Buổi chiều hôm ấy, sau cuộc đại hội của Chi hội Nhà văn quân đội, nhà văn Nguyễn Chí Trung bảo tôi vào chơi chỗ ông đang ở trong khuôn viên nhà số 4 Lý Nam Đế (Hà Nội) của tạp chí Văn nghệ quân đội.
Lâu nay ông là một “nhân vật đặc biệt” trong làng văn Việt Nam. Thời chống Pháp và chống Mỹ ông ở chiến trường gian khổ ác liệt Khu 5, vừa trực tiếp chiến đấu, vừa sáng tác. Trong suốt nhiều năm dũng cảm và trí tuệ, cầm súng và cầm bút, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng, như: Đà Nẵng (bút ký, 1950); Bức thư làng Mực (truyện ngắn năm 1964); Hương cau (truyện ngắn, năm 1975); Khi dòng sông ra đến cửa (Ký năm 1981); Tiếng khóc của nàng Út (tiểu thuyết, năm 2007)... Sau ngày nước nhà thống nhất ông có thời gian ngắn là Phó tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội, còn chủ yếu có mặt ở những điểm nóng như biên giới Tây nam, chiến trường Campuchia, rồi năm 1997 ông là Thiếu tướng, trợ lý của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, thời kỳ này ông lại có mặt tại “điểm nóng Thái Bình”.
Thời chiến, ông là nhà văn- chiến sĩ; thời bình có thời kỳ ông là nhà văn kiêm- chính khách. Cuốn “Tiếng khóc của nàng Út” của ông được trao giải Văn học ASEAN năm 2011. Theo thông lệ vì có mặt của Hoàng gia Thái Lan, cụ thể là công chúa Thái sẽ trao giải nên theo lễ nghi nước sở tại, người nhận giải phải quỳ xuống khi công chúa trao giải. Điều này tế nhị với nhà văn Nguyễn Chí Trung, ông không muốn quỳ, thứ nữa ông đã già, sức khỏe yếu, cuối cùng ban tổ chức có sự đặc cách, nhà văn được ngồi ghế nhận giải. Trong cuộc họp các nhà văn quân đội lần ấy, có lúc ông bức xúc, nói to về điều ông không vừa ý về một vài sáng tác in ở Văn nghệ quân đội trên diễn đàn, vừa ngồi vào bàn tiếp khách, tôi tưởng ông sẽ có vài lời thanh minh hay phàn nàn nào đó về xử sự ấy của mình, thì bất ngờ ông lấy trong tủ ra một tấm ảnh đưa tôi và bảo rằng, mình vừa nhận được tin buồn về Alăng Bhuôch. Tôi nhìn vào ảnh, hẳn người trong ảnh đứng bên ông là Alăng Bhuôch: cao gày, mặc cái áo phông cũ và đôi mắt bị mù lòa. Tôi phải thú thực với ông là chưa từng biết gì về Alăng Bhuôch. Nhà văn Nguyễn Chí Trung nói ngay, đây là một anh hùng tải đạn độc nhất vô nhị trên thế gian này. Suốt từ năm 1958 đến 1972 riêng Alăng Bhuôch với cây gậy nhỏ dẫn đường đã gùi được tổng cộng 182 tấn hàng là vũ khí và lương thực cho bộ đội giải phóng. Ông ấy là nguồn cảm hứng cho nhà văn viết truyện “Chỉ có hai người” thông qua nhân vật Kơ Liu, tiếng Cơ Tu, Kơ Liu nghĩa là mù... Rồi nhà văn im lặng rót nước mời tôi, sự đau buồn hiện rõ trên đôi mắt có ngấn nước của ông. Lâu nay quen biết ông, tôi vẫn luôn thấu hiểu một điều: gắn bó máu thịt với nhân dân, là đặc tính nổi bật trong cuộc đời hoạt động trên sáu mươi năm vào sinh ra tử của nhà văn-chiến sĩ Nguyễn Chí Trung.
- Alăng Bhuôch kém tôi 1 tuổi, ông vừa qua đời tại quê ở tuổi 84- nhà văn Nguyễn Chí Trung nhỏ nhẹ kể - Ông sinh ra trong một gia đình Cơ Tu làng A Dứt, xã A Vương, huyện Tây Giang (Quảng Nam). Tôi lần đầu gặp ông trên dãy Trường Sơn, lúc ông đang tải đạn cho bộ đội trong Tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968). Theo lời ông kể, thì năm 10 tuổi hai mắt bị đau kéo dài nhiều tháng, thầy lang trong bản nhỏ một loại nước giã từ rễ cây rừng và mắt sưng vù, cứ mờ dần đến khi không nhìn thấy gì nữa. Thời kỳ giặc Mỹ tàn phá quê hương, ông nhiều lần nghe tiếng máy bay gầm rú trên trời, tiếng trực thăng phành phạch rà sát ngọn cây, tiếng bom nổ rền, dân làng báo là nhà Gươn bốn mái bị bay tung rồi, nhà dài mấy chục sải tay cũng bị cháy rụi rồi. Ngày ấy ông cùng một số bà con chạy được vào rừng, tụ tập lại bảo nhau gùi vũ khí, lương thực cho bộ đội đánh giặc. Alăng Bhuôch cũng muốn đi gùi, nhưng nhiều người e ngại, mù hai mắt sao lội được suối, leo được dốc, luồn được bụi rậm? Ông nói: Cái mắt mình chết, nhưng mình không chết. Ngày với mình cũng là đêm thôi, mình còn gùi được cả ban đêm nữa. Không cho mình đi, nếu giặc đến nó có tha cho người mù như mình không? Cái lý ấy đã thuyết phục được mọi người, ông tham gia đoàn dân công tải đạn. Những ngày đầu, trên vai hàng nặng 30-40 kg ông theo không kịp, nhiều lần bị rớt lại. Nhưng ông không chịu bỏ cuộc. Với cây gậy gỗ nhỏ trong tay, ông đã vượt qua bao trở ngại trên đường, để cũng đến được đích như mọi người. Năm 1963, đoàn dân công của Alăng Bhuôch được điều đi tải súng đạn từ trạm A Rớt, xã A Nông đến trạm Cơrveh xã A Tiêng. Ông được bổ sung vào đoàn Trung Sơn thuộc tỉnh đội Quảng Đà, vận chuyển vũ khí, lương thực cho kho 31đóng tại hang Khỉ ở giữa huyện Hiên Quảng Đà) và huyện A Lưới(Thừa Thiên-Huế). Trong Tổng tấn công Tết Mậu Thân ông gùi liên tục cả ngày lẫn đêm, lúc nào trên vai cũng có 70 kg vũ khí. Có lúc ông còn cõng cả thân và đầu súng DKZ nặng ngót trăm cân. Sau chiến dịch năm ấy, ông đã được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua Quân khu 5. Năm 1972, miền Tây Quảng Nam giải phóng, Alăng Bhuôch trở về quê cùng bà con xây dựng lại bản làng. Ông leo lên tận đầu nguồn thác tìm nước đưa về đồng ruộng, tự bỏ tiền túi mua ống nhựa dẫn nước và vận động mọi người trồng lúa nước, dẫn đầu huyện Tây Giang về tự túc lương thực. Tháng 8/2012 ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và sách Kỷ lục Việt Nam công nhận ông là dân công mù vận chuyển số vũ khí, lương thực lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ...
Cuối buổi, nhà văn Nguyễn Chí Trung kể với tôi thêm một chuyện khi ông vừa trở về từ Tây Giang:
- Lúc ấy Alăng Bhuôch đã bị bệnh nặng đi lại khó khăn. Ông bảo vợ lấy ra hai thứ mòn bóng dấu tay: cây gậy gỗ và cây đàn Tâm Brê. Gậy là “con mắt” dò đường. Đàn Tâm Brê, chỉ riêng người Cơ Tu có, những khi nghỉ giải lao trên đường ông thường đàn cho dân công, bộ đội nghe cho đỡ mệt. Ông run run cầm hai thứ đó trao tận tay tay tôi, không nói lời nào. Tôi cảm nhận được đầy đủ sự tin cậy của tình bạn, tình đồng chí. Khi trở về Hà Nội, tôi đã đem hai kỷ vật ấy tặng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Đó là hình ảnh sống động của người anh hùng huyền thoại từng bao năm nhẫn nại, gan góc đi tải đạn giữa đại ngàn Trường Sơn.
Khi tôi ra về, ông lấy ra trong tủ sách tặng tôi một tập truyện-ký mới xuất bản trong đó có truyện ngắn về Kờ Liu, người tải đạn mù lấy từ nguyên mẫu anh hùng Alăng Bhuôch, đoạn kết thật cảm động: “Ngày giao hàng, nghĩa là ngày giao đạn, giao súng ríu ran tiếng người con gái Kinh, Tiểu đoàn cô Thao đó mà!Họ reo: Kờ Liu ơi! Người con gái Kinh không thua con trai Kờ Tu mô, con gái Kinh sẽ cõng viên đạn ĐKB của Kờ Liu về tận Hòa Hải bên sông Cổ Cò... Khi Liêm và Kờ Liu ngồi trò chuyện trong chòi riêng, người ở dưới xa vẫn đang chờ. Dù ngày, đối với Kờ Liu cũng là đêm. Đêm đen mù mịt nhưng đối với Kờ Liu lại là ngày. Đôi mắt Kờ Liu chết, mà Kờ Liu còn, lòng anh không chết. Tiếng hát của Kờ Liu lại nghẹn ngào. Tiếng đàn cũng nghẹn ngào theo”.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung sống độc thân đến cuối đời. Lúc ông vào tuổi 85 bị ốm, cấp cứu ở Viện Quân y 108. Ông nằm thiêm thiếp, mê man một thời gian, nhưng ông không gục ngã, tỉnh dậy, tỉnh táo. Biết mình sắp đi xa ông có nguyện vọng vào TP Hồ Chí Minh, ở tại căn nhà ông đã ở từ hồi mới giải phóng và thời kỳ hay đi về ở Mặt trận 719 Campuchia. Ông ra đi mãi mãi vào một ngày cuối xuân năm 2016, hẳn hồn ông sẽ tìm gặp lại trên cao xanh kia người bạn già Alăng Bhuôch cũng vừa mới ra đi trước ông không lâu...