Nếu ghé nhà nhạc sĩ Hồng Đăng ở đường Hồng Hà, bên ly cà phê do vợ ông pha, bạn bè yêu mến nhạc sĩ “Hoa sữa” vẫn nhận ra ở ông sự hóm hỉnh.
Kể cũng lạ, lâu lâu tôi lại nhớ tới nhạc sĩ Hồng Đăng. Có một dạo, khi đó ông là Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, lại kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc, tôi hay gặp ông ở sân 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), hoặc thấy ông chạy xe Cub 82 trên phố Tràng Tiền. Lúc ấy, khi nào cũng thấy ông vồi vội. Thi thoảng, lựa khi ông rảnh, tôi ghé phòng ông chơi, chuyện vãn. Lại có bữa, đang ngồi bên ấm trà, thì có phóng viên trẻ tới phỏng vấn, nhạc sĩ Hồng Đăng cởi mở trả lời. Nhạc sĩ Hồng Đăng có cái thú hay tặng quà cho người mới quen, mới gặp. Nhất là các phóng viên trẻ. Lúc thì ông tặng cái bút, khi là cuốn sổ nhỏ, hoặc một vật kỷ niệm gì đó xinh xinh. Ai ông cũng tặng, chứ không phải ông chỉ tặng cho phụ nữ như nhiều người sau này cứ thêu dệt.
Tính nhạc sĩ Hồng Đăng là vậy. Ai gần ông đều hiểu và biết điều này. Ông muốn người khác vui.
Bây giờ, nhạc sĩ Hồng Đăng đã nghỉ hưu lâu lâu rồi. Ông cũng không còn khỏe nữa để đi đó đi đây. Tai ông cũng không còn tinh nhạy như xưa nữa, nhưng nếu ghé nhà ông ở đường Hồng Hà, bên ly cà phê do vợ ông pha, bạn bè yêu mến nhạc sĩ “Hoa sữa” vẫn nhận ra ở ông sự hóm hỉnh.
Nhạc sĩ Hồng Đăng họ Phan, sinh ngày 1/1/1936 tại Yên Thành, Nghệ An. Nhạc sĩ từng kể rằng, ông đến với nghệ thuật thoạt đầu không phải âm nhạc mà là kịch nghệ, làm thơ. “Thời kháng chiến chống Pháp, sân khấu quần chúng rất sôi động. Tôi “quẹo” sang âm nhạc vì sự “tấm tức” thời trai trẻ. Trong trường học ở quê, có người bạn chơi guitar, tôi phục lắm, xin mượn tập nhạc lý, nhưng anh ta rất khệnh khạng, không cho mượn. Tức quá, tôi đi bộ một mạch 60km từ Yên Thành về TP Vinh mượn được một tập tài liệu âm nhạc cũ bằng tiếng Pháp. Tôi miệt mài tự học từ đấy, chập chững sáng tác “Đời học sinh”, “Nhớ ơn Cụ Hồ” được chị Tân Nhân hát và bước đầu một số bạn nghe nhạc biết đến”, nhạc sĩ kể.
Khi đó, Hồng Đăng mới chừng 16 tuổi. Những sáng tác đầu tay ấy đã khiến chàng trai xứ Nghệ tự tin hơn. Sau hòa bình, trở về Hà Nội, Hồng Đăng học lớp sáng tác khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia), cùng lớp với nhiều nhạc sĩ nổi tiếng: Hoàng Việt, Tô Ngọc Thanh, Vĩnh Cát, Huy Thục… Trong thời gian này, ông viết thêm một số ca khúc: “Đường đi có nắng mặt trời”, “Quà tháng Năm”, “Giữa mùa sa nhân”... và thêm một số tác phẩm khí nhạc.
Dấu ấn của nhạc sĩ Hồng Đăng trong âm nhạc khá đậm nét. Thống kê từ phía nhạc sĩ cho thấy, ông có một gia tài với hơn 700 tác phẩm. Điều thú vị, trong số đó không chỉ có ca khúc mà còn có cả hợp xướng, khí nhạc và sân khấu. Đặc biệt, nhạc sĩ Hồng Đăng, từ rất sớm, đã viết nhạc cho phim truyện Việt Nam. Nhiều bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam có sự tham gia của nhạc sĩ Hồng Đăng. Thống kê sơ sơ thì nhạc sĩ Hồng Đăng đã viết nhạc cho khoảng 70 bộ phim truyện, trong đó một số ca khúc có sức sống độc lập dù phim không ai còn nhớ nữa, như: “Hoa sữa” (phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”); “Lênh đênh” (phim “Đời hát rong”)…
Trong số này, “Hoa sữa” đến nay vẫn được người yêu nhạc nhắc tới mỗi độ thu sang, đông tới. Cùng với bài “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”, ca khúc “Hoa sữa” đã định vị tên tuổi Hồng Đăng trong số các nhạc sĩ viết hay nhất về Hà Nội.
Nhạc sĩ Hồng Đăng nguyên là Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa 4 và 5; Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc từ năm 1989 – 1996. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2001 cho cụm tác phẩm: “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”, “Quà tháng năm”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” và hợp xướng “Lửa rực cháy”...
Nhạc sĩ Hồng Đăng kể, ca khúc “Hoa sữa” viết cho phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” (1978) của đạo diễn Đức Hoàn. “Tôi nhận lời viết nhạc cho phim nhưng cho tới lúc phim quay gần xong mà tôi vẫn chưa tìm được tứ nhạc. Bỗng một hôm có bạn nhà thơ tới chơi, gợi ý rằng ở Hà Nội có loài hoa sữa rất thơm nhưng ít người để ý”, nhạc sĩ Hồng Đăng nhớ lại.
Khi đó, Hà Nội đã đi vào nhạc của nhiều người, điều đó đã tạo thêm áp lực cho Hồng Đăng. Nhưng khi nghe bạn thơ nói về loài hoa sữa, trong tâm hồn nhạc sĩ thoảng gợi lại hình ảnh đẹp về những nam thanh nữ tú đất Hà thành, cũng thoảng gợi chút nhớ nhung về những mối tình đã trở thành dĩ vãng… “Trong đêm ấy, tôi ngồi vừa hình dung loài hoa này, vừa chắp cánh cảm xúc và viết xong nhạc cho bộ phim, trong đó bài “Hoa sữa” nói về đôi nam nữ yêu nhau rồi xa nhau nhưng không thể quên được mùi hoa kỉ niệm”, nhạc sĩ Hồng Đăng tâm sự.
Bản tình ca “Hoa sữa” đã ra đời vào khoảng cuối năm 1978. Người đầu tiên thể hiện ca khúc này là nghệ sĩ Lê Dung, sau này thì “danh sách” các ca sĩ thể hiện “Hoa sữa” còn dài: Nhã Phương, Thanh Hoa, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hồ Quỳnh Hương…
Theo nhạc sĩ Hồng Đăng, chính sự thành công của “Hoa sữa” - một sự khởi đầu tốt đẹp, như một mối lương duyệt tuyệt vời, để sau đó ông tiếp tục sáng tác nhạc cho hàng chục bộ phim. Để rồi, từ “cây cầu” nhạc - phim đó, Hồng Đăng trở thành nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam.
Nhưng nhạc sĩ Hồng Đăng không chỉ nổi tiếng với nhạc phim và những ca khúc về Hà Nội. Con đường âm nhạc của ông, chỉ xét ở mảng ca khúc, cũng rộng dài hơn thế. Trong đó, chủ đề biển đem đến cho nhạc sĩ Hồng Đăng nhiều ca khúc đến nay vẫn được khán thính giả yêu thích: “Lênh đênh”, “Biển hát chiều nay”, “Có một vùng đảo xa”, “Nỗi nhớ đêm đảo xa”… Bên cạnh đó, ông cũng có ca khúc “Con nhện bắc cầu qua hai ngọn lúa” được nhiều người yêu thích: “Con nhện bắc cầu qua hai ngọn lúa/ Hoàng hôn bắc cầu giữa ngày và đêm/ Lá thư bắc cầu qua hai nỗi nhớ/ Chúng tôi bắc cầu quá khứ tương lai…”
Nhạc sĩ Hồng Đăng là người đa tài. Điều ấy đã được khẳng định. Nhạc sĩ Hồng Đăng cũng là người đào hoa. Điều này người ta cũng nói nhiều. Có lần vui vui, ông vừa cười vừa nói rằng “hay được lấy vợ”.
Bây giờ ông đang sống cùng người vợ trẻ hơn chừng 20 tuổi. Mấy năm trước, thấy ông hay ngồi sau xe để chở đi, đi xem triển lãm, đi quán cà phê gặp gỡ bạn bè... Vợ nhạc sĩ cũng là người vui tính, cởi mở với giới văn nghệ. Có khi vừa đèo chồng vừa “chế” mấy câu trong bài “Hoa sữa”: “Em vẫn từng đợi anh/ Trên những chặng đường quen…” thành câu hát vui: “Em vẫn từng đèo anh/ Trên những chặng đường quen…”.
Nhắc đến nhạc sĩ Hồng Đăng người ta vẫn kháo nhau đó là một xem tử vi có tiếng. Thậm chí, người ta bảo, trong 4-5 người xem tử vi nổi tiếng của giới văn nghệ Hồng Đăng “đọc vị” đúng nhất. Từ hồi ca sĩ Hồng Nhung còn trong bụng mẹ, Hồng Đăng đã “phán”: “Cháu bé sắp ra đời là con gái”. Ông đã “cá cược” một chai rượu tây và một con gà với GS Trần Quốc Vượng, vì lúc đó thầy Vượng xem cho bố ca sĩ Hồng Nhung nói sẽ là… con trai. Mà cái sự biết xem tử vi của Hồng Đăng cũng rất thú vị. Chẳng là không mấy tin vào các “thầy”, nên khi trong gia đình có đứa cháu qua đời, nhạc sĩ Hồng Đăng mới đi mượn sách về xem. Gõ cửa GS Trần Quốc Vượng mượn sách không được, ông cứ mày mò học hỏi và rồi còn… thắng cả thầy Vượng, dù khi thắng cuộc ông cũng chẳng được rượu lẫn gà.
Chuyện vui vui ấy, giờ nhắc lại để mà… vui thôi. Vì vui, cũng là điều mà lâu nay nhạc sĩ Hồng Đăng muốn hướng tới, muốn mang lại cho mọi người. Trò chuyện với ông, cả trước đây hay gần đây, đều thấy ở ông sự gần gũi, chân tình. Ít khi thấy ông thần thánh hóa công việc sáng tác âm nhạc. Có phải thế không mà tôi cứ vân vi nghĩ, những “đứa con tinh thần” của nhạc sĩ Hồng Đăng, hình như cũng bị thiệt thòi hơn, khi nhiều ca khúc chưa từng được biểu diễn, nhiều hợp xướng chưa có tiền để dàn dựng… Cứ mong làm sao, một ngày gần đây, không chỉ tên tuổi nhạc sĩ Hồng Đăng tiếp tục được tôn vinh trong một đêm nhạc lớn, để những tác phẩm của ông có dịp tới gần với công chúng hôm nay…