Theo GS Trần Đình Sử, thế hệ nhà văn sau năm 1975 xuất hiện để giã từ những tín điều đã lỗi thời và tiếp thu tìm tòi những nguyên tắc nghệ thuật hiện đại.
Các đại biểu tham dự hội thảo "Thế hệ nhà văn sau 1975".
Ngày 28/4, tại Hà Nội, Trường ĐH Văn hóa đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Thế hệ nhà văn sau 1975”.
Phát biểu tại Hội thảo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia và coi đây là một hoạt động khoa học hết sức có ý nghĩa đối với công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học…
Theo ông Thiện, những hoạt động hội thảo quy mô cấp quốc gia như thế này chính là hướng tới tăng cường chuyên môn của đội ngũ cán bộ giảng dạy, đồng thời góp phần thúc đẩy những tìm kiếm, nhận thức mới trong hoạt động khoa học xã hội nhân văn và lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung của cả nước”.
Quang cảnh hội thảo.
Tại hội thảo, với 85 tham luận đã hướng đến việc nhìn nhận, đánh giá kĩ càng hơn các lớp sóng văn chương trong giai đoạn đất nước tiến hành đổi mới toàn diện từ 1986 đến nay.
Mặc dù công cuộc đổi mới văn học được làm nên bởi nhiều nhà văn thuộc cả thế hệ trước và sau 1975, nhưng theo quan điểm của Hội thảo, lực lượng chính, đông đảo nhất và trực tiếp kiến tạo những giá trị mới, đặc biệt là hệ mỹ học mới, lại chủ yếu thuộc về những người xuất hiện, khẳng định tên tuổi sau 1975.
Sẽ không thể khách quan, hệ thống như lẽ ra cần thiết phải vậy nếu không để tâm nhìn lại diện mạo, tiếng nói của thế hệ nhà văn sau 1975, dù đây đó, trong khi bàn về văn học Đổi mới, những nét sơ lược chân dung của họ cũng đã được phác thảo.
Các tham luận trước hết tập trung nhận diện những đặc điểm, tiến trình vận động và thành tựu của thế hệ nhà văn sau 1975.
Theo GS Trần Đình Sử, “thế hệ nhà văn xuất hiện trên văn đàn sau năm 1975 là lớp người đóng góp lớn nhất cho sự nghiệp đổi mới văn học. Họ xuất hiện là để làm mới văn học, là đưa văn học sang giai đoạn mới. Họ không có gì để giữ gìn, trì kéo, không có gì để mất. Họ xuất hiện để giã từ những tín điều đã lỗi thời và tiếp thu tìm tòi những nguyên tắc nghệ thuật hiện đại, đi tìm những mĩ học mới và khác làm phong phú cho văn học dân tộc”.
Cũng theo TS Chu Văn Sơn, khác với thế hệ thời chiến “tìm cái bình thường trong cái bất thường. Bình thường hóa cái bất thường chính là sự phi thường” thì mĩ học của thế hệ sau 1975 là “phát hiện cái bất thường trong cái bình thường”.
Vì thế, thế hệ này “không ưu tiên ca ngợi hiện thực, mà ưu tiên tra vấn hiện thực. Do tinh thần tra vấn hiện thực mà khuynh hướng sử thi nhạt dần, nhường chỗ cho khuynh hướng thế sự và đời tư, cảm hứng lãng mạn thoái vị nhường ngôi cho cảm hứng phản tư, đối thoại”.
Những thay đổi tư duy mĩ học kéo theo sự thay đổi mạnh mẽ hệ thống thi pháp và thể loại...
Cùng với các hoạt động chuyên môn chính, Hội thảo cũng đã hoàn thành cuốn sách “Thế hệ nhà văn sau 1975: Diện mạo và Thành tựu”. Cuốn sách được Hội đồng khoa học của Hội thảo tuyển chọn, biên tập từ các tham luận, do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành.
Hoàng Minh