Muốn xử lý một hành vi sai, cần một chế tài xử phạt hữu hiệu. Lý thuyết chung là thế. Nhưng với lứa tuổi học sinh đang hình thành và hoàn thiện nhân cách, khen hay chê, thưởng hay phạt đều mang ý nghĩa giáo dục và phải có tác dụng như nhau. Có một nhà nghiên cứu đã nói với chúng tôi rằng ông đang mong mỏi có một “đoàn người Việt mới” (chữ dùng của Văn Cao) được hình thành theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khóa 11): “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng c
Để có một thế hệ trẻ người Việt lớn lên mang đầy đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng cho thời đại mới, phải giải quyết thấu đáo căn cơ, gốc rễ các vấn đề đặt ra trong xây dựng con người hiện nay. Đó nhất định phải là sự đổi mới, hiện đại hóa phương pháp tư duy nhằm thích ứng với sự phát triển. Có thể lấy ví dụ về quy định mới đây của Hà Nội về việc hạ hạnh kiểm hoặc đình chỉ học 1 tuần đối với những học sinh vi phạm luật giao thông làm ví dụ về một tư duy giáo dục cũ, không thích hợp với thời đại mới. Cách xử phạt bằng đuổi học (dù phạm lỗi vì lý do gì) là cách chối bỏ trách nhiệm của các nhà giáo dục. Có thể đối với xã hội trước đây đó là phương pháp tốt (ví như trước đây không được đi học là đau khổ đối với học sinh, không đến trường bố mẹ vẫn quản lý được ở nhà và thời gian ở nhà là để hối lỗi) nhưng với thời đại hiện nay, khi cám dỗ bủa vây ngoài cổng trường thì việc phạt bằng cách không cho học sinh đến trường là một phương pháp giáo dục sai lầm. Nghỉ học một tuần là đủ thời gian để đưa một đứa trẻ trượt sâu hơn vào những mê lộ của cuộc đời.
Cũng liên quan đến xử phạt, có những trường đại học ở TP Hồ Chí Minh dọa hạ hạnh kiểm sinh viên vì chưa mua bảo hiểm y tế. Cho dù bảo hiểm y tế là bắt buộc, thì đó cũng là một sự xử phạt chưa chính đáng, nhất là khi nó được quy vào phạm trù hạnh kiểm. Đạo đức và phẩm chất của học sinh, không liên quan nhiều lắm đến việc mua bảo hiểm y tế hay không khi chính các em chưa làm ra tiền để tự đưa ra quyết định đóng tiền bảo hiểm. Giáo dục là để nâng con người lên, làm cho họ tốt hơn, không phải để vùi dập nhân cách họ vì những lí do hành chính.
Cách xử phạt bằng đuổi học (dù phạm lỗi vì lý do gì) là cách chối bỏ
trách nhiệm của các nhà giáo dục. (Ảnh: Hoàng Long).
GS Hoàng Xuân Sính có kể thời bà đi học ở nước Pháp, một lần vào mùa đông, bà đánh rơi găng tay ở sân trường, thầy hiệu trưởng là một viện sĩ đã nhặt được. Khi bà đi đến nơi, thầy hiệu trưởng ngả mũ chào cô sinh viên người Á đông là bà rồi đưa trả lại găng tay.
Bà Sính bảo rằng hành động ngả mũ chào của thầy hiệu trưởng đã khiến bà với tâm lý tự ti của một người Việt Nam (lúc đó nước Pháp còn chưa đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam) đã trở nên tự tin hơn rất nhiều. Bà nói: “Được tôn trọng cho tôi sự tự tin”.
Đó là một ví dụ điển hình của giáo dục, nghĩa là làm cho người khác tốt lên. Trẻ em ngày nay đang sống giữa cơn lốc của cám dỗ, trong lúc các em còn chưa đủ sức để nâng cao sức đề kháng của cơ thể mình, chúng ta có nên tách các em ra khỏi môi trường giáo dục, cho dù là chỉ một tuần? Một tuần ấy các em không có thời gian để ngồi sám hối mà sẽ bị nuốt chửng bởi trò chơi điện tử, mạng xã hội, quán cà phê và tệ hơn, là đi hoang, nghiện hút. Vi phạm kỷ luật thì bị xử phạt, nhưng hình thức xử phạt thế nào thì chính là giáo dục, để người có lỗi vẫn được nâng lên, được tôn trọng, được tự tin để phát triển.
Xem ra, câu chuyện ứng xử thế nào với học sinh có lỗi (không phải chỉ là lỗi vi phạm luật giao thông) xử lý thế nào để đủ sức răn đe đối với những học sinh cá biệt mà vẫn giữ lại được một con người, cho các em một con đường để được bước vào cuộc đời rộng mở vẫn là vấn đề còn phải có nhiều tranh luận thì tìm ra phương pháp tốt nhất.
Xử phạt lỗi vi phạm giao thông chỉ là một ví dụ, còn nhiều ví dụ khác, câu chuyện khác cho thấy những lo ngại trong công cuộc chăm lo và bồi đắp nhân cách cho một thế hệ “người Việt mới”. Thầy thế nào, môi trường xã hội ảnh hưởng thế nào trong việc hình thành nhân cách các em? Giả dụ như chúng ta lý giải nghỉ học một tuần là hình phạt nghiêm khắc cho nhiều lần vi phạm lỗi giao thông của các em, nhưng có người lớn nào bị phạt nghỉ làm vì vi phạm lỗi giao thông không?
Câu chuyện về một kẻ làm thầy ở Nghệ An bị tố cáo là “sàm sỡ” học sinh nữ đang là một câu chuyện cực kỳ đau lòng. Nếu một xã hội không có người lớn vi phạm luật giao thông tất yếu sẽ rất hiếm trẻ em vi phạm luật giao thông. Nếu môi trường gia đình – nhà trường – xã hội khỏe khoắn, trong lành, tâm hồn và đạo đức các em tất cũng ít bị vẩn đục.
Để có một thế hệ trẻ em mới lớn lên với những phẩm chất và năng lực mới, đáp ứng được đòi hỏi của một thời đại mới cần có một chiến lược thay đổi tư duy trong giáo dục. Việc đầu tiên trong việc hoàn thiện một nền văn hóa chính là việc phải hoàn thiện con người về mặt nhân cách. Việc của người lớn là tạo ra một môi trường lành mạnh để các em phát triển toàn diện, không gì tốt bằng bộ lọc và kháng thể của mỗi cá nhân để bảo vệ đời sống văn hóa tinh thần trong môi trường cộng đồng hiện nay.
Thời đại đang có quá nhiều điều mới mẻ để có thể thích ứng và hình thành hệ giá trị sống, cư xử, ứng phó trong đời sống. Cần một thế hệ người lớn suy nghĩ thấu đáo hơn trong khi áp dụng phương pháp giáo dục với các em. Và quan trọng hơn hết thảy, cần sự tử tế được thanh lọc từ chính những người lớn. Cần xử phạt nghiêm minh đối với người lớn khi người lớn có lỗi với các em, hơn là nghĩ rằng xử phạt các em thật nặng khi các em có lỗi.