Sáng 11/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì hội thảo; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án, phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, 6 tháng qua Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã khẩn trương triển khai nhiều hoạt động, huy động các cơ quan, cả hệ thống chính trị tham gia nghiên cứu tổng kết, đề xuất các nội dung 27 chuyên đề của Đề án.
Nêu một số thành tựu cơ bản của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã thẳng thắn chỉ rõ: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới”.
Biểu hiện cụ thể là: Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, đồng bộ, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ. Phân công, phân cấp, phân quyền, còn thiếu vế rất quan trọng là đi đôi với phân bổ ngồn lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì phân cấp phân quyền mới hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu dự hội thảo nêu ý kiến thẳng thẳng, làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn đối với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay.
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, việc xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” là nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra. Khi được hoàn thiện và triển khai thực hiện, Đề án có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Nhà nước pháp quyền là tri thức, giá trị tiến bộ của nhân loại đã được đúc kết và khẳng định qua lịch sử hàng trăm năm.
Chủ tịch nước đánh giá cao các nhà khoa học, chuyên gia đã có những đóng góp tâm huyết quan trọng đối với Đề án và có sự thống nhất cao về những vấn đề cốt lõi của xây dựng Nhà nước nước pháp quyền tại nước ta.
Chủ tịch nước nêu rõ: “Pháp quyền”, “Nhà nước pháp quyền” là những giá trị có tính phổ quát trên thế giới, cả trong nghiên cứu lý luận và thực tiễn chính trị, thực tiễn lý luận pháp lý, tinh hoa nhân loại.
Ở Việt Nam, những giá trị cốt lõi của Nhà nước pháp quyền về chủ quyền nhân dân, về tư tưởng đề cao giá trị công bằng, công lý, quyền con người đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới từ những ngày đầu lập quốc; trở thành tư tưởng xuyên suốt của Cách mạng Việt Nam; thể hiện trong nhiều bài viết, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp của đất nước.
Những tư tưởng đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt về xây dựng Nhà nước pháp quyền, được thể hiện rõ trong Cương lĩnh 1991 sửa đổi, bổ sung 2011 và đường lối chính sách sau hơn 30 năm đổi mới và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Chủ tịch nước khẳng định, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện có đầy đủ cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn, là sự vận dụng sáng tạo, hợp lý tri thức về Nhà nước pháp quyền của thế giới vào thực tiễn Việt Nam, vừa mang đầy đủ những giá trị phổ quát, chuẩn mực của một Nhà nước pháp quyền, vừa mang những nét đặc thù chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam. Đó cũng là sự đổi mới tư duy lý luận về Nhà nước của Đảng, từ tư duy lý luận về Nhà nước chuyên chính vô sản sang tư duy lý luận Nhà nước pháp quyền XHCN.
Theo đó, các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là: Nhân dân là nguồn gốc, là chủ thể quyền lực của Nhà nước, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, thực hiện dân chủ XHCN. Nhà nước tôn trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tôn trọng các cam kết quốc tế với tư cách là một thành viên. Quyền lợi đi liền với nghĩa vụ; dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, qua các văn kiện và tinh thần xây dựng Nhà nước pháp quyền, có thể khẳng định, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu của Nhà nước Việt Nam, là nguyện vọng, sự lựa chọn của nhân dân, phù hợp với các xu hướng phát triển Nhà nước, của đất nước ta với tình hình thế giới, đã được Đảng ta cân nhắc kỹ để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mô hình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nước ta.
Chủ tịch nước cũng nhắc lại các tham luận, nội dung thảo luận trong Hội thảo đã tập trung vào những vấn đề còn đang chưa rõ, chưa sâu, chưa toàn diện, là nguyên nhân tạo nên những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thời gian qua.
Nhấn mạnh đây là những phân tích, luận giải thỏa đáng và có tính thuyết phục cao, Chủ tịch nước yêu cầu Tổ Biên tập Đề án nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu trong xây dựng Đề án.