Nhà viết kịch Italia, Dario Fo: Không trở nên phi nhân tính

Hoàng Hùng 09/02/2016 14:05

Tháng ba tới, nhà viết kịch, đạo diễn kiêm họa sĩ Italia, Dario Fo, giải Nobel văn học năm 1997, sẽ bước vào tuổi cửu thập (ông sinh năm 1926). Mặc dầu thế, ông vẫn không ngừng sáng tạo  và rất tích cực làm việc với những tài năng trẻ.

Nhà viết kịch Italia, Dario Fo: Không trở nên phi nhân tính

Hết lòng vì sân khấu

Dario Fo sinh ra tại thị trấn San Giano bên bờ hồ Maggiore, tỉnh Varese, Lombardia. Cha ông là dân vô sản trong ngành đường sắt, mẹ là nông dân, gia cảnh rất bần hàn. Người cha mê kịch, là diễn viên nghiệp dư và truyền cho con trai tình yêu nghệ thuật ngay từ nhỏ. Cả cha mẹ nhà viết kịch tương lai đều theo tư tưởng tả khuynh, rất căm thù phát xít. Người cha còn là đảng viên đảng Cộng sản Italia. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, gia đình Fo đã giúp đỡ lực lượng du kích và cứu nhiều nhà khoa học Do Thái khỏi bị dồn vào trại tập trung và đi sang Thụy Sĩ.

Khi còn nhỏ, Dario Fo phải theo bố di chuyển chỗ ở từ thành phố này tới thành phố khác, học các trường khác nhau trong vùng. Dù rất túng bấn nhưng cha mẹ nhà viết kịch tương lai vẫn cố gắng tạo mọi điều kiện cho con trai trau dồi học vấn về nghệ thuật. Năm 1940, Dario Fo vào học sân khấu tại Viện Hàn lâm Nghệ thuật Brera ở Milano nhưng rồi phải ngưng học vì bùng nổ thế chiến. Để trốn phải đi lính, ông đã phải ẩn náu trong tầng xép của nhà mình cho tới khi chiến tranh kết thúc. Năm 1945, Dario Fo vào học ở khoa kiến trúc trường Đại học Bách khoa Milano. Ngay ở thời điểm đó, ông đã say mê hoạt động sân khấu và viết những tác phẩm đầu tiên. Đó là những bản độc thoại, tiểu phẩm châm biếm, những biến tấu từ các sự tích dân gian. Tới năm 1953, ông đã bỏ đại học và rẽ ngang đi dấn thân vào nghề sân khấu. Dario Fo quan tâm nhiều nhất tới việc thiết kế sân khấu và ứng tác các vở kịch độc thoại. Đồng thời, ông còn ngốn ngấu đọc các tác phẩm của Antonio Gramsci (nhà văn, một trong những người sáng lập ra đảng Cộng sản Italia) và Karl Marx, bên cạnh các tiểu thuyết Mỹ, dịch các tác phẩm của nhà soạn kịch người Đức Bertolt Brecht, nhà thơ Nga Xôviết Vladimir Mayakovsky và thi sĩ Tây Ban Nha Federico Garcia Lorca sang tiếng Italia…

Trong thời hậu chiến, sân khấu Italia đã trải qua một cuộc cách mạng với hiện tượng hình thành các “nhà hát nhỏ”. Điều này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển ý tưởng sân khấu bình dân. Và Dario Fo đã trau dồi chuyên môn chính trong những điều kiện như thế. Mùa hè 1950, ông gặp nữ sinh viên Franco Parenti, xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ. Parenti đã nhận vai hề câm trong ban kịch của Dario Fo và đồng ý trở thành vợ ông sau ba năm cộng tác. Những màn độc thoại của Dario Fo đã gặt hái được nhiều thành công, ngày một lớn hơn. Năm 1957, Dario Fo cùng vợ lập đoàn kịch Fo - Rame.

Ngoài viết kịch, Dario Fo còn làm diễn viên, đạo diễn, họa sĩ thiết kế sân khấu, hóa trang, đôi khi soạn cả nhạc. Vợ ông vừa là đồng tác giả nhiều vở kịch của chồng, vừa là nữ diễn viên chính và chịu trách nhiệm quản lí. Ngoài ra Fo còn viết kịch bản phim truyền hình và cùng vợ tham gia tích cực các hoạt động chính trị, xã hội. Năm 1969, họ từ bỏ hình thức sân khấu truyền thống, lập đoàn kịch La Comune, diễn kịch cho quần chúng ở công viên, nhà máy, sân vận động... và lưu diễn hơn bảy chục nước trên thế giới…

Cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Dario Fo đã sáng tác trên 40 vở kịch đã và đang được công diễn ở gần 50 nước. Năm 1997, Dario Fo được trao giải Nobel nhờ thành tích trong việc “tiếp tục truyền thống của những vai hề thời trung cổ chế diễu quyền lực và lấy lại nhân phẩm cho những người bị áp bức”.

Dario Fo từng tham gia đảng Cộng sản Italia nhưng tới năm 1970 đã rời khỏi tổ chức này, mặc dù vẫn giữ những quan điểm tả khuynh... Năm 2006, Dario Fo đã thử sức trong cuộc chạy đua vào chức thị trưởng Milano nhưng không thành công.

Tâm sự năm mới

Trả lời phỏng vấn phóng viên Nga của hãng thông tấn TASS nhân dịp năm mới 2016, Dario Fo đánh giá năm qua là “năm của chiến tranh”.

PV: Ông đã nhắn tôi gọi điện lại vì phải bận tập vở. Ông hiện đang tập vở gì?

Dario Fo: Chúng tôi đang dựng vở trên cơ sở bản thảo La Mã của một trong những tác giả sáng lập ra dòng hài kịch La Mã thời thành Roma cổ đại. Tôi đã tìm thấy bản thảo đó trong một ấn phẩm của thế kỷ XVIII, chỉnh sửa nói và viết ra một vở hài kịch delll’arte (hài kịch ứng tác, diễn viên đeo mặt nạ).

Ông là người được công nhận là tác giả chuyển thể diệu nghệ những kịch bản hài thời Trung Cổ thành các kịch bản châm biếm đương đại. Đâu là bí quyết của ông?

- Tôi sinh ra trong một thị trấn, San Giano. Khi còn bé, tôi đã nghe nhiều câu chuyện kể mà lúc đó tôi cho là chúng đã được những người đánh cá ở khu ngoại ô mới nghĩ ra. Thực ra đó là những câu chuyện còn lại tới bây giờ từ thời xa xưa lắm. Nhưng mãi sau này tôi mới hiểu ra điều đó, còn khi tôi nghe kể những câu chuyện đó, tôi đã không biết đó là từ thời Trung Cổ.

Về bản chất thì thế có nghĩa là con người không hề thay đổi, những thói hư tật xấu vẫn còn lại nguyên như cũ?

- Tất nhiên, lịch sử của chúng ta xuất phát từ quá khứ. Nói như Antonio Gramsci, “nếu bạn không biết bạn tới từ đâu thì bạn sẽ chẳng thể biết bạn sẽ tới được đến đâu”.

Điều gì khiến ông nhớ từ năm qua?

- Đó là năm của chiến tranh. Thực vô nghĩa lý nếu ta giả bộ mũ ni che tai- đang diễn ra một cuộc chiến tranh thực sự. Những kẻ cực đoan không đếm xỉa tới bất kỳ ai, gây ra mọi điều ác độc – chúng nằm ngoài lịch sử, nằm ngoài bất cứ một phép lô gích nào, nằm ngoài nền văn minh. Ở đây điều rất quan trọng là không được sai lầm, trong cuộc chơi tuyệt vọng để sống sót này. Và năm 2015 cũng là năm của những cuộc khủng hoảng, về kinh tế, về nhân đạo, về đạo đức. Hàng trăm nghìn những người bần hàn phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn vì không thể nào sống được ở đó nữa do chiến sự hoặc do các mối nguy hiểm. Và ở đây điều rất quan trọng là không trở nên phi nhân tính, không giúp đỡ những người tị nạn hoặc xua đuổi họ bằng mọi giá. Còn ở Italia thì cái họa chính là chính phủ. Theo nhìn nhận của tôi, không thể nào chấp nhận được cái chính phủ hiện nay. Nó thô thiển, tàn nhẫn, u tối, giả dối, đùa cợt với số phận của con người.

Liệu có thể buộc những tội này cho các đời chính phủ trước được không?

- Đúng là như thế, nhưng điều đó không có nghĩa là nếu trước đây đã như thế thì nay cũng vẫn để nguyên như vậy. Luôn luôn ta cứ ấp ủ niềm hy vọng rằng tương lai sẽ trở nên tươi sáng hơn, những người mới lên nắm quyền sẽ tử tế hơn, tài năng hơn, trung thực hơn nhưng rồi ai cũng lại vẫn như ai, toàn những dối trá, những lời hứa rỗng tuếch không bao giờ được thực hiện. Họ buộc người ta tin rằng sẽ có những thay đổi nào đó nhưng thực ra thì mọi sự ngày một trở nên tồi tệ hơn.

Vì thế nên ông mới tin vào phong trào mới “5 ngôi sao” (Movimento 5 Stelle)?

- Tôi hy vọng rằng phong trào đó sẽ giành được vị trí xứng đáng. Mọi người cần phải hiểu rằng, đó là hy vọng cuối cùng đối với đất nước. Và Movimento 5 Stelle trong hình thức mà nó tồn tại hôm nay, với số lượng lớn những người trẻ, xác định hướng đi của nó, không nên bị đánh đồng với một mình Beppe Grillo (diễn viên hài kiêm blogger nổi tiếng, người thành lập ra phong trào “5 ngôi sao”)…

Những lời ông vừa nói về chiến tranh và nhu cầu cần phải giúp đỡ những người tị nạn rất trùng hợp với những gì mà giáo hoàng Francesco nói. Ông cảm thấy vị giáo hoàng này như thế nào?

- Vị giáo hoàng này rất dũng cảm, ông ấy có đủ can đảm để phát biểu phê phán đủ độ đối với nhà thờ, việc mà từ trước đến nay chưa một giáo hoàng nào dám làm cả. Thánh Francesco thời trước cũng không ngại phê phán nhà thờ, và ông Bergoglio cũng đã không tình cờ mà lấy tên Thánh Fracesco cho mình, và cũng không chỉ để tưởng nhớ tới Thánh. Giáo hoàng không ngại công nhận rằng không thể để lại tiếp tục như thế, khi hướng tới những người bất hạnh, bần hàn nhất, nhưng điều quan trọng là, ông có khả năng chối bỏ quyền lực vô hạn của nhà thờ.

Ông có nghĩ rằng vị giáo hoàng này sẽ có thể thu hút được tín đồ về với nhà thờ?

- Còn sao nữa, trong mấy thế kỷ qua, chưa bao giờ nhà thờ lại thu hút được nhiều sự chú ý như hiện nay, và không chỉ ở Italia mà còn cả trên khắp thế giới. Vị giáo hoàng này đang rất được ưa chuộng và người ta rất lắng nghe ông ấy.

Theo ông, văn hóa hiện nay có bị khủng hoảng không? Liệu có thể nói tới việc thiếu vắng các tài năng?

- Hoàn toàn không, lớp thanh niên bây giờ có rất nhiều tài năng, rất nhiều người thông minh đang muốn thể hiện mình. Thật tiếc là họ không đủ chỗ để thi thố, vẫn phải tranh giành, nghĩ mưu mẹo mới. Cá nhân tôi luôn cố gắng làm mọi việc để giúp đỡ họ. Tôi cộng tác rất nhiều với những người trẻ, tôi sống với họ. Vì rằng họ chính là hy vọng của chúng ta...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà viết kịch Italia, Dario Fo: Không trở nên phi nhân tính