Giáo dục

Nhân đôi điểm môn Toán, Ngữ văn có còn phù hợp?

Thu Hương 15/07/2024 08:16

Năm 2025 là năm đầu tiên thi vào lớp 10 theo chương trình GDPT 2018. Sẽ có những thay đổi như thế nào về đề thi, phương thức xét tuyển là băn khoăn của các nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh (HS) chuẩn bị bước vào lớp 9 năm học tới.

anhbaitren.jpg
Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT ở Hà Nội. Ảnh: Hàn Minh.

Xóa bỏ quan niệm cũ

Chị Trần Minh Hà, phụ huynh có con học tại Trường THCS Trần Phú, TP Phủ Lý, Hà Nam cho biết, nhiều năm trở lại đây, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập không chuyên ở Hà Nam vẫn tính điểm môn Toán, Ngữ văn nhân hệ số 2, trong khi môn Ngoại ngữ tính hệ số 1. Điều này khiến việc học trên lớp hay chọn lớp học thêm bên ngoài cũng ưu tiên môn Toán và Ngữ văn hơn. Môn Ngoại ngữ không được đầu tư nhiều, dẫn đến sau này vào đại học rất vất vả để theo học.

“Con trai tôi vừa vào đại học và kết quả thi tiếng Anh rất kém. Dù biết tiếng Anh rất quan trọng nhưng để cạnh tranh một suất vào cấp 3, sau đó xét tuyển vào đại học chọn tổ hợp khối A nên ngoại ngữ hầu như chỉ học cơ bản, không thể dành nhiều thời gian để học môn này” - chị Hà nói và mong muốn sắp tới các môn thi sẽ bình đẳng nhân hệ số 1 như nhau để thúc đẩy việc học ngoại ngữ trong nhà trường nói chung và mỗi HS nói riêng.

Hiện với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025, TPHCM và nhiều tỉnh thành khác như Lai Châu, Hà Tĩnh, Sơn La… đã áp dụng cách tính điểm của 3 môn thi chung Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh với hệ số 1. Trong khi đó, tại nhiều địa phương khác như Hà Nội, Hà Nam… vẫn áp dụng nhân hệ số 2 đối với môn Ngữ Văn và Toán, Tiếng Anh hệ số 1. Đã có nhiều ý kiến ủng hộ việc bỏ nhân đôi hệ số môn Toán, Ngữ văn, đặc biệt là trong kỳ thi sau 2025 với nhiều đổi mới. Ông Đinh Đức Hiền - giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, việc nhân đôi như hiện nay vô hình chung đẩy áp lực cho HS, phụ huynh lên cao, thậm chí cho chính giáo viên dạy 2 môn này về mặt gánh thành tích, dẫn đến tình trạng phân biệt môn chính, môn phụ rõ nét.

“Mục tiêu giờ đây không chỉ là kiến thức mà quan trọng hơn là năng lực, phẩm chất, làm sao đánh giá HS một cách toàn diện. Do vậy, từ kỳ thi vào lớp 10 năm 2025 cần có những thay đổi phù hợp với chương trình mới” - ông Hiền nêu quan điểm.

Mong sớm công bố phương án xét tuyển

Để xóa bỏ quan niệm môn chính, môn phụ vốn ăn sâu vào nếp suy nghĩ của nhiều người, việc cần xem xét lại hình thức kiểm tra đánh giá, cách tính điểm sao cho phù hợp trong một kỳ thi quan trọng như thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập. Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, việc nhân hệ số 2 điểm thi môn Ngữ văn, Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại nhiều địa phương hiện nay là kết quả của quan niệm, cách đánh giá cũ, trong đó, 2 môn Toán, Ngữ văn vẫn được cho là những môn quan trọng, cần thiết, nên hệ số điểm cao hơn. Cũng bởi vậy, lâu nay, nhiều HS, phụ huynh và cả giáo viên vẫn có tâm lý coi đây là 2 môn chính, các môn còn lại là môn phụ.

Ông Bình cho rằng, đây là quan niệm không phù hợp, cần xóa bỏ, tiến tới việc đánh giá các môn công bằng như nhau để HS phát triển một cách toàn diện nhất. Với cấp THCS là chương trình giáo dục cơ bản, quan điểm của nhà giáo này đó là các môn đều như nhau. Mùa tuyển sinh 2025 là năm đầu tiên thi vào lớp 10 của lứa HS học theo chương trình GDPT 2018 nên việc thi tuyển cần được nghiên cứu, tính toán sao cho thực sự khoa học, đánh giá được năng lực của HS, giúp cho việc tuyển sinh vào 10 được chính xác nhất, phù hợp với chương trình GDPT mới.

Vì thời gian không còn nhiều, cả giáo viên và phụ huynh đều mong muốn các Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) sớm công bố những thay đổi nếu có của kỳ thi này, đặc biệt là việc đổi mới đề thi theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS; coi trọng ứng dụng kiến thức được học vào thực tiễn. Bởi cần có sự chuẩn bị, tập dượt trong quá trình học để HS không bị sốc khi gặp đề thi đổi mới. Minh chứng rõ nhất là đề thi môn Toán tuyển sinh lớp 10 ở TPHCM năm 2024 vừa qua đã tạo ra rất nhiều những phản ứng trái chiều, trong đó có những giọt nước mắt vỡ òa của thí sinh vì nhận đề thi với những dạng bài ít được giảng dạy trên lớp, đặc biệt là các bài toán ứng dụng thực tế.

Học gì thi nấy nên đổi mới kỳ thi dù quan trọng và cấp thiết cũng cần có lộ trình. Các chuyên gia cho rằng Bộ GDĐT cần có định hướng chung cho các Sở GDĐT về định dạng cấu trúc đề thi để các địa phương vừa phát huy sáng tạo, tự chủ; vừa tuân thủ yêu cầu cơ bản, thiết yếu của học vấn phổ thông ở kỳ thi này. Giáo viên từ đó cũng chủ động nắm bắt để có biện pháp giảng dạy sát thực tế. Với địa phương cần sớm có ngân hàng đề thi, đề minh họa để giáo viên, HS tham khảo, tập dượt làm quen.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân đôi điểm môn Toán, Ngữ văn có còn phù hợp?