Đọc “Thị trấn Mỏ Giếng”, hình dung ra lịch sử truyền thống của ngành than, đóng góp của các thế hệ người thợ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và dự báo bao câu chuyện đang đặt ra về phát triển xanh, bền vững...
1. Nhà văn Vũ Thảo Ngọc, đưa người đọc về “Thị trấn Mỏ Giếng”, tên tiểu thuyết mới nhất của chị (NXB Hội Nhà văn).
Cuốn sách gồm 5 chương, 290 trang. Làng Môn xưa, Mỏ Giếng nay là bối cảnh của câu chuyện. Nơi đây xảy ra biết bao biến đổi từ tự nhiên đến xã hội; đồng thời biết bao yếu tố phong tục, tập quán, lối sống, giao thoa và xung đột và tâm trạng của nhân vật xảy ra dữ dội.
Làng Môn- tên gọi có lẽ là giản dị nhất trong các tên làng người Việt. Ngôi làng mọc lên bên con sông Môn nên thành tên gọi. Sau đó ngôi làng ven sông Môn ấy thành thị trấn Mỏ Giếng. Nói về làng, người làng Môn kể rằng, những cư dân đầu tiên là từ biển dạt vào tránh bão lớn, sau đó ở lại định cư. Dòng sông Môn ôm lấy làng Môn, chảy ra biển qua cửa Vân Tiên.
Làng Môn giấu vào lòng biết bao câu chuyện huyền sử, tâm linh và cả lịch sử. Từ những mỏm đá hình người trên núi Bạch Tạng hay còn gọi là Đá Trăng, đến chuyện ông Hóa giỏi săn khỉ; từ cây Thị cổ, chị Cả Khương trong phong trào cách mạng sau những năm Đảng ra đời đến thời kỳ tiền khởi nghĩa...
Thị trấn Mỏ Giếng nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng. Đấy là sau khi người Pháp phát hiện mỏ giếng, cánh thợ lò đến đây, họ ở khu tập thể ven chân núi. Nếu như không có khai thác than thì chẳng có tên Mỏ Giếng. Bây giờ thành ngữ “Cọp làng Môn, dân Mỏ Giếng” vẫn được truyền đời.
Thời đó phong trào công nhân đấu tranh với giới chủ Pháp ở Mỏ Giếng, cùng với Cẩm Phả, Cửa Ông mạnh mẽ. “Chỗ cây Thị ngày xưa là nơi các đảng viên chi bộ thợ Mỏ Giếng chọn làm nơi hội họp” (trang 8).
Ông Héo thuộc thế hệ công dân làng Môn. Ông Quải sứt, ông Hựu, bà Dìu.... những là lớp thợ mỏ đầu tiên Mỏ Giếng. Thế hệ thứ hai như con cái ông Trần Văn Khu người Tày và bà Hay người Sán Dìu lớn lên trở thành công nhân. Và cũng không chỉ có người phía Bắc, ở đây còn có giọng Nam Bộ. Bí thư Đảng ủy Mỏ Giếng Nguyễn Thông là người Nam bộ, theo bố mẹ tập kết từ năm mới 10 tuổi.
Gương mặt người thợ xoay quanh nhân vật chính là Vũ Trình, thân phận họ với các cung bậc vui buồn hiện lên qua ngòi bút giàu “nhân vị mỏ” của Vũ Thảo Ngọc. Lớp lớp làm nên truyền thống lịch sử và luôn mở ra hy vọng cho thị trấn Mỏ Giếng.
Nhân vật chính của tiểu thuyết là Vũ Trình, đến với Mỏ Giếng từ những năm mới rời ghế nhà trường. Anh là một thanh niên nông thôn thông minh, tháo vát, năng động, biết nâng niu lịch sử vùng đất cũng như truyền thống Mỏ Giếng và đam mê cống hiến.
Vũ Trình có mặt ở Làng Môn khi ấy cũng chỉ vài chục nóc nhà thưa thớt, những mảnh ruộng bé tẹo nhấp nhô, không có cánh đồng mênh mông thẳng cánh cò bay như ở quê anh. Nhờ có công nghiệp than, thị trấn Mỏ Giếng ngày càng thay đổi, các khu mỏ không còn lam lũ bụi bạm, trở thành đô thị sầm uất, giàu có và hiện đại không thua kém các thành phố lớn ở nơi khác.
“Cư dân mới, kể cả cư dân là thợ mỏ cũng đã không còn giống ngày xưa. Như đám con của anh, thế hệ thằng Vũ Tường đã làm chủ công nghệ”, (trang 250). Ngày Mỏ Giếng kỷ niệm 60 năm thành lập, khu Tượng đài thợ mỏ ở đây cũng khánh thành. “Hình ảnh tượng đài khia là hình bóng của Trình và lớp lớp thợ mỏ đã đến và ở lại với Mỏ Giếng, là lớp lớp thợ mỏ hiện thân trong bức tượng bằng than kíp lê nguyên khối trong hình hài rất đỗi thân thuộc”, (trang 274).
Vũ Trình lớn lên cùng Mỏ Giếng. Anh trở thành “ngôi sao Mỏ Giếng”, có nhiều thành tích, được cấp trên tin tưởng, giao nhiều trọng trách.
Để khắc họa nên hình ảnh sống động về nhân vật trung tâm này từ suy nghĩ đến tình cảm và xung đột nội tâm, nhà văn Vũ Thảo Ngọc đã thành công trong việc sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật, đặc biệt là bút pháp tượng trưng, trữ tình và đối thoại.
2. Vũ Thảo Ngọc là nhà văn của vùng mỏ, lớn lên cùng đất mỏ và thành danh cùng vùng mỏ. Chị là một thợ mỏ đúng nghĩa đen của từ này. Nhà văn, thượng tá Công an Phan Đình Minh từng nói: "Nhà văn giống như kẻ đào giếng, hỳ hục, nặng nhọc nhưng không phải cứ đào là trúng mạch". Theo quán chiếu này, Vũ Thảo Ngọc chính xác là "thợ lò" có điều giếng của nữ "thợ lò" này không có than mà là "giếng chữ".
Tiếp xúc với Vũ Thảo Ngọc nhận ra, phía sau sự chân thành, nhân hậu của một phụ nữ là một nhà văn giàu năng lượng, cường chữ. Từ lúc lao vào “trường văn, trận bút” đến nay, chị đã có 30 tác phẩm- chủ yếu là tiểu thuyết và tập truyện ngắn. Ngoài văn, Vũ Thảo Ngọc còn làm thơ, năm 2021 chị đã xuất bản tập thơ Rêu và đá.
Đam mê văn chương và cống hiến với phẩm chất người thợ. Vũ Thảo Ngọc sắp in thêm một tiểu thu-yết và trường ca có tên là “Trường ca những vỉa than". Dường như Vũ Thảo Ngọc viết hì hục, như ngày mai không còn? Chị viết để trả ơn đất mỏ, tình nghĩa của người Vùng mỏ.
Đọc “Thị trấn Mỏ Giếng”, hình dung ra lịch sử truyền thống của ngành than, đóng góp của các thế hệ người thợ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và dự báo bao câu chuyện đang đặt ra về phát triển xanh, bền vững. Không chỉ viết, với tất cả đam mê, tài năng và năng lượng cá nhân, Vũ Thảo Ngọc còn lăn lộn với vùng mỏ thông qua việc tổ chức các hoạt động thực tiễn.
Những chuyến đi thực tế, tìm hiểu lao động của thợ mỏ, từ khai trường lộ thiên đến giếng lò ở độ âm gần 300 mét. Tất cả hiện lên trong “Thị trấn Mỏ Giếng”.
Đời sống vật chất, tinh thần của công nhân ở Mỏ Giếng ngày càng được nâng cao. Họ không còn phải vớt than mùa lũ trên sông Môn như Vũ Trình ngày nào. Người dân làng Môn không còn bị trôi sông không tìm thấy xác khi đi vớt than trôi giữa sông mùa lũ như trước đây.
Thời chuyển đổi số, Mỏ Giếng đã ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trong điều hành, quản lý sản xuất, an toàn lao động. Cái làng Môn ngày xưa ấy, nhịp sống ngày càng hiện đại. Nhiều đôi trai gái ở Giếng Mỏ quen biết, thành vợ thành chồng qua các ứng dụng xã hội. Tuy nhiên biết bao điều đáng lo xảy ra.
Đọc “Thị trấn Mỏ Giếng” nhận ra tập tục tốt đẹp, lối sống của người Tày, người Sán Dìu xưa kia của Làng Môn đã phôi pha. Bọn trẻ người Tày, Sán Dìu đã không còn nói được tiếng dân tộc mình. Đó là xung đột giữa giữ gìn bản sắc và phát triển, ngay trong từng cộng đồng dân tộc. “Thị trấn Mỏ Giếng” không chỉ khắc họa thành công thân phận của từng nhân vật, điển hình là Trình mà còn mang đến nhiều thông điệp có giá trị tư tưởng.
Tôi đã đọc 3 tác phẩm của nhà văn Vũ Thảo Ngọc, “Đợi ở Cửa Lục” (tập truyện ngắn), “Rêu và đá” (tập thơ) và nay là “Thị trấn Mỏ Giếng” (tiểu thuyết). Đề tài, từ thơ đến văn xuôi của chị đều lấy bối cảnh vùng than, vùng mỏ. Thế mới biết, chị viết gần như để trả ơn vùng than, trả ơn các thế hệ những người thợ mỏ, thợ lò.
Cùng với các nhà văn lớp như Võ Huy Tâm, Trần Tâm, Nguyễn Đình Nhân, Trần Nhuận Minh, Ngô Xuân Hội, Phạm Hồng Nhật..., Vũ Thảo Ngọc có quyền tự hào là nữ nhà văn hiếm hoi trưởng thành từ thợ mỏ.