Là một trong những nhà văn nổi bật với lứa tuổi thiếu nhi, các tác phẩm của nhà văn Trần Hoài Dương vẫn được nhiều thế hệ nhỏ tuổi đón nhận dù ông đã ra đi đúng 10 năm.
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà văn Trần Hoài Dương (6/5/2011 - 6/5/2021), sáng ngày 6/5, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm “Trần Hoài Dương - Con người và tác phẩm” để tưởng nhớ nhà văn tài hoa có nhà nhiều tác phẩm văn học giá trị dành cho thiếu nhi.
Tham gia tọa đàm có nhiều các các nhà văn, nhà thơ và người thân nhà văn Trần Hoài Dương như nhà văn Bích Ngân, Trần Quốc Toàn, Lê Thiếu Nhơn, Cao Xuân Sơn... Mọi người đều bày tỏ niềm trân quý, những kỷ niệm đẹp đối với ông, một người dành cả sự nghiệp sáng tác cho thiếu nhi với nhiều tác phẩm nổi tiếng, được tuyển chọn trong Sách giáo khoa.
Theo nhà văn Trầm Hương, cuộc đời sáng tác nhà văn Trần Hoài Dương viết rất nhiều tác phẩm như “Cuộc phiêu lưu của những con chữ”, “Nàng công chúa biển”, “Bên ngoài mái trường”, … Trong đó truyện dài “Miền xanh thẳm” là cuốn sách gây ấn tượng mạnh mẽ cho bạn đọc nhiều thế hệ về một không gian thơ ấu trong trẻo và ngọt lành. Không chỉ thế, tên mỗi truyện của cố nhà văn Trần Hoài Dương đều viết khá ngắn gọn, dễ hiểu để các em thiếu nhi dễ tiếp cận như: “Em bé và bông hồng”, “Cây lá đỏ”, “Cô tiên”, “Bà cháu”, “Chiếc lá”, “Áng mây”, “Đàn chim sẻ”, “Con chim xanh”,…
Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết, nhà văn Trần Hoài Dương rất giỏi khi tạo dựng nhân vật, đặc biệt là các nhân vật thiếu nhi giàu tình nhân ái và trong trẻo. Văn phong của ông khi xót xa, thương yêu, ít dữ dội, nhưng cứ thấm thía, nhẹ nhõm và mang một nỗi buồn rất lạ lùng. Khi ông còn sống, Trần Hoài Dương từng nói mục đích sáng tác của ông là nhằm "đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ".
Trên hành trình sáng tạo, ông trung thành với quan niệm văn chương đó. Dù truyện ngắn hay truyện dài, dù đồng thoại hay cổ tích, nhà văn đều hướng ngòi bút vào việc khắc họa, khẳng định giá trị của lòng yêu thương trong cuộc sống. Vì theo cố nhà văn Trần Hoài Dương, lòng yêu thương chính là "chất keo gắn bó mọi người với nhau", khiến con người biết sống vị tha, thậm chí có thể cảm hóa kẻ ác, giúp hồi sinh nhân tính để hoàn lương.
Nhà văn Trần Hoài Dương tên thật là Trần Bắc Quỳ, sinh ngày 8/11/1943, tại Hải Dương, từng công tác tại Tạp chí Cộng Sản, báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn), Nhà xuất bản Măng Non, Nhà xuất bản Trẻ. Từ 1992, ông là nhà văn tự do, chuyên sáng tác cho thiếu nhi. Ông đã ấn hành 24 tác phẩm gồm các tập truyện ngắn, đồng thoại, truyện dài… tại các NXB Kim Đồng, Hà Nội, Phụ nữ, Long An, Trẻ, Văn học…. Ngoài ra, ông còn viết kịch bản phim hoạt hình và kịch bản múa rối cho thiếu nhi, trong đó có 5 kịch bản được dựng thành phim.
Cố nhà văn Trần Hoài Dương từng đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Trung ương năm 1968 với tác phẩm "Cuộc phiêu lưu của những con chữ"; giải nhất kịch bản phim cho thiếu nhi tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 (1983) với kịch bản phim hoạt hình "Bé rơm"; giải A tác phẩm Tuổi xanh năm 1993 với tác phẩm "Một thoáng heo may phương Nam"; giải nhì cuộc thi truyện ngắn viết cho thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Việt Nam tổ chức năm 1994 với tác phẩm "Một thoáng heo may phương Nam"; giải B (không có giải A) cuộc vận động sáng tác kịch bản múa rối do đoàn Nghệ thuật múa rối TP Hồ Chí Minh tổ chức năm 2000 với kịch bản "Huyền thoại Cửu Long Giang”; giải B cuộc vận động sáng tác truyện và tranh truyện cho thiếu nhi năm 1999-2000 của NXB Kim Đồng; giải thưởng loại B (không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001 với tác phẩm “Miền xanh thẳm".