Tại hội nghị cấp cao vừa rồi của nhóm BRICS ở Goa (Ấn Độ), thủ tướng nước này Narendra Modi đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ cáo buộc nặng nề Pakistan tiếp tay và dung túng khủng bố chống Ấn Độ.
Lãnh đạo 5 quốc gia thành viên tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 8.
Việc ông Modi làm găng với Pakistan không phải mới và bất ngờ vì trước đó ông Modi đã có nhiều phát biểu và động tác thể hiện quan điểm và chủ ý như thế.
Nhưng vì Trung Quốc là đồng minh và đối tác thuộc diện quan trọng hàng đầu của Pakistan mà ông Modi lại cáo buộc Pakistan gay gắt như thế trước sự hiện diện của Trung Quốc nên tác động của chuyện này hoàn toàn khác.
Ông Modi vừa nhằm trực diện vào Pakistan lại vừa làm phép thử Trung Quốc.
Chống khủng bố là một trong những chủ đề nội dung chính của hội nghị cấp cao này của BRICS nói riêng và trong hoạt động của BRICS nói chung mà Trung Quốc không thể không đồng tình vì lợi ích riêng cũng như vì vai trò trong BRICS.
Ông Modi đẩy Trung Quốc vào tình thế khó xử khi vừa không thể không ủng hộ Ấn Độ chống khủng bố lại vừa không muốn Pakistan bị ảnh hưởng.
Cùng hội cùng thuyền với Ấn Độ trong BRICS thật đấy nhưng Trung Quốc không hùa theo những nỗ lực của ông Modi cô lập Pakistan ở khu vực và đổ trách nhiệm cho Pakistan gây nên tình trạng mất an ninh và ổn định, xung đột vũ trang ở khu vực Kashmir và khủng bố chống Ấn Độ.
Ông Modi chủ ý tận dụng việc tổ chức hội nghị cấp cao này của BRICS để tạo cảm nhận là BRICS ủng hộ Ấn Độ trong chuyện đối phó với nguy cơ khủng bố từ phía Pakistan nói riêng và trong quan hệ giữa Ấn Độ với Pakistan nói chung.
Cũng bằng cách ấy, ông Modi có thể nhận biết được Trung Quốc hành xử như thế nào khi ở giữa Ấn Độ, Pakistan và BRICS.
Tương tự như vậy, nhưng ở mức độ thấp hơn, là phép thử Nga.
Đáp lại, Trung Quốc và Nga tìm cách tránh bị sa vào tình thế khó xử bằng việc đưa ra ưu tiên trao đổi khác và im lặng về Pakistan.
Nhưng không thể hiện thái độ cũng là thể hiện thái độ.