Nhà văn Võ Thu Hương là tác giả của “Qua một khúc sông” (Tập truyện), “Đó là tình yêu” (Tập truyện), “Đi qua ngày bão” (Truyện dài), “Snooppy làm tôi khóc” (Tập truyện), “Những đóa hoa mặt trời” (Tập truyện), “Về phía bình minh” (Truyện dài)... Chị vừa tiếp tục ra mắt cuốn “Cảm ơn một khúc bình yên” (Chibooks & NXB Văn hóa -Văn nghệ TP. HCM). Hiện chị đang sống và làm việc tại TP HCM.
Nhà văn Võ Thu Hương.
“Cảm ơn một khúc bình yên” có lẽ là cuốn sách mà chị viết ra khá dễ dàng?
Tôi viết “Cảm ơn một khúc bình yên” khá đặc biệt hơn những cuốn sách khác khi không lập kế hoạch như hầu hết cuốn sách của mình, không hề dự tính thời điểm bắt đầu hay kết thúc. Thậm chí mất thời gian khá dài để xác định nên viết hay không? Bởi, tôi vẫn nghĩ, nếu chỉ đơn giản là cuốn nhật ký cho con thì có lẽ, chỉ nên viết trên FB, để chế độ riêng tư, lập một file riêng trên máy tính, hay ghi lại trong cuốn sổ để trên kệ sách nhà mình thôi, sao phải phát hành, phiền tới nhiều người không liên quan phải đọc? Vì vậy, phải mất hơn một năm để tôi vượt qua sự băn khoăn ấy, tìm cho mình cách viết sao cho vẫn là những xúc cảm rất thật, những câu chuyện thật, không hề hư cấu nhưng không quá riêng tư để độc giả không phí thời gian mà có thể tìm được sự đồng cảm nào đó với mình. Còn khi đã bắt tay vào viết, có phần đúng như chị nói, việc hoàn thành bản thảo khá dễ khi đó là những câu chuyện cuộc sống của mẹ và con đã và đang trải qua, nhất là mình chọn lọc những câu chuyện ý nghĩa với cả mẹ và con. Trong đó, không ít câu chuyện vốn đã được tôi chia sẻ với bè bạn trên FB, khi chọn lọc để in sách, chỉ cần trau chuốt văn phong lại sao cho mượt mà thôi.
Ghi chép lại những diễn biến xung quanh cuộc đời cô con gái bé bỏng, bắt đầu từ khi con chào đời, có lẽ sự quan tâm của chị thay đổi với sự xuất hiện của bé?
Trước khi có bé Bống, tôi đã có anh Đốm của bé. Nhưng cảm giác lần đầu làm mẹ của một bé gái mới mẻ vô cùng. Tôi hình dung tựa như mình đã viết một “cuốn sách” vô cùng thú vị ngay từ lần đầu gặp bé, mà trang đầu tiên bắt đầu từ hình ảnh có một cô nhóc má phính he hé mắt nhìn người thân rồi an tâm nhắm tịt mắt ngủ tiếp. Tôi cảm thấy giây phút ấy an nhiên tuyệt đối và không hề có cảm giác muốn khóc vì dự cảm sinh con gái mười hai bến nước như vẫn đọc đâu đó trước đây. Sự quan tâm của tôi bỗng trở nên có những kết nối lạ kì. Bé cũng có những sở thích giống mình của 30 năm trước. Như khi cô nhỏ đòi mẹ đưa đi học nhạc, tôi nhớ đến ấu thơ của mình, những ngày nhón chân ngó qua cửa sổ phòng học múa, học đàn của nhà thiếu nhi vì thích mà nhà không có điều kiện học… và tôi thấy vui mừng khi mình có thể song hành cùng con, hiểu được những niềm vui, nỗi buồn, sở thích của bé. Tôi có hành trình thú vị khi cùng con đan xen giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, đôi khi cảm giác như bây giờ mình mới gặp bạn thân của cuộc đời mình vậy.
Là một người viết, việc diễn tả lại những diễn biến xung quanh sự phát triển tâm lý, thể chất của con không khó, nhưng nghĩ đến việc ghi chép lại câu chuyện về chính con mình thì lại ít người nghĩ tới?
Là vì, tôi nghĩ hầu hết người viết vẫn muốn viết những điều thể hiện phong cách, cá tính và có dấu ấn tưởng tượng. Nói đến nhà văn, chúng ta thường nói đến trí tưởng tượng của họ. Không ít người nghĩ rằng, viết sách cho con thì đâu cần phải là nhà văn, ai cũng có thể viết, và hoàn toàn chẳng cần phải tưởng tượng. Mọi ông bố bà mẹ đều có thể viết sách cho con và cũng chưa chắc họ đã viết kém hay hơn nhà văn. Thú thực, tôi cũng từng nghĩ vậy. Nhưng mặt khác, tôi nghĩ việc vừa có thể lưu giữ những kỷ niệm, hành trình lớn lên cùng con bằng trang sách (mai này, biết đâu khi trí nhớ của tôi hao mòn thì những trang sách ấy trở nên quý giá với cả mẹ và con biết mấy), vừa có thể tìm sự đồng cảm, đồng vọng với những tấm lòng các bố mẹ, những điều ấy rất đáng để có lúc mình làm việc “không khó” chứ ạ?
Bìa cuốn sách.
Thông qua quãng thời gian viết nhật ký thay con như thế, chị cảm thấy những ý nghĩa gì sau mỗi trang viết?
Tôi thấy được mình cùng lớn với con. Mình không bỏ phí một quãng thời gian ý nghĩa nào bên con. Đôi khi thấy hạnh phúc thật đơn giản là mình có thể sẻ chia những ấm cúng của mẹ con cho những em bé, bố mẹ khác và có độc giả sau khi đọc sách xong thì đồng cảm, muốn viết nhật ký cho con. Ngoài ra, làm bạn và sống chung trong thế giới ấu thơ thần tiên của con, khi quan sát con ở vị trí nhân vật chính trong cuốn sách của mình, tôi thấy có những điều còn thú vị hơn cả sự tưởng tượng.
Thực ra, với các bà mẹ, thì con của mình luôn là tâm điểm cho sự quan trọng, nhưng với những bà mẹ làm văn chương, thì sự yêu thương con nhiều khi như si mê vậy?
Có lẽ, trong việc này, bà mẹ văn chương theo tinh thần “văn mình vợ người”, con mình tôi tin, luôn là áng văn ý nghĩa nhất. Nói đùa thế chứ, ngoại trừ những bà mẹ có trái tim vô cảm, tôi tin bà mẹ nào cũng có sự “si mê” con mình.
Với những gì chị viết về con trong cuốn sách, có thể thấy sự điều tiết cảm xúc rất rõ, chị luôn muốn tỉnh táo để quan sát con, để can thiệp dạy dỗ chăm nom con khi cần?
Tôi là người khá cảm tính. Vì sự cảm tính ấy, đôi khi tôi vẫn gặp những điều không như ý muốn trong cuộc sống. Tuy vậy, tôi không ghét sự cảm tính trong mình, cũng không muốn thay đổi vì nếu thay đổi, có thể tôi trở thành ai đó chứ không còn là mình. Nhưng với con gái, tôi luôn tự nhủ mình phải tỉnh, để dạy con rành rẽ trong mọi việc đúng - sai, yêu - ghét... Tôi học được từ mẹ chồng mình điều này, bà luôn nhắc nhở tôi rằng, mẹ nào cũng yêu con cả, dù có nghĩ mình yêu con hơn bất kì ai đi nữa cũng phải giấu tình yêu ấy trong lòng mới dạy con được. Nói vậy nhưng trong nhiều trường hợp tôi vẫn bị cảm tính lấn át, vẫn thích được thể hiện tình yêu với con mình. Ví dụ như, tôi luôn giữ thói quen hôn con một cái trước khi con vào lớp học.
Từ đầu đến cuối cuốn sách, chị chỉ xoay quanh việc làm thế nào để con được sống thật vui mỗi ngày?
Niềm vui sống cũng chính là mục tiêu mà tôi muốn hướng tới. Với một đứa trẻ, tôi nghĩ niềm vui càng có ý nghĩa quan trọng hơn vì nó sẽ quyết định thái độ sống của con suốt cuộc đời. Việc mà tôi có thể làm tốt nhất, có lẽ cho con một tuổi thơ thật nhiều niềm vui. Và để con được vui thì dĩ nhiên trước hết mẹ cũng phải vui đã. Đấy, cứ xoay vòng giữa những niềm vui thế nên nếu không tránh khỏi nỗi buồn, những không may (mà làm sao tránh khỏi những điều này cơ chứ) thì vẫn thấy có niềm vui nâng đỡ, vẫn thấy đến cả nỗi buồn niềm vui cũng đẹp, cũng có những ý nghĩa riêng trong cuộc sống đáng yêu này.
Ngoài việc để con sống vui, với chị những điều gì còn cần thiết nữa để con phát triển được toàn diện?
Tôi vẫn nghĩ niềm vui, nỗi buồn (rồi kiểu gì con chẳng gặp), sự chân thành… sẽ tạo nên những xúc cảm EQ. Tôi coi cảm xúc là bản lề để phát triển mỗi người, chứ không phải IQ, tiền tài, danh vọng… Mà việc tạo những xúc cảm mang tính bản lề ấy nằm trong khả năng của bất kì ông bố, bà mẹ nào, chỉ cần bạn thấu hiểu, làm bạn với con. Con tôi có thể là đứa trẻ học ở mức trung bình hay thậm chí dưới trung bình nhưng không thể là đứa trẻ vô cảm.
Bên cạnh đó con cần được phát huy khả năng nổi bật nào đó của mình để tự tin hơn trong cộng đồng. Ngoài ra thì như các bà mẹ khác, tôi cho con học những kỹ năng sinh tồn cơ bản… Thực ra, nói về những điều cần thiết để phát triển con cái tôi nghĩ là câu chuyện dài, đến giờ tôi vẫn tiếp tục đọc và học để phát triển cùng con.
Trên thực tế, có một số bà mẹ không biết yêu con, họ có thể bỏ rơi con ngay sau khi sinh với lý do không có khả năng nuôi con, sử dụng con của mình như sự ràng buộc với người đàn ông, họ không có kĩ năng chăm sóc con và bị trầm cảm nếu chăm sóc con, hoặc khi chia tay, họ cũng để con lại cho chồng chăm sóc… điều này sẽ gây tổn thương ra sao với đứa trẻ nếu thiếu tình thương của mẹ, và thiếu mẹ?
Tôi có viết một truyện ngắn “Những đứa trẻ thiếu mẹ”, nó sẽ chông chênh trong cuộc sống dù ở cương vị nào, thành công nào trong cuộc sống. “Không ai yêu mẹ bằng con, không ai yêu con bằng mẹ”. Nếu một người không cảm nhận được điều này, tôi nghĩ là sự bất hạnh cho cả mẹ và con.
Chị có nghĩ cuốn sách này sẽ khơi dậy tình mẫu tử với những ai đang thiếu nó không?
Nếu có điều ấy là may mắn đối với người viết. Tôi tin cuốn sách sẽ tìm được những đồng cảm. Và nếu chỉ một điều nhỏ thôi, ai đấy đọc và muốn bắt đầu những trang nhật ký viết cho con, tôi cũng nghĩ mình đã thành công rồi.
Cảm ơn chị vì những chia sẻ!