Thời gian qua, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) phát hiện nhiều trường hợp trong độ tuổi thanh thiếu niên có hành vi vi phạm khi tham gia giao thông.
Cụ thể, từ ngày 15/12/2022 đến 28/3/2023, theo thống kê của Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP Đông Hà, đơn vị này phát hiện, xử lý 66 trường hợp thanh thiếu niên, học sinh (22 nữ, 44 nam) vi phạm Luật Giao thông. Trong đó, đơn vị xử phạt cảnh cáo 21 trường hợp từ 14-16 tuổi; phạt vi phạm hành chính 22,5 triệu đồng với 45 trường hợp từ 16 đến dưới 18 tuổi; phạt 66 trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện với số tiền 92,4 triệu đồng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Hữu Huyện - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo phòng GDĐT các địa phương, các nhà trường tăng cường giáo dục, răn đe học sinh. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận có tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông với các lỗi chủ yếu: Lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm…
Ông Huyện cho biết thêm, thời gian tới, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các phòng GDĐT, ban, nhà trường phối hợp với công an, chính quyền địa phương ký cam kết với phụ huynh không cho học sinh chưa đủ tuổi sử dụng mô tô, học sinh phải đội mũ bảo hiểm, không vi phạm Luật Giao thông… Đặc biệt, khi công an thông báo các trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông, nhà trường sẽ phối hợp với phụ huynh giáo dục, răn đe.
Nhà trường không thể quản lý học sinh khi đã rời khỏi trường. Vì vậy, theo ông Huyện, các bậc phụ huynh cần nâng cao trách nhiệm quản lý, giáo dục con em, tránh để xảy ra những sự việc đáng tiếc.
TS Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng khoa Khoa Tâm lý - Giáo dục (Trường Đại học sư phạm - Đại học Huế) cho biết, hành động tụ tập, nẹt pô, lạng lách đánh võng, thậm chí là khiêu khích lực lượng Cảnh sát giao thông của một bộ phận thanh thiếu niên… là những hành vi lệch chuẩn, rất dễ gây nguy hiểm cho bản thân, cho người khác và cần được uốn nắn, điều chỉnh.
Theo ông Hùng, có 2 nguyên nhân dẫn đến hành vi lệch chuẩn trong độ tuổi vị thành niên. Trong đó, trước hết, xuất phát từ mâu thuẫn trong chính đặc điểm tâm lý; cụ thể, ở độ tuổi này, các em nhận thức chưa đầy đủ về hậu quả mà hành vi sai lệch của bản thân có thể gây ra, chưa biết cách thể hiện bản thân, tuy nhiên, đây cũng là độ tuổi rất dễ bị kích động, thích thể hiện bản thân và muốn gây sự chú ý cho người khác.
Cùng với đó, sự quan tâm, chia sẻ, động viên chưa đầy đủ, kịp thời của gia đình, nhà trường và xã hội đối với những thay đổi, khó khăn mà các em gặp phải; việc áp dụng phương pháp giáo dục chưa phù hợp, có quá ít các hoạt động lành mạnh để các em tham gia; không tham gia học tập một cách nghiêm túc hoặc kết quả học tập không tốt cũng là nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện các hành vi lệch chuẩn.
Theo đó, ông Hùng cho rằng, thay đổi hành vi lệch chuẩn của các em trong độ tuổi thanh thiếu niên là cấp thiết và cần xuất phát từ trong nhận thức. Trong đó, trước tiên, người lớn cần tôn trọng sự trưởng thành, những nét tâm lý riêng biệt của con em mình. Không đem bạn bè cùng trang lứa ra làm hình mẫu và gượng ép con em mình phải thực hiện theo. Cha mẹ cần dành thời gian để trò chuyện, quan sát con nhiều hơn; từ đó, nắm bắt, nhận diện những biểu hiện bất thường trong thay đổi tâm sinh lý của con em mình và có sự hỗ trợ kịp thời để các em phát triển đúng đắn, toàn diện.
Đồng thời, gia đình, nhà trường cần hỗ trợ, bổ sung cho các em những kiến thức về an toàn về giao thông, chỉ cho các em thấy được những hậu quả do hành vi đua xe, lạng lách đánh võng… gây ra với bản thân và những người xung quanh.
“Gia đình phải là nơi để các em cảm nhận được sự yêu thương, che chở, cảm nhận được hạnh phúc mỗi khi về nhà… như vậy mới có thể giúp các em thoải mái bộc bạch những khó khăn, khúc mắc đang gặp phải trong quá trình phát triển của mình; đón nhận lời khuyên, sự hỗ trợ giải quyết vấn đề từ người lớn và hạn chế được các hành vi lệch chuẩn không đáng có” – TS Nguyễn Thanh Hùng (Đại học Huế) nhấn mạnh.