Ở tuổi 80, ít ai ngờ người nhạc sĩ dong dỏng cao, tay vẫn thoăn thoắt lướt trên phím đàn một cách điệu nghệ. Đâu chỉ giải trí, biểu diễn mỗi khi có dịp, ông còn trực tiếp giảng dạy một trung tâm âm nhạc lập ra đã hơn 20 năm nay. Ông là nhạc sĩ Vũ Thiên Thừa.
Vừa gặp, nhạc sĩ Vũ Thiên Thừa đã hào hứng cho biết: Trong dịp cách ly dịch Covid-19, tôi sáng tác được 2 ca khúc. Đó là “Bản tình ca 02” và “Cung đàn kỷ niệm xưa” độc tấu đàn ghi ta. Rồi ông bảo: Khi Hà Nội thực hiện giãn cách, có những ngày tôi ở nhà giải trí và luyện đàn tới 10 tiếng đồng hồ, hết chơi ghi ta lại chuyển sang violon, viola, piano.
Nhạc sĩ Vũ Thiên Thừa sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc ở Thành Nam (Nam Định) - nơi có nhà máy dệt nổi tiếng. Ông bảo từ nhỏ ông đã thấy tự hào vì nhà mình ở gần nhà của nhạc sĩ nổi tiếng Đặng Thế Phong. Ông học nhạc từ bé. Năm 1957, ông đã tham gia ban nhạc của Công Đoàn TP Nam Định. Từ đó âm nhạc đã ngấm và nuôi dưỡng tâm hồn ông. Ông vừa tham gia ban nhạc vừa tự mình tìm hiểu, học hỏi thêm về nhạc lý và một số nhạc cụ như violon, ghita...
Say nghiệp đàn, lại ở vào thời kỳ đất nước có chiến tranh nên ông nhanh chóng trở thành người chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ. Ông chính thức là nhạc công của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) năm 1961. Trong quá trình công tác tại đoàn, ông luôn luôn phấn đấu, phát huy hết khả năng của mình. Ông đã được cử đi sang Trung Quốc tập huấn và biểu diễn với vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” nổi tiếng.
Thuần thục biểu diễn đàn, nhạc sĩ Vũ Thiên Thừa bắt đầu sáng tác. Ca khúc “Hành quân giết giặc” sáng tác năm 1965, là ca khúc đầu tay của ông.
Năm 1967, nhạc sĩ Vũ Thiên Thừa tham gia đội Xung kích quân Tình nguyện Việt Nam phục vụ biểu diễn cho Chính phủ Mặt trận Lào yêu nước. Năm 1969, ông cùng với đoàn tham gia phục vụ biểu diễn ở Trường Sơn và Chiến dịch Đường 9 Nam - Lào. Giữa bom rơi đạn lạc biết bao gian khổ ông vẫn cho ra đời một số tác phẩm như “Hành quân giết giặc”, “Chiến sĩ và cây đàn”, “Ước mơ người lính”...
Về tác phẩm “Ước mơ người lính”, ban đầu Vũ Thiên Thừa viết cho đàn violon. Tác phẩm được biểu diễn nhiều lần trong các đơn vị. Những năm sau đó, nghệ sĩ Nông Bích Kim vừa học đàn tỳ bà ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ra về công tác tại Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị đã làm mới sáng tác bằng đàn tỳ bà. Tác phẩm “Ước mơ người lính” sau đó được đưa vào chương trình giảng dạy của bộ môn đàn tỳ bà trong Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam suốt mấy chục năm. Đến năm 2016, NSND Mai Phương, nghệ sĩ Thanh Thư (người viết bài này) đã dàn dựng làm mới bản nhạc không lời này bằng hòa tấu đàn tỳ bà.
Sau khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, nhạc sĩ Vũ Thiên Thừa đã có mặt ngay từ những ngày đầu để biểu diễn chào mừng Giải phóng Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Năm 1987, ông cùng với đoàn thành lập đội nhạc để tham gia Hội diễn Âm nhạc Dân tộc lần thứ nhất tại Hà Nội và đã gặt hái được rất nhiều thành công vang dội như 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 2 huy chương đồng, trong đó có 3 tác phẩm do ông biến tấu và phối khí. Năm 1988, ông lại cùng đoàn sang biểu diễn cho quân tình nguyện Việt Nam và Bắc Lào.
Trong suốt quá trình công tác, ông luôn luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý (đội trưởng đội nhạc) vừa công tác chuyên môn (phối âm, phối khí, sáng tác). Ông đã góp phần đưa Đoàn Ca múa Quân đội trở thành một đoàn ca múa nhạc vững mạnh trong toàn quân nói riêng và Việt Nam nói chung.
Trong thời gian với vai trò Đội trưởng Đội nhạc và Đoàn trưởng Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc, ông đã vinh dự biểu diễn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc, các ngày lễ lớn, các đoàn khách quốc tế, chiến sĩ trên khắp các vùng biên giới và hải đảo. Đặc biệt ông nhiều lần được biểu diễn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhạc sĩ Vũ Thiên Thừa ngoài biểu diễn 4 loại nhạc cụ violon, viola, ghita, piano, ông còn sáng tác nhiều ca khúc, nhạc không lời, nhạc múa... phối khí và dàn dựng rất nhiều tác phẩm âm nhạc. Ví như ca khúc “Chiến sĩ với cây đàn”, “Tự hào Hà Nội -Việt Nam”, “Bóng mẹ”, “Tình khúc hoàng hôn”... Ông viết nhạc cho tác phẩm múa như “Mùa xuân qua Đồng Lộc”...
Đặc biệt, ông là người học và biểu diễn nhạc cụ phương Tây nhưng với lòng say mê ham học hỏi và nhất là kinh nghiệm ngoài chiến trường cộng với tài hoa, ông đã tìm hiểu nghiên cứu về nhạc cụ dân tộc với mục đích bảo tồn, gìn giữ, phát triển âm nhạc truyền thống, ông đã cho ra đời tác phẩm âm nhạc “Tiếng sáo trên đường hành quân” (độc tấu sáo trúc).
Năm 1992, nhạc sĩ Vũ Thiên Thừa nghỉ hưu. Nhưng như tư tưởng của người lính trong “Ước mơ người lính” viết năm 1969, là mong muốn chiến tranh kết thúc, được trở về xây dựng đất nước, công hiến cho quê hương, ông tiếp tục say sưa nhiệt huyết, không ngừng sáng tác, giảng dạy và biểu diễn. Mới đây, một album của ông đã được Hồ Gươm audio phát hành với tựa đề “Tình khúc 22 Vol-1” để giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu của ông.
Rồi Trung tâm âm nhạc “Hoa sữa Ước mơ” được thành lập và duy trì hoạt động suốt hơn 20 năm nay là một minh chứng rõ nét. Với sự phát triển không ngừng, ông giảng dạy các bộ môn ghita, violon và lý thuyết cơ bản âm nhạc miễn phí cho con em thương binh liệt sĩ, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trung tâm của ông luôn thu hút được rất đông đảo mọi tầng lớp từ những em bé cho đến những người lớn tuổi tham gia theo học.
Với những đóng góp không hề nhỏ cho mọi lĩnh vực âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Vũ Thiên Thừa tự hào mình đã sống, cống hiến hết mình cho độc lập Tổ quốc, cho nghệ thuật, cho âm nhạc và sự nghiệp trồng người. Theo ông, đó mới là giá trị của cuộc sống chứ không ở các danh hiệu.