“Danh chính ngôn thuận”, ngôn không thuận thì việc không thành, việc không thành thì danh cũng mất. Cái tên gắn với mỗi người. Phân biệt người này với người khác trước hết là cái tên, sau đó mới là tính cách, cá tính, sự nghiệp,… Đặt tên người đã khó, đặt bút danh còn khó hơn nhiều lần.
Ở nhà quê, các gia đình đói nghèo, khó nuôi con thường tìm những cái tên mộc mạc, nôm na đặt cho con cháu như: Na, Lựu, Cu, Cò, Hĩm, Gái... Thậm chí có ông bố bà mẹ kiêng kị còn lấy tên tục tĩu đặt cho con để tránh sài đẹn, tránh chết non chết yểu. Các gia đình có chút chữ nghĩa, và thời nay thì học theo nhau, hầu hết đều cố tìm các tên có ý nghĩa, tên đẹp để đặt theo mong muốn của bố mẹ và hi vọng vào sự tỏa sáng, thành đạt của con cái từ cái tên ấy. Tên Hán Việt, tên thuần Việt được huy động ra để chọn lọc: Lan Anh, Phúc Nguyên, Tuấn Dũng, Nhật Minh, Kiều Loan, Tố Nga… Tên lãng mạn. Tên hùng dũng. Tên dịu dàng… Câu chuyện tìm tên thô mộc, nôm na hay tên đẹp nếu kể ra thì còn dài dài, xin khất để dịp khác. Bây giờ, tôi chỉ muốn bàn về cái sự… trùng tên.
Kho tên đặt cho con người thì vô cùng, nhưng cũng có gia đình “bí từ”, hoặc một số tên lại có nhiều ông bố bà mẹ thích. Vì thế có khi ở cùng một tổ dân phố, một xóm có đến ba, bốn đứa trẻ tên Nga, tên Loan, tên Hùng… Câu chuyện trùng tên cũng có vô khối cái bi hài cười ra nước mắt. Không họ hàng ruột thịt, chỉ là hàng xóm láng giềng cùng tuổi đặt trùng tên có thể còn bỏ qua, chứ khác thế hệ mà một đứa bé vừa mới sinh được đặt tên trùng với ông lão 70 trong làng là không thể yên thân. Người biết điều sẽ đến tận nhà thưa chuyện: “Bác/chú đặt tên trùng với ông cụ nhà tôi rồi. Bác/chú chửi con cứ réo tên ông cụ nhà tôi ra mà nhiếc móc thì hỏi có nghe được không?” Nếu gia chủ biết điều đặt lại tên thì vui vẻ cả làng, còn không thì ngay lập tức bị “ăn miếng trả miếng” người ta sẽ đem tên ông cha mình ra đặt tên cho con cháu họ ngay. Mình chửi con cháu, thì họ cũng réo tên con cháu họ trùng tên với tổ tiên nhà mình ra mà chửi rủa, các cụ trên bàn thờ chả “nhảy dựng” lên cho mà xem. Làng xóm đã thế, trong dòng họ, chi chóp mà trùng tên là sinh chuyện ngay, và xung đột tương tàn, dữ dội chẳng kém.
Tôi đã từng chứng kiến cha tôi tính toán, băn khoăn, cân nhắc rất kỹ càng khi chọn chữ đặt tên cho con cháu. Bao giờ cũng phải đạt được hai nguyên tắc: Một là, cái tên có ý nghĩa và phù hợp gia cảnh lại thỏa mãn mong muốn của cha mẹ đứa bé. Hai là, không được trùng tên với người trong họ dù là lớn hay bé, và không trùng tên với các phụ huynh bậc cha chú trong thôn xóm.
Câu chuyện đặt tên rất quan trọng, không thể tùy tiện. Dường như, nó đã trở thành văn hóa đặt tên trong mỗi làng quê.
***
Đặt tên cho đứa trẻ đã nhiêu khê, kì công thế; đặt bút danh còn “chông gai” gấp vạn lần. Thông thường, khi đứa bé mới sinh ra, các ông bố bà mẹ chỉ nghĩ đến chuyện đặt không trùng tên ở trong làng, trong dòng họ, chứ có ai nghĩ đến việc “tày trời” là trùng họ, chữ lót và tên với nhà lãnh đạo, hay vĩ nhân đâu. Nhưng, năm tháng thời gian qua đi, đứa bé trưởng thành có một vị trí nhất định trong xã hội thì cái tên đôi khi cũng gây phiền hà cho chính chủ. Đã có một anh hùng Lê Lợi sau đó làm vua rồi, nếu lại có một ông Chủ tịch nước cũng cùng tên Lê Lợi thì sẽ ra sao nhỉ? Đã có một đại thi hào Nguyễn Du rồi, bây giờ lại có một ông làm thơ lấy bút danh… Nguyễn Du phỏng có được không? Đã có một nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương rồi, nay lại có một ông làm thơ đặt bút danh… Hồ Xuân Hương mà nghe được a? Đã có một nhà văn Nam Cao “đẻ” ra thằng Chí Phèo bất tử rồi, nay lại có một ông cũng lấy bút danh là… Nam Cao mà không ngại ngùng sao?
Có thể những cái tên Lê Lợi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nam Cao…cũng đã được các bậc phụ huynh đặt cho con cháu mình, và đang hiện diện rất nhiều trong nhân gian. Bởi các ông bố bà mẹ ở làng quê, tổ dân phố có khi vô thức, có lúc chủ định chỉ vì quá kính yêu các bậc vĩ nhân ấy mà lấy tên các ngài đặt cho con mình; họ cũng chẳng nghĩ đến một ngày nào đó con mình làm nghề viết, hoặc có một vị trí đáng kể trong xã hội. Các bậc phụ huynh đó chẳng có lỗi, hoặc nếu có thì cũng không nghiêm trọng. Nhưng, người chính danh khi sử dụng cái tên cha mẹ đặt cho thành bút danh, hoặc tự đặt bút danh thì phải cân nhắc, suy nghĩ để đi đến quyết định cuối cùng. Về pháp luật chẳng có chuyện cấm đoán đặt tên trùng với các bậc anh hùng, vĩ nhân, nhà thơ nhà văn lớn…; nhưng về văn hóa đặt tên không nên làm. Nếu cố tình, cố ý sẽ bị thiên hạ đàm tiếu, cười chê. Đồng thời cũng làm phức tạp, khó khăn cho đối tượng tiếp xúc, tiếp nhận, hoặc nghiên cứu. Một ông làm thơ trẻ lấy bút danh Xuân Diệu chẳng hạn thì sẽ làm khó cho bạn đọc, khó cho nghiên cứu, gây hoài nghi, không biết đâu là thơ của Xuân Diệu đã mất với thơ của Xuân Diệu đang sống ngoay ngoảy. Ấy là chưa kể nhầm lẫn lung tung khi gửi nhuận bút cho hai ông làm thơ cùng bút danh. Phiền toái vô cùng!
Người biết mà hiểu văn hóa đặt bút danh thì không những phải tránh, né những bút danh đã trở thành di sản, mà tránh cả với bút danh bình thường của người đi trước, hoặc cùng thời. Ông Vũ Bão ở Hải Phòng viết văn ở tuổi 50 ông đã rất tinh tế đổi tên là Bão Vũ cho khỏi trùng với nhà văn Phạm Thế hệ đã lấy bút danh Vũ Bão từ mấy chục năm trước. Mặc dù chứng minh thư là Trần Lê Văn, nhưng ông làm thơ sau, lại trẻ trung này đã phải lấy bút danh là Quang Đãi Trần Lê Văn để khỏi trùng với bút danh của nhà thơ cao niên Trần Lê Văn (tên thực là Trần Văn Lễ)…
Đúng là đặt tên người đã khó, đặt bút danh còn khó hơn.