Tại phiên chất vấn trước Tòa án Quốc tế Xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) ngày 6/1, nhân chứng Theng Phon cho biết Khmer Đỏ đã đi kiểm tra từng nhà, bắt giữ và giết hại những người Việt Nam tại tỉnh Prey Veng, Campuchia.
Các nhà báo theo dõi phiên tòa xét xử tội ác Khmer Đỏ
qua màn hình tại trụ sở ECCC hồi năm 2014.
Ông Theng Phon là một trong 10 nhân chứng được ECCC gọi ra tòa để làm rõ về những tình tiết có liên quan đến những tội ác mà Khmer Đỏ đã gây ra đối với những người Việt Nam sống dưới chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Tại phiên chất vấn, nhân chứng Theng Phon cho biết Khmer Đỏ đã đi kiểm tra từng gia đình có chồng hoặc vợ là người Việt Nam để bắt bớ và giết hại. Có 3 gia đình đã bị bắt giữ do trong nhà chỉ có một thành viên là người Khmer. Theo ông Theng Phon, nếu bố là người Việt Nam, mẹ là người Khmer, thì Khmer Đỏ chỉ bắt bố còn giữ lại mẹ người Khmer và người con. Nhưng nếu bố là người Khmer, thì Khmer Đỏ bắt mẹ là người Việt Nam và người con mang đi giết hại. Nhân chứng cho rằng nguyên nhân là do Khmer Đỏ cho rằng người con được người mẹ Việt Nam sinh ra và cho bú sữa nên có dòng máu Việt Nam.
Người phát ngôn ECCC cho biết ECCC tiếp tục mở phiên chất vấn vào ngày 8-1 để nghe một số nhân chứng mới trình bày về những hành vi tội ác của Khmer Đỏ đối với người dân tộc Chăm.
Tính đến ngày 6/1, ECCC đã tiến hành thẩm vấn và chất vấn trên cơ sở hồ sơ 002/02, với tổng cộng 127 ngày, nghe 55 nhân chứng trình bày trước tòa. Theo kế hoạch hồ sơ 002/02 sẽ kết thúc việc thẩm vấn vào cuối quý III-2016 và kết thúc chất vấn vào quý IV-2016.
Trước đó, năm 2010, ECCC đã kết án tù chung thân đối với Dutch, cựu Giám đốc nhà tù Toul Sleng vì phạm tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng. Năm 2014, ECCC kết án tù chung thân đối với các cựu thủ lĩnh chế độ Khmer Đỏ là Nuon Chea và Khieu Samphan về các tội ác chống lại loài người.
Trong năm 2015, ECCC đã điều tra và buộc tội 5 cựu quan chức Khmer Đỏ khác gồm Xu Meng, Ao An, Yim Tith, Meas Muth và Im Chaem về những tội ác chống lại loài người hay vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền.
ECCC được Liên hợp quốc bảo trợ, thành lập từ năm 2006, với mục đích tìm lại công lý cho các nạn nhân dưới chế độ Khmer Đỏ tại Campuchia từ năm 1975-1979.