TP HCM vừa có đề nghị các trường học chấm dứt tình trạng nhà vệ sinh không đạt yêu cầu: phải đảm bảo không có mùi hôi, đủ nước sử dụng, được quét dọn thường xuyên, khô ráo, sạch thoáng, trang bị xà bông rửa tay, giấy vệ sinh, có thùng rác nắp đậy hợp vệ sinh. Lưu ý: không được khóa cửa các nhà vệ sinh nhằm giúp cho việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh đạt được hiệu quả, chất lượng và trang bị nhà vệ sinh kinh nguyệt cho nữ sinh đối với các trường phổ thông đảm bảo đầy đủ theo quy định.
Cần rèn luyện ý thức giữ gìn nhà vệ sinh trường học cho học sinh.
Chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ
Lâu nay câu chuyện nhà vệ sinh trường học trở thành đề tài được nhiều người quan tâm. Bởi cũng quan trọng như chuyện bữa cơm bán trú của học sinh ở trường (đầu vào), thì nhà vệ sinh (nơi giải quyết đầu ra) đáng lẽ cần phải được coi trọng ngang nhau, nhưng thật tiếc, trong quan niệm lâu nay của nhiều người, nhà vệ sinh chỉ là “công trình phụ” nên ít ai để ý. Thậm chí tại nhiều ngôi trường lớn ở những đô thị văn minh, nhà vệ sinh được xây to đẹp phía cuối hành lang của những tòa nhà mới, nhưng nó luôn trong tình trạng bốc mùi, thiếu giấy vệ sinh, thiếu sọt đựng rác hoặc thiếu nước. Hơn thế, còn luôn trong tình trạng khóa cửa. Nhiều đứa trẻ không dám đi vệ sinh ở trường bao giờ, mà nhịn suốt cả một buổi học, thậm chí nhịn tiểu cả ngày để về đi vệ sinh ở nhà. Thành thử nhiều phụ huynh đã phải cho con đi khám bệnh vì “nín tiểu” trong một thời gian dài. Hệ lụy từ nín tiểu là đi tiểu lắt nhắt, tiểu nước đục, hoặc tiểu ra máu.
Trên thực tế nhà vệ sinh học đường là chuyện cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tâm sinh lý, của học sinh. Theo các chuyên gia y tế, môi trường ẩm thấp của nhà vệ sinh có thể hình thành các tác nhân gây bệnh nguy hiểm như vi khuẩn tả, thương hàn, phó thương hàn cùng các chủng khác của E.coli.
Theo điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, 40% ca nhiễm tiêu chảy ở học sinh bắt nguồn từ trường học. Nhiều học sinh vì nhịn tiểu nên không uống đủ lượng nước trong ngày, làm tăng nguy cơ bị mất nước và nhiễm trùng hệ tiết niệu, sỏi tiết niệu.
Nhưng dù sao, cái nhà vệ sinh của học sinh thành phố cũng còn khá hơn nhiều so với trường học ở các vùng nông thôn, vùng núi. Nơi chúng tôi từng đi qua, có những nhà vệ sinh ở các trường học không biết miêu tả thế nào cho đúng…
Áp tiêu chuẩn nhà vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế, mỗi cấp học khác nhau yêu cầu về việc xây dựng nhà vệ sinh cũng khác, đơn cử, ngoài các quy định chung cho tất cả các nhà vệ sinh trường học thì còn có những quy định riêng dành cho nhà vệ sinh cấp trung học như: Khu vệ sinh cần được bố trí hợp lý theo từng khối chức năng và đáp ứng yêu cầu sử dụng của giáo viên và học sinh, đảm bảo vệ sinh, không làm ô nhiễm môi trường. Chú ý: Đối với khu vực không có nguồn cấp nước tập trung thì cho phép bố trí nhà vệ sinh bên ngoài khối phòng học; Khu vệ sinh có diện tích tối thiểu 0,06 mét vuông/ học sinh với số lượng thiết bị yêu cầu bao gồm: 1 tiểu nam, 1 chậu xí, 1 chỗ rửa tay cho 30 học sinh. Đối với học sinh nữ tối đa 20 học sinh/ chậu xí. Tương tự, các cấp tiểu học, mầm non cũng có những quy định rất cụ thể.
Song trên thực tế, ít nơi nào đạt được tiêu chuẩn này. Đặc biệt ở các trường học vùng nông thôn như vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì tỉ lệ và chất lượng nhà vệ sinh nơi trường học càng thấp. Ghi nhận thực tế ở vùng ĐBSCL, vùng miền núi phía Bắc cho thấy phần lớn nhà vệ sinh thường trong tình trạng không có mái che, không phân biệt nhà vệ sinh nam - nữ; luôn trong tình trạng quá tải; không có nguồn nước hoặc nguồn nước không được đảm bảo, không có hệ thống thoát nước bẩn; công tác dọn dẹp nhà vệ sinh sạch sẽ chưa kịp thời…
Rèn luyện ý thức giữ gìn nhà vệ sinh trường học cho học sinh.
Đưa nhà vệ sinh vào tiêu chí thi đua
Trước thềm năm học mới 2019-2020, về câu chuyện nhà vệ sinh, ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GDĐT - cho rằng: Đó là một thực tế và Bộ đã xây dựng các giải pháp xử lý trong thời gian tới, theo đó, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, việc quan tâm chỉ đạo xây dựng nhà vệ sinh trường học quyết liệt hơn. Chỉ trong năm học 2018-2019, cả nước đã bổ sung khoảng 60.000 công trình nhà vệ sinh trường học các loại.
Lý giải những tồn tại liên quan đến nhà vệ sinh trường học, ông Hùng cho rằng phải nhìn ở 2 góc độ. Do trước đây cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu nên tại nhiều địa phương đã dành kinh phí khắc phục tình trạng thiếu lớp học, tình trạng phòng học tranh tre nứa lá, thực sự chưa quan tâm tới đầu tư nhà vệ sinh. Nhưng năm qua, sau khi có chỉ đạo quyết liệt, hầu hết địa phương đã xây dựng các đề án riêng để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho nhà vệ sinh trường học đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu của học sinh.
Một thống kê đáng lưu ý cũng được Cục Cơ sở vật chất đưa ra: Tính đến thời điểm tháng 3/2019, đánh giá nhà vệ sinh trường học dựa trên 2 tiêu chí: Thứ nhất là quy cách xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn kiên cố hóa theo quy định của Bộ Xây dựng; thứ hai là phải hợp vệ sinh theo quy định trong Thông tư 13 của Bộ Y tế. Số nhà vệ sinh trường học hợp chuẩn theo quy định của Bộ Y tế đạt 60%, trong đó, khối mầm non có tỉ lệ đạt chuẩn tiêu chí của Bộ Y tế là 70%, còn theo tiêu chí của Bộ Xây dựng là 85%.
Nếu lấy tiêu chí vệ sinh của Bộ Y tế làm thang đo thì còn tới hơn 40% nhà vệ sinh trường học chưa đạt chuẩn. Nhưng đại diện Cục Cơ sở vật chất chia sẻ: Việc xây nhà vệ sinh là do kinh phí của địa phương, Bộ không thể nắm được kế hoạch cụ thể là bao nhiêu, Bộ chỉ yêu cầu trong vòng 2 năm phải giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh. Năm học 2019-2020, trong việc đánh giá thi đua của các Sở GDĐT địa phương năm tới đây, Bộ đã đưa các tiêu chí về cơ sở vật chất, tiêu chí về nhà vệ sinh vào tiêu chí thi đua, như vậy, nếu địa phương nào làm chưa tốt sẽ bị đánh vào điểm thi đua. Việc nhà vệ sinh trường học, kể cả những trường được đầu tư tốt, những trường bán kiên cố nhưng khâu quản lý sử dụng không tốt, không đảm bảo yêu cầu sẽ bị quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Bộ GDĐT cũng mong có sự chung tay giám sát của cộng đồng, của phụ huynh học sinh.
Dẫu thế, đó mới chỉ là quyết tâm, những tiêu chí để phấn đấu. Việc làm thay đổi nhận thức về “công trình phụ”, việc dọn dẹp công trình phụ trong mỗi người mới thực đáng góp phần để thay đổi một nếp nghĩ, thói quen cũ.
Hôm rồi, ở một cuộc họp phụ huynh lớp 4 tại một trường tiểu học ở Hà Nội, chuyện về nhà vệ sinh đã được đưa vào nội dung cuộc họp. Bởi có một vấn đề phát sinh: Nhà trường yêu cầu học sinh các lớp phải tự tham gia dọn vệ sinh, không được thuê người ngoài, trong khi các con còn quá nhỏ để sử dụng hóa chất tẩy rửa, chỉ còn cách là các bố mẹ phải trực tiếp đến lao động thay con. Nhưng đến đoạn “làm thay” thì nhiều phụ huynh đã giãy nảy không chịu.
Chỉ đơn cử như thế, để thấy chuyện về cái nhà vệ sinh trong trường học không hề đơn giản. Vì thế, để giữ gìn môi trường sống, từ gia đình tới nhà trường, song song với việc dạy kiến thức, cần chú trọng hơn tới kỹ năng sống cho học sinh - bắt đầu từ sử dụng nhà vệ sinh tiện nghi, sạch sẽ. Việc dạy học sinh có ý thức, trách nhiệm gìn giữ nhà vệ sinh thật văn minh cũng chính là một nội dung cần được đưa vào những buổi sinh hoạt chung ở lớp, ở trường.