Nhạc sĩ Văn Dung sinh ngày 15/1/1936 tại Hà Nội. Ông nguyên là Trưởng phòng Ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội. Nhạc sĩ Văn Dung được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I năm 2001.
Trong băng cassette “Tuyển tập Ca khúc Văn Dung” ông nói: “Tôi là người lữ hành không mệt mỏi trên con đường vô tận tìm cái hay, cái đẹp, tìm về chính mình trong cõi sâu thẳm của tâm thức thanh âm”.
Trong giới âm nhạc, hai anh em ruột cùng làm sáng tác và cùng thành danh như anh em Thế Song - Văn Dung không nhiều (có thể kể Hoàng Long - Hoàng Lân, Bảo Chấn - Bảo Phúc...)
Sinh ra ở làng Bích Câu, gắn với truyền thuyết Tú Uyên Giáng Kiều, dòng họ ông vẫn còn ngôi nhà thờ nhỏ, có khoảng sân trồng cây cau và bể nước mưa cổ. Thời ông và gia đình ở ngôi nhà nhỏ gần đấy, vợ chồng ông thường sang dọn dẹp, chăm sóc, hương khói. Trai Hà Nội gốc nên ông lúc nào cũng ăn mặc đẹp, chỉn chu và lịch lãm.
Ông nói chuyện có duyên, hóm hỉnh, hấp dẫn và may mắn, có người vợ tuyệt vời. Bà là NSƯT Tuyết Nhung, một giọng hát nổi tiếng của Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, quê ở Bắc Ninh khéo tay, xinh đẹp, hát hay nhưng yêu chồng, chăm con, quý bạn bè hết mực. Bà nấu ăn rất ngon và nhanh. Bạn bè đến nhà, chỉ một loáng là bà đã làm xong món ngon đãi khách. Còn ông, ham vui ở đâu nhưng ở nhà, ông là người đàn ông mẫu mực, yêu vợ thương con.
Ông đọc nhiều, ham học hỏi, cầu thị và không khoe khoang. Ông quan niệm cái gì học được thì cứ học. Trong các cuộc vui, ông luôn là một trong những cây chuyện tiếu lâm nhưng đụng đến kiến thức Đông Tây kim cổ ông cũng biết rất nhiều. Những chuyến chúng tôi, ông và nhạc sĩ Tân Huyền cùng đi Quảng Ninh, đi Vinh chơi và trên cả hành trình từ lúc bắt đầu lên xe cho đến khách sạn, nói như ông, “cười rách cả mồm”. Vui vẻ, nhiệt tình, quảng giao và cũng ham vui nhưng với công việc, ông cực kỳ nghiêm túc.
Viết khỏe, viết nhanh nên chuyến đi sáng tác nào của ông cũng có những tác phẩm tốt. Trong chuyến đi thực tế chiến trường năm 1971, ông kể: Đoàn xe các nhạc sĩ đi qua từng cung đường dày đặc bom đạn, nhạc sĩ Chu Minh tỳ cánh tay lên cửa xe, lúc đi qua đoạn các nữ thanh niên xung phong đang sửa đường, đoàn dừng lại giao lưu trò chuyện vui vẻ. Bỗng một cô vuốt lên cánh tay nhạc sĩ Chu Minh reo lên: “Ôi, tay anh này lắm lông quá chúng mày ơi”. “Họ không chỉ thiếu thốn vật chất, họ thiếu cả tiếng nói, bàn tay đàn ông”, ông bùi ngùi nói. Và “Bài ca đường 9 chiến thắng” ra đời ngay trên chiếc xe ấy. Ông viết rất nhanh ngay trên xe, đưa cho cả đoàn xem.
Văn Dung đến với âm nhạc khi được phân công về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam làm biên tập âm nhạc không chuyên của học sinh và thanh niên Hà Nội vào năm 1961. Tác phẩm “Giải phóng quân ta ra đi” mà ông viết với Triều Dâng là bước chuyển biến lớn về sáng tác của ông.
Đến với âm nhạc khá muộn và bằng con đường tự học nhưng ở ca khúc của ông nét duyên dáng, đằm thắm, trữ tình, có màu sắc riêng xuyên suốt trong cuộc đời sáng tác. "Đường Trường sơn xe anh qua" và "Bài ca đường 9 chiến thắng" là những đỉnh cao của ca khúc cách mạng thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Sau này “Những bông hoa trong vườn Bác” cũng nằm trong số những bài hát hay viết về Bác. Ông viết “Hành khúc Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh”, “Hành khúc Hội khỏe Phù Đổng” cũng rất thành công và được tặng huy chương Vì thế hệ trẻ. Trong cuộc đời với hơn 60 năm sáng tác, ông viết hàng trăm tác phẩm cho những chuyến đi sáng tác cho các ngành nghề, các tỉnh thành trên khắp mọi miền đất nước. Trong gia tài âm nhạc của ông, ông cũng còn nhiều tình ca hay, tiếc là không có điều kiện đến với công chúng.
Khi còn làm việc ở Đài, ngoài sáng tác, ông làm công việc biên tập âm nhạc và giới thiệu các sáng tác của đồng nghiệp trên sóng phát thanh. Sau này, khi ông tham gia Ban chấp hành rồi đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội thì ông cùng các nhạc sĩ: Phạm Tuyên, Hồ Quang Bình, Trương Ngọc Ninh, Lân Cường, Bá Môn... đẩy mạnh việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức, sáng tác và dàn dựng cho anh em hội viên tạo ra sân chơi bổ ích cho giới âm nhạc Hà Nội.
Mấy năm dịch dã, bạn bè thưa vắng, chẳng đi lại thăm nom được nhau, ông yếu đi nhiều. Vợ và các con yêu ông, chăm sóc ông chu đáo. Mỗi khi nhớ bạn ông lại nhờ vợ con bấm điện thoại nói chuyện. Nhưng những cuộc điện thoại thưa dần theo sức khỏe. Thái Hòa, con trai ông nói, mấy hôm trước khi ốm, bỗng ông bảo dọn dẹp nhà cửa đi mai ông Tân Huyền đến thăm đấy. Rồi ông nhiễm Covid-19 phải đi viện. Sức khỏe tốt dần, xét nghiệm âm tính, ông được cho ra viện. Cả nhà chuẩn bị đón ông về thì tối 8/3 ông lặng lẽ ra đi. Trái tim vốn không khỏe của ông cũng chọn ngày tôn vinh phụ nữ làm điểm dừng cho người nhạc sĩ cả đời yêu cái đẹp, yêu phụ nữ.
Trong lòng bạn bè, ông vẫn là chàng lãng tử ham vui. Quần bò, mũ lưỡi trai, nụ cười với ánh mắt nheo nheo tinh quái, chỉ ới một cái ông đã có mặt trong cuộc vui nào đó. Và ở thế giới nào đó, ông lại tếu táo những câu chuyện vui, lại gặp lại anh ông, nhạc sĩ Thế Song trong cuộc viễn hành.
(Viết chung với Lê Anh Thúy)
Hồng Đăng - một chân dung khác
Nhạc sĩ Hồng Đăng không chỉ sở hữu gia tài hơn 700 tác phẩm thanh nhạc, trong đó có các ca khúc nổi tiếng như: “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”, “Lênh đênh”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”... ông còn là tác giả của hơn 70 tác phẩm cho điện ảnh và nhiều tác phẩm hợp xướng, thanh xướng kịch, kịch hát, nhạc không lời. Tháng 3 năm nay, kỷ niệm 1 năm ngày mất của nhạc sĩ Hồng Đăng, cuốn sách “Chân trời gọi nắng” đã được xuất bản.
Làm nên sự thú vị của cuốn sách này, có những bài viết của nhạc sĩ Hồng Đăng về bạn bè văn nghệ mà ông thân thiết, có nhiều kỷ niệm. Có bài ông viết độc lập, có bài ông viết chung với vợ - chị Lê Anh Thúy. Nhưng dù viết chung hay viết riêng, tất cả, đều cho thấy cái tình của Hồng Đăng gửi lại.
Tinh hoa Việt xin giới thiệu một “chân dung khác” của nhạc sĩ Hồng Đăng.
T.H.V.