Vì đâu mà một bộ phận người Việt ngày nay quá hung hãn, cứ va chạm là cãi nhau, đánh nhau không biết đúng sai, không ai chịu nhún nhường, hạ mình xin lỗi? PGS. TS Trịnh Hoà Bình nhận định: Chúng ta đang sống trong thời kỳ chuyển đổi xã hội, đầy rẫy các thách thức. Con người bị dồn nén dưới rất nhiều áp lực, nên dễ dàng cho phép mình hung hăng.
PGS TS Trịnh Hoà Bình.
PV: Có khá nhiều ý kiến cho rằng, người Việt chúng ta đang ngày càng hung hãn với nhau hơn. Khi xảy ra xích mích, thay vì ứng xử điềm đạm với nhau thì họ lại có những hành động như xông vào đánh nhau. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
PGS TS Trịnh Hoà Bình: Nhìn chung, có những lí do để cho hành động như trên xảy ra như áp lực cuộc sống; môi trường giáo dục của người Việt Nam hiện đại hiện nay có thể nói đang có vấn đề; giá trị con người ta tôn thờ đang bị đứt gẫy… Chúng ta đang sống trong thời kỳ chuyển đổi xã hội, đầy rẫy các thách thức. Con người bị dồn nén dưới rất nhiều áp lực. Áp lực về sự phát triển, thậm chí có thể nói đây là “hàng đi kèm” với sự phát triển của xã hội. Nhưng mà chúng ta phát triển một cách, tôi hay gọi là “hổ lốn”, nghĩa là không bài bản, căn cơ.
Bên cạnh đó, chúng ta phải thừa nhận là kiến thức về luật pháp của chúng ta còn thiếu. Quá trình giáo dục luật pháp của chúng ta cũng có vấn đề. Nhiều người thiếu trưởng thành nhưng thậm chí đã phải cầm cân nảy mực. Liên quan đến cả những người có uy tín trong xã hội, có đôi khi họ hành xử không gương mẫu.
Và khi người ta thiếu sự tin tưởng vào trật tự, thì người ta dễ dàng cho phép mình hành xử hung hãn. Thường thì người ta ít sử dụng lời nói, mà sử dụng nắm đấm. Kẻ nào mạnh thì thắng. Bởi có nhiều bằng chứng đi trước rồi, nên họ cứ theo nhau. Khiến cho người Việt ngày càng trở nên hung hãn với nhau hơn. Ứng xử với nhau bằng bạo lực nhiều hơn.
Có phải lỗi lớn nhất xuất phát từ cách giáo dục trong mỗi gia đình không, thưa ông?
- Gia đình chính là môi trường đầu tiên và nhỏ nhất mà con người tiếp cận. Đương nhiên xã hội như thế nào thì gia đình như thế ấy. Ở đây có vấn đề của xã hội, và có cả vấn đề của gia đình, nhà trường. Và giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội, ba môi trường giáo dục này có hạn chế.
Nhưng nên nhớ nguồn gốc sâu xa vẫn là môi trường xã hội. Một xã hội đang cho thấy xu hướng tôn thờ đồng tiền lên ngôi, kẻ mạnh thì thắng… Nhưng bao giờ gia đình cũng phải chịu trách nhiệm. Bởi gia đình là môi trường đầu tiên và nhỏ nhất, là đơn vị cơ sở của xã hội.
Có cách nào để tiết chế được sự hung hãn trong cách ứng xử giữa con người với nhau không?
- Chắc chắn phải quay trở về từ khâu củng cố, nâng cao chất lượng và kinh tế gia đình. Bên cạnh việc tích cực và mạnh mẽ hơn nữa xây dựng một xã hội tôn trọng pháp luật, theo kiểu nhà nước pháp quyền và thực sự tôn trọng cá nhân, đề cao tính tự chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân trước yêu cầu của cộng đồng.
Nhiều người cho rằng do luật pháp của chúng ta không đủ để răn đe, ông có đồng tình?
- Thực ra luật pháp chúng ta không thiếu. Nhưng quan trọng, mỗi người có cho vào trong suy nghĩ hay không. Có thể chúng ta chưa cho ra quá nhiều luật. Việc ứng xử hung hãn với nhau xảy ra, có thể hiểu như người ta nói rằng có cả một rừng luật nhưng lại thích hành xử theo “Bộ luật rừng” hơn. Theo nghĩa là dã man, mông muội…
Có một kiểu đánh nhau khác, mà nhiều người nói rằng còn đau hơn tra tấn bằng bạo lực đó là “đánh” người khác qua mạng xã hội, lôi kéo mọi người vào để “đánh” một người. Quan điểm của ông?
- Điều đó là hệ luỵ, là mặt trái của văn minh công nghệ, văn minh công nghiệp, thậm chí là văn hoá và trình độ chưa sẵn sàng để đáp ứng trong bối cảnh đó. Thành ra tự nhiên lại trở thành kệch cỡm.
Và hành vi lôi kéo mọi người hùa vào để đả kích một người thì cần lên án, thưa ông?
- Tất nhiên không bao giờ nên hùa theo như vậy. Lẽ ra trong xã hội hiện đại, con người cá nhân tự ý thức được để hành xử trong khuôn khổ pháp luật, và khuôn khổ giá trị đạo đức, khuôn mẫu hành vi, ứng xử vì mọi người. Thứ nhất là không để bị lôi kéo. Chừng nào người ta vẫn còn để bị lôi kéo chứng tỏ chừng ấy cái dã man, phi văn hóa, vô văn hóa vẫn còn bị khống chế.
Vậy ông có lời khuyên nào cho những ai chẳng may bị lôi ra “đánh”, và lời khuyên chung cho những người dùng mạng xã hội không?
- Khuyên họ rất khó. Chúng ta chỉ có thể đưa ra những hình mẫu ứng xử và khuyên người ta vì cái chung của xã hội.
Với người đã bị “vùi dập” cũng không có lời khuyên chung. Bởi có những người, họ có tính chịu đựng, để thời gian trôi đi như mặt nước sẽ phẳng lặng trở lại. Nhưng có những người cũng lại “xù lông" lên để chiến đấu… Đáp số chung ở đây là phải có sự thay đổi, đón nhận điều đó như cái gì thiên về tất yếu xảy ra, và bình tĩnh lựa chọn cách xử lý. Có người xử lý cách ồn ào, có người xử lý là để dần dần lắng xuống.
Trân trọng cám ơn ông!