Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là người viết kỹ, cả cuộc đời âm nhạc của ông đến nay cũng mới chỉ công bố chừng 20 ca khúc. Tuy vậy, nhắc đến ông, người ta nhớ ngay đến “Xa khơi”, “Tiếng hát giữa rừng Pác Pó”. Bên cạnh đó là nhiều ca khúc mang âm hưởng về những vùng đất, con người vùng Việt Bắc như “Lời ca gửi Noọng”, “Mùa xuân gọi bạn”, “Suối Mường Hum còn chảy mãi”… Chính ông, cũng đã tự nhận rằng, “tôi rất mê dân ca Việt Bắc”.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ
1. Ở nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, người ta không tìm thấy cái chất lãng tử mà thường nhận ra sự chỉn chu, tỉ mỉ. Ông chỉn chu cả trong cuộc sống lẫn trong việc sáng tác ca khúc. Gặp ông ở nhà riêng trên phố Khương Trung mới của Hà Nội hay trong những cuộc họp của Hội Nhạc sĩ cũng đều thấy ông có vẻ gì rất mô phạm, như một nhà giáo.
Trái với sự nghiệp đồ sộ của nhiều đồng nghiệp với 500-700 ca khúc, gặp tôi lần nào nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cũng chỉ khẽ khàng: “Về ca khúc tớ chỉ có 15 cái thôi”. Rồi ông chậm rãi: “Tôi sáng tác vất vả lắm, không thể viết nhanh được”.
Sắp bước vào tuổi 80, ngày ngày nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ vẫn viết. Nhưng viết xong ông thường để đó. Một thời gian sau xem lại, nghiền ngẫm, sửa chữa. Nếu thấy không hài lòng, ông sẵn sàng “vứt đi”, không thương tiếc. “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” là cái cách ông chọn cho sự nghiệp của mình. Cũng là cách để ông làm trong sạch cho đời sống âm nhạc, để người nghe không phải tiếp cận với những bản nhạc mà chính “cha đẻ” ra nó cũng còn chưa tuyệt đối hài lòng. Với ông, làm nghệ thuật dù có hàng ngàn tác phẩm mà không có tuyệt tác thì không có gì cả. “Trong sáng tạo nghệ thuật không có chủ nghĩa trung bình, không có cái kha khá, được được, phải là hay, tuyệt tác thì càng tốt”, ông tâm niệm.
2. Cũng chính bởi sự không vội đó mà ông lại có nhiều thời gian chăm chút một cách kỹ lưỡng cho từng “đứa con” nghệ thuật của mình. Cái cách của ông, cũng rất khác so với những nhạc sĩ khác. Người ta sáng tác xong một ca khúc khi đã phổ biến rồi là coi như xong, “khóa lại” đi làm cái mới. Nguyễn Tài Tuệ thì không. Ông vẫn tiếp tục đào sâu từng ca từ, từng nốt nhạc để phát hiện sự bất hợp lý, hoặc “cập nhật” với thời đại. Ví như ca khúc “Xa khơi”, ông không nhớ rõ mình đã sửa chữa bao nhiều lần trong suốt nửa thế kỷ qua. Cái câu hát “Kề vai bên nhau nắng biển cùng mưa nguồn” đã quá quen thuộc, cách đây ít lâu đã được nhạc sĩ sửa thành “chớp biển, mưa nguồn”. Ông bảo, già rồi mình ngẫm lại dân gian có câu: “Đêm qua chớp bể mưa nguồn/ Hỏi người tri kỷ có buồn hay chăng?”. Cái câu “chớp biển mưa nguồn”, theo ông, nó sâu sắc hơn hẳn.
Về ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pác Pó”, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cho biết, ông viết khi mới 23 tuổi và chưa một lần được đặt chân tới Cao Bằng, tới Pác Pó. “Đúng là cho tới lúc viết tôi chưa được lên Cao Bằng nhưng “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” được viết trong một tình yêu lớn lao với Bác Hồ, nên cảm xúc dào dạt. Nhạc sĩ từng tâm sự: Hồi tôi làm ở Ban Nghiên cứu âm nhạc cùng với Văn Cao, Tô Ngọc Thanh, Vân Đông,… Tôi trẻ nhất, được phân công nghiên cứu dân ca Mông. Tôi rất mê dân ca Việt Bắc. Nghiên cứu nghĩa là phải trèo đèo, lội suối, phải sống và yêu cái vùng đất mình đến: Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Mù Cang Chải… Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước bảo tôi trước khi cử đi rằng: “Phải nắm lấy cái sli, lượn, cọi, then… mà làm tiết mục cho đoàn. Tất nhiên là làm tiết mục cho đoàn nhưng tôi ý thức rằng phải góp cho cái vốn của người sáng tác… Đoàn chúng tôi vừa làm văn nghệ phục vụ đồng bào, giác ngộ đồng bào, vừa tiễu phỉ… Đôi khi cả đoàn hát cho một gia đình nghe thôi, nhà họ Vương ấy mà cảm tình cách mạng thì sẽ có nhiều người theo cách mạng… Tất cả tình yêu, sự kính trọng với Bác và vốn liếng tích lũy được trong những ngày sống ở rừng núi đã được tôi “huy động” khi đặt bút viết “Tiếng hát giữa rừng Pác Pó”.
3. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là người sống chừng mực. Sống cùng đại gia đình ở cách Hồ Gươm (Hà Nội) 7km, ông chọn cho mình một căn phòng nhỏ ở tầng 2. Trong căn phòng nhỏ, một giá sách lớn kê liền với giường ngủ. Ở đó, ông đọc từ những tác phẩm xa xưa cho tới đương đại.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thanh Chương, Nghệ An. Ngay từ bé, những làn điệu dân ca như hò ví dặm, hát phường vải đã ngấm sâu vào trong máu thịt của Nguyễn Tài Tuệ. Lớn lên, năm 17 tuổi, Nguyễn Tài Tuệ rời quê hương ra đi với hi vọng đi theo con đường nghệ thuật. Ban đầu với sự dẫn dắt của nhạc sĩ Trọng Bằng, Nguyễn Tài Tuệ trở thành một giọng nam cao tham gia trong dàn hợp xướng cùng các nghệ sĩ Chu Minh, Quốc Hương, La Thăng, Mai Khanh… Một thời gian sau đó, Nguyễn Tài Tuệ được cử lên công tác tại vùng Lao Cai, Hà Giang, Yên Bái. Chính những năm tháng này đã đem lại cho ông vốn sống, những hiểu biết quý giá về văn hóa của bà con các dân tộc vùng cao - chất liệu quý để sau này ông đưa vào nhiều ca khúc của mình.
Trên cái nền âm nhạc dân tộc, những giai diệu của Nguyễn Tài Tuệ vút lên, với những “Tiếng hát giữa rừng Pác Pó”, “Xuân về trên bản”, “Suối Mường Hum còn chảy mãi”, “Lời ca gửi Nọong”, “Xa khơi”, “Đêm Sapa”… Bằng những giai điệu âm nhạc này, Nguyễn Tài Tuệ để lại dấu ấn khó mờ phai trong lòng nhiều thế hệ người yêu nhạc. Ông được trao tặng giải thưởng Nhà nước đợt I (2001) về văn học - nghệ thuật.