Dù năm nay đã hơn trăm tuổi, nhưng tiếng đàn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vẫn rất ngọt ngào, sâu lắng.
Bí thư tỉnh ủy Lê Minh Hoan tiếp nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo khi ông về Đồng Tháp.
Sau gần 90 năm kể từ ngày rời xa quê, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, người được xem là "báu vật sống" của nghệ thuật đờn ca tài tử đã quyết định trở về sinh sống tại nơi mình sinh ra và cống hiến quãng đời còn lại trên quê hương Đồng Tháp.
Hiện ông đang sống tại ngôi nhà do chính quyền tỉnh Đồng Tháp vận động một số doanh nghiệp và gia đình cùng nhau đóng góp xây dựng. Đây là việc làm nhằm tri ân sự đóng góp của nhạc sư đối với nền nghệ thuật của nước nhà.
Ngôi nhà tại địa chỉ số 134, đường Đinh Bộ Lĩnh mà nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh sống rộng khoảng 200m2, nằm bên dòng kênh xanh, mát rượi, yên tĩnh ở thành phố Cao Lãnh. Đây cũng là quê hương nơi nhạc sư lớn lên. Ngôi nhà này sẽ là nơi mà nhạc sư cho biết sẽtiếp tục cống hiến cho nền âm nhạc; tổ chức các buổi giao lưu nghệ thuật…
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc, nay là phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ông là nhà nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân tộc, trong đó có loại hình đờn ca tài tử; được xem là “quốc gia chi bảo” của đất nước với công lao rất lớn trong gìn giữ và làm cho đờn ca tài tử vang xa trên thế giới.
Năm 1972, ông cùng giáo sư Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa Nhạc tài tử Nam bộ cho hãng Ocora và UNESCO tại Paris (Pháp). Ông cũng được Chính phủ Pháp tặng Huy chương nghệ thuật và văn học. Ông cũng là người cải tiến cây đàn tranh từ 16 dây lên 17, 19, 21 dây.
Trong giới âm nhạc Việt Nam, có thể nói nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là người duy nhất thọ tới 100 tuổi và hiện vẫn đang tiếp tục truyền bá âm nhạc dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Mái tóc bạc phơ, phong thái ung dung, điềm đạm, ông thật cởi mở khi nói về chuyện âm nhạc dân tộc, nói về quê hương xứ sở: "Cái làm cho tôi xúc động là sự tiếp đón của người Đồng Tháp dành cho tôi. Tôi quyến luyến với quê hương xứ sở vì đây là nơi tôi sinh ra, là nơi tôi học hỏi những điều hay của những con người yêu nước, chuộng hòa bình".
Người nghệ sĩ tài hoa - một bậc thầy âm nhạc tài tử Nam bộ vẫn điêu luyện, thấm đẫm từng cung bậc cảm xúc.
Dù năm nay đã hơn trăm tuổi, nhưng tiếng đàn của ông vẫn ngọt ngào, sâu lắng. Bàn tay gầy gò của ông lướt nhanh trên cung đàn, những nốt nhạc thanh thoát được nhấn nhá mềm mại, bay bổng. Bị cuốn theo tiếng đàn mê hoặc, người nghe như trở về với những giai điệu buồn vương, tiếng lòng của những người dân đất Phương Nam.
Giờ đây, nhạc sư không thể nhớ chính xác số học trò của mình và chỉ ước tính có tới hàng trăm học trò ở khắp mọi nơi cả trong và ngoài nước. Dù ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn luôn tiếp cận những tiện ích của khoa học kỹ thuật tiên tiến trong việc truyền dạy niềm đam mê âm nhạc như dạy nhạc trực tuyến qua mạng Internet.
Anh Ngọc Ngôn, một học trò của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo nhớ lại: "Từ nhỏ tôi chỉ nghe nhạc phương Tây thôi chứ không nghe nhạc cổ của mình. Trong một lần đi công tác, nhớ nhà, tình cờ lên mạng mở được bài nhạc tài tử do thầy đàn. Nghe thấm tới tim luôn. Nhạc tài tử mình quá độc đáo. Do đó, sau khi đi công tác về, tôi đã tìm đến thầy để xin học. Đây là cơ duyên được làm học trò của thầy".
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vẫn dạy đàn cho các học trò qua mạng internet bằng hình thức trực tuyến.
Từ sự chân tìnhcủa lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp mà cách đây gần 2 tháng, nhạc sư đã quyết định trao tặng tư liệu sự nghiệp của mình cho tỉnh Đồng Tháp gồm tư liệu cách dạy đàn tranh, băng đĩa các loại, những bài báo trong và ngoài nước viết về nhạc sư, những tư liệu trao đổi qua lại giữa nhạc sư với cố Giáo sư Trần Văn Khê và các học trò, thủ bút của nhạc sư, những bài giảng, Huân chương, Bằng khen trong và ngoài nước...
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - người đã trực tiếp đến thăm nhạc sư khi còn ở TP HCM và mời ông về Đồng Tháp - cho biết thật vinh hạnh khi được một lần tiếp xúc với nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, bởi ở ông, luôn toát lên sự mẫn tuệ, tinh anh, tài hoa và luôn có niềm lạc quan trong cuộc sống.
"Tôi đến thăm gia đình nhạc sư thấy có rất nhiều bảng vàng vinh danh, từ trong nước đến nước ngoài, bản thân tôi rất ái náy. Tôi rất nặng lòng. Vì vậy, tỉnh Đồng Tháp mong nhạc sư và gia đình nhận trước lời tri ân của lãnh đạo tỉnh cũng như của bà con Đồng Tháp. Sau đó, sẽ làm nhiều việc hơn nữa để tôn vinh những con người góp phần làm rạng danh quê hương, xứ sở".
Nhạc sư trong một lần đến thăm Khu di tích Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Thật lạ lùng, cho đến nay khi đã bước qua cái tuổi 100, ngón đàn tranh, đàn cò, đàn kìm của người nghệ sĩ tài hoa - một bậc thầy âm nhạc tài tử Nam bộ vẫn điêu luyện, thấm đẫm từng cung bậc cảm xúc...
Trò chuyện cùng ông, người nghe có cảm giác vui sướng và khâm phục khi khám phá được “một quyển bách khoa sống”. Với Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, cuộc sống vô cùng giản dị, vô tư và bao dung. Cả một cuộc đời nghiên cứu về âm nhạc dân tộc và dạy đàn, nhưng ông không bao giờ thích quảng bá về mình. "Tôi hãnh diện là người con của Đồng Tháp. Làm gì tôi cũng nhớ tôi là người Đồng Tháp chứ không phải nhớ tên mình là Vĩnh Bảo. Cái tên mình người ta có thể quên được, nhưng Đồng Tháp thì không".
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho đờn ca tài tử Nam bộ.
Trong biết bao câu chuyện kể về những thăng trầm của đời mình, người nghe cảm nhận ở nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - một "cây đại thụ" - nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, những kiến thức uyên bác mà ông tích lũy cả đời người. Còn bản thân nhạc sư, ông chỉ tự ví mình như người cộng tác với người đương thời, nơi nương tựa của hậu thế, sẵn sàng chia sẻ những gì đã học, đã biết cho tất cả mọi người, không phân biệt già trẻ, màu da.