Biết ông từ khá lâu, qua những cuốn truyện dài nhưng đến khi gặp nhà văn Từ Kế Tường vào một buổi sáng cuối năm, tôi đã bất ngờ. Vì ông trẻ hơn so với cái tuổi trong giấy khai sinh của mình rất nhiều. Mà không chỉ tuổi đời, trên con đường văn chương, dường như nhà văn quê ở Bình Đại (Bến Tre) cũng đang rạo rực... hồi xuân, bằng rất nhiều các tác phẩm mới viết, và những tác phẩm cũ tái bản dành cho tuổi mới lớn. Tuổi của những tháng năm đẹp nhất đời người.
Một số tác phẩm của nhà văn Từ Kế Tường.
Sống cùng trang viết
Bắt đầu ra mắt độc giả bằng tập truyện dài “Huyền xưa” năm 1969 với số lượng bản in lên đến gần một trăm ngàn, nhà văn Từ Kế Tường (tên thật là Võ Tấn Tước) lập tức được nhiều độc giả cũng như giới văn nghệ sỹ ở Sài Gòn thời bấy giờ chú ý dù lúc này, ông mới chưa tới hai mươi tuổi. Ông làm phóng viên rồi biên tập viên, cộng tác tòa soạn ở nhiều tờ báo trước khi làm Thư ký tòa soạn tuần báo Tuổi Ngọc, một trong những tờ báo văn nghệ ăn khách nhất thời đó dành cho lứa tuổi mới lớn. Rồi làm chủ bút tuần báo Mây Hồng - một dạng như báo Tuổi Ngọc. Cũng như nhiều người cầm bút thời đó, ông viết nhiều thể loại: phóng sự, truyện ngắn, truyện dài chia thành nhiều kỳ in báo để kiếm sống.
Là một người hiền lành như hầu hết những nông dân ở “bán đảo xứ dừa” Bến Tre mà tôi từng gặp, nhưng Từ Kế Tường lại mang đến vô vàn những bất ngờ. Đầu tiên là số lượng các tác phẩm của ông. Nó đồ sộ đến mức kinh ngạc với khoảng 200 đầu sách gồm nhiều thể loại, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết tâm lý xã hội, tiểu thuyết hình sự, thơ, kịch bản phim... Thế nhưng, ông bảo, sau tất cả, ông là một nhà báo, nhà văn mưu sinh bằng nghề báo. Hơn nữa, ông còn là một nhà báo đeo quân hàm cấp tá của ngành công an.
“Sau giải phóng năm 1975, tôi có tham gia công tác trong ngành văn hóa thông tin ở Quận 4. Trải qua nhiều lĩnh vực công tác, sau cùng là Giám đốc xí nghiệp in Q4. Năm 1986, tôi chuyển ngành, về công tác tại báo Công an thành phố Hồ Chí Minh với vai trò Tư ký tòa soạn. Tôi làm ở báo công an gần 20 năm, cho tới khi nghỉ hưu thì chuyển sang làm Thư ký tòa soạn báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, tờ báo chuyên về văn hóa-Văn nghệ, cơ quan của Liên hiệp các Hội văn học-Nghệ thuật TP.HCM. Khoảng năm 2014, tôi chuyển qua làm việc cho một số tờ báo điện tử, cho tới hôm nay”, ông hồi tưởng lại quãng đời làm báo của mình.
Làm báo kiếm sống, nhưng ông vẫn dành ra những khoảng thời gian hiếm hoi để sáng tác. Thậm chí, có thời điểm làm Thư ký tòa soạn ở báo Công an thành phố, ông còn đi học chính quy ở Phân viện Chính trị quốc gia Hồ chí Minh ở Thủ Đức 2 năm, và còn tranh thủ giữa thời gian đi học, thời gian làm báo để hoàn thành bộ truyện thiếu nhi nổi tiếng “Bầu trời màu trứng sáo” cho NXB Kim Đồng. “Đây là bộ truyện gồm 10 tập, với khoảng 1.000 trang sách in. Sách vừa in, tôi vừa viết. Cứ mỗi sáng trước khi tôi đi học, lúc đó đại diện NXB Kim Đồng ở phía Nam là nhà thơ Cao Xuân Sơn tới cơ quan tôi ngồi đợi để lấy...1 chương bản thảo của bộ truyện dài này về in. Ngày nào cũng như ngày nào, đều đặn theo nhịp thời gian như vậy cho tới khi bộ sách in xong. NXB in chương trước, tôi viết chương sau. Cỡ chừng 3 tháng, với khoảng một trăm chương thì xong cuốn sách. Đó cũng là một trong những tác phẩm dài hơi viết về thiếu nhi mà tôi tâm đắc nhất vì không gian, bối cảnh xuyên suốt bộ truyện là vùng đất ven bờ sông Tiền sát mé biển quê tôi”. Ông bồi hồi nhớ lại.
Với khoảng hơn 50 năm cầm bút, ít ai có được khối lượng tác phẩm đồ sộ như nhà văn, nhà báo Từ Kế Tường, cả về những đóng góp cho văn chương và báo chí. Dường như, cuộc đời đã sinh ra ông, gắn liền ông với chỉ duy nhất một thiên chức, là viết. Ông viết đều đặn, không mệt mỏi, không chán nản cũng không ngừng nghỉ. Những trang viết khiến ông trở thành cái tên quen thuộc của nhiều thế hệ. Nếu như nhiều độc giả truyện kiếm hiệp luôn băn khoăn giữa hai nhà văn Cổ Long và Kim Dung, ai xuất sắc hơn thì ở Sài Gòn, một thời gian dài, người ta cũng tranh cãi về những truyện dài của Từ Kế Tường và Nguyễn Nhật Ánh. Tất nhiên, trong văn chương, mỗi người một quan điểm, một lý lẽ, một góc nhìn nhưng có thực tế không thể khác, đây là hai nhà văn có số lượng sách bán nhiều nhất ở thành phố phương Nam này, trong chiều dài tính bằng nửa thế kỷ. Nói nôm na, họ là những “ông vua” không ngai trong dòng sách văn học dành cho tuổi thiếu nhi và tuổi mới lớn trên thị trường hiện nay.
Khoảng lặng cuộc đời
Ông bảo, trong cuộc đời ông, có hai thứ ít khi ông nhắc tới, vì là hai thứ ông muốn quên đi. Đó là tuổi tác. Theo như giấy khai sinh, ông sinh năm 1946, tức là hiện nay đã 72 tuổi nhưng ông bảo, tuổi thực của mình chỉ... chưa tới 70! Ông chỉ biết mình nhỏ hơn 4-5 tuổi theo giấy khai sinh vì hồi nhỏ học rất giỏi và học nhảy lớp, khi lên trung học đi thi trung học đệ nhất ông không đủ tuổi nên phải khai sinh cho đủ tuổi thi. Điều thứ hai, ông không muốn chia sẻ, ấy là gia đình. Bởi lý do rất buồn, mấy chục năm qua, ông chỉ sống cô đơn một mình. Có lẽ, ông rút ruột gan mình để viết lên những gì đẹp đẽ nhất về tình yêu để bù đắp cho cuộc đời không may mắn của mình chăng? Tôi không dám hỏi nữa, vì thấy ông rất buồn, nỗi buồn của một nhà văn, một người cầm bút đã hơn nửa đời người, nhưng lại chất chứa những giọt lệ trong lòng mà ông đã từng phải nuốt nghẹn vào trong.
Nói về cuộc sống hiện tại, Từ Kế Tường bảo ông chỉ quan tâm đến chuyện tìm lại thật đầy đủ những cuốn sách của... chính mình. Phần vì lượng tác phẩm nhiều, có tháng ông viết tới 3-4 cuốn, phần vì nhiều cuốn sách đã in rất lâu. Lại thêm chiến tranh loạn lạc, nên chính ông cũng không còn giữ được những cuốn sách của mình. Như cách đây khoảng vài tháng, ông bất ngờ tìm được bộ ba tác phẩm của mình qua một vài người bạn trên Facebook còn giữ được có nhã ý tặng lại cho tác giả. Ngay sau đó, NXB Văn hóa-Văn nghệ đã chọn in tái bản, với diện mạo khác so thời điểm cuốn sách ra đời, khoảng nửa thế kỷ trước. Thế nhưng, điều kỳ lạ là dù tái bản một ấn phẩm rất cũ nhưng bộ ba tác phẩm này vẫn thu hút đông đảo lượng độc giả đến nhà xuất bản và chính tác giả cũng không ngờ.
Thực ra, chuyện bây giờ các NXB tái bản sách của Từ Kế Tường viết mấy chục năm trước không hiếm. Cách đây khoảng 6 năm, công ty Văn Lang đã tái bản và in lại 6 cuốn sách của ông. Tất cả đều là sách viết về tình yêu cho lứa tuổi mới lớn. Tất nhiên, khi mà đơn vị kinh doanh sách chọn lựa để in một lúc 6 tác phẩm như vậy, họ phải tìm thấy điều gì cuốn hút độc giả từ những cuốn sách của Từ Kế Tường. Kể về chuyện này, nhà văn cười: “Thực ra, tình yêu, nhất là tình yêu tuổi mới lớn, lứa tuổi học trò thì không bao giờ cũ. Từ khi tôi bắt đầu sáng tác cho tới bây giờ, tức là sau nửa thế kỷ, cũng không có nhiều điều khác nhau. Có chăng, chỉ là sự khác đi một chút về quan niệm thẩm mỹ và nhu cầu giải trí.
Bây giờ, internet và mạng xã hội xâm lấn mọi ngóc ngách trong đời sống tâm hồn của người ta. Và giới trẻ cũng vậy. Thế nhưng không vì đó mà sách không có những độc giả của mình. Rồi nhiều tác giả trẻ nữa, kể cả những tác giả thơ, vẫn tìm cho mình được một lượng độc giả riêng để xuất bản. Nhiều người vẫn bán được hàng chục ngàn bản sách. Theo tôi, cội nguồn của sách, cũng như bất kỳ loại hình giải trí nào, nếu muốn sống, và sống lâu trong lòng độc giả, đều cần có giá trị bền vững. Đó là tình yêu, sự hướng thiện. Bất cứ loại hình nghệ thuật nào, không chỉ riêng văn chương, nếu được tình yêu và cái thiện chỉ đường, đều có thể sống lâu, có thể đi được những chặng đường dài hơn nữa”.
Và, cũng như nhiều người cầm bút khác, ở tuổi của mình, ông bảo ông đã bắt đầu viết những trang hồi ký đầu tiên. Ở đó, không chỉ là những kỷ niệm vui buồn của nghề viết, những gương mặt bạn bè cầm bút hay những biến động của xã hội, của lịch sử, quê hương thay đổi từng ngày mà ông còn viết về những điều ấp ủ tận đáy lòng trong nhiều năm qua. Có lẽ, đó sẽ là một Từ Kế Tường đầy đủ hơn trong mắt bạn đọc, chứ không chỉ là không gian tác phẩm mà ông đã và đang viết, đang xuất bản theo kế hoạch in lại toàn bộ các tác phẩm của mình.