Tinh hoa Việt

Nhà văn Siêu Hải và câu chuyện ‘Voi đi’

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI 06/10/2024 14:55

Năm 2024, khi thực hiện tập sách về Điện Biên Phủ, chúng tôi đã lần nữa đọc lại và vô cùng khâm phục nhà văn Siêu Hải. Ông viết "Voi đi" từ năm 1949, vậy mà câu chuyện sống động và đặc sắc tới hôm nay. Qua Voi đi, chúng ta càng thấu hiểu sự sáng tạo và lòng dũng cảm của các chiến sĩ pháo binh vốn xuất thân từ nông dân chân lấm tay bùn mà đã vươn lên làm chủ, sử dụng thuần thục những khẩu pháo hiện đại.

inzasw4o.jpg
Nhà văn Siêu Hải.

Nhà văn Siêu Hải tên khai sinh là Nguyễn Siêu Hải. Ông sinh ngày 2 tháng 7 năm 1924 tại xã Hạ Thái, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Siêu Hải từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, học giỏi. Ông đỗ Tú tài trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Năm 1946, Siêu Hải được cử vào trường võ bị Trần Quốc Tuấn là học viên khóa 1. Khi ra trường, Siêu Hải lần lượt đảm nhiệm các cương vị Chỉ huy Trung đội, Đại đội, Tiểu đoàn và Trung đoàn Pháo binh tầm xa. Trong trận sông Lô năm 1947, ông chính là người chỉ huy trận đánh vang dội mở đầu cho những trận đánh tiến công của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngay sau đó, ông là người đã dẫn nhạc sĩ Văn Cao đi thực địa lại trận đánh sông Lô để Văn Cao viết "Trường ca sông Lô" nổi tiếng. Sau này, khi Siêu Hải viết tiểu thuyết "Sông Lô" về đơn vị pháo binh mà ông tham gia, Văn Cao đã vẽ bìa cho tác phẩm. Trước khi nghỉ hưu, ông là Đại tá giữ cương vị Phó phòng Khoa học Quân sự Bộ Tư lệnh Pháo binh. Truyện ký Voi đi (1949) đến nay đã được tái bản hàng chục lần, là một trong những tác phẩm văn học sâu sắc và sinh động về bộ đội pháo binh.

"Voi đi" có giọng văn dí dỏm, giàu hình ảnh, chân thực và sinh động. Nhà văn Siêu Hải ngay từ tác phẩm đầu tiên này đã cho thấy phẩm chất nhà văn quân đội trong đội hình văn nghệ sĩ thực hiện nhiệm vụ trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp vô cùng gian khổ, ác liệt.

Ít ai biết nhà văn Siêu Hải từng rất đam mê và thành công với tiểu thuyết lịch sử. Khi tôi cầm bút viết tiểu thuyết lịch sử mới thấy hết sự khó khăn và cả những thách thức của thể loại đòi hỏi không chỉ trí tuệ, tâm huyết và tài năng, mà còn phải có duyên với lịch sử dân tộc mới có thể năm này tháng khác viết ra những trang văn về lịch sử. Nhà văn Siêu Hải đã đoạt Giải thưởng Văn học Thăng Long năm 1998 với bộ tiểu thuyết lịch sử 3 tập: "Mảnh trăng Tô Lịch"; "Bóng chiều Thăng Long"; "Nắng rọi kinh thành" đến nay đã nhiều lần tái bản. Với văn phong và nhất là trí tuệ của mình, các tác phẩm của Siêu Hải luôn thấm đẫm hồn dân tộc, ca ngợi những vị anh hùng có công với nước đồng thời có sự cảm thông sâu sắc với những người hy sinh trong các cuộc chiến tranh suốt chiều dài lịch sử. Đây là những đóng góp quan trọng của một nhà văn với lịch sử đất nước.

Trở lại với "Voi đi" và sau này với tư cách từng là lính chiến, là chỉ huy pháo binh các cấp trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Siêu Hải đã cho ra đời các tác phẩm theo văn mạch này. Đó là: "Đại đội Sơn pháo 753" (ký sự lịch sử, 1964); "Đoàn voi thép trong Chiến dịch Hòa Bình" (ký sự lịch sử, 1965) là những tác phẩm sâu sắc và chân thực về sự trưởng thành của bộ đội pháo binh trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhà văn Siêu Hải với sự hiểu biết và nhất là phẩm chất của một nhà văn quân đội trực tiếp chiến đấu ở chiến trường đã cống hiến cho bạn đọc, nhất là cán bộ chiến sĩ bộ đội pháo binh những trang văn xanh thắm về chiến sĩ pháo binh trong công tác cũng như cuộc sống đời thường. Siêu Hải từng tâm sự: “Thời kỳ 1954-1975, tôi gắn cuộc đời và ngòi bút của tôi với hai từ ‘pháo binh’ với các truyện ký, truyện ngắn, ký sự, ghi chép và viết về lịch sử pháo binh Việt Nam... Tôi nghĩ là nhà văn, trước hết phải giữ được nhân cách, ngòi bút phải chân chính và có trách nhiệm trước nhân dân, trước bạn đọc, trước nền văn học của đất nước”. Tâm sự về nghề của Siêu Hải luôn cho thế hệ cầm bút đi sau chúng tôi phải suy nghĩ, nhất là phải phấn đấu trên từng trang viết.

Với "Voi đi", ngôn ngữ lính tráng với khẩu khí và hành động của nhân vật trong tác phẩm đã dựng lên không khí rất chân thực:

“- Nào hai, ba, lên vai, ích!

Cái nòng pháo được nhấc lên khỏi mặt đất nhưng đi một cách rất chậm. Anh em rất lúng túng vì quả thực không có chỗ đi, chân giẫm vào nhau, vai sát cánh xít nhau. Đi được một thước đã ồn ồn:

- Đi đau quá, ối này này thôi thôi!

- Sao chả cho người ta đi!

- Hố đi thế nào?

Thế là lại đặt phịch xuống, mặt mũi nhăn nhó:

- Cái dây buộc ngắn thế này, làm gì chả chết vai người kia, buộc lại đi!

Anh Tân tiểu đội trưởng đứng đó nói thêm:

- Anh em phải buộc cho đều dây, chứ lệch là có người nhẹ không, có người sụn lưng đấy!

- Gớm, tôi biết rồi, ông nói như trạng mẹ.

- Chứ không ư, thôi đi, cái máng có lẽ đến nơi rồi!”

Chỉ một đoạn văn ngắn mà thần thái và nhất là không khí lính tráng của các chiến sĩ pháo binh khi tháo rời pháo ra khiêng vào trận địa đã cho thấy không chỉ sự sáng tạo của bộ đội ta mà còn cả không khí của cuộc trường kỳ kháng chiến đã diễn ra hết sức tự nhiên. Tình quân dân và tình đồng chí đều diễn ra như vậy đã nói được nhiều điều mà sau này trở thành những tiền đề quan trọng trong sáng tác về chiến tranh. "Voi đi" là một trong những ký sự hay nhất trong đời văn Siêu Hải.

Nhà văn Siêu Hải còn được biết đến với tác phẩm Trăm năm truyện Hà Nội (truyện, 2010) là tập hợp những bài viết, câu chuyện mà nhà văn sưu tầm, thể hiện vừa có chiều sâu văn hóa lịch sử vừa có tính giáo dục truyền thống với thế hệ trẻ. Với ưu thế của người hiểu biết sâu sắc về lịch sử dân tộc, Siêu Hải đã đưa bạn đọc tới những câu chuyện giàu hình ảnh và nhất là tính ẩn dụ, màu sắc dân gian trong mỗi tác phẩm. Là một người con gốc Hà Nội, Siêu Hải đã có những trang văn tài hoa về mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Những trang văn trong "Trăm năm truyện Hà Nội" đã bổ sung, là nét đẹp thẩm mỹ để làm đầy đặn hơn các tiểu thuyết lịch sử về Thăng Long - Hà Nội của Siêu Hải.

Trong quá trình làm việc với Bộ Tư lệnh Pháo binh về các tác phẩm, nhất là "Voi đi" của nhà văn Siêu Hải, chúng tôi đã cảm nhận rất rõ ràng sự trân trọng, biết ơn thế hệ đi trước của đội ngũ cán bộ chiến sĩ trẻ hôm nay. Ở các phân đội pháo binh đang ngày đêm rèn luyện trên thao trường, bãi tập, anh em chiến sĩ trẻ vẫn đùa vui với từng khẩu pháo và âu yếm bảo “Voi đi”, “Voi gầm”, “Voi ơi, gầm trúng đích!”... đã cho thấy sức sống của văn học luôn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn người chiến sĩ, góp phần tạo nên phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

"Voi đi", nhà văn Siêu Hải đã đi về miền mây trắng, nhưng những “cỗ voi, bầy voi” vẫn luôn là niềm tự hào còn đọng lại mãi trong mỗi người chiến sĩ, bạn đọc và nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Siêu Hải và câu chuyện ‘Voi đi’