TS Khúc Năng Toàn, Phó trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, hiện tượng bạo lực học đường xuất phát từ “sự mất cân bằng quyền lực” giữa các học sinh và các nhóm học sinh.
Hành vi bắt nạt cũng có thể “lây lan”
Tuy nhiên, không hẳn bắt nạt học đường chỉ xảy ra giữa một bên mạnh hơn, lớn hơn với một bên nhỏ hơn, yếu hơn. “Khái niệm quyền lực ở đây mang tính chất tương đối, chẳng hạn bạn to lớn hơn thì có quyền lực về mặt thể chất đối với bạn nhỏ nhưng không có nghĩa bạn đó có quyền lực tuyệt đối so với bạn nhỏ hơn. Có thể bạn nhỏ hơn nhưng thông minh, lanh lợi hơn thì có quyền lực lớn hơn về mặt trí tu, nhận thức, hoặc bạn đó có đông bạn bè hơn thì có uy quyền hơn về mặt xã hội”- TS Khúc Năng Toàn nói.
Còn theo TS Vũ Thu Trang, giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), bên cạnh sự cạnh tranh về quyền lực còn có những nguyên nhân khác. Hành vi bắt nạt không phải bẩm sinh, trẻ học theo hoặc bị ảnh hưởng từ người trong gia đình, bạn bè, mạng xã hội… và các em áp dụng để xử lý vấn đề của mình. Có trẻ bị bắt nạt coi đây là cách giải quyết vấn đề hiệu quả và đến lượt mình, khi ứng xử với những người có quyền lực thấp hơn, trẻ cũng áp dụng để mong đạt mục tiêu mong muốn.
Một nguyên nhân khác khá phổ biến, theo bà Trang còn do trẻ mất bình tĩnh, mất tự chủ, gây hấn, bắt nạt người khác. Khi đó, trẻ nghĩ rằng hành vi như vậy giúp giải quyết được vấn đề và có thể sẽ lặp lại sau này.
Về mặt hình thức, có thể chia thành bắt nạt vật chất, thể chất và tinh thần. Bắt nạt về mặt tinh thần là hình thức bắt nạt tinh vi hơn, khó nhận biết hơn như hành động cô lập bạn học, tung tin đồn thất thiệt… Đối mặt với những cơn sóng ngầm này, phụ huynh và giáo viên rất khó nắm bắt dù hệ quả mà bắt nạt học đường gây ra cho nạn nhân là rất lớn, không chỉ khiến học tập giảm sút mà còn tác động tiêu cực đến nhận thức xã hội, tâm lý, dẫn đến hành vi không tốt sau này.
Trẻ chứng kiến hành vi bắt nạt có khả năng trở thành người bắt nạt vì học theo, lặp lại những hành vi đã thấy. Ngoài ra, “một số học sinh chứng kiến hành vi bắt nạt nghiêm trọng có thể bị ám ảnh, từ đó lo lắng, sợ hãi mình cũng bị bắt nạt như vậy”, bà Trang nói.
Nhận diện để ngăn chặn
Theo bà Trang, với thầy cô giáo không có chuyên môn tâm lý học đường, để nhận diện bắt nạt học đường, cần chú ý dấu hiệu học tập sa sút, giảm động lực, mất tập trung, thậm chí không muốn đến trường vì phải đối mặt với những kẻ bắt nạt. Bên cạnh đó, trẻ tỏ ra căng thẳng, sợ hãi, chán chường, uể oải… trong lớp hoặc ở nhà.
Thầy cô giáo cần chú ý đến biểu hiện của học sinh để phát hiện những nguy cơ, hỗ trợ kịp thời nạn nhân hoặc có biện pháp xử lý đối tượng bắt nạt. Có thể nhắc nhở, cảnh cáo, yêu cầu học sinh không vi phạm nếu không sẽ có các hình thức kỷ luật. Tuy nhiên, đây chỉ là cách giải quyết phần ngọn của vấn đề do tập trung vào phản ứng khi bắt nạt học đường xảy ra thay vì tìm cách loại bỏ, ngăn chặn ngay từ đầu.
“Chúng ta xử lý hành vi bắt nạt nhưng chưa thực sự coi trọng việc hỗ trợ đối tượng bị bắt nạt. Ngay lúc đó, học sinh có thể không bắt nạt bạn nữa nhưng ở một góc khuất của trường, rất có thể hành vi đó lại tiếp diễn hoặc diễn ra dưới hình thức tinh vi hơn”- bà Trang nói.
Để ngăn chặn, giảm thiểu bắt nạt học đường, nhiều ý kiến cho rằng, quan trọng hơn cả là dạy học sinh cách yêu thương, chia sẻ, “lấy cái đẹp đè bẹp cái xấu”, để trẻ biết cư xử đúng mực, bình tĩnh tìm phương án giải quyết trong mỗi tình huống xảy ra thay vì dùng bạo lực.
Khi nhận thấy dấu hiệu, nguy cơ, theo TS Khúc Năng Toàn, giáo viên cần ngay lập tức hành động để dập tắt tình huống bắt nạt. Sau đó, giáo viên phải xem xét xem ảnh hưởng của hành vi đó đối với học sinh yếu thế như thế nào. Cần chú ý hướng dẫn học sinh có hành vi bắt nạt cách ứng xử đúng đắn, tôn trọng sự khác biệt của người khác. Nhà trường và phụ huynh cần giám sát hành vi của học sinh để đảm bảo không xảy ra các hành vi bắt nạt tiếp theo.
Theo TS Vũ Thu Trang, giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), trẻ chứng kiến hành vi bắt nạt có khả năng trở thành người bắt nạt vì học theo, lặp lại những hành vi đã thấy. Ngoài ra, “một số học sinh chứng kiến hành vi bắt nạt nghiêm trọng có thể bị ám ảnh, từ đó lo lắng, sợ hãi mình cũng bị bắt nạt như vậy”.