Văn hóa

Nhận diện Hà Nội

CẨM THÚY 06/10/2024 08:33

Hà Nội 1 tháng sau bão Yagi, cafe Bốn Mùa sát mép Hồ Gươm đẹp đến nao lòng. Dường như không còn chút nào của cây đổ, của bão, của gió bời bời vừa mới hôm nào. Những mầm xanh từ những thân cây bị bão quật ngã giờ đã bật ra, lộng lẫy.

thay.jpg

Không phải đến hôm nay khi Hà Nội đẫm không khí thu, khi cái sức sống Hà Nội lại bừng lên mạnh mẽ mới có cảm giác ấy. Đêm hôm trước bão Yagi lồng lộn gào thét trên những mái nhà, buổi sáng hôm sau khi đi một vòng quanh các đường phố Hà Nội, trong bề bộn cây xanh đổ ngổn ngang, tôi đã có ngay ý nghĩ rằng dù có thiệt hại thật, chỉ vài hôm nữa thôi, Hà Nội lại vươn mình kiêu hãnh. Nhớ những câu thơ mang hồn cốt Hà Nội của nhà thơ Phan Vũ, sau những đêm bom B52 rải thảm xuống Thủ đô, người Hà Nội vẫn “còn một viên gạch còn trở về nhà cũ”...

Trong một buổi sáng đẹp bên Hồ Gươm, chúng tôi nói về những câu chuyện của Hà Nội. PGS.TS Bùi Chí Trung – một người gốc phố cổ duy mỹ gọi đó là sự lạc quan, tính thích ứng của người Hà Nội. Chúng tôi cũng nói về việc người Hà Nội biết gói ghém cái khó khăn vào, vượt qua nó, không phàn nàn không kêu ca, không muốn để người ngoài nhìn thấy. Kiểu dù nghèo ra phố vẫn phải ăn mặc tươm tất.

Đấy là câu chuyện bên cạnh Hồ Gươm, về đất và người Kẻ chợ trong cái vùng lõi Hà Nội. Chứ còn Thủ đô hôm nay có người của Thăng Long - Hà Nội hơn 1000 năm văn hiến yêu nước, giàu tri thức, thanh lịch, hào hoa của một “miền văn hóa Hà Nội”. Lại có Hà Nội của người ở Hà Nội sống trong không gian hành chính, sống với miền văn hóa khác. Một Hà Nội căn cốt, tinh hoa, gốc xưa Thăng Long - Hà Nội của người nhiều đời sinh sống ở vùng đất địa linh nhân kiệt này. Sau đó là Hà Nội đương đại của những người hiện đang sống ở Hà Nội. Lại còn một Hà Nội của người dân ở mạn Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức… và người nông dân chất phác thuộc châu thổ sông Hồng, sông Đáy của Hà Tây mới sát nhập trong không gian hành chính Hà Nội với những giá trị văn hóa khác, miền văn hóa đặc sắc khác như xứ Đoài chẳng hạn.

Cho nên, bây giờ tính như nào là người Hà Nội không quan trọng, quan trọng là người có ý thức về người Hà Nội. Chuyện này nói nhiều quá rồi. Hà Nội có nhiều thứ để tiếc nuối, đặc biệt là về không gian và quy hoạch kiến trúc. Khi những phần không gian công cộng đang ngày càng bị thu hẹp lại. Hồ Tây, Hồ Gươm đã bé dần đi. Vừa rồi rộ lên tin hồ Đống Đa đang bị san lấp. Lại nhớ đề án quy hoạch kiến trúc về không gian Hồ Gươm của KTS Hoàng Thúc Hào từng đoạt giải Nhất Cuộc thi tìm ý tưởng cho không gian Hồ Gươm mà Hà Nội tổ chức. Trao giải xong thì để đấy. Nhưng ít ra thì có thời các nhà lãnh đạo thành phố cũng là mong muốn tìm ra một ngôn ngữ quy hoạch cho không gian công cộng Hà Nội. Giá những việc này làm được, khu vực quanh Hồ Gươm biết đâu đã có một gương mặt khác. Và nhất là không thể để như vừa rồi, khi vài tháng người ta lại dựng những gian hàng quanh hồ, bày bán nhếch nhác thượng vàng hạ cám. Phố đi bộ bỗng như là hàng xén...

Giờ nghĩ khó thấy có thể làm như Hoàng Thúc Hào từng mong muốn, bảo tồn hình thái khu phố cổ phía Bắc, nhà lô phố Pháp phía Nam, gìn giữ và chỉnh trang cấu trúc nhà trải dài theo mặt phố Lê Thái Tổ. Chỉnh trang tổng thể hồ Gươm tuân thủ nguyên tắc bảo đảm tương quan tỷ lệ hợp lý giữa các công trình, các trục không gian và không gian mở với kích thước và cấu trúc mặt hồ. Hình thái Hà Nội đặc trưng riêng bởi hệ thống hồ ao, sông ngòi. Và đặc biệt là việc kiến tạo những không gian mở quanh hồ Gươm như là điển hình cho quá trình nhận diện thương hiệu...

Những ước mơ một thời của các kiến trúc sư là kiến trúc hồ Gươm cần phải được trân trọng, gìn giữ như báu vật của đô thị, từ những hàng cây xanh cổ thụ đến các kiến trúc nhỏ mang dấu ấn lịch sử như Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Bút – Đài Nghiên, đền Bà Kiệu… Các kiến trúc công cộng, trụ sở làm việc và nhà phố ở khu vực xung quanh, đặc biệt là đoạn từ tòa nhà Trung tâm Bưu điện đến đền Bà Kiệu chạy vòng theo đường Đinh Tiên Hoàng, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, cho đến hết phố Lê Thái Tổ, Hàng Khay phải được chỉnh trang mang ngôn ngữ của không gian đô thị cẩn trọng, khoa học, nghệ thuật, mang tính nhân văn.

Hà Nội hiện đại lên nhưng nếu không còn giữ được không gian mặt nước, cây xanh đô thị, đặc biệt là ở phần lõi, chúng ta nhận diện Hà Nội bằng gì?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhận diện Hà Nội