - Beaumarchais than thở với anh bạn mới quen tại London, Teveno de Morand, - Anh đã kiếm được dễ dàng cả trăm nghìn quan còn tôi, phải thực hiện một chuyến đi tới 7.890 dặm trong 6 tuần và tiêu tốn vô số tiền giờ không biết có được bồi hoàn những khoản chi phí đã ứng ra không...”

Nhà văn Pháp Pierre – Augustin Beaumarchais: Cảm hứng giữa phiêu lưu - 1

Vở diễn "Đám cưới của Figaro".

Về sau, Morand vẫn in lại “Nhật ký bí mật của một gái bán hoa” nhưng dưới một nhan đề khác. Tuy nhiên, lúc này việc đó chẳng có ý nghĩa gì đối với Điện Versailles.

Vốn rất giỏi xoay xở, Beaumarchais đã mau chóng tìm được người bảo trợ mới. Không còn vua Louis XV thì lại có cháu của người, vua Louis XVI, cũng phải lo lắng trước một loạt các bài viết châm biếm bôi bác hoàng hậu Marie-Antoinette của mình. Morand đã gửi từ London về Paris cho Beaumarchais một danh sách dài những bài viết như vậy. Thế là Beaumarchais đã không chỉ nhận được nhiệm vụ mới mà còn có được cả lá thư riêng của vua Louis XVI giao cho ông việc thực hiện “các công chuyện bí mật” ở Anh và Hà Lan.

Lại thêm một lần Beaumarchais phiêu lưu mạo hiểm ở London. Ông rất tích cực mua chuộc các tác giả của các “tác phẩm xấu” để họ không tiếp tục gây sự với Điện Versailles. Một trong những người này, gã lái sách William Atkinson đã đồng ý với giá thỏa đáng hủy toàn bộ số ấn phẩm, trong đó có phần của ông ta, đã được gửi sang Hà Lan trước đó. Sau khi thiêu hủy toàn bộ số sách có ở London, Beaumarchais đã cùng điệp viên Morand của mình sang Hà Lan để chứng kiến vụ thiêu đốt số sách cấm còn lại. Thế nhưng, Atkinson tráo trở đã giấu một bản duy nhất còn lại mang sang Numberg (xứ Bavaria, Đức). Beaumarchais phải tức tốc đuổi theo để lấy cuốn sách đó nhưng ở giữa rừng đã gặp phải lũ cướp đường nên đã bị mấy vết thương khá nặng, dù đã may mắn thoát thân. Nén chịu nỗi đau tột đỉnh, Beaumarchais cố gắng lần tới thành Vienne và tấu xin nữ hoàng Marie-Thérèse (thân mẫu của hoàng hậu Marie-Antoinette) cho bắt giữ gã lái sách tráo trở đang lẩn trốn trong lãnh địa của bà. Tể tướng Anton Kaunitz, người mà hoàng hậu Marie-Antoinette nhờ tư vấn, đã cho rằng những câu chuyện liên quan tới Beaumarchais quá lạ lùng, khó tin dù có thể có thật, nên rốt cuộc là Beaumarchais đã bị bắt giữ. Và chỉ vài ngày sau đó, những cơ quan chức năng lại đi tới kết luận rằng, cả Atkinson lẫn những kẻ cướp đường chỉ là sản phẩm nảy sinh từ trí tưởng tượng quá sôi động của Beaumarchais mà thôi( ?!), Thậm chí những vết thương trên mình ông cũng chỉ là do ông tự cào mình để dối trá! Rốt cuộc là Beaumarchais đã phải chịu khá nhiều đoạn trường kéo dài cả tháng mới tới được ngày thoát vòng tù tội và về Paris đúng hôm bắt đầu tập vở “Thợ cạo thành Séville”. Tác phẩm này đã được công diễn vào tháng 2-1775…

Beaumarchais lại thêm một lần lọt vào tâm điểm của những mưu đồ ngoại giao và quyền quý. Sau này, để tổng kết những gì từng trải trong vai trò một gián điệp của Điện Versailles, Beaumarchais đã để cho nhân vật chính của tác phẩm này phát ngôn về những trò ngoại giao bí mật đương thời đầy màu sắc:

“Luôn phải giả bộ như không biết những chuyện ai cũng biết và không biết những gì không ai biết; giả như nghe thấy những gì không ai hiểu được và không nghe thấy những gì ai cũng nghe thấy; quan trọng nhất là phải giả bộ như bạn tự nắm tóc của bạn nâng bạn cao hơn thực có; luôn phải tạo nên điều bí mật từ những gì chẳng ai thấy là bí mật cả; giấu mình trong phòng kín để mài sắc bút rồi tỏ ra mình cực kỳ sâu sắc khi trong đầu ta rỗng tuếch; dù hay dù dở cũng làm như mình rất quan trọng, khiến bọn tò mò phải giỏng tai lên và làm cho nhiều kẻ lồng lộn đổi thay…”. Ngay cả những nhà ngoại giao lão luyện nhất thời đó cũng phải thấy thấm thía với những gì mà Beaumarchais đã đúc kết...

Tháng 4-1775, vua Louis XVI đã trở thành người tạo nên công ăn việc làm cho Beaumarchais. Cũng như ông nội của mình, vị vua Pháp này đã ấp ủ trong mình một sự căm hờn đối với nước Anh nói chung và hoàng gia Anh nói riêng. Không có gì là lạ nếu chỉ một tuần sau khi được diện kiến vua Louis XVI, Beaumarchais đã lại có mặt ở London. Lần này, ông phải đi tìm một quý tộc Pháp tên là d’Éon de Beaumont. Gã du thủ du thực đội danh quý tộc này đang giữ những tài liệu có thể tống tiền được hoàng gia Pháp. Đó là những lá thư của vua Louis XV mà trong đó có nói tới những ý chính trong kế hoạch đổ bộ binh lính lên “hòn đảo sương mù”. Và mặc dù vị tiên đế này đã băng hà nhưng nếu những tài liệu này được công khai hóa thì có thể tạo cớ làm bùng nổ một cuộc tỉ thí mới giữa Anh và Pháp. Beaumarchais ngăn chặn nguy cơ này. Và ông đã lần tìm dấu vết của d’Éon de Beaumont. Hóa ra đây cũng chỉ là gián điệp siêu bợm từng gây nên nhiều trò nhố nhăng trong các vương triều châu Âu, kể cả ở Nga. Chính d’Éon de Beaumont đã giả làm gái để phá trinh các cung nữ thị tì của nữ hoàng Nga Ekaterina II...

Đồng tâm đồng tính, khi giáp mặt nhau, Beaumarchais và d’Éon de Beaumont đã nhanh chóng tìm được tiếng nói chung. Bằng những thủ thuật “mật ngọt chết ruồi”, Beaumarchais đã thuyết phục được d’Éon de Beaumont đồng ý không phát tán các bức thư của vua Louis XV. Thậm chí ông còn buộc được d’Éon de Beaumont ghi lại lời đồng ý tham gia các hoạt động bí mật hỗ trợ cho Điện Versailles.

Nói theo ngôn ngữ hiện đại, Beaumarchais đã chính thức tuyển mộ được d’Éon de Beaumont làm gián điệp cho Paris.

Trong thời gian ở London, Beaumarchais với sự trợ giúp của d’Éon de Beaumont đã làm quen được với một người tên là Arthur Lee, đại diện của “hòn đảo sương mù” ở những thuộc địa tại Bắc Mỹ. Giai đoạn này là lúc những người di dân tới Bắc Mỹ đang chiến đấu để giành quyền độc lập cho mình. Điện Versailles, để làm khó cho hoàng gia Anh, đã tìm mọi cách xúi giục những người di dân từ “lục địa cũ” nổi loạn làm khó cho London.

Vua Louis XVI đã ra lệnh cho Beaumarchais mua khí tài quân sự chuyển sang Bắc Mỹ. Với đầu óc giàu trí tưởng tượng đầy tính phiêu lưu, Beaumarchais đã lập ra hãng xuất nhập khẩu “Rodrigue Hortalez et Compagnie”. Thông qua công ty giả hiệu này mà có tới 50 tàu chở đầy vũ khí khí tài quân sự cập bến Bắc Mỹ. Về danh nghĩa, những con tàu này đi về thuộc địa West – Indies thuộc Pháp nhưng tới nửa đường thì chúng lại thay đổi hải trình và đi về các cảng ở Bắc Mỹ.

Thực hiện thành công chiến dịch quy mô lớn này, Beaumarchais đã thêm một lần làm cho danh tiếng người may mắn của mình được vang dội xuyên qua Thái Bình Dương.

Cũng cần phải nói rằng, những phi vụ của Beaumarchais hiện nay vẫn là các ngón bài của các cơ quan tình báo và những công ty mượn danh như ông đã làm cho tới nay vẫn còn hữu dụng.

...Tháng 2-1778 giữa Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và Pháp với sự môi giới trực tiếp của đại diện đặc mệnh toàn quyền của nhà vua Pháp Pierre-Augustin Caron de Beaumarchais đã ký hiệp định một hiệp ước liên minh...

10 năm cuối đời, Beaumarchais đã sống trong vòng xoáy của những phi vụ loạn xà ngầu nhưng chúng không liên quan gì tới hoạt động gián điệp.

Nửa năm trước khi qua đời, con người quá giàu có năng lượng sống này đã say mê môn hàng không và từng ghi vào nhật ký: “Đó là một trong những môn khoa học kỳ vĩ nhất…”.

Nhờ hai lần lấy vợ hữu lợi (cả hai lần ông đều cưới những góa phụ giàu có và cả hai lần, những bà vợ này đều mau chóng đi sang thế giới bên kia) cũng như nhờ hợp tác với ông chủ nhà băng Duverney nên rốt cuộc, Beaumarchais đã có một gia sản khổng lồ...

Beaumarchais mất ngày 18-5-1799.

Sau khi thiêu hủy toàn bộ số sách có ở London, Beaumarchais đã cùng điệp viên Morand của mình sang Hà Lan để chứng kiến vụ thiêu đốt số sách cấm còn lại. Thế nhưng, Atkinson tráo trở đã giấu một bản duy nhất còn lại mang sang Numberg (xứ Bavaria, Đức). Beaumarchais phải tức tốc đuổi theo để lấy cuốn sách đó nhưng ở giữa rừng đã gặp phải lũ cướp đường nên đã bị mấy vết thương khá nặng...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Pháp Pierre – Augustin Beaumarchais: Cảm hứng giữa phiêu lưu